Smartphone, tablet, phablet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Các tiện ích công nghệ không chỉ mang tới không gian giải trí mà còn phục vụ, hỗ trợ đắc lực cho công việc của mỗi người. Nhưng mặt trái của nó là sự lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ, các chuyên gia Anh gọi đó là hội chứng “Nomophobia” - hội chứng bất an khi không được tiếp xúc với điện thoại.
Nomophobia là gì?
Nomophobia là từ viết tắt của “no-mobile-phone phobia”, một thuật ngữ mô tả nỗi sợ hãi khi không có điện thoại bên người.
Tại Anh, vào năm 2010, một nhóm nghiên cứu đã khảo sát và nhận thấy có 53% người Anh cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi họ làm mất điện thoại, điện thoại hết pin, hết tiền hay điện thoại mất sóng. Mức độ lo lắng của họ tương đương với việc họ đang sắp trải qua một buổi khám răng hay tương tự “nỗi lo lắng, hốt hoảng trước ngày cưới”. Đàn ông Anh mắc chứng nomophobia nhiều hơn phụ nữ với 58% người trải qua các cảm giác lo âu khi không kè kè bên người chiếc điện thoại di động.
Tại Mỹ, chứng nghiện smartphone còn tồi tệ hơn. Theo một thống kê, cứ 3 người thì có 2 người để điện thoại bên cạnh khi đi ngủ, 34% người sẽ trả lời cuộc gọi khi đang gặp gỡ đối tác, 20% số người được hỏi chấp nhận đi ra đường trong tình trạng chân trần chứ không thể không có điện thoại, 50% số đó không bao giờ tắt điện thoại và tới 66% người lớn mắc chứng nghiện điện thoại. 55% số người được hỏi thì trả lời việc giữ liên lạc với bạn bè hoặc gia đình là nguyên nhân chính khiến họ cảm thấy vô cùng lo lắng khi không thể sử dụng điện thoại di động.
Một nghiên cứu được công bố bởi hãng AT&T và Trung tâm nghiện internet và công nghệ Mỹ trên tờ Washington Times cũng cho thấy, trung bình mỗi người Mỹ “để mắt” đến điện thoại của mình 150 lần/ngày và dành ra 4,7 giờ/ngày để sử dụng smartphone cho các việc trò chuyện, nhắn tin, giao tiếp xã hội, làm việc…
Đáng e ngại hơn, cứ 5 người được khảo sát thì có 1 người chấp nhận đi chân trần ra đường thay vì không được dùng điện thoại trong một tuần. Thêm vào đó, có đến 64% người trong độ tuổi từ 18 đến 29 được khảo sát thừa nhận đi ngủ với chiếc smartphone hoặc máy tính bản kè kè bên người, theo tờ The Huffington Post.
8 dấu hiệu của chứng Nomophobia
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện 1 khảo sát với các câu hỏi như: Tại sao bạn sử dụng điện thoại và bạn cảm thấy thế nào nếu không có điện thoại?
Kết quả cho thấy hầu hết mọi người đều đang ở mức độ nomophobia nào đó. Một chuyên gia khoa học Anh khẳng định, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào điện thoại, thậm chí sẽ chẳng thể làm gì nếu không có điện thoại.
Dưới đây là 8 dấu hiệu cho thấy bạn đã “đặt chân” vào hội chứng Nomophobia:
Hốt hoảng kiểm tra điện thoại: Giật mình chúi đầu vào túi để chắc chắn rằng điện thoại vẫn ở đó trong khi thực tế bạn đã để nó ngay trước mặt.
Điện thoại đi vào giấc mơ: cơn ác mộng lớn nhất chính là bạn cứ chạy đuổi theo chiếc điện thoại trong một giấc mơ kỳ lạ không có hồi kết.
Giật mình khi không thấy điện thoại: Có thể đo mức độ sợ hãi khi không có điện thoại thông qua thái độ không tìm thấy điện thoại ngay lập tức. Nó giống nỗi lo lắng thái quá về việc không có điện thoại thì conn gười trở nên vô dụng, mọi việc vô nghĩa.
