Sáng nay 22/3, lễ viếng và truy điệu nhạc sỹ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8 giờ đến 10h30 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng sẽ được gia đình tổ chức cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Lễ tang nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức trang trọng.
Không giống như các lễ tang khác, gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng thông báo không nhận tiền phúng điếu theo di nguyện của cố nhạc sĩ. Những dòng ghi sổ tang chan chứa tình cảm tiễn biệt là điều quý giá nhất đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bà Phạm Thị Quý, em vợ của nhạc sĩ Thanh Tùng xúc động cho biết: "Anh Thanh Tùng ốm đã nhiều năm, biết sẽ có ngày hôm nay nhưng cũng không ngờ nó đến sớm vậy. Chị gái tôi đã ra đi từ năm 90, đã 26 năm rồi, anh Tùng vừa làm bố, vừa làm mẹ, chăm sóc những đứa con khôn lớn, dạy dỗ các con nên người. Các con của anh chị giờ đều đã trưởng thành, là do công lớn anh hướng nghiệp, dạy dỗ.
Anh Thanh Tùng là nghệ sĩ, chị tôi trước đó cũng là một nhà quay phim ở đài truyền hình, sau đó chuyển sang kinh doanh vàng bạc đá quý, rồi bất động sản thời điểm những năm 80. Hồi chị tôi mất, hai vợ chồng đã có 4 căn nhà ở quận 1, tp. Hồ Chí Minh. Sau khi vợ ra đi, anh vẫn còn kinh doanh và mua thêm một căn nhà nữa. Anh Tùng từng nói rằng khi chị tôi ra đi để lại các con tài sản, còn anh ra đi để lại cho các con một kho tàng văn hóa nghệ thuật sẽ còn mãi với thời gian.
Dù vợ nhạc sĩ qua đời được 26 năm nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn ở vậy không đi bước nữa và đối xử rất tốt với nhà bên vợ. "Khi còn sống anh chị tôi rất yêu thương nhau. Mặc dù có thể có những tình cảm mây gió nào đó nhưng trái tim anh ấy vẫn chỉ dành cho chị tôi. Khi vợ mất, các con anh Tùng còn nhỏ, thấy bố buồn một mình, cô đơn, cũng giới thiệu bạn gái nhưng anh không lấy bởi muốn trông nom các con và chị trước khi mất cũng không muốn cho anh đi bước nữa", bà Quý chia sẻ thêm.
Những tấm hình nhạc sĩ Thanh Tùng chụp cùng vợ con được đặt trang trọng trên bàn.
Con trai, con gái của nhạc sĩ Thanh Tùng được ông đặt tên lần lượt là Bách, Thông, Bạch Dương. Trong đám tang Thanh Tùng, các con ông kìm nén nỗi xúc động để lo trọn vẹn đám tang cho bố. Nước mắt họ chỉ rơi khi người con cả nói: “Chúng con chào bố nhé” trước khi đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Các con cố nhạc sĩ Thanh Tùng nhìn mặt bố lần cuối.
Chị Bạch Dương - con gái cố nhạc sĩ Thanh Tùng viết trong cuốn sổ lưu bút: "Bố đúng là típ người lãng mạn nhé, lại còn biết nấu ăn rất ngon cho các con. Bố hay hỏi con gái hôm nay thích ăn gì và còn mua hoa cắm... mà bố toàn mua những loại hoa mà 'Mẹ mày thích'". Trong hồi ức nhớ lại, chị viết năm 16 tuổi, bố mua tặng mình 100 bông hồng với dòng chữ "Mừng con gái Ba đã lớn".
"Con nhớ bố quá. Mọi người bảo con đừng khóc nhiều để bố sớm được siêu thoát, nhưng sao con cứ nhớ bố quá không kiềm chế được. Bố an nghỉ bố nhé, đoàn tụ cùng mẹ, mẹ sẽ chăm sóc cho bố, không để bố phải một mình nữa".
Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Khánh Hòa. Lên 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên, và tốt nghiệp năm 23 tuổi. Ông từng công tác tại nhiều nơi như chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II, chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Ông cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh, “Cánh chim báo tin vui” của Đàm Thanh... Từ 1987, ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác, trong đó rất nhiều ca khúc được khán giả nhiều thế hệ yêu thích như: “Hát với chú ve con”, “Hoàng hôn màu lá”, “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Ngôi sao cô đơn”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Hoa tím ngoài sân”, “Em và tôi”, “Phố biển”, “Mưa ngâu”, “Lối cũ ta về”... |
Ảnh: HD Media - Hải Bá
Giang Trần - Hoàng Nguyễn