Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc, di sản như một lăng kính vạn hoa để các thế hệ khám phá sự đa dạng trong muôn vàn những biểu đạt truyền thống. Với nỗ lực bảo tồn từ cộng đồng cho đến sự chung tay của các cấp chính quyền, bối cảnh nguy cấp của di sản đang nhường chỗ cho một sức hồi sinh mạnh mẽ. Từ đó, di sản tiếp tục hòa vào hơi thở của cuộc sống đương đại, trở thành điểm tựa thúc đẩy tính sáng tạo và nền công nghiệp văn hóa.

________________________________

Được ví von trìu mến là “gã độc hành can trường”, Bùi Trọng Hiền có lẽ là nhà nghiên cứu âm nhạc duy nhất tại Việt Nam cho tới lúc này dám đặt chân vào khu rừng đầy rẫy trúc trắc của âm luật, khuôn thước trong cổ nhạc. Chính sự táo gan này đã trao cho anh suối nguồn tri thức mát lành, cả cái nhìn tiên cảm để “ứng cứu” những di sản mong manh có thể biến mất bất cứ khi nào.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp ảnh 1

Dõi theo Bùi Trọng Hiền trong ngót nghét 20 năm qua, những người yêu âm nhạc truyền thống hẳn từng có nhiều phen xúc động trước hành trình ròng rã đi tìm khuôn thước ca trù của anh. Trong dự án mới đây nhất, Bùi Trọng Hiền khiến nhiều người sửng sốt trước lời cảnh báo của anh về nguy cơ biến mất của dàn cồng chiêng giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

Trong tâm thế của những người tha thiết với di sản, Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc gặp gỡ với “gã độc hành” tại căn nhà nhỏ nhắn của anh. Trong cái nắng oi ả khó đuổi khách của Thủ đô, lại ngay sau một chuyến "từ rừng núi trở về", Bùi Trọng Hiền đã “chịu” dốc bầu tâm sự.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp ảnh 2

“Tôi nghiên cứu cồng chiêng suốt từ những năm 2004”. Anh bắt đầu bằng giọng nói trầm vang đặc trưng của mình. Đó là chuyến điền dã nhằm xây dựng hồ sơ cồng chiêng trình UNESCO. Bùi Trọng Hiền được giao nhiệm vụ đo cao độ, thu thanh âm vang của các dàn cồng chiêng để tổng hợp thành công trình nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Tây Nguyên. Công trình nghiệm thu, nghiên cứu xếp lại, bản thân anh cũng bẵng đi nhiều năm chìm đắm trong tiếng nhạc ca trù. Thế rồi việc lớn với các bậc tiền nhân ả đào cũng xong. Đến tháng 11/2022, Bùi Trọng Hiền quay lại Tây Nguyên trong vị trí là giám khảo của Liên hoan Cồng chiêng Kon Tum.

Cần nói thêm rằng, cuộc liên hoan ở Kon Tum không chỉ là liên hoan trình diễn các dàn cồng chiêng giữa các tộc người mà còn có phần thi chỉnh chiêng, nghĩa là những người thợ chỉnh chiêng trong tỉnh đều được mời về tụ hội, gặp gỡ và giao lưu.

Dưới con mắt chuyên môn của Bùi Trọng Hiền, cuộc liên hoan ở Kon Tum có giá trị vô cùng lớn với nó là một cuộc kiểm kê thực trạng thực hành cồng chiêng ở Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Nếu không có liên hoan, hẳn Bùi Trọng Hiền và nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc “vẫn tưởng ở huyện nọ, huyện kia còn nhiều nghệ nhân giỏi, nhiều tay chỉnh chiêng thiện nghệ”.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp ảnh 3

Thế nhưng cuộc liên hoan đã kết thúc gióng giả như một hồi chuông cảnh báo. Khi các dàn cồng chiêng sai âm vẫn được đồng bào đem ra diễn tấu, nhiều buôn làng đã không còn người biết chỉnh chiêng. Phần đa những người trẻ trong các đội chiêng đã không còn nhận ra sự sai âm lệch nhịp ấy, bởi họ cũng không biết đánh thế nào là… đúng. Nghiêm trọng và đáng lo ngại hơn sự lai tạp giữa dàn chiêng của các tộc người là nguy cơ cồng chiêng Tây Nguyên bị bình quân hóa theo thang âm đồ rê mi của phương Tây, giữa bối cảnh trào lưu nhạc mới, nhạc cụ cải tiến phủ khắp núi rừng Trường Sơn.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp ảnh 4

