Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc, di sản như một lăng kính vạn hoa để các thế hệ khám phá sự đa dạng trong muôn vàn những biểu đạt truyền thống. Với nỗ lực bảo tồn từ cộng đồng cho đến sự chung tay của các cấp chính quyền, bối cảnh nguy cấp của di sản đang nhường chỗ cho một sức hồi sinh mạnh mẽ. Từ đó, di sản tiếp tục hòa vào hơi thở của cuộc sống đương đại, trở thành điểm tựa thúc đẩy tính sáng tạo và nền công nghiệp văn hóa.

_______________________

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nghê vẫn song hành cùng người Việt như một diễn ngôn đẹp về sự đa dạng văn hóa, niềm khát khao về sức sinh sôi, trí tuệ và đức hạnh của người quân tử.

Từ bao đời nay, nghê đã trở thành hình tượng quen thuộc qua hàng ngàn năm lịch sử. Chia sẻ về các lớp ý nghĩa biểu tượng của nghê, nhà nghiên cứu và “nhà nghê học” Trần Hậu Yên Thế cho biết trong hình dung sớm nhất xuất hiện vào đầu thời Lý - Trần, biểu tượng sư tử nghê hiện hữu trong tư thế của một linh vật thiêng hộ trì Phật pháp, mang nhân tính và hội tụ những phẩm chất tốt đẹp trên một vẻ ngoài đầy đặn, khỏe khoắn, hân hoan.

Một trong những hình tượng nghê tiêu biểu vào thời kỳ này có thể kể đến đôi nghê tòa tại Tam bảo Chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội). Trong một tạo hình kết hợp giữa nghệ thuật tượng pháp và phù điêu, các nghệ nhân dân gian đã đạt đến đỉnh cao trong việc diễn tả thần thái uy nghi của cặp sư tử nghê như một biểu tượng đề cao Đức Phật. Có thể thấy vào thời kỳ đó, sư tử nghê là chúa muôn loài, trở thành ẩn dụ cho Đức Phật. Tên gọi nghê chứa đựng nhân tính, với diện mạo hiển lộ một niềm hân hoan chứa đầy tâm thức Phật giáo.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 1

Sang thời Lê Sơ, những chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội qua sự lan tỏa của Nho giáo cải biến ít nhiều lớp ý nghĩa của nghê. Dần trút bỏ biểu cảm hoan hỉ của Đạo Phật, cũng chẳng còn mang bộ “nhân” trong tên gọi (như trên chuông chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) đúc từ thời Lý nay không còn nhưng đã được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục), nghê biến thiên gần gũi với đời sống hơn qua hình dạng của loài chó ngao dũng mãnh, trung thành, nhưng không kém phần thông tuệ, can trường. Tạo hình nghê ở thời Lê Sơ không còn chú trọng sự kỳ vĩ, hân hoan mà mang vẻ đoan trang, nghiêm túc, phù hợp với vị trí của một linh vật trấn giữ cửa quyền. Trạng thái nghiêm nghị, ngẫm ngợi của nghê trong giai đoạn này phản ánh một xã hội đề cao mối quan hệ quân - thần của Nho gia.

Tới thời Mạc, hình tượng nghê lại thêm một lần biến chuyển, quay trở lại với Phật giáo qua hình tượng về một loài “Phật khuyển” trong tín ngưỡng dân gian. Phân tích về sự chuyển đổi hình tượng sư tử nghê ban sơ đời Lý-Trần sang lớp nghĩa Phật khuyển ở các triều đại sau, từng có nhiều lập luận cho rằng do đất Việt không có loài sư tử nên những người nghệ nhân xưa đã lấy hình tượng loài chó thân thuộc phản chiếu vào biểu tượng linh thiêng như nghê.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế không đồng tình với đề xuất này. Ông cho rằng xét về tính thiêng và tính biểu tượng, có thể thấy các hình tượng trong nghệ thuật tôn giáo đều xuất phát từ ý niệm. Vì vậy từ bao đời nay, ông cha ta vẫn có thể thể hiện những loài vật không có thật như rồng, kỳ lân, la hầu… Việc biến đổi hình tượng nghê từ sư tử sang loài chó mở ra nhiều kết nối với các quan niệm đến từ Phật giáo Mật tông, một hệ phái truyền thừa từ Tây Tạng vào đất Việt khoảng 600 năm trước. Trong kinh điển của Phật giáo mật tông, hình tượng “sư tử tuyết” hay chính là loài chó ngao Tây Tạng xuất hiện dày đặc, được tôn thờ như vật linh.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 2

Kể từ thời Lê Trung Hưng, nghê từ mặt đất được đưa lên các cột trụ biểu trước cổng đình, đền, chùa và các công trình công quyền. Tính thiêng của nghê được thể hiện rõ qua tạo hình ngẩng mặt lên trời, đứng ở vị thế cầu nối giữa con người và trời đất (Thiên, Địa, Nhân). Tuy nhiên cho tới thời Nguyễn, nghê vẫn ngự trên các đỉnh cột nhưng dần được tạo hình với đầu chúc xuống. Qua đó có thể thấy ở thời kỳ này tuy phai nhạt tính thiêng nhưng nghê được cấp thêm lớp nghĩa mới, trong đó sự sáng láng, sắc sảo, minh triết thường trực nơi phẩm tính của nghê giúp chúng có chức năng giám hộ, giám sát quần thần của chế độ phong kiến đương thời.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 3

Trải qua thời gian với sự thay đổi ý nghĩa, nghê được coi là “phép chia hết” cho mọi tầng lớp trong xã hội phong kiến từ quan lại, nho sĩ cho đến những người dân bình thường. Biểu tượng này không chỉ xuất hiện tại những kiến trúc quan trọng như cung vua, phủ chúa mà còn hiện hữu trên các vật dụng trong đời sống dân gian.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 4

Ngoài ý nghĩa về tính thiêng, biểu tượng của triều đình phong kiến, nghê trong dân gian còn tượng trưng cho niềm vui qua câu chúc tụng “hỷ khánh đăng nghê” hay phép ví von dân dã “cười như nghê”. Bên cạnh đó, một mong ước của người Việt xưa cũng được thể hiện qua hình tượng nghê là sự dài dòng lớn họ, con cháu đề huề, qua đó có thể xem nghê như linh vật tượng trưng cho tính phồn thực, sức sinh sôi. Nhiều đồ án mỹ thuật cổ về nghê cũng ghi nhận hình ảnh “lúc nha lúc nhúc” đầy ngộ nghĩnh của đại gia đình nhà nghê.

