Đầu tháng 7/2020, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chính thức ra văn bản, chấm dứt hoạt động của Thời báo Kinh tế Việt Nam kể từ ngày 15/7/2020. |
Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Đào Nguyên Cát - nguyên Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.
- Thưa giáo sư Đào Nguyên Cát, sau khi Thời báo Kinh tế Việt Nam chính thức giải thể, đóng cửa, ông đón nhận tin tức này như thế nào?
Giáo sư Đào Nguyên Cát: Thật sự rất buồn. Nhưng tin tức này thì tôi nghe từ lâu rồi. Quy hoạch báo chí nêu rõ, các hội nghề nghiệp không làm báo nữa, chuyển sang làm tạp chí. Tôi cũng phải chuẩn bị tinh thần đó. Tôi là cán bộ của Đảng nên không có gì thắc mắc và sẵn sàng chấp hành thôi. Đã là quyết định rồi thì phải chấp hành.
Năm 1991 tôi làm tờ báo này cùng với ông Trần Phương, thời điểm đó ông Phương là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Ông Trần Phương hiện đang ốm, khoảng hơn một năm nay. Ông ấy ốm thì nặng, không nói được, đi lại không được. Cho nên cũng không họp hành gì được với chúng tôi.
Thời báo Kinh tế Việt Nam có hai chủ thể lãnh đạo, đó là Hội đồng trị sự và Ban biên tập. Ban biên tập thì chỉ làm nội dung thôi, còn tài chính, lương bổng, xuất bản, đời sống của anh em thì do Hội đồng trị sự góp tiền vào làm. Vì Hội Khoa học Kinh tế không có tiền, nên giao cho tôi làm, tôi cũng ở trong Hội đồng trị sự này. Đấy, cơ cấu của báo là như vậy.
Hôm nay anh hỏi gì, thì tôi trả lời với tư cách cá nhân thôi, vì tôi đã nghỉ mấy tháng nay rồi nên tôi không điều hành tòa soạn nữa. Tuy nhiên thông tin của tôi tương đối chính xác, vì tôi làm tờ báo này đã hơn 30 năm rồi.
- Thực tế là việc quy hoạch báo chí chỉ điều chỉnh từ báo trở thành tạp chí còn việc giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam lại là câu chuyện của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam…
Giáo sư Đào Nguyên Cát, 94 tuổi, là Tổng biên tập của Thời báo Kinh tế Việt Nam từ khi báo thành lập tới khi giải thể.
Giáo sư Đào Nguyên Cát: Trong nhiều cuộc họp với các cơ quan quản lý, nhiều ý kiến nói Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng phải chuyển sang tạp chí, tôi nói, tờ báo của chúng tôi mấy chục năm vừa rồi không có khuyết điểm gì, không những thế còn được đánh giá cao cả ở trong và ngoài nước. Lúc đó có một số đồng chí cũng nhìn nhận, đúng là tờ này tốt, tuy nhiên nếu muốn được giữ lại thì phải chuyển sang cơ quan chủ quản khác.
Tôi thì đã gắn với báo hơn 30 năm, tòa báo lại nằm trong cơ quan chủ quản là Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng chừng đó năm, gắn với nhau rồi, làm tốt lắm, thế mà bây giờ lại đi vào cơ quan khác thì mình cũng không muốn.
Sau đó chúng tôi làm đề xuất gửi lên các cơ quan quản lý thì được trả lời, Thời báo Kinh tế Việt Nam không thể chuyển sang đó được, báo phải chuyển sang cơ quan nào mạnh hơn về mặt chính trị.
Tôi có nói với ông Trần Phương dự định của mình, đó là xin chuyển báo sang Hội Khoa học Kỹ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, mà ông Phương cũng đang ở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, thế thì chuyển đổi sang đây, thì báo vẫn là báo của Hội, đồng thời trực thuộc Liên hiệp, thì như vậy thuận hơn, ông Trần Phương tán thành.
Từ đó thì tôi cũng cứ chờ đợi và cũng tính xem chuyển sang cơ quan nào. Nhưng mỗi Bộ thì chỉ có một cơ quan báo, họ có báo chính của họ rồi, thì làm sao họ nhận được mình. Cho nên bảo chuyển nhưng không chuyển được.
Đấy, câu chuyện như vậy, chúng tôi cũng đã biết nó rất khó khăn, khó khăn từ ngay trong nội bộ. Anh em mà chuyển sang tạp chí thì biên chế nó giảm đi nhiều.