Bùi Trọng Hiền là người có biệt tài kể chuyện. Năng khiếu ấy có lẽ được anh rút tỉa từ âm nhạc, điều làm nên hồn cốt con người anh. Bởi vậy cứ đến lúc cao trào là Bùi Trọng Hiền lại biết cách cởi nút đầy duyên dáng, anh quay qua mấu chốt của vấn đề, giảng thật kỹ càng về hiện tượng sai lệch của thang âm cồng chiêng.

“Thế này nhé, một cách dễ tưởng tượng, tiếng chiêng sai cũng giống như phím đàn phô. Chúng ta nhận ra âm phô bởi ta từng được nghe bản nhạc đúng nhiều lần. Nên một khi chênh phô, ta sẽ nhận ra ngay. Còn tiếng cồng tiếng chiêng của đồng bào, ngày càng có nhiều người không nhận được ra âm sai nữa. Bởi ngay chính trong cộng đồng của mình, đồng bào cũng ít có cơ hội được nghe và nghe đúng thanh âm của bộ nhạc cụ này”, Bùi Trọng Hiền lý giải.

Theo đó, cồng chiêng là nhạc cụ dùng trong nghi lễ, là vật thiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Một năm đôi lần lễ hội, bà con mới mang chiêng ra đánh. Thế nhưng hiện tại, chính các lễ hội cũng dần tiêu biến. Có nơi dàn chiêng chỉ được dùng duy nhất trong lễ mừng lúa mới. Một số nơi khác thì đã bỏ hẳn hội hè vì người dân chuyển sang một tín ngưỡng khác. Việc không có nhiều cơ hội diễn tấu, thêm sự sai loạn trong điều chỉnh thang âm và những đôi tai đã quen nghe nhạc mới, nhạc trẻ khiến bà con dần chấp nhận cái sai, coi cái sai thành cái đúng.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp ảnh 5

Để gìn giữ một di sản vĩ đại như cồng chiêng Tây Nguyên, cần bảo tồn cái tinh cốt nhất là thang âm của di sản này. Trong hệ thống đó, người chỉnh chiêng giống như người lên dây, gắn phím đàn, vô cùng quan trọng. Như với nhạc cụ dây, mỗi phím đều có hệ số, dù ngũ cung, thất cung hay thập nhị cung, chỉ cần đo là chỉnh được.

“Nhưng tiếng cồng tiếng chiêng lại trừu tượng. Ngày xưa, để chỉnh về thang âm đúng, năng lực này nằm ở những tay thợ chỉnh chiêng có đôi tai tinh tường. Thành quả căn chỉnh của họ lại được lớp già làng, nghệ nhân lão luyện thẩm định. Bản thân họ sinh ra và lớn lên trong không gian âm nhạc cồng chiêng nguyên thủy với những đôi tai chưa bị pha tạp. Hiện nay, bối cảnh không cho phép những điều kiện như vậy. Những đôi tai tinh tường xưa hầu như không còn. Tai thợ bây giờ kém hơn vì họ nghe và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhạc mới”, Bùi Trọng Hiền nói.

Rồi anh lấy ví dụ, quãng giữa hai chiêng số 6 và 7 của dàn chiêng, tùy mỗi tộc người sẽ có khoảng cách từ 125 đến 175 cents (đơn vị đo độ lớn của quãng trong âm nhạc - PV). Nhưng giờ người thợ thường chỉnh thành 100 cents và đồng bào cũng dễ dàng chấp nhận điều đó. 100 cents là theo thang âm phương Tây, bằng đúng một phím đàn guitar.

