Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ là 2 tụ điểm biểu diễn nghệ thuật có chất lượng cao ở Thủ đô Hà Nội, thường xuyên sáng đèn với những vở diễn được công chúng yêu thích. Cuộc vật lộn lôi kéo khán giả đến với sân khấu vốn đã gian nan, nay lại thêm dịch COVID-19, khiến những người đứng đầu 2 đoàn nghệ thuật đau đầu. Bài toán trước mắt họ cụ thể hơn nhiều: Lo cho đời sống của anh chị em nghệ sĩ.
___________
PV: Thưa chị, các hoạt động của nhà hát Tuổi trẻ trong giai đoạn này bị ảnh hưởng như thế nào bởi dịch COVID-19?
NSƯT Cao Ngọc Ánh, PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ: Đại dịch COVID-19 là một vấn nạn chung mà cả thế giới phải đối mặt. Tại Việt Nam, nhà hát Tuổi trẻ cũng là một trong số những đơn vị nghệ thuật chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Ngay từ cuối năm 2019, tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ và nhân viên nhà hát Tuổi trẻ đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để bước sang một năm 2020 đầy sự nhiệt huyết với những chương trình, sự kiện đáng chú ý. Nhưng chỉ mới diễn được 2 buổi “Chào xuân” thì dịch bệnh ập tới, khiến mọi kế hoạch vỡ tan.
Nhà hát Tuổi trẻ thường xây dựng lịch diễn cụ thể bởi chúng tôi vốn sẵn điểm diễn, hầu như tất cả các buổi diễn đều được lên lịch từ trước nhiều tháng. Hiện chúng tôi đã phải hủy hết các buổi diễn do sự bùng phát của làn sóng COVID-19 thứ hai.
Hằng năm, nhà hát cũng có những chuyến lưu diễn toàn quốc ở một số khu vực vùng xa như Tây Nguyên, Tây Bắc - các tỉnh mà người dân ít có điều kiện xem các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngay sau khi có chỉ thị dừng các hoạt động tụ tập đông người, Ban Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ đã liên hệ với với các sở ban ngành để hủy hoặc lùi lịch diễn vô thời hạn.
Một điều đáng tiếc nữa, đó là chúng tôi cũng thường mời các chuyên gia nước ngoài đến từ Nhật Bản hay Đức tới Việt Nam để hợp tác và sáng tạo nhằm nâng cao trình độ nghệ thuật của các nghệ sĩ và diễn viên. Dịch bệnh bùng phát từ đầu năm khiến họ phải lùi lịch dù chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, cơ sở vật chất.
PV: Liệu việc “vỡ kế hoạch” có ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ công nhân viên và tinh thần hoạt động nghệ thuật của anh chị em nghệ sĩ hay không?
NSƯT Cao Ngọc Ánh, PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ: Việc mất tinh thần là điều không thể tránh khỏi. Tập thể nhà hát vô cùng thất vọng khi phải chứng kiến những kế hoạch, những vở diễn mà mình dày công đầu tư thời gian dàn dựng buộc phải hoãn lại. Cảm giác giống như ta đang đi trên một con đường thuận lợi bỗng chốc gặp phải một tảng đá lớn từ trên trời rơi xuống chắn lối.
Riêng với những diễn viên, thông thường lương cơ bản của họ rất thấp, buộc các bạn phải tham gia các buổi diễn hàng đêm hoặc chạy show ở bên ngoài để trang trải chi phí sinh hoạt, nhất là các bạn tới từ các vùng miền xa xôi. Ban Giám đốc đã tìm mọi cách để tháo gỡ, cố gắng xoay sở trong phạm vi mình được phép để hỗ trợ cho anh, chị em nghệ sĩ dù chỉ là chút ít.
Tất cả các vở diễn nằm trong kế hoạch luyện tập vẫn được triển khai bằng cách chia thành các nhóm nhỏ, điều này giúp đảm bảo cho các bạn vẫn có thời gian tập luyện trên nhà hát, vừa có thời gian đi làm việc ở bên ngoài.
Trong thời đại này, các nhà hát không thể ôm khư khư diễn viên của mình mà cần phải tạo cho các bạn tương tác với bên ngoài. Lấy ví dụ, nhiều diễn viên của chúng tôi đã từng tham gia dự án phim truyền hình, điều này vừa giúp danh tiếng của các bạn tốt hơn, vừa giúp cải thiện được chất lượng diễn xuất của đội ngũ diễn viên trong nhà hát.
Có rất nhiều những câu chuyện xúc động diễn ra ngay trong nhà hát vào thời điểm khó khăn này. Các bạn nghệ sĩ thậm chí còn lập các nhóm chung để cùng nhau vượt khó bằng cách các bạn nữ chuyển sang làm đồ ăn vặt để bán còn các bạn nam nhận nhiệm vụ vận chuyển. Thực chất khách hàng cũng chính là những thành viên trong nhà hát, dù không nhiều nhặn gì nhưng chúng tôi vẫn cố gắng ủng hộ nha, bằng mọi cách vượt qua những lúc khó khăn như này…
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Về số lượng các nghệ sĩ được xếp hạng, nhà hát hiện tại chỉ có duy nhất tôi là NSND đang làm việc, các NSND khác đều đã nghỉ hưu, còn lại thì chúng tôi có gần 30 Nghệ sĩ ưu tú. Bên cạnh các danh hiệu trên, nhà hát có rất nhiều tài năng trẻ đang hoạt động ở các đoàn nghệ thuật. Có thể nói lực lượng của nhà hát của chúng tôi rất hùng hậu với 5 thế hệ cùng đứng trên sân khấu biểu diễn, điều này tạo ra lợi thế cho các bạn lớp trẻ có cơ hội học hỏi, ngoài ra các vỡ diễn sẽ có mới có cũ, có trẻ có già. Nhất là với loại hình Chèo, những diễn viên trẻ sẽ có lợi thế về xuân sắc, nhưng nếu không có các thế hệ khác đan xen, gồng gánh trong cùng một vở diễn, buổi diễn thì các em sẽ không được học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ lớn tuổi. Trong số 5 thế hệ, chúng tôi có 3 thế hệ đang tham gia đóng chính còn các thế hệ còn lại là những em mới ra trường sẽ dần dần học tập và quan sát các lớp trước diễn xuất ngay trên sân khấu.
