Nước ngoài công khai kết quả nghiên cứu như nào?

Theo GS Nguyễn Tuấn, nhà khoa học nước ngoài thường công bố dưới dạng bài báo khoa học trên các tập san có bình duyệt hoặc đăng kí bằng sáng chế.
Nước ngoài công khai kết quả nghiên cứu như nào?

Tạp chí Ngày Nay Online phỏng vấn GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) về vấn đề công khai các kết quả nghiên cứu khoa học, theo tinh thần của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Nước ngoài công khai kết quả nghiên cứu như nào? - anh 1

Công khai kết quả nghiên cứu trên các tạp chí uy tín

Thưa GS, ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần đề nghị Bộ KH&CN công khai các kết quả nghiên cứu khoa học. Là người làm trong ngành Y, ông có dễ dàng theo dõi các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước không?

- Đây là một vấn đề lớn của khoa học Việt Nam. Rất nhiều nghiên cứu sinh trong nước khi bảo vệ đề cương thì hay bị bắt bẻ là tại sao không trích dẫn các nghiên cứu ở trong nước mà chỉ trích dẫn nghiên cứu ở nước ngoài. Nhưng vấn đề là rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam không được công bố nên làm sao người khác có thể trích dẫn được hay biết người đi trước đã làm gì?Nhưng cũng có trường hợp khác là có nghiên cứu được công bố trên một tập san nào đó ở trong nước, nhưng vì số người có thể tiếp cận tập san quá ít và vì chưa được “số hoá”, nên cũng chẳng có bao nhiêu đồng nghiệp tiếp cận được nghiên cứu.

Do chưa có một thư viện có hệ thống về các công trình nghiên cứu đã và đang thực hiện, nên dẫn đến tình trạng rất nhiều nghiên cứu bị trùng lặp nhau hết năm nay sang năm khác. Đó chính là lí do tại sao nhiều nghiên cứu (tôi chỉ nói ngành y) đọc tựa đề lên là nghe “quen quen”. Tình trạng trùng lặp nghiên cứu dẫn đến lãng phí trong khoa học, và tôi nghĩ đó là một điều quá đáng tiếc.

Tôi đang tính đến một dự án là sẽ lập một cơ sở dữ liệu giống như Pubmed (thư viện y khoa toàn cầu) cho Việt Nam, để tập hợp tất cả những nghiên cứu y sinh học đã được công bố trên các tạp chí trong nước. Việc này thật ra không khó mấy nếu có sự hợp tác của các tập san trong nước.

Ở Úc, việc công khai các kết quả nghiên cứu với cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng như nào?

- Việc công bố kết quả nghiên cứu ở những nước như Úc hay Mĩ thì tôi thấy gần như là một mặc định. Khi các nhà khoa học nhận được tài trợ để làm nghiên cứu, thì họ hiểu rằng họ có nghĩa vụ phải công bố kết quả nghiên cứu. Nếu không công bố thì nhà khoa học tự biết rằng khả năng để xin tài trợ trong tương lai là rất thấp.

Bởi vậy, khi xét đề cương nghiên cứu, hội đồng không chỉ xét qua ý tưởng và chất lượng khoa học, mà còn phải xem xét đến thành tích công bố của nhà khoa học trong quá khứ, đặc biệt là trong 5 năm qua. Một nhà khoa học có thể có nhiều công bố trong quá khứ, nhưng nếu trong 5 năm qua có ít công trình có chất lượng tốt hay không có công bố thì khả năng xin được tài trợ rất thấp.

Còn hình thức công bố thì có thể khác nhau giữa các ngành, nhưng nói chung thì họ thường công bố dưới dạng bài báo khoa học trên các tập san có bình duyệt (tiếng Anh gọi là peer-reviewed journals, để phân biệt với những tập san dỏm). Một hình thức công bố khác là đăng kí bằng sáng chế. Có những dự án nghiên cứu ứng dụng (thường là công nghệ) mà sản phẩm có tiềm năng thương mại thì có khi nhà khoa học tạm hoãn việc công bố kết quả trên các tập san khoa học để đăng kí bằng sáng chế trước. Cũng có khi họ công bố kết quả trước nhưng họ không công bố các qui trình và phương pháp cụ thể vì đó là lĩnh vực họ dùng để đăng kí bằng sáng chế.

Nước ngoài công khai kết quả nghiên cứu như nào? - anh 2

Công khai kết quả nghiên cứu, ý kiến của GS Nguyễn Văn Tuấn (bên phải)

Nhưng có khi, các tạp chí khoa học quốc tế đòi người đọc phải trả tiền để có được bài báo. Thế thì tuy nói là công bố, nhưng sẽ ít người tiếp cận kết quả nghiên cứu?

- Không phải tạp chí nào cũng đòi người đọc phải trả tiền để được đọc. Tôi nghĩ về khía cạnh này, có thể chia làm 3 loại tạp chí. Loại 1 là tất cả các tạp chí Mở đều không lấy tiền độc giả, và bất cứ ai ở bất cứ nơi nào cũng có thể theo dõi. Loại 2 là những tạp chí nửa mở nửa đóng. Những tạp chí lớn (ví dụ như New England Journal of Medicine, JAMA, JCI) thì họ ấn định thời gian “cấm cảng” là 3 hay 6 tháng, và trong thời gian này chỉ có người là hội viên mới truy cập được.