Chia sẻ nghiên cứu mới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TS. Trần Hậu Yên Thế cho biết hình tượng Nghê xuất hiện ở hầu khắp các không gian tại địa danh này theo chiều từ ngoài vào trong. Nghê có mặt trên nóc cột tứ trụ, văn bia tiến sĩ, cửa Đại Thành, trang phục của Khổng Tử và án thờ. Trong bối cảnh Nho gia, nghê đặt trên cột trụ mang ý nghĩa cho sự soi xét, xét đoán, suy rộng ra nghê mang ý nghĩa của sự liêm chính. Con nghê ở các cột trụ truyền thống thường ngửa mặt lên, nhưng nghê ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hơi chúc xuống như dò xét các sĩ tử, quần thần qua lại.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 5

Như đã nói ở trên, lớp biểu tượng nghê tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã không còn tính thông thiên, mà chuyển sang chức năng giám sát, can gián. Sự gán công năng mới cho nghê cũng cho thấy bước chuyển trong tâm thức dân gian từ diễn ngôn ban đầu về loài sư tử nghê mang bản tính và trí huệ Phật giáo cho đến thời Nguyễn đã thành sự sáng láng, sắc sảo, minh triết dùng trong việc giám hộ. Nghê ở Văn Miếu, như thế, trở thành biểu trưng cho một xã hội đề cao sự chính trực, phản ánh khao khát xuyên suốt lịch sử dân tộc, về sự công bằng, tôn vinh thực học, tìm kiếm những bậc hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 6

Vào năm 2017, khi ra mắt công trình nghiên cứu với những phác thảo ban đầu về nghê, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế từng bày tỏ nỗi băn khoăn về việc với hiệu ứng tâm lý của một xã hội phô trương, háo danh, cầu may, cầu tài và phô diễn quyền lực, liệu người Việt đương đại có tiếp nhận con nghê sau những biến cải đã khiến chúng nằm trong một hình dung nhỏ nhắn, khiêm nhường?

Trả lời cho câu hỏi này, suốt những năm qua là nỗ lực của bản thân TS. Trần Hậu Yên Thế cùng những người yêu văn hóa trong và ngoài nước với mục đích đưa nghê quay trở lại đời sống. Đặc biệt trong năm 2023, dự án Tầm Chân của Trung tâm Thông Tin UNESCO (UNET) phối hợp cùng start-up công nghệ Phygital Labs, qua sự cố vấn của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đã làm “sống dậy” hình tượng nghê trên cột trụ biểu của Văn Miếu thông qua việc ứng dụng hình tượng này vào sản phẩm văn hóa.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 7

Với công nghệ “vật lý số” đầy mới mẻ tại Việt Nam, mỗi Nghê Văn Miếu là một phiên bản riêng biệt, gắn với tên chủ sở hữu. Bên trong Nghê ẩn chứa cuốn sách mang tên “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình”, là những đúc rút từ nghiên cứu chuyên biệt về Nghê Văn Miếu được viết riêng bởi TS. Trần Hậu Yên Thế. Cuốn sách chỉ có thể truy cập bằng việc tương tác với chính phiên bản Nghê mà chủ nhân sở hữu.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 2: Nghê - Sức sống của biểu tượng ngàn năm ảnh 8

Nghê vốn đã là linh vật có khả năng xét đoán, phân biệt ngay-gian. Đứng trên cao nhìn xuống, nghê thành biểu tượng của nguồn sáng trí tuệ và sự minh bạch. Việc đặt đôi nghê ở giữa, cao hơn, ngay cổng chính Văn Miếu nơi các bậc danh sĩ phải bước qua, dường như là một sự khẳng định tuyệt đối cho tính tôn nghiêm của không gian này. Đó là nơi sự liêm chính học thuật có giá trị cao nhất.

TIN LIÊN QUAN
Hoa cẩm tú cầu tuyết ngọt ngào trong ánh đèn kính màu Tiffany. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Hoa cẩm tú cầu tuyết ngọt ngào trong ánh đèn kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Đèn kính màu Tiffany Snowball là một thiết kế đèn mang vẻ đẹp thanh lịch và tinh tế, lấy cảm hứng từ những bông cẩm tú cầu tuyết đang nở rộ. Snowball sở hữu những bông hoa màu trắng tinh khôi, kích thước nhỏ nhắn, hoàn hảo cho việc trang trí nội thất.
Hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ
Hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ
(Ngày Nay) - Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) lần thứ 165 đã diễn ra ngày 26/6, tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Đây là kết quả bước đầu của đợt hoạt động hỗn hợp thứ 155 tại một số tỉnh miền Trung của Việt Nam.
Đề thi Ngữ Văn bám sát thực tiễn
Đề thi Ngữ Văn bám sát thực tiễn
(Ngày Nay) - Sáng 27/6, thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 đã hoàn thành môn thi Ngữ văn. Nhiều giáo viên nhận xét đề thi năm nay sát với thực tế, không có câu hỏi đánh đố học sinh.