Ông Lường Chựa (sinh năm 1945) là người dân tộc Thái đen Mường Vạt xưa, nay là Yên Châu. Là người nặng lòng với nền văn hóa Thái đen cổ, ông Chựa lúc nào cũng dốc tâm dốc sức vào công tác bảo tồn văn hóa.
Ông Chựa là thế hệ những người trưởng thành trong thời kỳ Tổ quốc có chiến tranh chống xâm lược. Ông Chựa tham gia quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chiến đấu từ nam 1965 đến 1975 thống nhất đất nước. Năm 1977, ông chuyển ngành về công tác tại Huyện ủy Yên Châu. Năm 2000, ông nghỉ hưu. Từ khi nghỉ hưu, công việc duy nhất và tâm huyết nhất của ông là bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số.
Ông Lường Chựa kể: “Tôi là người được ông bà, cha mẹ chuyền cho, học được chữ Thái, học đan lát đồ dân tộc từ bé, thích các nhạc cụ của dân tộc, 12 tuổi tôi đã thích và học thổi khèn bè và sáo (Pí bảư) từ đó tôi thành một trong số ít người đọc thông viết thạo chữ Thái, thổi khèn bè và pí bảư tương đối chuẩn trong vùng. Hơn 10 năm trong quân đội chiến đấu ác liệt, tôi vẫn mang theo khèn bè hòa với phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Từ bé tôi cũng được nhập cuộc với cộng động người Thái múa xòe “tay nắm tay xòe vòng” cùng làn điệu trống Chiêng, khèn bè, cảm nhận sự vui vẻ hồn nhiên tính cộng đồng cao dân tộc, của bản làng. Theo thời gian, đất nước có những biến động, nhiều nét văn hóa dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Thái bị mai một”.
Từ khi có nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về việc tiếp tục giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số, việc quan tâm đến văn hóa dân tộc được triển khai rõ nét hơn. Vốn là người nặng lòng với văn hóa dân tộc mình, từ năm 2016, ông Lường Chựa đã mở lớp học chữ Thái miễn phí tại bản Ngùa được 23 học viên đọc thông viết thạo.
Tháng 1/2018, ông Chựa tiên phong lập nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Thái gốm 12 thành viên, do ông làm trưởng nhóm, đến tháng 6 năm 2019, phát triển thêm 6 thành viên dân tộc Khơ Mú tại bản Thàn, Xã Chiềng Pằn nâng tổng của nhóm lên 18 thành viên. Nhóm đổi thành nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Yên Châu, được Trung tâm vì sư phát triển bền vững miền núi chấp nhận nằm trong mạng lưới tri thức dân tộc bản địa VTIK; đồng thời được lãnh đạo Đảng chính quyền Huyện ghi nhận tạo điều kiện cho nhóm hoạt động.
Từ năm 2018 đến nay, ông Chựa đã điều hành nhóm tổ chức mở lớp học chữ Thái thành công tại 5 xã: Chiềng Pằn, Chiềng Khoi, Chiềng Hặc, Chiềng Đông và Sặp Vạt với 215 học viên. Nhóm cũng mở một lớp học tiếng Khơ Mú cho con cháu của Khơ Mua tại Bản Thàn gồm 23 học viên. Mở một lớp học thổi khèn bè gôm 6 học viên tại Huổi Mong xá Chiềng Hặc, Yên Châu. Nhóm còn cử thành viên Mè- Chiến dt Khơ Mú đi dạy lớp tập huấn khèn bè và múa au eo của người Khơ Mú do Sở Văn hóa tỉnh Sơn La mở tại Bản Phiêng Chai, Hát Lót, Mai Sơn gồm 20 học viên người Khơ Mú.
Ngày 07/11/2021, thay mặt nhóm bảo tồn VHDT Yên Châu, ông Chựa đã cùng bà Lò Thị Xuân, Quàng Thị Bưởng, cùng với sự vào cuộc của phòng Văn hóa Huyện và UBND xã Chiềng Pằn tổ chức lễ ra mắt CLB văn hóa Thái cổ Mường Vạt Chiềng Pằn, do Lò Thị Xuân làm chủ nhiệm. Ông Chựa nói rằng, bước đầu CLB đã đi vào hoạt động có kết quả, được chính quyền và nhân dân địa phương khuyến khích, ủng hộ.
Biết bao công việc đã làm được, nhưng theo ông Lường Chựa: “Bản thân tôi vẫn ôm nỗi lo lắng thực sự về sự mai một của văn hóa Thái, nếu không có sức mạnh cả về tinh thần cộng động lẫn vật chất phù hợp thì không ít bản sắc văn hóa dân tộc Thái sẽ bị mất đi…”.
Ông Chựa bày tỏ nỗi lòng: “về chữ viết của dân tộc Thái, tuy nhà nước có tổ chức lớp cho cán bộ học chữ Thái nhưng còn rất hạn chế cả về bảo tồn và phát triển, còn các lớp của nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Thái mở dạy là miễn phí theo tinh thần tình nguyện, không có gì ràng buộc người học nên thích thì học, không thích thì thôi và thực tế không ít người trong lớp trẻ không thích học chữ Thái, không thích học thổi khèn, thậm chí tiếng mẹ để còn ít nói hoặc không biết nói. Chúng tôi đau đầu đặt câu hỏi với nhau mà chưa ai có câu trả lời đúng, đủ…”.
Về nhạc cụ khèn bè và pí, ông Chựa nói thêm, trước đây, ở Yên Châu, các xã có người Thái là có thợ chế tác khèn, pí, từ 2 thơ trở lên, thế mà hiện nay, cả huyện Yên Châu chỉ còn mỗi một thợ năm nay đã hơn 80 tuổi, vậy mà tìm người học trong lớp trẻ rất khó. Các bài ca thuộc tâm linh dân tộc Thái ở Yên Châu, sách vở của tổ tiên viết bằng chữ Thái để lại đã do sai lầm trước đây đốt hết đi, nay chỉ còn một số cụ già thuộc lòng nếu không khẩn trương sưu tầm ghi chép soạn thành sách thì lớp sau không còn gì truyền dạy”.
Với ông Chựa, chuyện dạy và học để văn hóa dân tộc không mất đi, duy trì được tất nhiên phải có người dạy và người học. Người già không truyền dạy cho lớp trẻ là một cái lỗi lớn. Nhưng làm thế nào để lớp trẻ hôm nay, lớp người chưa biết thích học và học tốt lại là một vấn đề khó khăn vô cùng gian nan và vất vả.
Giờ ông Chựa chỉ mong có thêm kinh phí để hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn văn hóa được “sống” lâu trong lòng người trẻ. Ông bảo, “nếu được phép kêu gọi thì chúng tôi muốn kêu gọi lòng hảo tâm và kính trình đề nghị lên lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp, các tổ chức hướng thiện quốc tế quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để tạo điều kiện cho sự hăng hái nhiệt tình của nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc, CLB Thái cổ Yên Châu mở được nhiều lớp học chữ Thái, mở lớp học chế tác khèn bè và học thổi khèn bè, học đan lát, thêu dệt thổ cẩm, sưu tầm các bài ca tâm linh ở một số thầy tâm linh dân tộc Thái còn sống để có điều kiện soạn thảo thành sách, soạn bằng hai loại chữ Thái và chữ Quốc ngữ, lưu trữ cho đời sau".