Ngày 23/10, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết học sinh này sốt cao, đau họng, gia đình tự mua thuốc uống. Ngày 11/10, bệnh nhân khám tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (TP Hội An). Bác sĩ phát hiện bên trong họng bệnh nhân có một số vết trắng cùng với các biểu hiện giống bệnh bạch hầu. Bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, hiện đã hết sốt, sức khỏe ổn định.
Hiện còn hai học sinh ở xã Duy Nghĩa cũng được nghi mắc bệnh bạch hầu, đang được điều trị cách ly ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân đã được gửi đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, chưa có kết quả.
Quảng Nam là một trong 30 tỉnh được Bộ Y tế chỉ đạo phải tiêm vắcxin ngừa bạch hầu trên diện rộng do thời gian qua xuất hiện một số ổ dịch. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam dự kiến tiến hành tiêm vắcxin ngừa bạch hầu cho 35.000 học sinh lớp 2 và 15.000 người 5-40 tuổi ở hai xã Duy Nghĩa và Duy Hải để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra, lây qua các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da. Triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu là sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau, xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng.
Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết ra nội độc tố. Một số bệnh nhân bị các nội độc này gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, nặng thì hôn mê sau đó tử vong. Một số trường hợp bị biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắcxin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng lúc bé 2, 3, 4 tháng. Nhiều năm nay, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng nên bệnh ít xuất hiện ở các tỉnh thành. Song, những năm gần đây vẫn có một số ca tử vong do bạch hầu. Hồi tháng 8, một bé trai 7 tuổi ở Đăk Lăk được ghi nhận là người đầu tiên chết vì bệnh bạch hầu trong năm.