Một người bạn của tôi đã từng đi đến nơi này và có rất nhiều ấn tượng đẹp nên gợi ý. Vì tò mò nên tôi quyết định đến đây ngay từ khi “phác thảo” cung đường. Và cũng vì lời hứa vui “đi thăm lại” chốn cũ hộ bạn mình, tôi quyết định “hạ trại” tại đây sau khi rời Quỳnh Nhai.
Từ Quỳnh Nhai (Sơn La) tôi chạy theo con đường mới mở là Minh Thắng nối đến Tuần Giáo (Điện Biên) trước khi đến Tủa Chùa. Gần 70km nhưng mất hơn một tiếng đồng hồ để chạy đến nơi trước khi trời tối. Trước đó, buổi chiều sau khi quay hình xong tại chân cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai, Sơn La), tôi bắt đầu lên đường lúc 4 giờ chiều. Vì không muốn lái xe khi trời đã tối, tôi đã nghỉ đêm tại một khách sạn ngay trung tâm thị trấn Tuần Giáo.
Buổi sáng không quá vội vàng, tôi bắt đầu hành trình đến Tủa Chùa với chặng đường 44km. Đường đi lên đây thực sự quá đẹp vì phong cảnh vẫn còn nhiều nét hoang hoải của thiên nhiên, núi rừng, không có quá nhiều các khu nhà tái định cư quanh đường.
Tủa Chùa là huyện vùng núi cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên Phủ đến trung tâm thị trấn là 126km. Phía bắc giáp huyện Sìn Hồ (Lai Châu), phía nam giáp Tuần Giáo (Điện Biên), phía tây giáp huyện Mường Chà (Điện Biên), phía đông giáp huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ở nơi đây, tập trung chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông cùng với nhiều đồng bào Kinh, Dao, Xạ Phang (Hoa).
Thị trấn Tủa Chùa khá nhỏ nhưng cũng đầy đủ các mặt hàng, sầm uất người mua bán. Các danh lam thắng cảnh nơi này vẫn còn nguyên nét đẹp hoang sơ và có đủ cả các loại địa hình như: thác, hang động, cao nguyên đá, ruộng bậc thang, lòng hồ…
Đồng bào dân tộc Mông (xanh) ở xã Tả Phìn |
Đồng bào Mông (đen) ở xã Tả Sìn Thàng |
Đồng bào Mông (đỏ) ở xã Tả Sìn Thàng |
Đồng bào Phù Lá ở xã Mường Đun |
Đồng bào Khơ Mú ở xã Mường Báng |
Đồng bào Xạ Phang (Hoa) ở xã Tả Sìn Thàng |
Những ngôi nhà mái đá bản Tà Chinh xã Tả Sìn Thàng vẫn còn rất nguyên bản nét xưa. |
Vợt cầu lông của người Xạ Phang (Hoa) kích thước giống như vợt bóng bàn, nhưng đánh giống cầu lông. Quả cầu làm bằng lông gà gắn trên một đốt cây sặt (họ nhà tre). Vợt làm bằng gỗ.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Thành Vàng Lồng ở xã Tả Phình (địa phương vẫn gọi là Tả Phìn). Theo lời kể của người sống lâu đời tại đây thì Thành Vàng Lồng là do một gia đình người Mông giàu có nhất vùng xây dựng lên để bảo vệ ngôi nhà và tài sản của mình.
Thành Vàng Lồng được xây dựng thành một vòng tròn khép kín bởi kĩ thuật xếp đá thủ công, không cần có chất kết dính như xi măng. Các phiến đá được xếp một cách rất khoa học. Thành cao khoảng 3 m, rộng trên 1 m.
Cao nguyên đá ở xã Tả Phìn có độ dài khoảng 4km với những phiến đá tai mèo to và sắc nhọn.
Dốc Tà Chinh ở xã Tả Sìn Thàng với hình cong uốn lượn cũng có thể coi là một cung đường đáng thử nghiệm của những ai ưa trải nghiệm sau tay lái.
Thông Cáng Chúa II xã Sín Chải. |
Cánh đồng mâm ngọc – mâm vàng thông Háng Khúa xã Sín Chải mùa lúa chín vàng sẽ nở rộ rất đẹp. |
Cầu Pa Phông là một điểm đẹp để checkin cho du khách khi đến nơi đây |
Đường xuôi về trung tâm huyện sẽ đi qua thôn Nậm Bành xã Huổi Só với những con đường quanh co, một bên là dòng Sông Đà xanh mướt.
Đứng từ trên cầu nhìn về phía chân trời nhuộm vàng hoàng hôn tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Ở khu vực bản Pa Phông bạn sẽ được ngắm cảnh từ trên cao được ví như “vịnh Hạ Long’’ ở Tủa Chùa.
Tủa Chùa ngày tôi đến không chỉ là một địa danh mới lạ, mà nó đã trở nên cuốn hút khiến tôi thay đổi dự định ở hai ngày mà thành một tuần chỉ vì muốn đi được nhiều nơi ở đây. Với một tuần tôi vẫn không đủ thời gian để đến Hang Khó Chua Lua, hang Pê Răng Ky, hang Xá Nhè, thác Tà Lá Cáo.
Tôi cũng đã không thể nán lại lâu hơn để được ngắm cánh rừng hoa ban Tà Sì Lang đang bắt đầu vào mùa nở rộ. Một dịp nào đó tôi nhất định sẽ quay trở lại đây để được du ngoạn một cách thật chậm rãi vùng đất này – vùng đất còn bao nhiêu điều hấp dẫn mời gọi từ thiên nhiên và nét văn hoá độc đáo, nguyên sơ.