“Tôi là Lê Anh, người được nhiều người biết tới là một kỹ sư có thu nhập ngàn đô khi còn làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, nhưng sau đó, tôi quyết định bỏ ngang, đi làm mắm, loại mắm truyền thống của người Việt.
Qua gần 5 năm khởi nghiệp, thương hiệu nước mắm truyền thống Lê Gia đã sống được và đang lớn dần. Người tiêu dùng cũng đã biết tới sản phẩm của chúng tôi nhiều hơn. Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn rất dài, đầy thách thức.
Tuy nhiên, qua 5 năm, qua những lần “chết đi, sống lại”, tôi tin rằng, thị trường, người tiêu dùng sẽ không bỏ rơi sản phẩm nước mắm truyền thống, vì nó là quốc hồn quốc túy, nó gắn bó với người Việt từ rất nhiều thế kỷ nay rồi. Nước mắm cũng không chỉ đơn thuần là thứ gia vị, mà nó còn là cảm xúc và văn hóa về ẩm thực nữa.
Khởi nghiệp với nước mắm – một hành trình mạo hiểm và có phần ngông cuồng với tôi. Là kỹ sư, lương tháng vài chục triệu đồng, nhưng tôi muốn làm gì đó, nếu cứ mãi đi làm thuê thì tôi mãi mãi chỉ là người làm thuê, không tạo ra được sản phẩm của riêng mình. Trong khi đó, cái nghề làm mắm của cha ông cứ mai một dần, thực sự rất tiếc.
Thời điểm quyết định bỏ việc đi làm mắm, tôi thực sự không biết gì về thị trường, không quan tâm tới tỷ lệ thành công, vốn liếng cũng rất ít. Hành trang duy nhất mang theo khi làm mắm đó là tình yêu với sản phẩm này và sự ủng hộ của vợ. Nhiều người bảo, thằng này điên rồi.
Người ta nói tôi điên, chắc cũng có lý do bởi kinh nghiệm làm mắm truyền thống nhưng ở quy mô lớn của tôi là con số 0. Ngoài ra tôi cũng chẳng tính được vốn liếng sẽ dốc vào bao nhiêu, tài sản tích lũy được rồi sẽ “đội nón ra đi” thế nào, chỉ biết rằng, cần làm mắm, không muốn để cái nghề đã nuôi sống gia đình mình, quê hương mình mất đi. Thế là lao vào làm, đơn giản vậy thôi. Lúc ấy nhiều khi mọi quyết định đến từ suy nghĩ, nếu làm vậy có mang đến thêm được lợi ích cho khách hàng không? Vì thời gian đầu những người khách hàng đầu tiên của tôi là những người quen biết, anh em bạn bè, đồng nghiệp cũ của tôi và vợ.
Cái khó của người làm nước mắm miền Bắc là mùa đông kéo dài mấy tháng, nước mắm nó cần nhiệt độ, mình thiệt thòi hơn với Phan Thiết, Bình Thuận về thời tiết, trong đó nắng quanh năm nên thời gian mình làm mắm bị kéo dài hơn. Nhiều người hỏi, sao không đặt xưởng ở trong miền Nam, nhưng thực sự tôi cũng yêu quê quá, luôn muốn sản phẩm tâm huyết của mình được làm từ quê hương. Ở đấy có bố mẹ, có làng nghề, có tuổi thơ nên khi xuất được đi những đơn hàng lớn, giúp được người dân có việc làm, tôi thấy tự hào lắm. Thêm nữa chính thời tiết đặc biệt của miền Bắc lại tạo nên hương vị riêng đặc biệt là sản phẩm.
Tôi mất rất nhiều tháng để thuê thợ về đóng những thùng ướp chượp khổng lồ, rồi những ngày nắng rát phải lao ra biển tìm nguồn cung cá cơm tươi. Cũng phải trăn trở nhiều công sức lắm mới ra được những sản phẩm mà mình ưng ý và tin là khách hàng sẽ ưng ý.
Bắt tay vào làm mới thấy nó ngốn công sức và rất nhiều tiền, mọi nguyên liệu làm mắm phải mua về để chuẩn bị, mất rất nhiều thời gian. Thời gian chính là tiền. Để có được chất nước mắm riêng biệt, không quá mặn, chát thì muối tôi phải mua muối từ Ninh Thuận hay Bà Rịa, nhưng muối mua về cũng không đem ủ cá ngay được, phải để đó 2 năm cho muối bớt độ mặn và “mềm” hơn.
Hoặc như cá cơm, phải chọn được loại tươi, ngon, sạch nhất, tất nhiên để có được nguồn cá với các yếu tố này, thì phải chấp nhận thu mua với giá cao hơn. Trả thấp cho ngư dân thì thương lái nước ngoài họ “vợt” ngay.
Anh nghĩ xem, vì là khởi nghiệp, đúng là bằng niềm tin, bằng tình yêu nên khi bán hàng cũng đi bán bằng niềm tin ngây ngô thực sự. Tôi rất nhớ những trưa nắng, khi khách du lịch đang ngồi ăn uống ở nhà hàng tại các khu du lịch Hải Tiến, Sầm Sơn…của Thanh Hóa thì hai vợ chồng tôi dắt díu nhau đi mang mắm tới tận bàn ăn của khách họ để chào hàng. Có người họ tiếp chuyện, có người thờ ơ, và có người mắng, chửi cho té tát vì họ bị làm phiền.
