Nguyễn Thụy Kha - Giọt máu xanh chảy lặng lẽ…

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hôm nay, 17/3/2025, những người ruột thịt ít ỏi của Nguyễn Thụy Kha - vợ và con gái ông, cùng giới văn học nghệ thuật Việt Nam và rất rất đông bạn bè, công chúng thương quý, mến mộ Nguyễn Thụy Kha đã tiễn biệt ông trong không khí đặc biệt của một tang lễ thật đặc biệt.
Nguyễn Thụy Kha - Giọt máu xanh chảy lặng lẽ…

Nguyễn Thụy Kha, người sĩ quan thông tin từng viết đơn tình nguyện nhập ngũ, vào Trường Sơn thời đạn bom, viết những vần thơ đầu tiên trong cơn sốt rét rừng, những nốt nhạc đầu tiên dưới bom B52 rải thảm, đã ra khỏi chiến tranh không còn quân tịch, không biên chế, không lương, không hộ khẩu, không tem phiếu, không việc làm chính thức, người đã hơn 40 năm "sống tự do, viết tự do", rất rất lâu trước khi có mọi cơ chế cởi mở thông thoáng, mọi sự "xé rào", đã ra đi trong một tang lễ mà người chủ trì là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; hai phó ban tang lễ là hai Chủ tịch hai Hội: Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ.

Cả một cuộc đời, nói như cụ Nguyễn Du mà không hề sợ quá lời: "Giang hồ quen thú vẫy vùng/Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo", không biết lúc biết mình sắp ra đi, Nguyễn Thuỵ Kha có khi nào mỉm cười vì cái sự long trọng quá mức này không? Vì, dù với cái dáng cao lớn và khuôn mặt phong trần lãng tử, mặc gì cũng đẹp, chưa ai thấy ông Kha mặc nguyên bộ complet cravate giày tây đen bóng bao giờ trừ trong đám cưới con gái. Kiểu gì cũng thiếu hay thừa chi tiết nào đó. Y như cái cách ông không thể nào tự hoàn chỉnh được hồ sơ quân nhân của mình để chuyển ngạch an toàn từ lương thiếu tá sang lương tương đương vụ phó bên dân sự vậy.

Nhưng cũng có thể chính vì thế mà "mệnh giời" xui khiến ông làm "hồ sơ nghệ thuật" cho đồng nghiệp chi li, kỹ càng, chính xác, ông "chiêu tuyết" cho tiền bối, phát hiện các mầm non, nhiều, nhiều đến mức khi thống kê các đầu việc, các công trình đã xuất bản, công diễn, trình chiếu... của ông, tất cả bạn bè, cộng sự thân thiết nhất đều phải giật mình.

Thống kê đầy đủ nhất của Phòng tranh 39 Lý Quốc Sư, nơi ông thường xuyên lui tới nhất với tư cách "cố vấn" cho người em yêu quý Lê Thiết Cương cho thấy hết tầm vóc, sức lao động, tâm huyết và tấm lòng của ông Kha với nền văn nghệ nước nhà.

Trong các tác phẩm của Nguyễn Thuỵ Kha để lại, có một vệt rất lớn những bài báo, tiểu luận, khảo cứu, phim tài liệu về các bậc tiền bối, đồng nghiệp.

Không phải là những năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai, khi internet và mạng xã hội đã là một phần tất yếu của cuộc sống và showbiz thành một ngành công nghiệp văn hoá thì Nguyễn Thuỵ Kha mới đau đáu "tầm nguyên" những giá trị gốc và từ tốn bình thản viết tay trên giấy trắng những tư liệu chỉ mình ông tìm thấy về những khoảng thời gian bị khuất lấp của Văn Cao, Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Hoàng Cầm, Phạm Duy, của các nhạc sĩ thuở bình minh tân nhạc Việt Nam, của những nhạc sĩ "viết ít thôi, lại không được phát sóng nhiều trên Đài nên bị thiệt thòi. Nhưng nửa thế kỷ Bài hát Việt Nam mà không có "Nhớ đàn xe nước" của Vân Đông thì thiệt thòi cho âm nhạc Nam Trung Bộ quá" - Nguyễn Thụy Kha nói với người viết bài này từ năm 1994, khi cùng nhạc sĩ Hồng Đăng làm Nửa Thế kỷ bài hát Việt Nam - chương trình lớn xuyên Việt đầu tiên của cái thuở manh nha "công nghệ biểu diễn".

