Sờ chữ nghe thơ

(Ngày Nay) - 8 giờ sáng chủ nhật ngày 1 tháng 12 năm 2024, các vị khách đầu tiên của SỜ CHỮ NGHE THƠ mở cửa bước vào vào căn phòng màu xanh. Đây là sự kiện số 1 trong tháng thi ca, thuộc dự án Se Sẽ Chứ mà nhiều năm nay được coi như lễ hội thơ của cộng đồng những người yêu mến Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ. Những vị khách đầu tiên đều là người khiếm thị, độ tuổi khác nhau, nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng chung sở thích là ngôn ngữ và nghệ thuật.
Sờ chữ nghe thơ... Ảnh: Ơ Kìa Hà Nội
Sờ chữ nghe thơ... Ảnh: Ơ Kìa Hà Nội

Anh Hoàng Văn Lý, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm và anh Vũ Thuỷ, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàng Mai mang tới rất nhiều sách truyện chữ nổi, một chiếc máy đánh chữ nổi và vài bộ dụng cụ viết chữ nổi. Cả hai đã quen thuộc với không gian nhỏ của Ơ Kìa Hà Nội đến nỗi, dù không nhìn thấy nhưng vẫn có thể chỉ đường cho tài xế xe công nghệ còn chính xác hơn bản đồ điện tử.

Một lát sau, khoảng không nhỏ trong phòng đọc xanh mát đã được lấp đầy. Đây vốn là một căn hộ trên tầng năm của khu tập thể cũ, nằm sâu trong ngõ nhỏ được cải tạo lại thành không gian sáng tạo Ơ Kìa Hà Nội. Sớm mùa đông, trời se lạnh, cốm làng Vòng với ly trà sen nóng đã đánh thức dạ dày trước khi thi ca làm nhiệm vụ của nó. Nắng sớm rót mật vào trong phòng, Dung Din chuyển chỗ ngồi để tránh đối diện với khoảng nắng, vì như nhiều người khiếm thị khác, đôi mắt của cô không chịu được những kích ứng ánh sáng trực diện.

Sờ chữ nghe thơ ảnh 1

Sờ chữ nghe thơ là một cuộc hội ngộ đặc biệt của những tâm hồn yêu mến nghệ thuật ngôn từ.

Nguyễn Anh Đức, người được biết tới với tinh dầu Úi Chà mang tới một vài mùi hương anh vừa pha trộn dành riêng cho buổi đọc sách đặc biệt. Anh Vũ Thuỷ vừa soạn tập thơ chữ nổi của hội viên quận Hoàng Mai, vừa chia sẻ rằng, thật may vì ban tổ chức đã chọn Ơ Kìa để làm sự kiện đầu tiên vì "làm ở nơi ấm cúng như nhà mình thì mới tự tin và yên tâm được".

Chủ tọa là nhà thơ Hoàng Văn Lý phát biểu: "Tôi vinh dự được chia sẻ với mọi người về thế giới của những người khiếm thị – cách chúng tôi đọc sách, thưởng thức văn chương, và những giá trị mà sách mang lại. Với những người khiếm thị bẩm sinh, sách là cánh cửa mở ra thế giới, giúp họ hình dung và cảm nhận những điều mà đôi mắt không thể thấy. Đối với những người mất thị lực sau này, sách trở thành người bạn lưu giữ ký ức, là nhịp cầu nối họ với những hình ảnh và cảm xúc của quá khứ".

Người tham dự ngồi sát bên nhau sau khi đã ngắt kết nối điện thoại, dành sự chú tâm đặc biệt cho sự hiện diện của nhau, của sách, của những giọng nói đang vang lên "bây giờ và ở đây". Lũ mèo nằm yên cho Thảo Đan vuốt ve, cô là ca sĩ khiếm thị đang theo học thạc sĩ ở Học viện Thanh thiếu niên. Trong khi đó nhà báo Thu Hà của Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu phiên đọc văn xuôi bằng trích đoạn thư tình của tướng Hoàng Đan. Phiên đọc đầu tiên vừa bắt đầu đã gặp sự cố...vì người đọc quá xúc động không ghìm được nước mắt, làm thính giả cũng rơm rớm theo.