Sau thời gian cấm cảng đó thì tạp chí mở cửa cho bất cứ ai vào đọc. Loại 3 là những tạp chí của các hiệp hội chuyên ngành chỉ mở cửa cho hội viên, còn người ngoài hiệp hội thì phải trả tiền để đọc. Tuy nhiên, trong thực tế, dù tạp chí loại nào, thì người đọc vẫn có thể liên lạc tác giả và họ vui vẻ gửi bài báo cho bất cứ ai yêu cầu. Ngày nay, còn có vài trạm internet như Research Gate và Academia cũng được các nhà nghiên cứu hay sử dụng để chia sẻ bài báo khoa học.

Ngoài ra, còn có tạp chí cho tác giả lựa chọn hình thức công bố Mở (để bất cứ ai cũng đọc được) nhưng tác giả phải trả thêm ấn phí.

Tôi phải nói thêm là hiện nay, rất nhiều cơ quan tài trợ ở các nước phương Tây yêu cầu các nhà khoa học, ngoài việc công bố bài báo trên các tập san quốc tế, họ còn phải lưu trữ những bài báo đó ở một trang web thuộc trường đại học. Không chỉ bài báo, mà nhà khoa học còn phải công bố toàn bộ dữ liệu trong một trang web để bất cứ ai cũng có thể truy cập, và nếu cần, kiểm tra. Tôi nhấn mạnh là toàn bộ dữ liệu, chứ không phải chỉ vài dữ liệu chính.

Giáo sư nói là nhà khoa học phải công bố cả dữ liệu nghiên cứu? Tại sao các cơ quan tài trợ yêu cầu khắt khe như thế?

- Không chỉ cơ quan tài trợ khoa học, mà ngay cả những tạp chí khoa học lớn và có uy tín cũng yêu cầu tác giả phải nộp dữ liệu vào một website nào đó của tạp chí để người khác có thể kiểm tra khi cần thiết. Lí do cho yêu cầu này là vì trong quá khứ có khá nhiều trường hợp gian dối trong khoa học, và nhiều kết quả nghiên cứu không thể lặp lại được, nên các cơ quan tài trợ yêu cầu phải công khai dữ liệu và kết quả nghiên cứu.

Một lí do khác là nhiều người không công bố kết quả nghiên cứu vì kết quả không phù hợp với giả thuyết của họ hay của nhà tài trợ, và tình trạng này dẫn đến lệch lạc trong khoa học. Lí do quan trọng khác là giới khoa học muốn minh bạch hoá và giúp người đi sau có thể lặp lại những nghiên cứu trước đây, nếu cần thiết.

Việc công bố dữ liệu chi tiết như thế nào?

- Nói một cách ngắn gọn là công bố dữ liệu đầy đủ sao cho người khác có thể lặp lại nghiên cứu hay lặp lại phân tích. Chẳng hạn như tôi làm nghiên cứu trên 1000 bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân tôi thu thập, đo lường 100 chỉ số, thì tôi phải công bố tất cả 100,000 dữ liệu đó.

Nhiều tạp chí không chỉ yêu cầu công bố dữ liệu thô, mà còn phải kèm theo các hình ảnh gốc và mã máy tính dùng trong phân tích dữ liệu. Đối với các công trình nghiên cứu như thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, thì bản đề cương nghiên cứu với phần mục tiêu và phương pháp cũng phải được công bố kèm theo dữ liệu.

Ở nước ngoài, Nhà nước đóng vai trò gì trong việc minh bạch khoa học như giáo sư nói?

- Phong trào minh bạch khoa học khởi đầu từ vấn đề gian lận khoa học, và các cơ quan quản lí khoa học của Mĩ rất quan tâm đến vấn đề này, nên Quốc hội ra đạo luật yêu cầu các nhà khoa học phải công bố kết quả và lưu trữ dữ liệu một cách có hệ thống.

Các chính phủ ở Anh, Úc, Canada, và nhiều nước Âu châu cũng làm theo Mĩ, tức xiển dương minh bạch hoá các kết quả và dữ liệu nghiên cứu khoa học. Vai trò của chính phủ thường là cấp tài trợ cho những dự án để phục vụ cho minh bạch hoá khoa học, nhưng ở vài nơi, vài cơ quan Nhà nước đứng ra quản lí thông tin luôn.

Ở Việt Nam, có ý kiến lo ngại, trong tình trạng các hội đồng nghiệm thu còn nể nang nhau, nếu không công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu thì rất dễ “tiếp tay” cho sự dối trá trong khoa học. GS có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tình hình ở Việt Nam thì có khác đôi chút so với nước ngoài như Úc. Ở Việt Nam thì có hội đồng để nghiệm thu đề tài sau khi thực hiện xong, còn ở nước ngoài thì không có hội đồng nghiệm thu.