“Nếu chúng ta tiếp diễn cái sai này, hệ thống thang âm cồng chiêng sẽ bị xóa trắng và bản sắc nhạc chiêng của tộc người không còn. Và những điều chúng ta vẫn tự hào về sự phong phú, đa dạng của Tây Nguyên mất dấu. Nguy hiểm là vậy nhưng hiện nay không nhiều người nhận thức được vấn đề. Người ta vẫn dễ dàng chấp nhận, bằng lòng với cái sai”, Bùi Trọng Hiền nhấn mạnh.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp ảnh 6

Những nhận thức trên đã trở thành hành động, được hiện thực hóa trong cuộc tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum do Bùi Trọng Hiền khởi xướng. Anh kể vào ngày cuối cùng của liên hoan cồng chiêng, anh đã đề xuất với một số cán bộ chủ chốt của ngành văn hóa Kon Tum rằng “cần một cuộc tập huấn chỉnh chiêng gấp, nếu không sẽ hỏng hết”.

Ban đầu Bùi Trọng Hiền dự định mời thợ chỉnh chiêng giỏi ở Quảng Nam lên dạy kỹ thuật gò cơ khí, nhưng họ từ chối với thái độ ngại ngùng. Sau khi tìm hiểu, anh mới biết các lò đúc của người Kinh ở nhiều nơi vẫn không hiểu hết sự đa dạng và tinh tế của các dàn cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt các tộc Jrai, Bahnar, Xơ Đăng. Họ đã và đang sản xuất những bộ chiêng “không kêu”, chiêng sai âm bán cho bà con. Bùi Trọng Hiền đành quay sang “cầu cứu” NSƯT, nghệ nhân chế tác nhạc cụ Phạm Chí Khánh ở Hà Nội. Anh Khánh cũng là chủ cửa hàng buôn bán nhạc cụ, cồng chiêng. Anh Khánh đồng ý ngay và hai anh em khăn gói lên đường.

Khóa chỉnh chiêng của Bùi Trọng Hiền chia làm hai phần là dạy gò chỉnh nhạc cụ và nhận diện từng loại thang âm cồng chiêng. Với nhiều năm kinh nghiệm chỉnh âm, anh Khánh “mổ xẻ” cấu tạo từng loại, lý giải tác dụng từng thao tác gò, thậm chí mang cả bộ đồ nghề từ Hà Nội vào. Để khuyến khích các chuyên gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum cho người mang ra hàng thợ mộc, thợ sắt thửa theo góp ý của các anh để phát cho học viên thực hành. Theo Bùi Trọng Hiền, NSUT Phạm Chí Khánh dạy chỉnh chiêng cực kỳ bài bản, khoa học và quan trọng là trên tinh thần không giấu nghề.

Sau khóa học 9 ngày, 14 học viên là những nghệ nhân, thợ chỉnh chiêng trong các buôn làng đều đã biết căn chỉnh cao độ, đặc biệt có 3 người chỉnh giỏi và trong đó có 2 người đạt đến tầm chuyên nghiệp.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại - Bài 1: Thang âm đại ngàn đang nguy cấp ảnh 7

Theo đó, Kon Tum là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên công thức mới của Bùi Trọng Hiền cùng Phạm Chí Khánh và đã thành công. Sở Văn hóa Kon Tum đã nhận thức đúng vấn đề và đang có dự định nhân rộng mô hình này, dù kinh phí rất khó khăn. Bản thân hai anh tham gia vào dự án này xác định tinh thần không vì tiền và “học từ đồng bào, giờ phải trả lại cho đồng bào”.

Mong muốn của hai anh là phổ cập kỹ thuật chỉnh âm để các đội cồng chiêng ở buôn làng nào cũng có 2, 3 người biết chỉnh chiêng theo đúng thang âm truyền thống. Có như vậy, cồng chiêng Tây Nguyên mới thoát khỏi sự xâm hại của thang âm phương Tây.

“Sau khóa tập huấn, thang âm cồng chiêng của đồng bào được trả về đúng nơi đúng chỗ, được bảo tồn bền vững dựa trên chỉ báo, bảng biểu so sánh. Các nghệ nhân không chỉ hiểu về âm nhạc của họ mà còn có cái nhìn đối sánh với âm nhạc của tộc người khác. Kết quả này cũng chứng minh nghiên cứu có tuổi đời gần 20 năm của tôi có tính ứng dụng và phát huy hiệu quả”, Bùi Trọng Hiền phấn khởi nói.

