Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’

Cuộc phỏng vấn này diễn ra trong không gian thật đặc biệt, giữa lúc Bông Mai “một mình một ngựa” băng qua 70km đường núi từ bản Nậm Tăm về lại thành phố Lai Châu sau ngày dài tác nghiệp với đồng bào người Lự. Giữa bốn bề đồng hoang núi thẳm, sau vài lần hỏi đường, sóng điện thoại chập chờn không dứt cùng một lần tạm gián đoạn để chị “chụp bắt mặt trời”, tôi đã cảm nhận một cách chân xác và say mê cái giá trị của “dám sống một cuộc đời rực rỡ” mà Bông Mai đang hết lòng san sẻ.

_____________________

Giữa ngày Mùng 2 Tết Nhâm Dần, cả “cõi mạng” nhốn nháo khi BTV, nhà báo Nguyễn Bông Mai - con gái cố nhạc sĩ An Thuyên, cựu thành viên nhóm Con gái, hiện là phóng viên Tạp chí Ngày Nay chọn đó là thời điểm đẹp để khởi hành chuyến đi được chị đặt tên là “99 ngày hạnh phúc”.

Ngoài chuyện được UNESCO thế giới bảo trợ suốt hành trình, chuyện văn hóa trên các bản làng Tây Bắc, chuyện phụ nữ đi một mình, tôi mong mỏi phác thảo từ Bông Mai một tấm chân dung khác - chân dung của người, có lẽ, đang tạo dựng những diễn ngôn rất mới về giới nữ ở thời hiện đại.

Qua những bài viết trên Ngày Nay và trang cá nhân, mọi người mường tượng hành trình 99 ngày của Bông Mai rất “xuôi”, thuận lợi. Vậy trước khi tới một địa điểm, quy trình liên lạc của chị như thế nào để có đủ từ nhân vật, thông tin tới nơi ăn chốn ở?

Với mục đích tìm hiểu văn hóa dân tộc nên tôi phải lên khung cho chuyến đi, từ cái to đến cái tiểu tiết. Vì dự định làm về 54 dân tộc, 99 ngày sẽ không đủ để đi hết nên tôi ưu tiên ghé thăm những dân tộc thiểu số, đặc biệt các cộng đồng nằm trong “sách đỏ”. Từ đó, khoanh vùng mình sẽ đi cụ thể tỉnh nào, bản nào.

Khi có địa điểm, tôi bắt đầu liên lạc với đầu mối. Có hai loại đầu mối. Một là “chính ngạch” như các sở, ban, ngành chỉ đạo văn hóa cấp tỉnh, huyện, xã... Tuy nhiên tôi thấy liên lạc qua đường này không hiệu quả, mất nhiều thời gian. Hầu hết những nơi tôi đến đều sử dụng kết nối qua bạn bè. Nhờ nguồn tin này, tôi liên hệ các nghệ nhân, quản lý các trung tâm, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa có sẵn trong những cộng đồng.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 1

Còn quy trình tác nghiệp, ví dụ nếu ngày mai ghi hình đồng bào Nhắng (Giáy) thì hôm nay tôi phải có mặt ở Lai Châu để làm việc với đầu mối. Bao giờ tôi cũng đến trước một ngày, dành nguyên buổi chiều để trao đổi cụ thể xem họ cung cấp những nội dung gì, có đúng như mình mong muốn không. Nếu thấy chỗ nào chưa phù hợp, tôi có thời gian kịp thời điều chỉnh để hôm sau mọi khớp nối đều trơn tru.

Trước đây, để cho ra đời các tác phẩm truyền hình, chị cần một ekip lớn. Vậy với ekip tối giản một người, chị xoay xở như thế nào?

