Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc, di sản như một lăng kính vạn hoa để các thế hệ khám phá sự đa dạng trong muôn vàn những biểu đạt truyền thống. Với nỗ lực bảo tồn từ cộng đồng cho đến sự chung tay của các cấp chính quyền, bối cảnh nguy cấp của di sản đang nhường chỗ cho một sức hồi sinh mạnh mẽ. Từ đó, di sản tiếp tục hòa vào hơi thở của cuộc sống đương đại, trở thành điểm tựa thúc đẩy tính sáng tạo và nền công nghiệp văn hóa.

____________________

Sau hơn một thập kỷ ra đời, trúc chỉ - đứa con của nghệ thuật đương đại đang không ngừng chứng minh sự đóng góp vào dòng chảy kỹ thuật chế tác giấy Việt Nam.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 1

Là người sáng lập nghệ thuật trúc chỉ tại Việt Nam, họa sĩ Phan Hải Bằng hồi tưởng mốc thời gian những năm 90 khi việc tìm mua các loại giấy đặc chủng để làm đồ họa trong nước không chỉ đắt đỏ mà còn rất khó khăn. Nắm được tình hình đó, ông bắt đầu manh nha ý tưởng tự tìm cho mình một loại giấy mới, dễ làm, dễ kiếm. Quá trình nghiên cứu trúc chỉ của ông kéo dài trong nhiều giai đoạn. Cho tới năm 2011, với dấu mốc hoàn thành nghiên cứu về giấy thủ công ở các làng nghề của Việt Nam, Thái Lan và Lào, họa sĩ bắt tay vào những thực nghiệm đầu tiên tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Đó là giai đoạn các khái niệm mới trong nghệ thuật bắt đầu “chảy” về Việt Nam. Giấy dần được nhận diện không chỉ là phông nền mà hoàn toàn có thể là một tác phẩm độc lập, không dựa vào liên kết với các thao tác sáng tạo thông thường như vẽ, viết, chạm khắc…

Trước đó, họa sĩ Phan Hải Bằng tự làm giấy phục vụ các tác phẩm của mình, khi nghiên cứu hoàn tất, ông nhận thấy tiềm năng về một loại hình nghệ thuật mới và đặt câu hỏi: “Giấy có thể là một tác phẩm tự thân hay không?”.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 2

Hành trình nhận thức từ giấy dó, khái niệm dó cho đến trúc chỉ được nhiều người trong nghề ví như hành trình từ giấy đến nghệ thuật giấy. Cũng từ đó, việc tạo ra môi trường cho trúc chỉ nói riêng và nghệ thuật giấy nói chung được nhóm của họa sĩ Phan Hải Bằng và một số đồng nghiệp thân thiết coi như “việc trời đày”.

Để làm ra một tác phẩm trúc chỉ, cần thao tác ít nhất trên hai công đoạn, đầu tiên là làm giấy, tiếp theo là đồ họa trúc chỉ. Cụ thể, nghệ thuật trúc chỉ được phát triển từ nghệ thuật làm giấy truyền thống dân tộc. Cũng như việc làm các loại giấy thủ công khác, nghệ sĩ sáng tác chế biến nguyên liệu, nấu vỏ cây với vôi, nghiền thành bột, trộn bột vào bể rồi seo thành giấy. Công đoạn thực hiện hoàn toàn từ nền tảng truyền thống này không chỉ đảm bảo chất lượng xơ sợi trúc chỉ mà còn góp phần bảo vệ môi trường tại nơi chế biến.

Sau công đoạn làm giấy, quá trình tiếp theo liên quan đến đồ họa trúc chỉ hay còn gọi là trúc chỉ graphy. Việc hình thành của giấy và tác phẩm trúc chỉ có sự tương đồng với nghệ thuật đồ họa. Sau khi lưới lọc lại bột và xơ giấy, nghệ sĩ trúc chỉ dùng một mũi khoan nước để bóc đi từng lớp bột giấy với độ dày mỏng khác nhau, độ dày mỏng tương ứng với sắc độ sáng tối, làm nên cái hồn của các tác phẩm.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 3
Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 4

Tuy thời gian phát triển mới hơn một thập niên, nghệ thuật trúc chỉ được ghi nhận và đóng góp nhất định vào đời sống nghệ thuật đương đại. Trúc chỉ đạt những thành công như được tuyển lựa vào bộ sưu tầm nghệ thuật tại bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc hội; bức tranh trúc chỉ Hào khí Thăng Long cỡ lớn với khổ 400x400m được đặt làm tranh bày trong Văn phòng Chính phủ. Đến năm 2018, trúc chỉ trở thành thành tố không thể thiếu trong các tác phẩm sân khấu tại Lyon (Pháp), Berlin (Đức). Nghệ thuật giấy này cũng đã có những triển lãm trưng bày trong nước như tại Hà Nội, Đà Nẵng… Họa sĩ Phan Hải Bằng được trao tặng Giải thưởng Sáng tạo Lê Bá Đảng 2022 vì những đóng góp của loại hình nghệ thuật này.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 5

Họa sĩ, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết nghệ thuật trúc chỉ là một “hiện tượng” được xây dựng, vun đắp, lan tỏa bài bản bởi nhiều thành phần cộng đồng khác nhau. Đồng thời trong quá trình phát triển, trúc chỉ hướng tới các giá trị về thẩm mỹ, xã hội, giáo dục. Đây là những giá trị không tách rời bởi thẩm mỹ nằm trong giáo dục và giáo dục là mối quan tâm lớn của cộng đồng.