Bạn bè kể quá nhiều kỷ niệm với Nguyễn Thuỵ Kha, nhất là những cuộc rượu "tri kỷ tri âm tri tửu", tôi không biết may hay không may, bao nhiêu lần gặp ông là bấy nhiêu lần vì công việc, mà lãi nhất là hầu như toàn được ngồi nghe ông "cố vấn" cho chương trình mình tham gia, hoặc cho chủ tịch hội đồng mình đang phỏng vấn.

"Ừ thì ông ấy đang nện mình, nhưng phần 4, sau 1975, mà không có "Bài ca người lính" của ông ấy là không được. Phải biết là ông ấy gốc Hoa, mà bài này về chiến tranh biên giới, chứng tỏ cái tâm nó vẫn yêu nước, bài hay thấm thía thế này phải đưa vào, chuyện ân oán tính sau" - Đấy là người nhạc sĩ, cựu binh Thụy Kha nói về quan điểm của mình với tác phẩm của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, trong một chương trình ông nhận trách nhiệm lên danh sách bài hát và mời ca sĩ.

"Thạch Hãn là mồ hôi của đá", cái đất Quảng Trị này nói về sự khắc nghiệt này chỉ cần nghe địa danh là đủ, nhưng khắc nghiệt đến thế mà người ta vẫn hát được thì bài hát nó phải hay đến thế nào. Chịu khó tìm kỹ một tí, nghe kỹ vào, đừng có lên mạng search tí nghe qua loa, không có cái gì đọng lại đâu”.

Cố vấn Thụy Kha cáu kỉnh khi tôi than thở cầu cứu: Ngoài bài "Cỏ non Thành cổ" với bài "Về miền Trung" ra, em không nhớ có gì hay về Quảng Trị cả.

“Người Hải Phòng vĩ đại nhất sau Trạng Trình có lẽ là Khánh đấy nhỉ! Sao lại có thằng nó viết được cái câu hay tê dại đến thế: "Thành phố ăn nằm với sóng biển/Đẻ ra một lũ cần lao". Là Kha, nói về Đào Trọng Khánh, biết là ông thậm xưng, nhưng phải yêu bạn, mến tài đến thế nào…

Giờ thì cả hai lại ồn ào như bến Tam Bạc dưới ấy rồi.

Có một dạo, giới văn nghệ cứ nửa đùa nửa thật: Ước gì được chết sau Kha, để Kha viết cho một bài khóc tử tế.

Giờ thì những người còn lại không thể ước được nữa rồi nhé.

Còn Kha, ông đã từ rất lâu, tự viết về mình và đồng đội: "Một thế hệ hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng vô danh/Cắn chặt răng không khóc/Cháy thành lửa, tắt thảnh vuông cỏ mọc/Chín muộn như không thể chín tự nhiên/Những năm/Những người lính/ Những giọt máu xanh/Chảy lặng lẽ trong thân hình bán đảo...".

