Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là nhận định được giới chuyên gia quân sự đưa ra hôm 19/8 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn thương vụ bán 66 tiêm kích F-16V “Viper” do hãng Lockheed Martin sản xuất cho Đài Loan. Giá trị của thương vụ này là 8 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn đang chờ phê duyệt từ Thượng viện Mỹ.
Chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong cho rằng việc Mỹ bán mỗi chiếc F-16V với giá 120 triệu USD cho Đài Loan là quá đắt. Tuy nhiên, sở hữu F-16V sẽ giúp Đài Loan tăng khả năng đối phó trước mối đe dọa từ các cuộc không kích của lực lượng chiến đấu cơ chủ lực Trung Quốc.
“Giá bán của F-16V là rất đắt đỏ, nhưng ít nhất năng lực tấn công của tiêm kích này tương xứng với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 3 của Trung Quốc như J-10C và cả J-16. Thậm chí, F-16V còn có thể phát hiện máy bay tàng hình hiện đại nhất của Trung Quốc là J-20 ở khoảng cách xa”, ông Wong nói.
Cũng theo ông Wong, “F-16V không thể đánh bại J-20 vì khoảng cách năng lực nhưng chắc chắn, việc Đài Loan sở hữu F-16V sẽ khiến Bắc Kinh phải cân nhắc lại cái giá phải trả khi tấn công Đài Bắc”.
Nếu thương vụ mua bán F-16V giữa Mỹ và Đài Loan diễn ra trót lọt, đây sẽ là động thái tăng cường năng lực quốc phòng đáng kể cho Đài Bắc.
Ông Chieh Chung, nhà nghiên cứu an ninh cấp cao tại Viện Chính sách ở Đài Bắc cho biết tiêm kích F-16V “Viper” được trang bị động cơ và bình nhiên liệu tối tân hơn so với các dòng F-16 khác. Nói cách khác, F-16V “Viper” mang theo được nhiều nhiên liệu hơn và di chuyển quãng đường xa hơn cũng như tiến lại gần Trung Quốc đại lục hơn.
Theo ông Chieh, những loại vũ khí và tính năng mới trang bị cho F-16V “Viper” có thể tăng khả năng tấn công không đối đất cho máy bay so với các thế hệ trước và biến F-16V “Viper” trở thành một đối thủ đáng gờm với quân đội Trung Quốc.
Song nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, ông Song Zhongping lại cho rằng dù F-16V được trang bị thêm vũ khí và phạm vi hoạt động xa hơn, nhưng nó vẫn chưa thể là đối thủ của hệ thống chiến đấu toàn diện mà quân đội Trung Quốc đang nắm trong tay.
“Thương vụ mua bán F-16V của Mỹ - Đài Loan sẽ khiến Trung Quốc khó chịu, nhưng nó không thể làm thay đổi cán cân sức mạnh giữa Trung Quốc và Đài Loan. Đài Loan nằm quá gần Trung Quốc đại lục, do đó mọi động thái của chiến đấu cơ Đài Loan đều bị quân đội Trung Quốc theo dõi sát sao”, ông Song cho hay.
“Cán cân sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan không chỉ quyết định thông qua sức mạnh của các máy bay quân sự mà còn cả một hệ thống chiến đấu toàn diện. Theo đó, Trung Quốc đã cho phát triển một hệ thống chiến đấu ba chiều gồm mặt đất, trên không và trên biển với sự tham gia của các chiến đấu cơ, tên lửa, chiến hạm, vệ tinh và nhiều thành phần khác. Trong khi đó, Đài Loan lại không có một số thành phần chiến đấu như của Trung Quốc”, ông Song nói thêm.
Ông Song cũng nhấn mạnh, Đài Loan vẫn chưa có chuỗi cung ứng công nghiệp quân sự nên buộc phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ. Đây là lý do cản trở Đài Loan sở hữu những loại vũ khí hiện đại để tiến tới hoàn thiện toàn diện khả năng chiến đấu.
Thêm vào đó, ngoài khoản chi 8 tỷ USD để mua các chiến đấu cơ F-16V, Đài Loan còn phải chi thêm 330 triệu USD để nâng cấp 144 tiêm kích F-16A và F-16B lên ngang bằng tiêu chuẩn của F-16V.
Hồi tháng Bảy, Mỹ cũng đã thông qua thương vụ bán lô vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan bao gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams và 250 tên lửa đất đối không Stinger. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan là nhằm “thúc đẩy nền hòa bình” trong khu vực.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc. Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào lãnh thổ đại lục.
Trong khi đó, dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Mỹ vẫn hỗ trợ Đài Loan cải thiện năng lực quốc phòng.