Tôi từng ở vị trí sản xuất chương trình rồi quản lý sản xuất. Vai trò của người quản lý rất quan trọng bởi có tính thực tế, phải làm được tất cả những công việc mình giao cho người khác như lên kịch bản, quay phim, biên tập, hậu kỳ… Chính vì từng làm tốt vai trò người quản lý nên khi tối giản chỉ còn một mình, tôi có đủ kinh nghiệm. Dù vậy, một quy trình làm việc mới vẫn cần từ một đến hai tuần để chạy rốt-đa.

Cụ thể buổi sáng, tôi bắt đầu bằng việc đi quay. Tôi có ba thiết bị gồm một máy ảnh, hai GoPro. Bao giờ cũng quay trọn một bộ trước rồi tôi mới chuyển sang chụp ảnh, chụp các trang phục, cử chỉ của đồng bào. Tôi cũng chụp thêm ảnh đời sống tại bản làng, những nét sinh hoạt của người dân mình gặp trong buổi ghi hình hoặc trên đường đi.

Buổi tối về tôi ở trong vai trò của người làm hậu kỳ. Tôi xả file, lưu trữ vào ba nơi khác nhau để bảo đảm toàn bộ dữ liệu không bị thất lạc. Từ ba phần lưu trữ ấy, tôi lọc dữ liệu để đổ vào các sản phẩm dạng tin bài, vlog và podcast của mình.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 2

Trong nhật ký, chị từng nhắc đến những khoảnh khắc tưởng chừng bỏ cuộc, đó là lúc nào?

Thường mọi người nghĩ lúc ốm sẽ dễ bỏ cuộc, nhưng không phải. Trong tuần đầu tiên, tôi ốm liểng xiểng. Đã có lúc bạn bè người nhà còn đòi lên đón, không cho đi nữa nhưng tôi vẫn đi. Cho đến hiện tại, hơn một tháng trời, nhưng tôi chưa thấy lúc nào mình định từ bỏ cả, dù thỉnh thoảng có chút xao động vì nhớ nhà.

Nhớ lúc nghe tin con trai ốm ở Hà Nội, tôi đã định chạy về chăm nó đến khi ổn mới đi tiếp. Bởi từ bé, lúc ốm đau con chưa bao giờ rời tôi. Nhưng gọi về, con lại không đồng ý vì mọi chuyện vẫn ổn và muốn được tự lập. Tôi rút ra là để có thể đi được xa, bản thân cần có sự sắp xếp. Dù ở xa vẫn quan tâm, bao quát được mọi việc, mọi người, đó mới là điều quan trọng.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 3

Không khí lạnh tràn về rồi sự ảnh hưởng của COVID-19 có khiến chuyến đi của chị thêm vất vả?

Để nói thì thời tiết sẽ ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng thời tiết đối với tôi lại là chuyện không đáng kể bởi tôi trang bị đồ ấm khá kỹ và có kinh nghiệm từ các chuyến trekking. Khó nhất có lẽ phải nói đến trời mưa, bởi lạnh quá còn đi được chứ mưa thì chịu hẳn. Tôi thường vào những bản rất sâu, toàn đường đất, mưa thì ô tô lầy không đi được. Lái một mình nên tôi cũng hạn chế đi xa khỏi khu vực lưu trú trong lúc thời tiết xấu.

Còn về COVID-19, sáng nào tôi cũng tự test để bảo vệ mình và những người tiếp xúc. Ngoài đảm bảo công tác 5K, tôi sẽ chọn những điểm đến không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Xã nào làm chặt công tác dịch bệnh, không muốn người ngoài vào thì tôi cũng hạn chế.

Lái xe đường trường 6 - 7 tiếng một ngày, xuống xe lại chuẩn bị máy móc, nơi ăn chốn ở, vào bản là tác nghiệp, gặp gỡ bà con, thời gian đâu để chị viết lách, đọc sách và nghỉ ngơi?

