Trong những ngày Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ mới thành lập, mọi phương tiện máy móc còn rất thô sơ, bà Kinda và đồng nghiệp đã phải tính toán quỹ đạo bay của tàu con thoi bằng tay không.
Những đóng góp đó của bà đã giúp Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên thành công trong việc đưa con người lên Mặt trăng. Cuộc đời thầm lặng của người phụ nữ da màu này còn được tái hiện lại trong cuốn sách và bộ phim cùng tên: “Những ẩn số”.
Thông báo của NASA viết: “NASA sẽ không bao giờ quên Kinda Johnson. Nhiều cột mốc vĩ đại trong lịch sử nhân loại sẽ không thể có được nếu thiếu sự đóng góp của bà ấy”.
“Câu chuyện về cuộc đời Kinda Johnson sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho thế hệ sau noi theo”.
Bà Kinda Johnson sinh ra tại West Virginia vào năm 1918. Khi còn là một thiếu nữ, bà đã say mê những con số và bộc lộ năng khiếu toán học. Bà tốt nghiệp THPT ngay từ năm 14 tuổi, sau đó tốt nghiệp đại học với tấm bằng ngành Toán và tiếng Pháp tại ĐH bang West Virginia. Công việc đầu tiên của bà là giáo viên, tuy nhiên vào đầu năm 1953, bà được gọi vào Ủy ban Cố vấn Hàng không Hoa Kỳ.
Bấy giờ, bà là một trong số ít những người phụ nữ Mỹ gốc Phi làm việc trong bộ phận điều hướng tại Trung tâm nghiên cứu Langley, Virginia. Bà cùng các nữ đồng nghiệp đã phải vừa làm việc, vừa chiến đấu với nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.
Trong cuộc nói chuyện với đài truyền hình WHRO vào năm 2011, bà Johnson kể lại sự việc mà chính bản thân bà đã gặp phải: “Một lần khi đang làm việc, tình cờ có cuộc họp ngắn, tôi xin phép được tham gia. Nhưng một người đã nói với tôi: “Thường phụ nữ sẽ không được tham dự cuộc họp”. Tôi hỏi lại anh ta: “Có luật nào như vậy à?”. Anh ta lắc đầu. Thấy vậy, sếp của tôi đã phải nói: “Thôi cứ để cô ấy tham gia đi”.
Bà Johnson đã không một phút giây nào ngừng phấn đấu. Bằng năng lực thực sự, bà đã dần thăng tiến trong NASA. Bà đích thân tính toán quỹ đạo của lần phóng có người lái đầu tiên và ngày một trở nên quan trọng đối với tổ chức này.
Trước chuyến bay giúp John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh Trái đất, ông đã yêu cầu chính bà Johnson kiểm tra lại các thuật toán của quá trình phóng. Chỉ đến khi bà xác nhận mọi thứ đều chính xác, Glenn mới yên tâm thực hiện chuyến bay của mình.
Trong buổi lễ tại Nhà Trắng vào năm 2015, tổng thống Obama đã trao tặng bà Kinda Johnson huân chương Tự do. Đây là danh dự dân sự cao nhất mà một công dân Mỹ có thể nhận được.
“Suốt 33 năm làm việc tại NASA, bà Kinda đã phá vỡ các rào cản về chủng tộc và giới tính. Bà đã cho các thế hệ sau thấy rằng, ai cũng có thể trở nên vĩ đại trong chính lĩnh vực của mình”, Tổng thống Obama nói.
Năm 2017, bà Kinda Johnson lại được vinh danh tại giải thưởng Academy Awards. Không chỉ thế, NASA còn ưu ái đặt tên cơ sở nghiên cứu tính toán theo tên người phụ nữ vĩ đại này.