Quãng thời gian khó khăn quá tôi phải bán nhà, bán xe, vay mượn khá nhiều từ anh em, bạn bè.
Nhiều khoảng thời gian cả gia đình chúng tôi luôn ở trạng thái căng thẳng cực độ, bởi áp lực quá lớn, doanh nghiệp có thể “chết” bất cứ lúc nào. Vì thế, đã có lần tôi đuổi vợ ra khỏi công ty do những bất đồng trong quản lý, điều hành. Nghĩ lại thấy hú vía, bởi nếu lúc đó vợ mà ra khỏi công ty thật thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cô ấy là người đồng hành, người chịu đựng và chia lửa với tôi trên mọi chặng đường. Nếu cô ấy không làm nữa thật thì tôi kham không nổi.
Làm được ra nước mắm đã khó, tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm còn khó hơn và để nước mắm của mình trụ lại được khó gấp bội. Đó là cuộc chiến khốc liệt thực sự mà tôi, một tay làm mắm mơ mộng chưa bao giờ tưởng tượng ra. Sức cạnh tranh trên thị trường giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống là quá lớn.
Ý thức được việc đó, tôi đã chọn ngách thị trường phù hợp, đó là sản xuất nước mắm cho bé Lê Gia. Ngách thị trường này tuy nhỏ nhưng phù hợp với năng lực cốt lõi của Lê Gia khi nắm bắt xu hướng các mẹ cần gia vị sạch cho con trong thời kỳ ăn dặm. Một sản phẩm nước mắm dành riêng cho bé ăn dặm, với thành phần 100% tự nhiên, đầu tư thiết kế, bao bì là nhu cầu lớn của các mẹ.
Tín hiệu tốt nhất là sản phẩm Nước mắm Cho Bé Lê Gia được các mẹ đón nhận, được hệ thống mẹ và bé uy tín cho lên kệ bán. Niềm vui thấy đứa con tinh thần của mình, được có mặt trên kệ đẹp đẽ của siêu thị, được khách hàng mình đón nhận – như thể họ làm được gì đó lớn lao đối với tôi.
Một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi, là trong một lần đến hệ thống mẹ và bé Bibomart, tình cờ nghe thấy một bà mẹ và thu ngân của siêu thị nói chuyện, bà mẹ nói, cô ấy cũng ở quê, bố mẹ cô ấy ngày xưa cũng làm nước mắm và sau khi dùng nước mắm Lê Gia cho bé cô ấy thấy đúng là nước mắm chuẩn, nguyên chất, và cô ấy tin dùng cho con. Với nhiều người, đó chỉ là câu chuyện bình thường của hai phụ nữ đang chăm con nhỏ, nhưng với tôi, một người đang dò dẫm tìm đường thì đó là một thông điệp quá tốt.
Về các sản phẩm nước mắm truyền thống, phải thừa nhận hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế về mẫu mã bao bì, và đặc biệt là kênh bán hàng, đó là điểm chung và tôi nghĩ các doanh nghiệp cũng như chúng tôi phải từng bước thay đổi để ngay từ ban đầu đã thu hút được người tiêu dùng.
Bên cạnh việc cải thiện hình ảnh, bao bì mẫu mã sản phẩm, Lê Gia cũng đang nỗ lực để truyền thông theo cách phù hợp nhất. Chúng tôi cũng không có nguồn lực làm quảng cáo, cũng chỉ tận dụng mọi nền tảng mạng xã hội để kể câu chuyện thật của mình.
Qua những câu chuyện, hình ảnh thực chất như vậy, khách hàng người ta đến trực tiếp xưởng, xem những cái thùng gỗ khổng lồ, được làm cực kỳ tỷ mỷ, công phu, thì họ mới tin, rằng đó là nước mắm thật.
Cuối năm 2018, thương hiệu mắm Lê Gia xuất được container đầu tiên sang Hàn Quốc. Tiếp theo, sản phẩm của chúng tôi đã đặt chân tới các thị trường khó tính như Đài Loan, Nam Phi, Liên bang Nga, Panama…
Người ta nói rất nhiều đến 4.0, đến công nghệ, đến đi tắt đón đầu, trí tuệ nhân tạo… nhưng cá nhân tôi cho rằng, mình là nước nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp là nền tảng căn bản nhất để xã hội ổn định và phát triển.
Nước mắm (chế biến hải sản) không chỉ là thành tố quan trọng của nông nghiệp, không chỉ gắn liền với đời sống của nhiều nông dân, ngư dân, diêm dân mà còn là giá trị văn hóa, hồn cốt của cha ông để lại. Tuy nhiên, do đặc thù ngành nên nhiều người trẻ không hào hứng tham gia dấn thân vào lĩnh vực này. Thật là tiếc nếu như quốc hồn quốc túy của cha ông bị mai một đi.
Tôi mong rằng, Chính phủ, nhà nước sẽ có thêm những cơ chế chính sách, giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; truyền thông cũng sẽ có những sự cổ vũ cho hàng Việt. Khi nhiều doanh nghiệp khỏe, thì đất nước khỏe, kinh tế khỏe, người tiêu dùng qua đó cũng được hưởng lợi hơn.
Bài: Việt Hoàng
Thiết kế: Thúy Hà