Không thể ngủ nếu không có điện thoại: Điều tồi tệ nhất là sau khi giải quyết mọi việc trên chiếc giường ấm áp, người ta thường phải đứng dậy tắt đèn hay đi vệ sinh. Nhưng người mắc hội chứng Nomophobia lại phải đi lấy điện thoại và lướt 10 ngón tay trên điện thoại cho đến khi ngủ gật.
Điện thoại “xen” vào tất cả các cuộc trò chuyện: Không thể có một cuộc nói chuyện trực tiếp một cách trọn vẹn với bạn bè, đồng nghiệp vì liên tục sử dụng điện thoại.
Quay lại lấy điện thoại dù mất bao nhiêu thời gian: Có thể hiếm khi bạn quên điện thoại ở nhà nhưng dù bạn đã cách nhà bao xa, bạn vẫn nhất định phải quay về nhà để lấy nó thì rõ ràng bạn đã mắc hội chứng Nomophobia.
Không tuân thủ quy định: Mặc dù ở nơi không cho phép sử dụng điện thoại nhưng bạn vẫn không thể tuân thủ, vẫn lén lút nhìn vào màn hình, bận rộn với các ứng dụng mail, chat...
Không vào nhà hàng không có wifi: Đi đến bất kỳ đâu, bạn cũng sẽ tìm nơi có dịch vụ viễn thông tốt nhất và nắm chắc tất cả các mật khẩu vào wifi. Bởi chỉ có như thế, bữa ăn hay tách cà phê tại nhà hàng mới trở nên tuyệt vời theo ý bạn.
“Căn bệnh nguy hiểm” lây lan toàn thế giới
Hội chứng Nomophobia đang trở thành một cơn sốt lây lan toàn thế giới. Nằm trong khu vực châu Á với 2,5 tỉ người dùng điện thoại di động, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ người mắc chứng nghiện điện thoại di động cao nhất thế giới.
Singapore có hẳn đội ngũ chuyên gia chuyên nghiên cứu chứng bệnh này và thành lập một trung tâm y tế chữa các bệnh liên quan tới công nghệ.
Trung Quốc lại là quốc gia đầu tiên mở các trại cai nghiện điện thoại theo phong cách quân đội.
Mới đây, một trung tâm nghiên cứu và chữa trị hội chứng Nomophobia đã được mở ra ở phía Nam California. Tùy theo các mức độ nghiện điện thoại di động của người dùng mà các bác sĩ đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau từ những cách đơn giản như: giảm dần thời lượng sử dụng điện thoại đến quyết liệt như cấm sử dụng các thiết bị công nghệ trong một thời gian dài.
Tiến sĩ David Greenfield- Đại học Y khoa Connecticut Mỹ cho hay chứng Nomophobia chỉ là một nhánh nhỏ trong một hội chứng lớn hơn: nghiện internet. Nghiện internet có thể để lại nhiều hậu quả tiêu cực lên đời sống và sức khoẻ con người như: thể trạng mệt mỏi thường xuyên, tâm trạng dễ thay đổi, dễ nổi giận hay tranh cãi, nói dối nhiều hơn, xa rời cộng đồng xã hội…
TS Greenfield nói thêm, người mắc chứng Nomophobia cũng thường là những người muốn liên tục nhận được những lượt thích trên hình ảnh hoặc trạng thái được cập nhật trên các trang mạng xã hội của họ như Facebook, Twitter hay Instagram... Họ thoả mãn với những giá trị ảo và liên tục cầm điện thoại để “tận hưởng” chúng.
Còn theo hai nhà nghiên cứu Nicola Luigi Bragazzi và Giovanni Del Puente tại Đại học Genoa, chứng Nomophobia cần được nghiên cứu và phân tích thêm trước khi đưa ra các kết quả về các tác hại sâu hơn của nó lên sức khoẻ con người, nhất là trẻ em.