PV: Có một thực trạng đang diễn ra ở nhiều đoàn nghệ thuật, đó là không tìm ra các thế hệ kế cận. Nghệ thuật Chèo hết sức đặc thù và phải trau dồi các kỹ năng một cách khắt khe, trong giai đoạn này những vấn đề dịch bệnh, kinh tế có gây khó khăn cho nhà hát trong việc duy trì hoạt động tập luyện hay không?
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Đó là tình trạng chung của nền nghệ thuật Việt Nam và chúng tôi không nằm ngoài việc này. Dù có tới 5 thế hệ cùng đứng trên sân khấu, nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được rằng số lượng hiện tại vẫn ít hơn ngày trước do tinh giản biên chế cũng như không đủ lực để nuôi đội ngũ nghệ sĩ hợp đồng. Một vấn đề khác, đó là dù nghệ thuật truyền thống vẫn đang được quan tâm nhưng để mà các bạn tự sinh sồng bằng nghề của mình thì là không thể. Chính vì vậy, nhưng bạn có tài năng, tố chất thì không phải ai cũng ở lại với nghề.
Gần đây, chúng tôi đã mở 1 lớp hơn 30 học viên trong đó có cả đào tạo diễn viên và nhạc công, nhưng để đến khi ra trường hoặc vào biên chế thì giảm xuống còn già nửa ban đầu. Cộng thêm một điều nữa đó là chế độ đãi ngộ nhân tài của chúng tôi không đủ để đảm bảo cho các em lo chuyện cơm áo gạo tiền.Có một số em ai ở lại với nghề, có những em học xong lấy bằng lại chuyển nghề, có những em hiện tại vẫn không chắc chắn sẽ theo nghề suốt đời.
Cái khó của nhà hát chèo đó là chúng tôi vừa phải tự xoay sở các khoản thu để có tiền trả lương cho các nghệ sĩ, vừa phải bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật chèo. Chúng tôi không thể nói rằng vì chạy theo lợi nhuận mà tạo ra các sản phẩm ăn khách để rồi lờ đi việc bảo tồn chèo.
Riêng bản thân tôi, với 41 năm trong nghề thì lương thực cũng chỉ rơi vào khoảng hơn 7 triệu đồng dù kiêm nhiệm nhiều chức vụ - nghe thì khó tin nhưng đó là sự thật. Đó là với tư cách quản lý, còn quay trở lại các bạn trẻ mới vào nghề chỉ biết trông vào lương thì thu nhập thực sự là không đủ. Chúng tôi bắt buộc phải cho anh em đi diễn thêm hoặc tổ chức thêm các buổi diễn, chương trình bên ngoài.
Một cái khó nữa của nhà hát đầu ngành đó là: anh có thể tạo ra các sản phẩm thể nghiệm để đáp ứng thị hiếu khán giả, nhưng mục đích của anh phải là bảo tồn. Chúng tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng phải giữ lấy Chèo, dù hiện tại Chèo cũng đã có những sự thay đổi nhất định. Nhưng quan điểm của chúng tôi đó là nếu chèo không còn là Chèo thì chúng tôi cũng không việc gì phải bảo tồn nó nữa.
PV: Những nghệ sĩ Chèo thì sẽ có nghề phụ là gì ạ?
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Điều may mắn đối với các nghệ sĩ của chúng tôi đó là các bạn vẫn có thể sống bằng nghề đi hát văn, hát Chèo chứ chưa tới mức phải đi làm các nghề bên ngoài. Có không ít bạn diễn viên thực sự sống bằng nghề đi hát văn tại các đền, phủ chứ không thể trông mong vào đồng lương tháng.
Khi chúng tôi dàn dựng các chương trình lớn, các vở diễn cần đông người chia ra 3 ca tập: sáng, chiều và tối. Đôi khi có những bạn đi diễn ở bên ngoài thì chúng tôi có thể linh động chia lịch tập cho các bạn nhưng vẫn quy ước phải đảm bảo chất lượng khi quay trở lại nhà hát.
Bản thân tôi cũng cảm thấy xót xa khi biết về những trường hợp nghệ sĩ phải cố gắng mưu sinh bằng các công việc khác, nhưng dù sao với những người nghệ sĩ thì vẫn phải giữ gìn danh tiếng cho mình.
Tôi luôn nhủ lòng, nếu không có Thanh Ngoan thì sẽ có một nhà quản lý khác, bản thân tôi chỉ mong muốn tìm ra cơ hội để nghệ thuật Chèo và nghệ thuật truyền thống Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và sống trong lòng khán giả và chỉ mong khán giả hãy yêu sân khấu truyền thống, bởi đó chính là cốt lõi của văn hóa dân tộc.
Ảnh: Huy Vũ
Bài: Gia Hiền - Huy Vũ - Việt Khôi
Thiết kế: Thúy Hà