Tôi có dịp dự vài buổi nghiệm thu với tư các quan sát viên, và thành thật mà nói, tôi không thích cách làm “nghiệm thu” lắm. Có trường hợp người ngồi trong hội đồng nể nang nhau (kiểu như “anh không sờ vai tôi, tôi không sờ vai anh”) nên cuối cùng thì đề tài nào cũng được thông qua, nhưng kết quả nghiên cứu thì rất ít người có thể tiếp cận được.

Ngược lại, ở Úc, việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san có bình duyệt được hiểu ngầm như là đã được nghiệm thu bởi cộng đồng khoa học, nên chủ đề tài không phải qua một khâu “nghiệm thu” như ở Việt Nam. Vả lại, mỗi năm người ta tài trợ cho hàng ngàn đề tài nghiên cứu và mỗi nghiên cứu thường kéo dài từ 3-5 năm, việc tổ chức hàng ngàn hội đồng với hàng vạn người ngồi trong các hội đồng đó là việc làm không thực tế.

Theo GS, Việt Nam nên yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu như thế nào (với khoa học cơ bản và ứng dụng)?

- Về nguyên tắc, công bố kết quả nghiên cứu đối với khoa học, dù là ứng dụng hay cơ bản, là một phần của nghiên cứu. Lí do đơn giản là vì bản chất của khoa học là minh bạch. Minh bạch từ phương pháp tiếp cận đến kết quả làm ra. Trong thời đại có quá nhiều nghiên cứu mà chất lượng có vấn đề thì nhu cầu công bố nghiên cứu còn cấp thiết hơn nữa.

Ở Việt Nam, theo tôi biết thì nhiều cơ quan tài trợ cho khoa học đặt nặng đến khâu nghiệm thu đầu ra, chứ chưa xem công bố quốc tế là ưu tiên. Chính vì thế mà nhiều nhà khoa học tìm cách đáp ứng nhu cầu nghiệm thu, hơn là quảng bá kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc tế. Nhưng ở Việt Nam có Quĩ NAFOSTED cũng yêu cầu nhà khoa học nhận tài trợ từ Quĩ phải có công bố quốc tế, và tôi thấy đó là mô hình cần nên nhân rộng cho các quĩ tài trợ khoa học khác.

Ông có đề nghị gì cụ thể hơn không?

- Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm theo một trong hai mô hình mà tôi nghĩ đến như sau: “mô hình địa phương”, và mô hình toàn quốc.

Mô hình thứ nhất, tạm gọi là “mô hình địa phương”, là mỗi đại học hay trung tâm nghiên cứu lập một “depository” (kho trữ tài liệu) để các nhà khoa học có thể lưu trữ bài báo đã công bố hoặc dữ liệu ở đó. Đây là hình thức mà các đại học phương Tây, kể cả đại học Úc, rất ưu chuộng.

Mô hình thứ hai là đăng kí nghiên cứu. Trên thế giới ngày nay, tất cả các thử nghiệm lâm sàng, bất kể làm ở đâu trên thế giới (kể cả Việt Nam) và bất luận do ai tài trợ, đều phải đăng kí trước khi thực hiện. Nơi đăng kí thường là clinicaltrials.gov bên Mĩ. Hồ sơ đăng kí bao gồm những chi tiết như mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, và có khi cả kết quả chính dự báo.

Nếu nhà nghiên cứu không đăng kí thì kết quả sẽ không có tập san nào chịu công bố. Tôi nghĩ Bộ KHCN có thể làm theo mô hình này, tức là lập ra một trang web giống như clinicaltrials.gov. Khi đề cương nghiên cứu đã được phê chuẩn thì thông tin về đề cương đó sẽ được công bố trên website. Khi nghiên cứu đã thực hiện xong, thì nhà nghiên cứu có thể gửi bài báo đã công bố cùng dữ liệu ở đó.

Việc lưu trữ bài báo trên một website trong vài trường hợp có thể mâu thuẫn với bản quyền của nhà xuất bản, nhưng kinh nghiệm cho thấy Bộ KHCN hay đại học có thể thương lượng với nhà xuất bản. Làm được như thế tôi nghĩ sẽ giúp cho khoa học Việt Nam rất tích cực.

Nói chung, trào lưu hiện nay là khoa học phải minh bạch và chia sẻ với nhau. Cái thời mà khoa học vận hành như là một hoạt động khép kín, có phần bán bí mật đã qua lâu rồi. Cái thời mà nhà khoa học giữ dữ liệu cho riêng mình cũng đã qua lâu rồi. Thời đại ngày nay, giới khoa học hợp tác với nhau và chia sẻ dữ liệu với nhau được xem như là một chuẩn mực về đạo đức khoa học. Không có lí do gì mà Việt Nam đi ra ngoài trào lưu minh bạch và hợp tác đó.

Xin cảm ơn GS !

Hoàng Tuân
(thực hiện)

Xêm thêm:

Bộ Tài chính sẽ xem xét tổ chức đối thoại với các nhà khoa học

Đưa cán bộ ra nước ngoài sai quy định, Bộ KH&CN nói gì?

Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.