Thực ra không phải ngày nào tôi cũng lái 6 - 7 tiếng. Trong một tuần, tôi sẽ sắp xếp ở nơi nào đó lâu hơn một chút để có thời gian sắp xếp lại công việc. Nếu đi đường dài, tôi dùng cả buổi sáng để lái xe, buổi chiều sẽ nghỉ. Các ngày đi quay, đi gặp đồng bào, tôi chỉ chạy loanh quanh 20 - 30km rồi chiều ngồi xả file, xem lại dữ liệu để tối viết lách. Nói chung đi như thế này phải rất khoa học.

Còn thời gian đọc sách với tôi là bắt buộc. Bởi trước khi làm về một đồng bào, tôi phải đọc, nắm được thông tin về họ. Ngoài đọc cho công việc, thỉnh thoảng tôi cũng đọc thêm vài cuốn hồi ký để thư giãn, tạm ngắt mình ra khỏi cái guồng đang làm. Bởi nếu quá tập trung, đi thêm một thời gian nữa thì rất dễ bị trơ, mất cảm xúc với những điều mình gặp.

Một người phụ nữ xa nhà, để lại gia đình, những mối quan hệ thân thiết, cả một vùng an toàn ở thị thành để đi một chuyến rất dài. Có lúc nào Bông Mai cảm cô đơn không?

Bản chất của solo road trip đã là một chuyến đi cô đơn rồi. Nhưng hiện nay, công nghệ có thể giải quyết rất nhiều vấn đề về mặt tâm lý, dù ở xa tôi vẫn biết được thông tin của mọi người. Hơn nữa, tôi đi thế này không chỉ riêng người nhà, bạn bè lo lắng mà trên hành trình lại “kết nạp” thêm rất nhiều người lo lắng nữa (cười).

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 4

Đó là cái hay của đi một mình, giống như trong thư ngỏ tôi đã viết, “99 ngày hạnh phúc” là hành trình một mình nhưng lại gặp được những người, những mối quan hệ mới mà họ coi tôi như gia đình, người thân.

Trước khi thực hiện hành trình “99 ngày hạnh phúc”, chị đã có nhiều chuyến công tác và du lịch lên Tây Bắc. Với những nơi chị từng đi qua, chị nhận xét gì về thay đổi trong cuộc sống của bà con?

Trước đây tôi đi theo kiểu du lịch, tức là không đi sâu vào văn hóa, chỉ check-in, trải nghiệm địa điểm. Còn lần này tôi đi sâu hơn, có thể nói sâu hơn rất nhiều so với những người sản xuất nội dung thông thường. Chính vì vậy, tôi nhận thấy có vài câu chuyện đáng bàn về văn hóa ở đây.

Như sự khác biệt giữa văn hóa trong sách vở và thực tế. Bản thân tôi đã đọc rất nhiều trước khi đi. Tôi nhận ra những điều viết trong sách, xuất hiện trên các trang thông tin chính thống, tưởng là thực tế nhưng khi đến nơi lại khác rất nhiều.

Ví dụ, về đồng bào La Ha, trong sách chỉ nhắc đến số liệu, phân bố dân cư, không đề cập đến tập tục, trang phục. Trên website của một đơn vị quản lý lớn về văn hóa, tôi cũng chỉ tìm được thông tin “trang phục của phụ nữ La Ha giống người Thái”. Nhưng nhìn vào thực tế, hai bộ trang phục tuy có cùng tỉ lệ do văn hóa người Thái ảnh hưởng, tuy nhiên cách dùng khăn piêu, cách cuốn đầu lại khác.

Hành trình của chị đặt mục tiêu rõ ràng là nghiên cứu văn hóa dân tộc, trọng tâm là trang phục và các điệu dân ca. Một tháng vừa qua, đi qua các bản làng, huyện thị, chị thấy ý thức lưu giữ văn hóa của đồng bào như thế nào?