Sờ chữ nghe thơ ảnh 2

Anh Vũ Thủy (giữa) và anh Hoàng Văn Lý (ngoài cùng, phải) bàn luận về thơ với những người tham dự sự kiện. Ảnh: Ơ Kìa Hà Nội

Trong phần thảo luận chung, Thân Hằng đến từ Hội Người mù tỉnh Bắc Giang cho biết: "Em nghe giọng của cô Thu Hà kể về giây phút vị tướng nằm xuống trong lúc đi mua thuốc cho vợ mà em không ngừng nghĩ tới cha em. Thực sự chưa bao giờ em được nghe sách trực tiếp như thế này, nếu nghe qua đài hay qua youtube thì chắc chắn sẽ không bao giờ bị vấp và cũng không bao giờ nghe thấy tiếng khóc của cô Thu Hà. Giây phút nghe sách trực tiếp ở Se Sẽ Chứ, ký ức về cha em, mẹ em hiện ra rõ nét như khi em vẫn còn nhìn được”.

Nhà báo Thu Hà chia sẻ: "Tôi là người của phát thanh, gắn bó với việc đọc nhiều năm rồi. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm "Đọc sách cho những người bạn khiếm thị", đúng hơn là cùng nhau “đọc” để cùng nhau “cảm”, để cùng nhau “thấy”. Nguồn năng lượng tích cực được nhân lên nhiều lần và hơn hết hôm nay tôi nhận được rất nhiều, được thực sự "sáng mắt, sáng lòng".

Phiên số 2 bắt đầu bằng việc mọi người chuyền tay nhau đọc "Thơ viết cho mình và những người con gái khác" của nữ sĩ Xuân Quỳnh. "Giọng của mọi người hay quá, giọng ai cũng đẹp tuyệt, cho em ghi âm được không?" An Như, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia nài nỉ. An Như mất thị lực hoàn toàn khi mới 11 tháng tuổi do tai nạn khi ở nhà trẻ.

Sờ chữ nghe thơ ảnh 3

Nhà báo Đỗ Thu Hà trao đổi cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (giữa). Ảnh: Ơ Kìa Hà Nội

Nhà thơ Hàm Anh lại mải ngắm các bạn khiếm thị đọc sách nổi "Mình chưa thấy bàn tay nào đẹp như đôi bàn tay một bạn khiếm thị đọc sách chữ nổi mà mình nhìn thấy hôm nay! Đẹp như một bông ngọc lan nở tung trắng muốt! Các bạn khiếm thị khiến mình tin tưởng và gần gũi, muốn đọc thơ của mình để các bạn ấy nghe vì tin rằng các bạn là những người sẵn lòng lắng nghe và kiên nhẫn, thấu cảm. Các bạn đã soi sáng tinh thần và trí não của mình rất nhiều!".

Phần bói thơ Lưu Quang Vũ vốn là một sáng kiến do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tạo nên. Trăm lần như một, tất cả mọi người đều tham gia cực kỳ hào hứng. Nhất là lần này, người giải quẻ thơ lại chính là anh Hoàng Văn Lý - một nhà thơ với con mắt thấu suốt cực kỳ đặc biệt.

Sờ chữ nghe thơ ảnh 4

Sờ chữ nghe thơ là sự kiện thi ca số 1 của Se Sẽ Chứ 2024. Ảnh: Ơ Kìa Hà Nội

Thay cho phần kết, nhà báo Trần Kim Thanh (Đài Truyền hình Hà Nội) đã dành tặng cho Sờ Chữ Nghe Thơ bài đọc "Vẻ đẹp của những người chạy Marathon về chót". Viết đọc trích trong cuốn Bức xúc không làm ta vô can, tác giả Đặng Hoàng Giang.

"Về chót, không giải thưởng, không người tung hô chụp ảnh, không đại diện cho ai, và đầy lý do để bỏ cuộc. Nhưng bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ. Họ làm những việc họ cho là đúng, là cần làm. Và ai nói rằng thế giới chỉ có thể thay đổi bởi những người xuất chúng?"

Những câu kết trong phần đọc của nhà báo Kim Thanh đã khép lại một phiên sinh hoạt rất đặc biệt và để lại thật nhiều suy ngẫm.

Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.