Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc, di sản như một lăng kính vạn hoa để các thế hệ khám phá sự đa dạng trong muôn vàn những biểu đạt truyền thống. Với nỗ lực bảo tồn từ cộng đồng cho đến sự chung tay của các cấp chính quyền, bối cảnh nguy cấp của di sản đang nhường chỗ cho một sức hồi sinh mạnh mẽ. Từ đó, di sản tiếp tục hòa vào hơi thở của cuộc sống đương đại, trở thành điểm tựa thúc đẩy tính sáng tạo và nền công nghiệp văn hóa.

________________________________

Nổi tiếng với kỹ thuật điêu khắc mộc bản tinh xảo có tuổi đời 581 năm, hành trình hồi sinh làng nghề mộc bản Thanh Liễu ghi nhận nỗ lực bảo tồn một trong những di sản độc đáo của người Việt. Bên cạnh đó, sự trở lại của kỹ thuật khắc in truyền thống là cơ hội để lớp nghệ nhân đương đại đóng góp, sáng tạo nhằm trao truyền giá trị văn hóa tới tương lai.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 1

Sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Liễu, phường Tân Hưng (Tp Hải Dương), ngay từ khi còn nhỏ nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt đã yêu thích mỹ thuật truyền thống và dành tình yêu đặc biệt cho nghề điêu khắc mộc bản của quê hương mình. Theo lời kể của anh, kể từ năm 2022 với quyết tâm hồi sinh làng nghề, kế thừa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, Nguyễn Công Đạt cùng các nghệ nhân cuối cùng trong làng đã dành nhiều thời gian thực hiện một tâm nguyện đặc biệt. Đó là hành trình hồi sinh lại làng nghề Thanh Liễu - trung tâm của nghề in khắc mộc bản lớn nhất tại Việt Nam.

Để tái dựng làng nghề, họ lặn lội đến những ngôi cổ tự lớn trong cả nước, gặp gỡ các nhà nghiên cứu, tìm lại lịch sử, sưu tầm minh chứng, tư liệu về các bộ ván khắc còn lưu giữ dấu ấn tinh hoa của tiền nhân. Khối tư liệu thu được phát lộ một giai đoạn lịch sử rõ nét của nghề in ấn Việt Nam trong gần 600 năm và chỉ bắt đầu thoái trào vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi máy móc phương Tây ồ ạt nhập về thay thế cho các làng nghề thủ công.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 2

Hai năm nỗ lực phục dựng làng nghề, hành trình tìm về với di sản không chỉ mang đến cho cá nhân Nguyễn Công Đạt những hiểu biết sâu sắc về lịch sử nghề khắc mộc bản của Việt Nam mà góp phần nâng cao tay nghề, giúp anh trở thành nghệ nhân thuần thục ở cả khía cạnh khắc tranh và khắc chữ.

Chia sẻ về kho tri thức và kỹ năng điêu khắc mà những người thợ Thanh Liễu góp nhặt, sáng tạo trong nhiều thế kỷ, Nguyễn Công Đạt cho biết: “Để có một bản in đẹp, người thợ Thanh Liễu phải tỉ mẩn trong từng công đoạn, kể từ chọn gỗ, khắc chạm cho đến lăn mực, in trên giấy”.

Những tấm gỗ được lựa chọn để làm ván thường là gỗ cây thị hoặc cây thừng mực. Đây là dòng gỗ màu trắng, vân gỗ chặt, dễ điêu khắc, ít cong vênh nứt vỡ, từ đó có thể bảo quản lên tới hàng trăm năm. Gỗ sau khi được lựa chọn sẽ được xử lý thêm một số công đoạn khác như chà, mài, ngâm, rửa để đạt được bề mặt tiêu chuẩn cho việc vẽ nét và điêu khắc. Các nghệ nhân thường sử dụng dao, nạo, tạc, dùi, đục… Đặc biệt phải kể tới con dao ngang, một công cụ được sáng tạo và sử dụng duy nhất tại làng nghề Thanh Liễu.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 3
Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 4

Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu với tuổi đời lên tới hàng trăm năm đã để lại nhiều di sản quý cho hậu thế, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật của người Việt. Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Lê Quốc Việt, Thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501) được coi là ông tổ nghề khắc in ở Thanh Liễu.