Ở các cộng đồng, có những người rất tâm huyết. Phần lớn là những người già, tiếc nuối, trăn trở với công tác bảo tồn nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào từ nhiều phía, để họ tập trung vào việc lưu truyền, gìn giữ. Trong khi đó, văn hóa đối với các thế hệ từ 7x trở về sau đã phai nhạt rất nhiều. Họ không còn hào hứng tiếp thu, tìm hiểu, đôi khi còn không nắm được thông tin.

Như tôi thấy, văn hóa của người Phù Lá (Tủa Chùa, Điện Biên) đã bị ảnh hưởng, mai một nhiều. Chính những người trẻ trong cộng đồng cũng không biết giữ từ đâu, bắt đầu bảo tồn như thế nào. Trong chuyến đi lần này tôi thu lại rất nhiều làn điệu, khúc hát ru của các dân tộc bởi nhận thấy nếu tra kết quả “khúc hát ru của người Kháng” trên Google chẳng hạn, chắc chắn bạn sẽ không tìm thấy.

Tôi đang nghĩ đến việc kêu gọi, tổ chức cho bà con xuống Hà Nội. Một để thăm thủ đô. Hai là tôi sẽ mời bạn bè, những người làm về nhạc, biên đạo đến giao lưu, học hỏi từ bà con. Bằng cách này, những người có điều kiện, chuyên môn có thể chung tay giúp các cộng đồng lưu giữ phần nào đó về văn hóa.

Người đồng bằng nói chung thường mang con mắt có nhiều định kiến để nhìn vào đồng bào miền núi mà không chú ý đến nhu cầu thực tế và văn hóa của họ. Chị làm sao để không vô thức ướm những thước đo của người Kinh vào người của những dân tộc khác?

Tôi nghĩ điều này nằm trong kỹ năng của phóng viên. Cần rất tập trung vào nội dung mong muốn, chấp nhận bỏ qua những thứ khiến mình tò mò. Như đã nói, mục tiêu của tôi là nghiên cứu về trang phục và thu các bài hát dân ca, tất cả những điều liên quan đến tập tục, tôi đều phải đặt ra phía sau. Bởi nếu quan tâm tất cả, sẽ không còn thời gian để nghiên cứu, để làm việc với đồng bào theo cách thấu hiểu được.

Còn tín ngưỡng là câu chuyện rất nhạy cảm. Bản thân tôi theo đạo Phật và ăn chay. Trong hành trình của mình, tôi hiểu đồng bào phải cực kỳ quý thì mới mổ gà, mổ lợn để mời mình ăn. Nhưng theo quan niệm Phật giáo, lúc ấy tôi thành nguyên nhân để một con vật bị giết và dù không ăn điều đó vẫn khiến tôi không vui.

Tuy nhiên, tôi tâm niệm phải tránh nhìn mọi việc theo con mắt tại sao họ như thế này, tại sao họ như thế kia.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 5

Có thể nhận xét chuyến gặp gỡ nghệ nhân Lò Thị Xuân tại Chiềng Pằn, Yên Châu là phóng sự điểm nhấn của chị khi khai thác được những hình ảnh cực chi tiết về trang phục, điệu múa của đồng bào Thái. Chị có thể kể chi tiết hơn về lúc đó?

Để kết nối với các nhân vật trong phóng sự, tôi phải nhờ đến những mối quan hệ và rất may liên lạc được với Vtik - Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa Việt Nam. Qua đó, tôi được giới thiệu với Câu lạc bộ yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt - Yên Châu.

Đó câu lạc bộ được hình thành bởi những người lớn tuổi, vô cùng tâm huyết với văn hóa, chủ nhiệm là cô Lò Thị Xuân. Họ bảo tồn nhiều thứ liên quan đến văn hóa Thái cổ, nên khi làm việc tôi có thêm nhiều chất liệu mới, những thứ chưa từng xuất hiện trong kịch bản. Ngoài trang phục, các điệu dân ca, cô chú trong câu lạc bộ còn yêu cầu quay cả màn biểu diễn khèn người Thái cùng điệu múa Xòe đặc trưng. Điều này cho thấy họ có khát vọng rất lớn trong việc truyền tải những nét đẹp của cộng đồng tới công chúng.