Có một đồng chí lãnh đạo Bộ cũng nói, chúng tôi có thể tiếp nhận Thời báo Kinh tế Việt Nam được, cứ chuyển sang chỗ chúng tôi, họ sẽ lo cho tờ báo. Trước khi chuyển sang thì báo còn tài sản, của cái gì thì về chia hết cho anh em, xong rồi sang đây. Nghe thế thì cũng được, nhưng đến năm 2018, 2019 thì lại bảo không được, muốn sang cơ quan nhà nước thì tài sản phải giải quyết hết. Của tôi thì có nhiều cái tài sản là anh em góp vào, vì tờ báo mà, của tập thể. Bây giờ giải thế mà phá đi thì anh em không tán thành. Từ đó thì các đồng chí bảo không được, phải sang tạp chí thôi.
- Thưa giáo sư, nếu không sang được cơ quan chủ quản khác, không giữ được chữ “báo” thì chuyển xuống tạp chí, vẫn là Tạp chí Kinh tế Việt Nam, cũng là một giải pháp tốt, lại đúng với quy hoạch của Chính phủ. Vậy tại sao Thời báo Kinh tế Việt Nam không theo hướng này?
Giáo sư Đào Nguyên Cát: Khi thảo luận để chuyển về tạp chí, cơ quan quản lý cũng nói, phải làm đề án, chúng tôi cũng làm đề án, tuy nhiên khi chuyển đề án lên Hội Khoa học Kinh tế thì các anh ấy không bảo cái đề án này không được, ngày 15 hết hạn nộp đề án thì ngày 14 họ trả lời như vậy, không còn thời gian nào nữa.
Hội bảo họ muốn làm một tờ báo khác, không làm tờ báo như cũ nữa, không làm tờ báo kiểu như Thời báo Kinh tế Việt Nam nữa. Làm như cũ thì nó mất nhiều người, nó chưa đáp ứng được yêu cầu của Hội Khoa học Kinh tế. Thế thì chúng tôi chịu thôi.
Cái thông tin sẽ không làm nữa khiến mùng Một Tết năm nay, cơ quan tôi như có đám. Ai cũng tâm tư băn khoăn rằng bây giờ về thì đi đâu, làm gì? Mọi người gồm có ông Thái, ông Trần Phương cũng giải thích nhưng anh em cũng không nghe, phản đối. Tôi thì là cán bộ, phải giữ yên lặng, làm tư tưởng nội bộ chứ không đưa lên báo chí, mặc dù trong tay mình có báo chí.
Anh em trong cơ quan thì cũng biết cái việc đó, họ cũng ầm lên, tôi phải làm tư tưởng cho anh em.
Hiện nay có hơn 20 tờ báo làm tạp chí, thì mình phải làm cái này cũng như 20 anh kia. Tôi được tạp chí thì anh em của tờ báo cũng sang tạp chí còn các mục làm thế nào thì không khó.
PV: Giáo sư có nhận xét, đánh giá như thế nào về quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động của Thời báo Kinh tế Việt Nam do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ban hành?
Giáo sư Đào Nguyên Cát: Hôm 1/7 vừa qua có cái quyết định này, đó là giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam. Cái này đã bàn mãi, chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi để Bộ Thông tin & Truyền thông quyết định thế nào chúng tôi theo thế ấy. Theo đúng quy hoạch thì từ báo xuống tạp chí chứ không phải giải thể. Từ báo xuống tạp chí thì có thể cơ cấu về mặt nghiệp vụ sao cho hợp lý. Cơ quan quản lý nói thế chứ có phải giải thể đâu. Chúng tôi có hơn 180 người từ tòa soạn cũ mà giải thể, chấm dứt hợp đồng hết, vậy họ đi đâu?
Hơn nữa khi Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam bảo làm tạp chí mới hoàn toàn thì họ cũng không lấy người từ tòa soạn cũ.
Giải thể thì cái đất mà Nhà nước hỗ trợ 1.800m phải trả lại Nhà nước. Báo thì được hỗ trợ đất chứ Hội thì có được đâu. Giải thể thì họ nói phải chấm dứt hết hợp đồng, tôi họ cũng bảo phải chấm dứt. Tôi trả lời, tôi lập ra tờ báo này cơ mà, sao lại chấm dứt hợp đồng với tôi?
PV: Xin trân trọng cám ơn giáo sư!
Bài: Việt Hoàng
Ảnh: Quang Phúc
Thiết kế: Thúy Hà