Sinh thời, Lương Như Hộc có 2 lần đi sứ nhà Minh vào các năm 1443 và 1459. Nhân đó ngài đã học nghề khắc ván từ Trung Hoa và truyền bá kỹ thuật cho người dân tại quê nhà. Nhờ công đức của vị thám hoa triều Lê mà nghề in nước ta có bước phát triển vượt bậc kể từ thế kỷ 15.

Sử sách chép lại nghề in khắc mộc bản tại Hải Dương từng phát triển thịnh đạt vào các thời Hậu Lê, Lê Trung Hưng và đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Nguyễn với tên tuổi của phường in nức tiếng Hồng Lục - Liễu Tràng. Trong thời gian này nghệ nhân ở làng Thanh Liễu cùng những làng xung quanh như Khuê Liễu, Liễu Tràng đã khắc in nhiều loại mộc bản phục vụ đời sống nhân dân và triều đình như kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, bùa, ấn, triện, vàng mã, áo Lục thù, tranh Thập vật… Nghề thủ công truyền thống đã đem lại cuộc sống dư giả cho những người thợ, biến vùng đất này thành thủ phủ của nghề in trong cả nước.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 5

Cuối thế kỷ 20, do sự phát triển của kỹ thuật in ấn hiện đại, nghề khắc in mộc bản không còn phổ biến như trước, nhiều nghệ nhân bỏ nghề và kỹ thuật in khắc dần mai một. Dù vậy sau 30 năm mất dấu trên thị trường, hiện nay ở làng Thanh Liễu vẫn còn một số hộ gia đình và những nghệ nhân say mê lưu giữ nghề truyền thống, khơi lên ngọn lửa kỳ vọng tiếp nối di sản của thế hệ cha ông.

Kỹ thuật in khắc mộc bản tinh xảo Thanh Liễu đã góp phần tạo ra 3 khối mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương là Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Mộc bản trường học Phúc Giang.

Là cháu của cụ Nguyễn Công Nền, người nghệ nhân san khắc những mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà (Bắc Giang) mà ngày nay đã trở thành bảo vật quốc gia và di sản tư liệu thế giới, nghệ nhân Đinh Công Tráng cho biết dòng họ ông có nhiều đời theo nghề in, khắc mộc bản. Họ đã đóng góp cho làng nghề nhiều lứa thợ giỏi, chung tay thực hiện những tác phẩm san khắc nổi tiếng trong lịch sử.

Tự hào về truyền thống gia đình, ông Tráng theo nghề ngay từ khi còn nhỏ và đau đáu vì sự mai một của cái tên Thanh Liễu suốt hàng chục năm nay. Ông vẫn nhớ câu chuyện được các bậc cha chú truyền lại, kể về những người thợ Thanh Liễu đã được các vị sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm vời đến làm công lâu dài tại chùa như thế nào, trực tiếp thực hiện các công đoạn chế tác mộc bản, in sách và đóng sách ra sao.

Trong quá khứ, kỹ thuật khắc chữ và đồ án trang trí trên mỗi tấm ván đều đúng theo quy chuẩn in ấn thời bấy giờ và người thợ nào cũng phải nắm được khuôn thước đó. Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách). Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu và trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc và nơi lưu trữ các tấm ván.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 6

Chia sẻ về thách thức tái dựng làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn nửa thiên niên kỷ với Tạp chí Ngày Nay, nghệ nhân Đinh Công Tráng nhận định do việc hành nghề bị đứt đoạn trong hàng chục năm nên khi quyết tâm phục hồi, ông và những người nghệ nhân khác đã gặp không ít khó khăn.

Sau nhiều năm tháng rời xa con dao, cái đục, khi quay về với nghề cũ, họ đã mất nhiều tháng trời để ôn tập cách thức, rèn luyện đôi tay dẻo, mềm, linh hoạt. Dù vậy, điều may mắn chính là kỹ thuật truyền thống của làng chưa bị thất tán bởi vẫn in hằn trong ký ức của các nghệ nhân cao niên.

Khó khăn tiếp theo được ông Tráng chia sẻ là để phục hồi lại làng nghề, các nghệ nhân đều phải tự thân đi tìm chứng cứ, tư liệu. Họ tự tìm tới những nơi lưu trữ mộc bản do lớp thợ tiền nhân Thanh Liễu từng thực hiện, lấy tên các nghệ nhân trong quá khứ… Cho tới nay, họ vẫn chưa nhận được sự giúp sức từ chính sách hay các tổ chức văn hóa.