Nghiên cứu của Common Sence Media - một tổ chức hoạt động nhằm cải thiện đời sống trẻ em thông qua công nghệ và giáo dục truyền thông đã tiến hành một thí nghiệm về thực tế sử dụng điện thoại của trẻ. Những đứa trẻ được gắn một thiết bị theo dõi mức độ sử dụng điện thoại trong chiếc smartphone của chúng. Kết quả đã cho thấy, 41% trẻ em đã thực sự “nghiện” smartphone.
Trong một khảo sát ở Hàn Quốc gần đây về vấn đề "nghiện" trò chơi trực tuyến cũng khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình, trẻ dùng điện thoại nhiều hơn 7 giờ/ngày. Đối với những trường hợp này, chúng thường có các triệu chứng như lo âu, mất ngủ, trầm cảm khi bị cấm sử dụng thiết bị. Điều đáng lo ngại là việc sử dụng điện thoại thông minh trong giới thanh niên và trẻ em (độ tuổi được nhận định dễ bị “nghiện” và khó “cai” nhất) lại đang tăng nhanh hơn so với các nhóm khác.
Theo Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh ở trẻ em lứa tuổi 6 - 19 tuổi năm 2013 đã lên đến 65%, gấp 3 lần so với năm 2011. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy tỷ lệ nghiện điện thoại thông minh trong giới trẻ hiện nay là 18%, gấp đôi so với số liệu ở người lớn.
Các chuyên gia nghiên cứu nhận xét rằng, ngoài việc gây mất tập trung thì trạng thái “nghiện” thiết bị số còn gây tổn hại kỹ năng giao tiếp. “Khả năng quan sát và đọc biểu cảm trên gương mặt của giới học sinh ngày nay ngày càng kém. Khi bạn dành nhiều thời gian gửi tin nhắn cho mọi người thay vì nói chuyện với họ, bạn sẽ không học được cách đọc ngôn ngữ không lời” - Giáo sư tâm lý học Setsuko Tamura - Đại học Tokyo cho biết.
Mọi quốc gia đều nhận định hội chứng Nomophobia là một vấn đề xã hội cần được y học hóa để giảm thiểu nhiều hơn tác hại gây ra trên não bộ, thị giác, hành vi và vô số vấn đề sức khỏe khác.
Cai bằng... hội trại
Mỹ đã xây dựng hẳn một chương trình hội trại “cai nghiện” thiết bị kỹ thuật số gọi là Camp Grounded. Người tham gia hội trại bị cấm dùng các thiết bị điện tử trong lúc tham gia các hoạt động như hát múa, ngồi thiền, tham dự hội thảo…
Tại Trung Quốc, các thiếu niên nghiện smartphone thường được cha mẹ đăng ký cho tham gia một hội trại mang phong cách huấn luyện quân sự để giảm bớt phần nào hội chứng Nomophobia mà họ mắc phải.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không phải lúc nào việc chữa hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại cũng cần tham gia hội trại. Có khá nhiều biện pháp đơn giản hơn để cắt cơn nghiện smartphone của một người mắc chứng Nomophobia như:
- Giới hạn thời gian sử dụng công nghệ trong ngày.
- Hoàn toàn không nhắn tin khi đang lái xe
- Cân bằng giữa thời gian nhìn vào màn hình và thời gian tiếp xúc với người khác. Nếu ra ngoài cùng bạn bè, hãy chắc chắn rằng cả nhóm không dùng điện thoại. Nếu đang có một cuộc hẹn hò, hai người nên thoả thuận trong khoảng 90 phút gặp gỡ, cả hai sẽ không dùng quá 5 phút kiểm tra điện thoại.
- Đặt điện thoại cách xa ít nhất 5m trước khi đi ngủ. Việc này sẽ bảo vệ sức khỏe người dùng đồng thời tăng hiệu quả của chức năng “báo thức” vào mỗi buổi sáng.
- Mỗi tháng nên dành ra một ngày sống không công nghệ, không điện thoại để cảm nhận cảm giác cơ thể được giải phóng.