Những thuỷ đình khô kiệt

Những thuỷ đình khô kiệt

Khi mà con người giãn cách, sợ hãi khu trú trong những không gian càng hạn chế tiếp xúc càng tốt, thì các hoạt động nghệ thuật biểu diễn lâm vào cảnh khó khăn chưa từng có. Những người nghệ sĩ sống bằng sân khấu, bằng khán giả, bằng những tấm vé vào cửa bán ra lẫn những tràng vỗ tay khi sau mỗi màn trình diễn dốc cạn tâm sức. COVID-19 tước khán giả khỏi tay nghệ sĩ, và vì thế, tước nghệ sĩ khỏi thánh đường sân khấu của họ...

________________

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 1

Sáng cuối tuần mát mẻ sau trận mưa đêm, nhưng tuyến phố Đinh Tiên Hoàng quanh Hồ Gươm chỉ lưa thưa người. Nếu là năm ngoái, chắc hẳn khu vực này sẽ ken chặt những người là người. Mùa thu là mùa du lịch lý tưởng ở miền Bắc, những đoàn du khách nước ngoài thường đổ về chật kín các khách sạn, và Nhà hát múa rối Thăng Long (NHMRTL) là một trong những điểm thu hút khách nhất. Nhưng từ sau Tết Canh Tý, mọi chuyện đã đảo ngược hoàn toàn.

Bây giờ ở trước NHMRTL, thay bằng bàn bán vé thì là một bàn phát khẩu trang. Vài nghệ sĩ của nhà hát ngồi ở sảnh trước, trông nom mấy hạng mục sửa chữa nhỏ. Thấy Phó Giám đốc Chu Lượng đi tới, họ níu lại hỏi han. Những câu hỏi rất cụ thể về tương lai gần, về kế hoạch diễn trở lại, về lương bổng, trợ cấp...

Ít người biết rằng, NHMRTL đang nắm giữ kỷ lục hiếm có ngay cả với những nhà hát tên tuổi trên thế giới, đó là “đỏ đèn” liên tục suốt 25 năm qua không nghỉ. Người viết bài này vốn có 20 năm sống cùng phố với NHMRTL, quả thực từ khi nhà hát đi vào hoạt động phục vụ công chúng, thì quanh năm suốt tháng luôn nườm nượp khách. Mà chủ yếu là du khách nước ngoài. Ngay cả những ngày Tết Nguyên Đán, thì ngày vẫn 3 - 5 suất diễn, thậm chí còn đông hơn ngày thường.

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 2

- Chưa từng bao giờ thế này, anh ạ - nghệ sĩ Chu Lượng rót nước mời chúng tôi trong phòng làm việc kê đầy những con rối và tài liệu sách báo về nghệ thuật múa rối - Kể cả trong thời kỳ SARS thì nhà hát vẫn hoạt động, chí ít một ngày vẫn phải diễn được 1 – 2 suất.

Cái sự “chưa từng thế này” mà dịch COVID–19 gây ra, đã đẩy NHMRTL vào tình trạng “đông cứng” một cách bị động, mà không thể có bất cứ phương án dự phòng nào.

4 tháng đầu ngừng hoạt động, bởi vì quỹ phúc lợi vẫn còn nên Ban lãnh đạo nhà hát vẫn có thể trả lương đầy đủ cho toàn bộ 120 cán bộ công nhân viên, cả biên chế lẫn hợp đồng. Và có một cái khoản tài trợ nhất định để ổn định, nhưng mới đầu cũng chỉ nghĩ được là sẽ duy trì một vài tháng thôi. Thế những từ tháng thứ 5 trở đi, Ban lãnh đạo NHMRTL phải xin Sở Tài chính TP. Hà Nội sử dụng Quỹ phát triển cho anh em có lương để mà sống. Đây vốn là nguồn tích luỹ để tái đầu tư vào hạ tầng và trang thiết bị, con rối... Tuy nhiên, từ tháng thứ 7 đóng cửa trở đi, Ban lãnh đạo NHMRTL tính chỉ chi trả 70% lương thôi. Đó là quyết định rất khó khăn, nhưng ở 1 đơn vị tự chủ tài chính như Nhà hát múa rối Thăng Long, đó vẫn là cả một sự cố gắng.

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 3

Hết đợt giãn cách thứ nhất, đúng dịp nghỉ hè, NHMRTL ráo riết chuẩn bị, dự kiến tung ra chương trình rối tạp kỹ Thế giới của chúng em. Đây là chương trình đã bước sang mùa thứ 5, dành riêng cho thiếu nhi, rất được các em nhỏ yêu thích. Nhưng làn sóng COVID thứ 2 đã cuốn phăng tất cả dự định...

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 4

Có một thực tế, là nếu không có vị trí cực kỳ đắc địa, không có lượng khách quốc tế lớn, thì chưa chắc Nhà hát múa rối Thăng Long đã có được sự phát triển như hiện nay, với kỷ lục đỏ đèn liên tục 25 năm trời. Lượng khách trong nước đến xem múa rối nước rất ít, và nếu chỉ trông vào đó thì chắc chắn NHMRTL cũng sẽ đìu hiu như rất nhiều sân khấu nghệ thuật dân gian khác ở Thủ đô, như tuồng, chèo, cải lương...

