Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (trưởng ban nghiên cứu Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội) cho biết: “Đo lường sự thay đổi trạng thái tâm lý của người tham gia và mức độ gắn bó với facebook sau 72h cho kết quả đáng lo ngại. Gần 43,1% người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia, những trạng thái cảm xúc thường thấy ở mức cao hơn trung bình quá trình diễn ra thực nghiệm là khách thể tham gia cảm thấy mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và luôn bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó.
Một số khác nói rằng đến cuối ngày thứ 3 thì tất cả những xu hướng đấy đã giảm xuống, và bỗng nhận ra rằng trong 3 ngày mình tham gia thực nghiệm này mình đã có cơ hội làm được một số việc trước đây mình đã lên kế hoạch và có cảm giác hạnh phúc hơn, mình nhận ra được dấu hiệu hình như là mình “nghiện” facebook. Trải qua 72h không facebook, một số người đã tìm ra được một số cách thức phù hợp với bản thân mình như: làm việc nhà nhiều hơn, đọc sách và tích cực đi ra ngoài với bạn bè...”
Minh Anh - sinh viên trường Đại học KHXH & NV cho biết “Suốt 72h không sử dụng facebook quả thật rất khó. Mình cảm thấy như thiếu thốn một điều gì đó". Đây cũng là tâm lý của khá nhiều sinh viên hiện nay.
“Facebook đang trở thành một ngôi làng toàn cầu, tạo cơ hội kết nối và tương tác hoàn hảo để giao tiếp và liên lạc trong kỷ nguyên số. Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận của facebook và Internet thì nó cũng còn những mặt trái, tác động tiêu cực khôn lường” - GS. TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH & NV- ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định.
Mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người, nhất là các bạn trẻ. Song cũng cần biết sử dụng mạng xã hội một cách khoa học để nó trở thành công cụ hữu ích trong cuộc sống chứ đừng để bị biến thành “nô lệ” của nó, hay trở thành một bệnh lý. Do đó, chúng ta phải biết tận dụng và phát huy những lợi ích tích cực mà mạng xã hội đem lại, hạn chế và loại bỏ những tiêu cực mà nó gây ra…
.