“Dù gặp không ít khó khăn để hồi sinh làng nghề nhưng chúng tôi vẫn kiên tâm, kết nối với nhau thành một nhóm. Về chính sách đối với một di sản quý báu như nghề in khắc Thanh Liễu thì ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa ý thức được việc này", ông Tráng nói.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 7

Cũng theo ông, đang có một lớp trẻ năng động ở làng Thanh Liễu mà đại diện là nghệ nhân Nguyễn Công Đạt. Họ không chỉ có niềm đam mê với nghề truyền thống mà còn có thể kết nối, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Họ chính là nhân tố khích lệ lớp nghệ nhân cao tuổi truyền nghề và khuyến khích thế hệ tiếp theo học nghề, theo nghề.

Hiện nay, các nghệ nhân Thanh Liễu đang tập trung hoàn thiện các kỹ thuật nghề truyền thống, đồng thời họ mạnh dạn tìm lối đi để bắt nhịp với đời sống đương đại. Một số sản phẩm đương đại sản sinh từ đôi bàn tay khéo léo của họ đã có mặt trên thị trường, bước đầu tạo ra giá trị kinh tế.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 3: Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu ảnh 8
TIN LIÊN QUAN
Bốn mẹ con Nghiêm Thu Thanh sống trong một căn nhà chật chội ở xóm bãi sông Hồng.
Sống tạm
(Ngày Nay) - Liệu những mảnh giấy A4, những tấm căn cước chỉ đút vừa túi, có định nghĩa nên một con người?
Nhà báo Nguyễn Như Phong trong một chuyến công tác ra giàn khoan
“Nghề báo là nghề không được ngừng viết…”
(Ngày Nay) -  Nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo CAND, phụ trách tờ An ninh Thế giới, nguyên Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới là một trong số ít nhà báo khi đã ở vị trí quản lý vẫn lăn xả và đam mê viết lách.
Mặt tiền phía Tây của nhà thi đấu nữ trước đây so với ảnh năm 2021. Ảnh: UNESCO
Ghi lại sự mất mát của di sản qua ống kính phóng viên
(Ngày Nay) - Giữa bối cảnh cuộc xung đột tàn khốc diễn ra tại Ukraine, UNESCO đã phối hợp cùng Viện Thông tin đại chúng (IMI) tổ chức chương trình đào tạo cho các phóng viên ảnh địa phương nhằm ghi lại thiệt hại tại các di sản văn hóa.
Viettel High Tech, đại diện của Tập đoàn Viettel, đã đạt chứng nhận hợp quy thiết bị trạm gốc 5G 8T8R và 32T32R. Ảnh: TL.
Viettel đạt chứng nhận quốc gia cho thiết bị 5G
(Ngày Nay) - Chiều 20/06, Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ trao Chứng nhận hợp quy thiết bị trạm gốc 5G 8T8R và 32T32R cho Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ Cao Viettel (Viettel High Tech).
Đại học FPT dính nhiều sai phạm tại phân hiệu tại Khu Công nghệ cao TP.HCM
Đại học FPT dính nhiều sai phạm tại phân hiệu tại Khu Công nghệ cao TP.HCM
(Ngày Nay) - Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM ngày 14/6 có văn bản đề nghị phân hiệu trường Đại học FPT ngưng việc đào tạo bậc đại học và các hoạt động khác tại dự án trong Khu Công nghệ cao…; đồng thời cử người đại diện tham dự cuộc họp để lập biên bản các hành vi vi phạm.
Tìm lại con gái sau 23 năm mất tích
Tìm lại con gái sau 23 năm mất tích
(Ngày Nay) - Sau khi con gái bị bắt cóc vào năm 2001, Shi Chunxin không một ngày ngừng việc tìm kiếm cô bé và những nạn nhân Trung Quốc khác của nạn buôn người. Giờ đây, nỗ lực của ông cuối cùng đã được đền đáp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư gặp mặt các cơ quan báo chí nhân ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 19/6/2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm và Gặp mặt báo chí nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam 21/6/1925-21/6/2024. Tham dự cuộc gặp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường Lê Việt Anh, ông Võ Xuân Hoài, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia NIC, cùng đại diện các cơ quan báo chí.