Với lượng khách trong nước chỉ khoảng 10-15%, thì ngay cả có được hoạt động trở lại, bài toán bán vé của NHMRTL vẫn vô cùng nan giải, khi mà có lẽ phải mất hàng năm trời, kết nối con người giữa các quốc gia mới phục hồi như trước dịch.

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 5

- Bây giờ mình phải nhìn thẳng vào sự thật. Chúng ta làm nghệ thuật, thì nghệ thuật trước tiên là phải hấp dẫn. Và thị trường trong nước thì rộng thế cơ mà? - nghệ sĩ Chu Lượng bắt đầu đi sâu vào mạch chuyện - Ở trên địa bàn Hà Nội biết bao nhiêu trường học, biết bao các cháu học sinh. Và phải nói thật là ở giữa cái thủ đô này thì những điểm đến ngày hè cho các cháu học sinh thì chúng ta vẫn chưa đáp ứng được hết, những cái sân chơi ấy. Đặc biệt là với nghệ thuật múa rối. Có 2 nhà hát múa rối ở đây, nhưng nói thật là quanh đi quẩn lại vẫn mấy cái trò cũ. Chúng ta vẫn chưa khai thác được hết. Thì yêu cầu ở đây là gì, một là thị trường có rồi thì anh phải dùng khả năng, tài năng của anh. Trước đây chưa có công nghệ thì anh phải đi giao hàng và tiếp thị tận nơi tận chốn. Nhưng bây giờ thì chỉ cần mạng xã hội thôi thì họ có thể ngồi ở nhà và vẫn thu được tiền, vẫn giao dịch được, làm được tất cả mọi thứ. Bây giờ cái nghệ thuật cũng phải như vậy, phải dựa trên nền tảng công nghệ. Hội nhập là hội nhập cái đấy nữa. Tôi cho rằng tiềm năng về sân khấu dành cho các cháu thiếu nhi là còn rất rộng. Chỉ có bây giờ chúng ta không đủ tài năng thôi.

Bố mẹ không bao giờ tiếc các con một tuần đi chơi đến những cái điểm đến như thế này, có những tác phẩm nghê thuật mới, hay. Họ sẵn sàng bỏ ra 100.000 mua cho con, quá đơn giản. Bằng 1 bát phở hay 15 phút đi chơi xe sạc pin ở phố đi bộ. Thì đấy, vào xem một cái chương trình nghệ thuật, vừa giáo dục cho các cháu, vừa thanh lọc được tâm hồn cho các cháu, kể cả bố mẹ luôn. Người lớn xem múa rối say lắm, xem những cái nghệ sĩ ở nước ngoài họ biểu diễn múa rối, mình ngồi xem gọi là mê ly luôn. Đấy là cái cốt lõi của nó đấy, mình làm nó có hấp dẫn được họ hay không. Tôi sẵn sàng đảm bảo luôn nhé, nếu bạn có con nhỏ ở đây, ngày Chủ Nhật bạn chỉ muốn đưa con nhỏ đi tìm một cái món ăn tinh thần gì đấy mới, hấp dẫn các cháu, chứ mình thì tiếc gì 100.000 đâu? Nó phải ý nghĩa. Cái này mới là cái chúng ta phải khai thác, và khai thác cái đấy. Tôi rất tiếc khi nhìn vào cái thực trạng hiện nay của ngành rối, và những người đang làm nghệ thuật rối, đồng thời là những là quản lý về văn hoá thì đôi khi chúng ta cũng phải quan tâm hơn nữa để đào tạo và nâng đỡ các tài năng để để họ yêu nghề và họ phát triển được.

Thế hệ nghệ sĩ kế tục của NHMRTL hiện nay đến từ các trường nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ trẻ rất yêu nghề, mày mò sáng tạo. Chẳng hạn 2 nghệ sĩ Thuỷ Tiên và Phương Long tự sáng tác, tự biểu diễn, cho ra đời những tiết mục cho cá nhân mình và đi kiếm tiền bằng những show lẻ. Họ sống ổn, bằng liên hoan tổng kết, sinh nhật, hay các buổi ngoại khoá ở trường học. Nhưng đấy rõ ràng không phải con đường căn cơ của rối nước.

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 6

Phó giám đốc NHMRTL - nghệ sĩ múa rối nước Chu Lượng tiết lộ một thực tế không ai ngờ: Hiện nay ngay cả nguồn con rối để thay thế cũng rất khan hiếm. Những nghệ nhân biết chế tác rối nước hoặc đã qua đời, hoặc đã bỏ nghề hết. Các làng nghề rối nước cổ truyền cũng mai một, học mót lẫn nhau mà không bảo tồn được những nét tinh hoa quý giá truyền thống cha ông. Rối nước sẽ ra sao, khi không còn người biết tạc nên con rối?