Có một kỷ niệm đáng nhớ là trong bữa cơm tôi ăn ở nhà cô Xuân trước khi lên đường, chú chủ nhà đã mang lên một giỏ xôi bằng mây trong đó để muối ớt và tỏi. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đó là cách họ bày biện đồ ăn, nhưng được giải thích là người Thái nếu muốn giữ chân khách sẽ đặt chõ xôi này và đĩa muối ớt lên mâm cơm để bày tỏ. Và chỉ những người khách rất quý, họ mới làm điều đó.

Hành động của cô chú khiến tôi xúc động. Tôi thấy cả một nền tảng văn hóa cổ xưa đầy tinh tế của một dân tộc. Trong thời buổi mọi người quá xô bồ với nhau, một chõ xôi, một đĩa muối ớt cũng khiến lữ khách phải rưng rưng.

Qua những câu chuyện trên đường, ai cũng nhận thấy chị tương tác rất tốt với đồng bào. Trẻ con thì theo, các bà mế nài nỉ mời về nhà. Để nhận được những tình cảm như thế, phải chăng chị có “mẹo” gì?

Điều quan trọng nhất trong chuyến đi này chính là “đi dân nhớ, ở dân thương”. Hoàn toàn không có “mẹo” gì ngoài sự chân thành và gần gũi của bản thân. Chính những điều này đã khiến tôi trở thành người thân của họ một cách rất dễ dàng.

Vừa qua tôi đã chụp được một bộ ảnh cực kỳ đẹp về lũ trẻ người Cống. Tôi thấy rằng muốn chụp ảnh ai đẹp thì người ta cần rất gần gũi với mình và mình cũng tương tự. Tất cả những bức ảnh tôi chụp mọi người và trẻ em đều không bao giờ cần yêu cầu họ diễn. Tôi luôn nhìn vào những sinh hoạt hằng ngày của họ. Trong lúc họ sống đời mình, tôi lăm lăm tay máy để sẵn sàng chộp lấy những khoảnh khắc.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 6

Chị đã đi qua những cung đường, gặp những người mà Ba chị, nhạc sĩ An Thuyên, từng gặp trong quá trình ông lên Tây Bắc sưu tầm âm nhạc dân tộc. Cảm xúc lúc đó của chị là gì?

Khi Ba tôi mới chỉ có mười mấy tuổi, trước khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, ông đã đi sưu tầm văn hóa, dân ca trên các bản làng. Nên lúc khởi hành chuyến đi, tôi tâm niệm mình cần phải làm điều gì đó giống Ba. Và dù không sáng tác được, nhưng những điều này mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc.

Tôi thích câu mọi người hay nói rằng tôi giống Ba. Giống ở đây không phải chỉ về hình thức mà tôi còn giống về mặt tính cách với Ba tôi. Tài sản lớn nhất Ba để lại, đối với tôi, không phải là vật chất. Đó là tên tuổi, nhân cách, tính cách của ông. Tôi thấy mình thừa hưởng từ ông sự quyết đoán cũng như sự rung cảm sâu sắc với con người mình gặp, nhìn thấy sự nhân văn trong con người mình khi nhìn vào ai đó. Trên hành trình này, tôi vô cùng xúc động mỗi lần được chạm vào những làn điệu dân ca Ba từng nghe, gặp ai đấy ông đã từng gặp.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 7

Tôi thường đùa với Mẹ, tên tuổi Ba như tấm visa để tôi tiếp cận mọi người một cách dễ dàng. Chỉ cần nghe nói đây là “con gái nhạc sĩ An Thuyên” là mọi người rất hồ hởi, khoảng cách hoàn toàn bị xóa nhòa.