“Thông thường sinh viên và giới chuyên môn như họa sĩ, nhà nghiên cứu, phóng viên hay hỏi trúc chỉ là chất liệu hay phương tiện nghệ thuật. Có thể nói trong trúc chỉ có cả hai bởi đây là vật liệu cụ thể để làm ra tác phẩm vừa chính là tác phẩm. Với sự phát triển về chất liệu, nghệ thuật này tuy được định danh là trúc chỉ nhưng không chỉ được tạo bởi nguyên liệu từ tre hay những loại cây gần gũi với họ tre như trúc, giang…, họa sĩ, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương nhận xét.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 6

Từ con mắt của người làm nghệ thuật thị giác, họa sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, giảng viên tại Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội cho biết ông thấy sự sáng tạo rõ nét trong nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam. Khái niệm và sự xuất hiện của nghệ thuật giấy cũng mở ra rất nhiều giải pháp về không gian cũng như tác phẩm nghệ thuật.

Chính bởi luôn quan sát câu chuyện của những người làm nghệ thuật theo phương thức thực nghiệm, họa sĩ Thế Sơn nhận thấy trong bối cảnh nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, rất hiếm người đeo đuổi nghệ thuật về giấy như nhóm tác giả đang sáng tác trúc chỉ. Theo ông, những người thực hành nghệ thuật tại Việt Nam còn khá cô đơn vì không thực sự có nhiều không gian để trưng bày, triển lãm giới thiệu với mọi người. Không chỉ có trúc chỉ mà rất nhiều dự án cũng như chất liệu nghệ thuật khác ở Việt Nam hầu như chưa có không gian và thị trường để phát triển. Nói tới mỹ thuật Việt Nam, câu chuyện về đồ họa, nhiếp ảnh hoặc chất liệu thường được coi là “lạ tai” trong thị trường.

“Vì vậy mỗi khi có dự án, sự kiện mang tính giới thiệu về thực hành về nghệ thuật đương đại, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra cơ hội cho các nghệ sĩ. Vài năm trước, tôi từng mời nhóm trúc chỉ tham gia Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, tuy nhiên lúc đó trúc chỉ chưa giải quyết được bài toán trưng bày ngoài trời. Hiện nay, công nghệ của trúc chỉ đã phát triển, không còn bó hẹp loại hình nghệ thuật này ở không gian bảo tàng, gallery mà đã bước ra không gian công cộng, có thể tương tác với nơi chốn và con người”, họa sĩ Thế Sơn chia sẻ.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 7

Hằng năm tại Khoa Đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, các giảng viên vẫn dành thời gian giảng dạy và ra bài tập về trúc chỉ cho sinh viên. Đầu tiên, họ sử dụng một chiếc khay có thể chứa nước để thả xơ sợi vào và seo thành giấy. Sau khi sinh viên biết seo giấy, họ chuyển sang công đoạn làm giấy nghệ thuật.

Sinh viên có thể sáng tạo rất nhiều cách khác nhau theo cảm hứng riêng từ trúc chỉ như kỹ thuật đồ họa, điêu khắc... Gần đây, có những cá nhân biến bài tập của mình thành tác phẩm nghệ thuật thị giác ngay từ trong ghế nhà trường qua việc xử lý màu sắc, độ mỏng dày cùng việc phối trộn các vật liệu tái chế. Các sinh viên có thể đưa màu vào bột giấy còn đang ướt, đổ khuôn, dập khuôn… cho thấy sự sáng tạo không giới hạn của nghệ thuật giấy dù quá trình này không đòi hỏi quá nhiều cơ sở vật chất.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 8

Dù vậy, theo họa sĩ, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, việc công nhận một loại hình nghệ thuật mới rất khó khăn ở Việt Nam và thử thách tiếp theo là lan tỏa cái mới đó. Theo họa sĩ Phương, trong các năm vừa qua, ngồi tại bất cứ hội đồng chấm giải nào, ông đều rất vất vả để thuyết phục mọi người trong việc công nhận trúc chỉ như một môn nghệ thuật.

“Vào năm 2014, trúc chỉ nhận giải Ba Giải thưởng Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, hầu như không có nhiều tranh luận vì được coi là một tác phẩm mỹ thuật với ô, bìa sách, ví, vỏ đựng đĩa CD… Nhưng về nghệ thuật tạo hình, phần đa đều cho rằng trúc chỉ thuộc về thủ công, nghệ thuật ứng dụng. Điều đó cho thấy nhiều người chưa hiểu ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật này, bởi điêu khắc có ngôn ngữ của điêu khắc, sơn mài có ngôn ngữ của sơn mài và ngôn ngữ của trúc chỉ rất riêng biệt. Chúng ta buộc phải hiểu để có thể thưởng thức trọn vẹn loại hình này”, ông Phương cho biết.

Trả lời về hướng đi tương lai của trúc chỉ Việt Nam, họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết nghệ thuật trúc chỉ được khởi nguồn bởi các phương pháp truyền thống và kỹ thuật đồ họa trúc chỉ được tạo ra nhằm mang thêm cho giấy một khả năng, thoát khỏi thân phận làm “nền” để trở thành một tác phẩm tự thân, độc lập.

Sáng tạo truyền thống thổi hồn cho di sản đương đại -Bài 4: Diện mạo mới của nghệ thuật giấy dân tộc ảnh 9
TIN LIÊN QUAN
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
(Ngày Nay) -  Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 26/9 đã tổ chức lễ công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024.
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
(Ngày Nay) -  Ngân hàng trực tuyến Starling Bank của Anh vừa cho biết hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói. Ngân hàng này cảnh báo rằng chỉ cần 3 giây âm thanh từ một video đăng trên mạng xã hội, kẻ gian có thể dùng AI để tạo ra bản sao giọng nói của nạn nhân. Sau đó, chúng tiếp cận bạn bè và người thân của họ để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền bằng giọng nói đã được sao chép.