Chia sẻ về dự định tương lai, Bùi Trọng Hiền cho biết so với những di sản âm nhạc đang bị mai một nghiêm trọng khác, cồng chiêng cho thấy nhiều “tia sáng ở cuối đường hầm” bởi bản năng tiết tấu của nghệ nhân Tây Nguyên rất giỏi. Cái khó nhất trong bảo tồn thang điệu cồng chiêng chỉ là việc căn chỉnh, lưu truyền bền vững các thang âm, bởi sau một mùa lễ hội, các chiêng bị tác động mạnh sẽ sai âm và luôn cần chỉnh lại. Tiếp sau Kon Tum, Gia Lai là tỉnh đang tìm cách lập dự án để tập huấn cho các nghệ nhân của họ.

Bên cạnh việc truyền dạy chỉnh âm cho 14 nghệ nhân, nhóm của Bùi Trọng Hiền đã giúp đồng bào lấy lại được tiếng cho ba bộ cồng chiêng mới đúc nhưng không kêu và sai âm hoàn toàn. “Đối với đồng bào, cồng chiêng quý giá lắm. Tiền bạc là một chuyện nhưng đó là vật thiêng của họ, khi mình chỉnh được cho đồng bào, sung sướng vô ngần”, Bùi Trọng Hiền trải lòng.

TIN LIÊN QUAN
Chốt danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024
Chốt danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024
(Ngày Nay) - Ngày 30/10, theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), kết thúc đợt tập huấn tại Thái Lan với 2 trận giao hữu chất lượng, Huấn luyện viên trưởng Diego Raul Giustozzi đã đưa ra quyết định cuối cùng về danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024.
Khám phá kiến trúc độc đáo của chùa Tà Ngáo ở vùng biên An Giang
Khám phá kiến trúc độc đáo của chùa Tà Ngáo ở vùng biên An Giang
(Ngày Nay) - Chùa Tà Ngáo theo hệ phái Phật giáo Nam Tông, tọa lạc tại sóc Tà Ngáo, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng cho lối kiến trúc chùa tháp của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở Nam Bộ. Với hơn 200 năm tuổi, chùa Tà Ngáo còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer của tỉnh An Giang.
Công nghệ sàng lọc ung thư vú trên "dế" thông minh
Công nghệ sàng lọc ung thư vú trên "dế" thông minh
(Ngày Nay) - Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Kinh (PUMCH) ở Trung Quốc đã phát triển một hệ thống nhiệt học hồng ngoại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI-IRT) để sàng lọc ung thư vú, cho phép người dùng dễ dàng kiểm tra nguy cơ ung thư thông qua một ứng dụng bằng cách kết nối các camera hồng ngoại với điện thoại thông minh của họ.
Nỗ lực vệ sinh trường lớp, đón học sinh trở lại khi nước lũ rút ​
Nỗ lực vệ sinh trường lớp, đón học sinh trở lại khi nước lũ rút ​
(Ngày Nay) -  Chiều 29/10, bà Võ Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phước Tân 1 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, nhà trường đang huy động toàn bộ nhân lực thực hiện dọn dẹp vệ sinh trường lớp sau khi lũ từ thượng nguồn đổ về làm toàn bộ ngôi trường ngập trong biển nước, hơn 2.600 học sinh phải nghỉ học. Dự kiến ngày 30/10, sau khi nước lũ rút, trường sẽ đón học sinh trở lại học.
Vietjet và Emirates hợp tác mở rộng kết nối quốc tế, thúc đẩy thương mại và du lịch
Vietjet và Emirates hợp tác mở rộng kết nối quốc tế, thúc đẩy thương mại và du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 29/10/2024, Vietjet và Emirates đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mở rộng kết nối giữa các thành phố lớn của Việt Nam và Dubai, UAE, cũng như các điểm đến toàn cầu, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - UAE. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy du lịch và thương mại giữa hai quốc gia, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế và giao thương.