"Mẹ tôi khi sáng còn rất tỉnh táo, còn nói với tôi mua thêm thuốc cảm để bà uống. Sau đó, bà nhắn con cháu vào đủ mặt để bà nhìn lần cuối. Bà linh cảm sắp sửa đi xa" – nghệ sĩ Hoa Lan đã khóc khi kể về mẹ mình.
Nghệ sĩ Hoài Dung sinh năm 1937, là vợ của soạn giả Nguyễn Huỳnh – cha đẻ của tác phẩm cải lương nổi tiếng "Tướng cướp Bạch Hải Đường".
Bà sinh ra trong gia đình đông anh em tại tỉnh Vĩnh Long. Ông nội và ông ngoại đều là những người đờn trong gánh hát cải lương. Cha của bà là nghệ nhân Tư Tuất khá nổi danh những năm 1930 ở Vĩnh Long. Chị ba là nghệ sĩ Ngọc Cảnh từng là đào hát.
Nghệ sĩ Hoài Dung tên thật là Phạm Thị Ngọc Dung. Những ngày đầu đến với nghề hát, bà mang nghệ danh Ngọc Tình.
Nghệ sĩ Hoài Dung khi còn trẻ |
Năm bà 12 tuổi đã nổi tiếng trên sân khấu đoàn Tỷ Phượng, hát vai Nghi Xuân trong tuồng "Phạm Công - Cúc Hoa" (khoảng năm 1950).
Bà đã được NSND Phùng Há nhận làm con nuôi và đổi nghệ danh cho hai chị em là Hoài Dung - Hoài Mỹ. Hai chị em khá nổi danh với vai Ân Giao, Ân Hồng trong vở "Khoét mắt Khương Hoàng Hậu" (năm 1954). Cuộc đời đưa đẩy hai chị em bà tham gia nhiều đoàn hát, cho đến khi bà thành hôn với soạn giả Nguyễn Huỳnh.
Ông đã lập gánh hát mang tên "Hoài Dung - Hoài Mỹ" để vợ và gia đình có nơi hoạt động nghệ thuật. Thời kỳ này, phim Ấn Độ rất ăn khách, ông là người chủ trương đưa các tích tuồng Ấn Độ vào nghệ thuật cải lương. Ông đã phóng tác một số tuồng cải lương Ấn Độ rất ăn khách, đồng thời bà chính là nữ nghệ sĩ thể hiện các vai nữ chính của đoàn.
Nghệ sĩ Hoài Dung và soạn giả Nguyễn Huỳnh |
Đoàn "Hoài Dung – Hoài Mỹ" nổi tiếng với các tuồng cải lương Ấn Độ như: "Công chúa Cá, phò mã cùi", "Phi tặc Hải Đường Hồng", "Hai mảnh Hoa Tiên" (viết chung với Yên Hà), "Kiếp chồng chung"(viết chung với Điêu Huyền), "Vua mặt sắt", "Tình Sơn Nữ", "Chiếc nhẫn Kim Cương"," Kỳ nữ Hạnh Đào"… Năm 1978, soạn giả Nguyễn Huỳnh qua đời. Nghệ sĩ Hoài Dung sau đó cũng nghỉ hưu. Bà vào sinh sống ở Khu dưỡng lão nghệ sĩ năm 2009.