Tôi cũng vui khi mỗi lần nhắc đến Ba, họ đều nói một cách rất trìu mến, hỏi han những chuyện về ông, tiếc nuối trước sự ra đi của ông, tài năng của ông. Và tôi thấy không phải người nào cũng có may mắn để đi được hành trình như tôi và cảm nhận tất cả điều ấy. Tôi luôn cảm giác có Ba đang đi cùng là vì thế.

Trong thư ngỏ và các bài viết, chị nhắc nhiều đến từ “rực rỡ”, vậy chị định nghĩa “rực rỡ” là gì?

Chữ “rực rỡ” tôi nói đến không phải rực rỡ bằng màu sắc mà là về những cảm xúc, những khoảnh khắc mình nhìn thấy hạnh phúc của người khác, nụ cười của người khác. Rực rỡ còn là khi mình đang ở trong tâm thế nào đó hay một nỗi buồn, mình nhìn vào niềm vui, thậm chí cả nỗi buồn của người khác cũng thấy được an ủi, thấy vui hơn.

Rực rỡ cũng là điểm tô những màu sắc trong cuộc sống. Mỗi người đều có những nỗi buồn, những câu chuyện khác nhau, nhưng họ vẫn có một cuộc sống rất tích cực. Rực rỡ bằng cảm xúc bất kể vui hay buồn. Chính vì “rực rỡ” đấy, tôi trân trọng hơn những gì mình đang có.

Vậy còn “dám sống một cuộc đời rực rỡ”?

Khi tôi đưa ra khẩu hiệu này, nhiều người phản ứng lắm (cười). Họ hỏi tại sao không là “hãy sống” vì “dám” nghe rất vô cảm, vô trách nhiệm. Tôi giải thích là, khi phụ nữ muốn làm một điều gì đó, việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến không phải mình có làm được hay không mà nếu mình làm thì bố mẹ, chồng con, những người xung quanh nghĩ gì?

Tức là phụ nữ luôn phải nghĩ đến người bên cạnh trước khi nghĩ cho bản thân mình, dẫn đến việc không dám ra quyết định để làm điều mình muốn. Nên thông điệp “dám sống một cuộc đời rực rỡ” chính là phải dám sống cho bản thân mình trước, dám có được hạnh phúc, bởi tôi quan niệm bản thân phải hạnh phúc mới có khả năng cho đi hạnh phúc. Còn khi vẫn đong đếm hạnh phúc của mình bằng hạnh phúc của người khác, nghĩa là vẫn đang sống dựa, sống tầm gửi, chứ không phải sống cho mình.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: ‘Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ’ ảnh 8

Kỳ vọng của Bông Mai trong chuyến đi lần này?

Không có gì to tát cả, tôi mong trong 99 ngày mình trải nghiệm đúng nghĩa về cái gọi là “đong đầy hạnh phúc mỗi ngày”. Tại sao lại gọi là “đong đầy”, bởi giống như người đi thu nạp hạnh phúc, tôi không chỉ thu thập những câu chuyện vui. Khi tôi gặp một bà mẹ người Cống, có 10 người con thì 4 người đã mất, trong 6 người còn lại thì 4 cũng nghiện ngập rồi đi tù vì buôn bán thuốc phiện. Đó là một câu chuyện buồn, tôi nghe chuyện, cảm được cái buồn của họ và thấy trân trọng cuộc sống của mình, thấy may mắn với những gì mình đang có.

Đặc biệt, trong bức ảnh tôi chụp, một người mẹ có quá nhiều chuyện buồn như thế lại cho ra một bức hình về một người phụ nữ đang cười rất tươi. Qua tất cả mọi việc, điều còn đọng là nụ cười, dù nó chỉ trong một tích tắc ngắn ngủi. Chính nụ cười giúp chúng ta có động lực, có niềm tin để có thể sống tiếp.

Bài: Nguyệt Linh

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.