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 7

Người nhiều năm qua vẫn tham gia chế tác con rối cho Nhà hát múa rối Thăng Long, là ông Phan Thanh Liêm. Ông Liêm sinh ra trong một gia đình có bề dầy truyền thống làm nghề điêu khắc ở thôn Rạch, xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định – cũng là một trong những địa phương có thuỷ đình múa rối nước lâu đời. Gia đình ông Liêm 7 đời làm nghề điêu khắc, các bậc trưởng thượng trước chủ yếu làm tượng trong các đình, chùa. Đến đời ông nội ông Liêm là nghệ nhân Phan Văn Huyên và bố ông là nghệ nhân Phan Văn Ngãi, thì gia đình chuyển hẳn sang làm nghề điêu khắc con rối. Nghệ nhân Phan Văn Ngãi từng có thời gian công tác tại nhà hát Múa rối nước trung ương, là một trong những nghệ nhân đầu tiên được lãnh đạo Bộ Văn hóa mời lên để cùng xây dựng bộ môn nghệ thuật rối nước. Bản thân ông Phan Thanh Liêm đã gắn bó với nghề rối nước này được 20 năm.

Gia đình Phan Thanh đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật rối nước hiện đại, từ các sáng tạo trong tạo hình con rối, cải biên các tích trò cho sinh động hơn, cho tới sáng kiến làm nhà thủy đình lưu động để mang đi diễn ở nước ngoài. Bản thân ông Liêm được học trực tiếp nghề rối nước từ bố mình (những người cùng thế hệ với ông Liêm chủ yếu được đào tạo trực tiếp trong các nhà hát) chứ không qua trường lớp nào cả.

Nhiều năm tiếp xúc với các cụ để học nghề, ông Liêm lên Hà Nội lập nghiệp. Dù rối nước là một môn nghệ thuật độc đáo, tuy nhiên nó lại cồng kềnh, khó tiếp cận đại đa số khán giả. Nếu các bộ môn khác như tuồng, chèo, cải lương chỉ cần vài bộ trang phục là có thể diễn được thì rối nước cần phải làm ở ao, hồ, bể nước, ngoài ra cần phải chuẩn bị nhiều loại rối. Chính vì thế ông Liêm đã nghiên cứu sáng tạo ra mô hình thuỷ đình rối nước thu nhỏ sao cho gọn, nhẹ, có thể mang đi biểu diễn lưu động trong nước và quốc tế. Sau nhiều năm đem sân khấu này đi lưu diễn ở nhiều nơi, vào năm 2012 ông Liêm quyết định đem nó về nhà riêng để mở một mô hình thuỷ đình biểu diễn rối nước tại gia. Khán giả đến sân khấu này không chỉ xem múa rối, còn có thể trải nghiệm, giao lưu trực tiếp với nghệ sĩ, được trực tiếp điều khiển hoặc chế tác con rối, thậm chí ăn cơm kiểu Việt Nam cùng gia đình ông Liêm.

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 8

Thế nhưng mô hình này cũng đã phải ngừng hoạt động khi dịch COVID-19 bùng phát. Đã hơn nửa năm trời, những con rối gỗ của ông Liêm không được xuống nước. Những chú Tễu, cô Tấm, nàng tiên, ông bụt, những đội thi bơi chải, những cậu bé chăn trâu, những con rồng con phượng, đàn cá chép… nằm chơ vơ ngơ ngẩn.

Tất cả các đoàn khách hẹn lịch đến xem biểu diễn đều đã huỷ lịch không hẹn ngày gặp lại. Ngay cả một số chuyến công diễn nước ngoài đã lên lịch từ năm ngoái cũng báo huỷ. Ông Liêm buồn bã lên lên xuống xuống 4 tầng gác, nhìn những con rối nước phủ bụi mà bế tắc.

Hai con trai của ông đều có thiên hướng nghệ thuật, cậu em năm nay mới lớp 7 thậm chí còn rất thích chế tác và biểu diễn rối nước với bố. Nhưng ông Liêm vẫn ngần ngừ chưa muốn truyền nghề.

Bởi vì nghệ thuật truyền thống bấp bênh quá. Và dịch COVID-19 chỉ làm điều ấy trở nên rõ ràng hơn mà thôi.

Những thuỷ đình khô kiệt ảnh 9

___________________________

Múa rối nước là nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Chứng tích xa nhất về lịch sử rối nước tìm thấy trên bia “Sùng Thiện Diên linh tự tháp” có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thời Lý Nhân Tông, có ghi trò múa rối nước biểu diễn mừng thọ nhà vua. Những màn rối nước được biểu diễn ở thuỷ đình, khán giả và nghệ sĩ biểu diễn cách nhau bởi 1 lớp rèm tre, và trên mặt hồ nước, những con rối được điều khiển khéo léo như chính chúng có linh hồn.

Bài: Gia Hiền - Huy Vũ - Việt Khôi
Ảnh: Huy Vũ
Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?