Sách giáo khoa quan trọng đến mức độ nào đối với thế hệ trẻ ai cũng biết. Nhiều người đã bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi không nhắc lại.
Trước đây, chương trình tích hợp trong sách ngữ văn bậc trung học cơ sở có nhiều sai sót, Báo Văn Nghệ Trẻ và một số tờ báo khác đã có nhiều bài viết phê bình. Chúng tôi đã có bài viết “Tiền nhà nước mất - tật học trò mang” được dư luận quan tâm.
Những ý kiến đó khiến những nhà soạn sách phải chấp nhận và tiếp thu. Nay việc cải cách sách giáo khoa phổ thông từ lớp một đến lớp mười hai đang được tiến hành với quy mô rộng rãi, những ý kiến đóng góp lúc này là hết sức cần thiết.
Bộ Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên và Giáo sư Trần Đình Sử là Trưởng nhóm phản biện. Với hai bậc danh nho ấy chúng tôi đủ niềm tin là sách được viết ra và phê duyệt, in đồng loạt cho sử dụng ít nhất đã bảo đảm hai chuẩn mực: Tính tư tưởng và tính khoa học. Đáng tiếc thời gian qua, bộ sách Cánh diều bị phụ huynh kêu ca và lực lượng báo chí viết bài phê bình khá rầm rộ.
Nhiều cái sai được chỉ ra, đơn cử như: Bài số 63 “Cua, Cò và đàn cá”, in ở các trang 115, 117 và bài 88 “Hai con ngựa” in ở trang 157 và 159 bị phê bình kịch liệt… Bộ Giáo dục đã tiếp thu và yêu cầu nhóm biên soạn sửa chữa… Ngoài những cái sai cơ bản nói trên, sách Tiếng Việt Cánh diều lớp 1 tập một còn có những cái sai chưa được ai chỉ ra. Xin nêu cụ thể:
Ở Bài 5 trang 14, mục 2 “Đố em tiếng nào có thanh “?” ?”. Trong đó tác giả vẽ đến sáu hình mà không có một chữ viết nào tương thích với sáu hình ấy mà lại đặt câu hỏi “Đố em tiếng nào có thanh “?”? ”.
Chúng tôi xin lấy tranh ấy xin đố lại Tổng Chủ biên, tác giả và những người phản biện chỉ ra: “Tiếng nào trong sáu hình ấy?”. Tiếp đến trang 15 mục 3 cũng bài học nói trên “Tìm tiếng có thanh “.”?” cũng có đến sáu hình mà không có bất cứ một tiếng nào.
Ở Bài 6, trang 16, mục 2 “Tiếng nào có âm ơ”. Người soạn sách đưa ra sáu hình vẽ không có bất cứ một tiếng nào nhưng lại đặt câu hỏi đánh đố các cháu như chúng tôi đã dẫn ở trên. Cũng ở bài học ấy, ở mục 3, người soạn sách đưa ra sáu hình không có một tiếng nào nhưng lại đặt câu hỏi tìm “Tiếng có âm d”.
Cái sai ấy lại tiếp tục ở Bài 7, mục 2, trang 18, “Tìm tiếng nào có âm đ” trong lúc chỉ có sáu hình vẽ mà không có tiếng nào. Đến mục 3 của bài học trên “Tìm tiếng nào có âm e” cũng chỉ có sáu hình vẽ mà không có tiếng nào.
Bài học số 10, trang 22, tiếp tục điệp khúc cái sai như cũ. Mục 2, “Tiếng nào có âm ê? Tiếng nào có âm l” cũng vẽ sáu hình mà không hề có tiếng nào. Bài học số 11, trang 24 cái sai vẫn được tiếp tục, ở mục 2 “Tiếng nào có âm b?”. Tác giả cũng vẽ sáu hình mà không hề có tiếng. Mục 3 của bài học ấy “Tìm tiếng nào có thanh “~”?” cũng có sáu hình mà không hề có tiếng nào.
Bài học số 12 trang 26, mục 2 “Tiếng nào có âm r? Tiếng nào có âm h?”. Tác giả vẽ sáu hình các con vật và đồ vật nhưng không hề có tiếng nào mà đố học sinh tìm tiếng?
Bài học số 13, trang 28, mục 2 “Tiếng nào có âm i? Tiếng nào có âm ia” cũng vẽ đến sáu hình mà chẳng có tiếng nào…
Điểm qua từ Bài học số 5 trang 14 đến Bài số 13 trang 28 ít nhất gần chục bài học trong SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều đã đưa ra những câu hỏi đố học sinh lớp một, trong khi chỉ có hình ảnh không có tiếng mà các vị đố các em tìm tiếng.
Theo tôi cách biên soạn bài học và đặt câu hỏi của người soạn sách hoàn toàn thiếu chặt chẽ, khoa học. Với trẻ em, đây là sự đánh đố, vì tư duy của các em lớp 1 là chủ yếu là tư duy trực quan. Câu hỏi đặt ra cho những dạng bài tập này cần rõ ràng.
Nếu chỉ vẽ hình thì yêu cầu đặt ra cho các em là gọi tên các đồ vật và con vật trong hình vẽ, sau đó mới yêu cầu các em phát hiện“thanh” và “âm”. Những cái sai cơ bản ấy cũng cần phải được sửa chữa.
Dẫn thêm những điều này để chứng tỏ rằng: Từ Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên đến tác giả, rồi những người phản biện và giáo viên dạy thực hành đã không chú ý sự bất hợp lý, không tương thích trong các bài học mà chúng tôi đã nêu ở trên.
Điều cần nói thêm: Hình ảnh con cò trong truyền thống của người Việt Nam và con ngựa không phải là những con vật xấu. Nhưng tác giả sách giáo khoa đã cho “cò lừa đảo” và cho “ngựa bỏ trốn” khỏi nhà… bước đầu đã gây một tâm lý xấu cho trẻ con lớp một khi các cháu mới bước vào ngưỡng cửa nhà trường là điều khó chấp nhận.
Được biết ở Hà Tĩnh, 13 huyện thị, các Phòng Giáo dục hầu hết đều chọn sách Cánh diều… Chỉ có Phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh và rất ít huyện khác đã không chọn bộ sách này.
Mong rằng đội ngũ thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy lớp 1 hoặc những ai trong cả nước đọc bài viết này, quan tâm đến vấn đề này kiểm chứng, nhận định thêm những điều chúng tôi thông tin trong bài viết này đúng hay sai.