Không thể chính xác hơn. Không cần thêm bất kỳ lời ai điếu nào…

Tác phẩm đã xuất bản của Nguyễn Thuỵ Kha

I/ Các tập Thơ:

1. Tiếng chim phía trước (NXB Quân đội - 1982)

2. Thành phố Sóng nhà (NXB Hà Nội - 1982)

3. Những giọt mưa đồng hành (NXB Tác phẩm mới - 1987)

4. Mắt thời gian (NXB Thanh niên - 1988)

5. Lúc ấy, biển (NXB Nghĩa Bình - 1989)

6. Không mùa (NXB Văn học - 1994)

7. Mẹ cửa biển (NXB Hải Phòng - 1998)

8. Lửa trắng và ớt xanh (NXB Tác phẩm mới - 1998)

9. Thời máu xanh (NXB Tác phẩm mới - 1999) – bản dịch tiếng Anh do NXB Đà Nẵng ấn hành 2017

10. Gió Tây Nguyên (NXB Quân đội - 2000)

11. Năm tháng và chiều cao (NXB Thanh niên - 2000)

12. Càn khôn ngàn tuổi (NXB Tác phẩm mới - 2000)

13. Biệt trăm năm (NXB Đà Nẵng - 2004)

14. Từ nhà ra phố (NXB Thanh niên - 2004)

15. Thuở binh nhì (NXB Hội Nhà văn - 2011)

16. Lúa tím (NXB Hội Nhà văn - 2012)

17. Thơ Nguyễn Thụy Kha (NXB Hội Nhà văn - 2013)

18. Trường ca ngắn và Kịch thơ (NXB Hội Nhà văn - 2014)

19. Hiền (NXB Hội Nhà văn - 2015)

20. Nàng (Trường ca – NXB Hội Nhà văn -2018)

21. 5 Trường ca (NXB HNV – 2019)

21. Cưng (NXB HNV – 2020)

22. Mây (NXB HNV – 2020)

II/ Văn xuôi:

1. Văn Cao- Người đi dọc biển (NXB Lao động 1992)

2. Hàn Mặc Tử- Thi sĩ đồng trinh (NXB Đà Nẵng 1994)

3. Một lần thơ trẻ (NXB Đà Nẵng 1995)

4. Nửa thế kỷ Tân nhạc Việt Nam (NXB Đà Nẵng 1998)

5. Đời nghệ sĩ- Tình nghệ sĩ (NXB Phụ nữ 1999)

6. Bóng thế kỷ (NXB Đà Nẵng 2002)

7. Nguyễn Thiện Đạo- Nhạc sĩ bị giời đày (NXB Đà Nẵng 2003)

8. Nhạc sĩ Phạm Tuyên (NXB Kim Đồng 2009)

9. Những bậc tài danh thế kỷ (NXB Văn hóa Sài Gòn 2014)

10. Thôi ta còn bạn bè (NXM Hội Nhà văn 2015)

11. Nguyễn Xuân Khoát (NXB Văn học 2017)

12. Lưu Hữu Phước (NXB Văn học 2017)

13. Đỗ Nhuận (NXB Văn học 2017)

14. Huy Du (NXB Văn học 2017)

15. Hoàng Việt (NXB Văn học 2017)

16. Nguyễn Văn Huyên- Bản giao hưởng văn hóa (NXB Văn học 2017)

17. Thuở bình minh Tân nhạc (NXB Văn học 2017)

18. Lời quê góp nhặt (NXB Văn học 2017)

19. Thế kỷ âm nhạc Việt Nam (NXB Văn học 2017)

20. Phạm Duy và tôi (NXB Văn học 2018)

21. Hương (tiểu thuyết – NXB Chính trị Quốc gia Sự thật 2022)

* Giải thưởng văn học:

1. Giải thưởng thơ báo Văn nghệ (1981- 1982) bài thơ “Những giọt mưa đồng hành”

2. Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 2004- tập thơ “Biệt trăm năm”

3. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2014- Tập “Trường ca ngắn và Kịch thơ”

III/ Âm nhạc

1. Tập ca khúc “Miền Trung riêng tôi” (NXB Đà Nẵng – 1998)

2. CD “Miền yêu dấu” (Hồ Gươm Audio -2009)

3. CD “Tình ca cây cầu” (Hồ Gươm Audio – 2009)

Giải thưởng âm nhạc

1. Ca khúc “Âm vang nhà máy” cuộc thi ca khúc toàn quốc 1985.

2. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 1996 – Những bài báo viết về âm nhạc từ 1980 – 1996.

3. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 1997 – Những bài báo viết về âm nhạc 1997.

4. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 1998 – Những bài báo viết về âm nhạc 1999.

5. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2000 – Cuốn sách “Những gương mặt âm nhạc thế kỷ”.

6. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2001 – Những bài báo viết về âm nhạc 2001.

7. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2002 – Những bài báo viết về âm nhạc 2002.

8. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2003 – Cuốn sách “Nguyễn Thiện Đạo – Nhạc sĩ bị giời đày”.

9. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2004 – Cuốn sách “Huy Du – Đạo và đời”.

10. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2006 – Những bài báo viết về âm nhạc 2006.

11. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2007 – Những bài viết trong cuốn sách Kỷ niệm 50 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

12. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2008 – Hợp xướng Quy Nhơn (phỏng thơ Văn Cao)

13. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam & Tập đoàn dầu khí Việt Nam 2009 – Hợp xướng “Trái tim Dung Quất” (thơ Thanh Thảo) – Tác phẩm được giải thưởng Phạm Văn Đồng 2010.

14. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2010 – Âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20. Âm nhạc Hà Nội thế kỷ 20 – Hợp xướng “Hải Phòng thuở ấy” (thơ Văn Cao) – Tuyển tập “1000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội).

15. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2011 – Hợp xướng “Sông Hồng hình tổ quốc” (thơ Nguyễn Đăng Đức).

16. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2012 – Ca khúc “Hà Nội tháng Chạp nóng”.

17. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2013 – Hợp xướng “Quảng Trị - Miền cát trắng”.

18. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2014 – Hợp xướng “Điện Biên”.

19. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2015 – Hợp xướng “Thiên nhiên” (thơ Hoàng Trần Cương).

20. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2017 – Cuốn sách “Thuở bình minh Tân nhạc”.

21. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2018 – Cuốn sách “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời đạn bom”.

22. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2019 – Cuốn sách “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời hòa bình”.

23. Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2020 – Hợp xướng “Hà Nội – Thu mênh mang”.

IV. Điện ảnh

1. Phim chân dung “Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cây đại thụ rợp bóng 500 năm” (Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao – Du lịch 1991)

2. Văn Cao (Hội Việt kiều Pháp – 1991)

3. “Một người Hà Nội” (HTV – 1992)

4. “Hàn Mặc Tử - thi sĩ đồng trinh” (HTV- 1992)

5. “Vũ Trọng Phụng – 10 năm và vĩnh cửu” (HTV 1992)

6. Phim hoạt hình “Làm thế nào để thơm như hoa” (Hãng phim hoạt hình – 1994)

7. “Phan Tứ - Một bút lực xứ Quảng” (Hội Nhà văn Việt Nam – 1995)

8. “Tế Hanh – đi từ một dòng sông” (HNV VN 1996)

9. “Thày Võ Hồng” (HNVVN – 1996)

10. “Yến Lan – một bến My Lăng” (HVN -1996)

11. “Trẻ con ở Sơn Mỹ” (HNV VN – 1998)

12. “Vết đạn 50 tuổi” (VTV – 2001)

Giải thưởng:

1. Giải thưởng Việt – Nhật “Nguyễn Bỉnh Khiêm – cây đại thụ rợp bóng 500 năm”- 1992

2. Giải thưởng kịch bản phim hoạt hình “Làm thế nào để thơm như hoa” (Hội Điện ảnh Việt Nam – 1994)

3. Phim tài liệu truyền hình (VTV – 2001)

Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 23/4/2025, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ khởi công trung tâm dữ liệu & Nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là trung tâm dữ liệu (TTDL) quy mô siêu lớn, thuộc Top 10 khu vực Đông Nam Á.
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
(Ngày Nay) - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Tại đại hội, cổ đông thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, đặc biệt là phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu.