Phát triển du lịch sinh thái, bền vững ở Vườn Quốc gia Cúc Phương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Những năm qua, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn tại Vườn.
Ông Nguyễn Văn Chính (đứng ngoài cùng bên trái), Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương, dẫn đoàn tham gia hoạt động thả động vật về rừng.
Ông Nguyễn Văn Chính (đứng ngoài cùng bên trái), Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương, dẫn đoàn tham gia hoạt động thả động vật về rừng.

Vườn Quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Được thành lập ngày 7/7/1962 theo quyết định 72-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cúc Phương đã trở thành Vườn Quốc Gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam.

Nơi đây có hệ động thực vật phong phú, đa dạng, mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới; là nơi phát hiện và bảo tồn nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Đây là Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường, được quốc tế bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á liên tiếp từ năm 2019-2022.

Nhiều sản phẩm du lịch tiềm năng

Với sự đa dạng về hệ động, thực vật cùng bề dày của công tác quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái gắn với công tác cứu hộ, bảo tồn tại Vườn. Để vận hành, khai thác tốt hơn các loại hình du lịch, đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết vẫn còn nhiều việc phải hoàn thiện.

Du lịch kết hợp với các hoạt động thể thao là một trong những sản phẩm được đánh giá có nhiều tiềm năng mà Vườn Quốc gia Cúc Phương hướng đến khai thác và phát triển.

Qua 2 năm tổ chức giải chạy "Cúc Phương Jungle Paths" đã góp phần quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, sức hấp dẫn của thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, thực hiện chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Nhằm tuyên truyền về công tác bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã tính toán các cự ly chạy phù hợp với vận động viên; bố trí khu vực chạy ở các cự ly khác nhau; trong đó, chủ yếu ở vùng đệm, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính dịch vụ; chỉ bố trí khoảng 300 vận động viên chạy qua vùng lõi của Vườn.

Ngoài vận động viên Việt Nam, giải chạy thu hút sự tham gia của hơn 100 vận động viên đến từ 26 quốc gia trên thế giới. Sau 2 mùa giải, công tác bảo tồn thiên nhiên cũng như bảo vệ các loài động vật hoang dã đã lan tỏa sâu rộng đến người dân trong nước và du khách quốc tế.

Vận động viên Vũ Tiến Việt Dũng, 39 tuổi đến từ Hà Nội, đoạt giải Nhì cự ly 100km tại giải chạy "Cúc Phương Jungle Paths 2023," chia sẻ anh có 2 năm tham gia giải chạy vào năm 2022 và 2023. Năm nay, anh có hơn 16 tiếng chạy trải nghiệm các cung đường trong Vườn Quốc gia Cúc Phương, qua nhiều làng bản, có sông, suối, nhiều đá tai mèo, không khí trong lành, mang nét đặc trưng của Cúc Phương.

Phát triển du lịch sinh thái, bền vững ở Vườn Quốc gia Cúc Phương ảnh 1

Hệ thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức/TTXVN).

Bên cạnh đó, tour "Về nhà" (được Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức từ tháng 3/2021) đã khiến nhiều du khách, nhất là các "du khách nhí" rất thích thú khi được trải nghiệm và đồng hành cùng công tác tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ. Tour du lịch gắn với việc lần đầu tiên một vườn quốc gia cho phép du khách tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng công tác này.

Theo đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương, mục đích của tour "Về nhà" là lan tỏa tình yêu và sống có trách nhiệm với thiên nhiên hơn. Khi chứng kiến khoảnh khắc động vật được "hồi sinh" trở về "mái nhà" của tự nhiên, mỗi du khách như được đón nhận năng lượng từ rừng già bằng cảm nhận riêng của mình; đồng thời, xác định sứ mệnh chuyển tải thông điệp đến gia đình, người thân về trách nhiệm xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.

Nâng cao ý thức, tình yêu thiên nhiên trong thế hệ trẻ

Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.408ha, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, hệ động vật ở đây rất phong phú và độc đáo.

Vườn Quốc gia còn là bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời, lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Trải qua các giai đoạn phát triển, Cúc Phương đã dần hình thành, xây dựng và vận hành thành công mô hình quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, khai thác du lịch sinh thái nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên.

Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, Vườn Quốc gia đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường như hành trình hồi sinh, tour "Về nhà" dành để chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã; trại hè "Lớn lên cùng đại ngàn" để giáo dục, nâng cao ý thức và tình yêu thiên nhiên tới các thế hệ học sinh, sinh viên... Đặc biệt, tour du lịch trải nghiệm "Về nhà" được các chuyên gia đánh giá là Top 10 du lịch độc đáo tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ Cúc Phương lấy trọng tâm hướng đến là học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu để phát triển định hướng du lịch sinh thái gắn với tuyên truyền thực hiện việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần sớm tự chủ tài chính và phát triển bền vững.

Vườn Quốc gia sẽ khai thác sâu hơn những tour, tuyến mang đậm trách nhiệm với môi trường. Mỗi du khách đến đây đều được trải nghiệm, kể chuyện và truyền tải thông điệp về việc đồng hành cùng Vườn Quốc gia Cúc Phương trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Theo ông Gareth O’Hara, Giám đốc Lữ hành Á Châu, hàng năm, đơn vị phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương đưa khoảng 1.000 học sinh, sinh viên trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm tại khu vực động Người Xưa; cây cổ thụ, xem chim, thú đêm; chinh phục đỉnh cao Mây Bạc (là nóc nhà Cúc Phương); xuyên rừng ngủ bản; trải nghiệm tìm hiểu đời sống, văn hóa, tri thức bản địa và các hoạt động giao lưu văn nghệ... Qua đó, du khách có những trải nghiệm độc đáo, đồng thời lan tỏa được tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo tồn thiên nhiên.

Ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết những năm gần đây, tỉnh đã định hướng để phát triển thêm loại hình du lịch gắn với cứu hộ, bảo tồn thiên nhiên. Đây là một trong những xu thế trong tương lai được cư dân thành thị cũng như cư dân ở một số địa phương thích thú, muốn tìm hiểu.

Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh tiếp tục tập trung vào công tác quảng bá, xúc tiến đối với loại hình du lịch này để thu hút du khách quan tâm và trải nghiệm. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh, tận dụng tối đa các loại hình quảng bá trên mạng thông tin xã hội, Internet, hội nghị, hội thảo, ấn phẩm; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế trong và ngoài nước để tiếp cận, chủ động đưa thông tin đến du khách cũng như các đối tác cung cấp dịch vụ du lịch nhằm phát triển loại hình du lịch này.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhận định đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn cần có kế hoạch, chính sách bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên. Việc xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang tính trải nghiệm cho du khách là cần thiết nhưng lưu ý không làm tổn hại đến thiên nhiên, hướng tới bảo vệ môi trường. Đó mới là cách làm du lịch sinh thái đúng, bền vững.

Vườn quốc gia Cúc Phương hiện có 2.234 loài thực vật, chiếm 17,27 % trong tổng số loài thực vật của Việt Nam. Bước vào rừng già nguyên thủy của Cúc Phương, con người cảm thấy sững sờ, nhỏ bé khi lọt vào thế giới hoang sơ đậm màu xanh kỳ vĩ trường tồn. Hàng chục người ôm mới hết chu vi những cây đại thụ tuổi ngàn năm cao trọc trời từ 45m đến 75m, sống âm thầm trước bão táp nắng mưa mà trở lên khổng lồ.

Để đứng vững chúng phải có bộ rễ thật đồ sộ, phần chìm sâu dưới lòng đất, phần nổi dựng đứng như thành, chạy dài hàng chục mét. Như cây Đăng cổ thụ cao 45m, đường kính 5m; cây vù hương cao 45m, đường kính 2,5m; cây chò chỉ cao 70m, đường kính 1,5m với hệ thống bạnh vè cao chừng 10m chạy dài 20m tựa như bức tường thành; cây chò xanh ngàn năm cao 45m chu vi gốc 25m.

Chẳng thua kém thế giới thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra mới nhất Cúc Phương có 135 loài thú, 336 loài chim, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá và gần 2000 loài côn trùng. Trong các loài thú ở Cúc Phương, nhiều loài đã được xếp vào loại quý hiếm, như báo gấm, báo lửa, gấu ngựa, … và nhiều loài đặc hữu như sóc bụng đỏ, các loài linh trưởng như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, vượn.

Đặc biệt, ở Cúc Phương có một loài thú linh trưởng quý hiếm, không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngoài Việt Nam, đó là loài Voọc mông trắng. Chính vì vậy, loài voọc này đã được chọn làm biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Thế giới côn trùng ở Cúc Phương cũng đa dạng muôn hình muôn vẻ. Trước những kẻ thù, các loài côn trùng nhỏ bé yếu đuối, chỉ có cách ẩn mình trốn tránh. Có loài được tạo hóa cho phép tàng hình, như loài bọ lá thân hình giống như chiếc lá tươi khi chúng ẩn mình hòa vào cỏ cây thì khó có đôi mắt tinh tường nào biết được. Còn loài bọ que giống hệt cành cây nhỏ, khẳng khiu, ngộ nghĩnh, đây cũng thực sự là những kiệt tác của tạo hóa. Mùa bướm nở, rừng già như trẻ lại, tưng bừng lấp lánh ánh vàng, bướm nhiều vô kể đủ dạng, đủ màu phơi bày một bức tranh kỳ ảo. Bởi vậy Cúc Phương được chọn là điểm đến của nhiều du khách trong kỳ nghỉ Hè.

Phát triển du lịch sinh thái, bền vững ở Vườn Quốc gia Cúc Phương ảnh 2
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).