‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’

‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’

Có một giai đoạn, khắp nơi rộ lên những cuộc tranh cãi về chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, về cái tên nhà báo Thu Uyên, vì “dám” công kích đích danh một loạt các nhà ngoại cảm nổi tiếng. Trong suốt nhiều năm và cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn tìm đến những nhà ngoại cảm như cứu cánh cho việc tìm kiếm người thân của mình, dù còn sống hay đã chết. 
______________

1️⃣ Như chưa hề có cuộc chia ly - Đã đến lúc phải thay đổi mô hình

______________

Phỏng vấn nhà báo Thu Uyên (phần 2)

PV: Tôi nhớ thấy có một số giai đoạn mà chị có sự giận dữ, xung đột khá mạnh với một số thầy bà đồng cốt trong việc tìm mộ...

Nhà báo Thu Uyên: Không chỉ xung đột, tôi chủ động tố cáo, lật mặt nạ họ luôn ấy chứ. Chúng tôi đã đưa được một đám lừa đảo ra toà chịu án, và những kẻ khác thì im luôn bởi vì tôi còn hồ sơ về họ.

PV: Việc mà chị làm với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) chắc chắn sẽ động đến những nhóm lợi ích mà họ đã khai thác từ những nhu cầu như là tìm người, tìm hài cốt... từ nhiều năm trước. Độ lan tỏa của chương trình càng rộng thì sự va chạm với những nhóm lợi ích đó càng lớn. Tất yếu đến một mức nào đó nó sẽ trở thành bắt buộc phải đối đầu trực diện?

Nhà báo Thu Uyên: Nói một cách nghiêm túc, tôi không muốn phải đối đầu trực diện với ai cả. Nhưng có lẽ tôi là một chiến binh (cười), tôi nhìn thấy cái gì xấu là không chịu được. Khi đó chúng tôi thực hiện Chương trình “Trở về từ ký ức” – tìm kiếm thông tin về liệt sĩ và người thiệt mạng trong chiến tranh. Tiếp xúc với các gia đình liệt sĩ thì tôi chỉ biết một điều là cần  phải bảo vệ họ.. Tôi biết là có những thế lực chống lại chúng tôi rất kinh khủng, tôi cũng không dự định từ trước là sẽ đối diện với P.T.B.H (một nhà ngoại cảm nổi tiếng), “cậu Thuỷ” (tức Nguyễn Văn Thúy, năm 2015 chịu án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả hài cốt), với T.Đ.T (một luật sư nổi tiếng), với hàng loạt các thầy bà tự nhận là “nhà ngoại cảm” lúc đó... Nhưng chúng tôi phải chỉ ra được là họ đang lợi dụng, đang lừa dối những người mà  chúng tôi đang bảo vệ.

PV: Cuộc chiến đó đã bắt đầu với những sự vụ cụ thể như thế nào, thưa chị?

Nhà báo Thu Uyên: Đầu tiên, khi mà nói đến liệt sĩ thì mọi người đều nghĩ đến Quảng Trị, thì bắt đầu là từ Quảng Trị. Thời điểm chúng tôi bắt đầu đi khảo sát, cái sự mê tín, lừa đảo bằng tâm linh không chỉ dừng lại trong chuyện tìm hài cốt liệt sĩ đâu mà còn trong nhiều chuyện khác nữa trong xã hội chúng ta…

‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’ ảnh 1

PV: Bởi vì thân nhân tuyệt vọng nhiều năm rồi?

Nhà báo Thu Uyên: Nếu chỉ nói về các thân nhân liệt sĩ, thì hàng chục năm rồi, họ đã bị chính những kẻ lừa đảo đội lốt tâm linh “kích động”, để dần tự chạy đến tìm chúng. Bất đắc dĩ thôi, chúng tôi đã mở đầu cuộc đánh trực diện vào họ (những kẻ mạo nhân có công năng đặc dị) khi bắt đầu làm chương trình Trở về từ ký ức (Hoạt động Tìm kiếm và kết nối thông tin về Liệt sĩ và người thiệt mạng trong chiến tranh. Chương trình hoạt động từ 2012 - 2017, 39 số phát sóng trực tiếp trên VTV).

Hai năm trước khi làm Trở về từ ký ức, tôi và 1 cộng tác viên Quảng Trị là anh Phan Tâm Lâm đã đi khắp các nghĩa trang, đi gặp Sở và các phòng Lao động và Thương binh Xã hội để tìm hiểu. Khi đi khắp vùng Khe Sanh thì đã bắt đầu đụng mấy “ông bà” tự xưng có khả năng ngoại cảm. Chúng tôi gặp chính “cậu Thủy” đó, bối cảnh là ông ta đang ở trong nghĩa trang khấn vái um sùm, mọi người xung quanh thì cúi rạp xuống. Gia đình họ ở quê Thanh Hóa, vào Khe Sanh tìm liệt sĩ, cả đoàn hơn chục người mà lớn nhất là ông chú liệt sĩ đã ngoại 80 tuổi. Họ chân chất vô cùng. Cái hành động vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ là người cháu của liệt sĩ kể đã bán trâu, bán bò, bán hết các thứ đi rồi, còn vay của họ hàng mỗi người vài triệu để mà đi vào đây tốn hơn hai trăm triệu rồi nhưng mà rất sung sướng, dự định về làm lụng, bao giờ có tiền lại đi lần nữa. Chẳng biết đến bao giờ mới dành dụm được. Lần này, thầy chỉ chỗ đào rồi mà đào lên không thấy, dù đã mang sẵn tiểu đi để cho xương cốt vào rồi. Anh ấy nói rồi rút cái cờ Tổ quốc cuộn sẵn trong lòng chiếc tiểu ra. Anh giăng lá cờ ra trước ngực như thế này này, tôi thấy xót thương, đồng thời căm giận những kẻ lợi dụng lòng tin cháy bỏng của những người như gia đình này. Cờ Tổ quốc và cái tiểu là để bọc và đựng hài cốt của bác anh ấy. Nếu lúc đó đã có chút gì trong đó, thì đó cũng không thể là hài cốt của bác anh, tệ hơn, có thể là một cái bậy bạ gì đấy (sau này khi ra toà, “cậu Thuỷ” và đồng bọn khai nhận nhiều lần đã chôn xương động vật giả làm hài cốt liệt sĩ).

Sau đấy thì bắt đầu có một loạt những cái vụ như là ở Đắk Lắk, Bình Phước, cuối cùng là Quảng Trị nơi “cậu Thủy” biểu diễn các màn tìm hài cốt liệt sĩ rầm rộ, trống dong cờ mở, thậm chí ở cả những địa bàn chưa từng xảy ra chiến trận. (Cụ thể sự việc, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2013, “cậu Thuỷ” đã huy động hàng chục người tiến hành đào bới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tuyên bố đã tìm được 73 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều di vật như: bi đông, dép cao su, sao vàng…và đề nghị tỉnh Đắk Lắk quy tập. Sau này trước toà, Nguyễn Văn Thuý tức “cậu Thuỷ” đã khai nhận hành vi bố trí nguỵ tạo mộ và hài cốt liệt sĩ).

Tới lúc đó, chúng tôi đã làm việc rất chặt chẽ với Bộ chỉ huy quân sự của các tỉnh. Các cán bộ chức năng tại Ban chỉ huy quân sự, các sở LĐTBXH các địa phương cũng rất tỉnh táo chứ không phải không. Những nghi vấn rất hiển nhiên như ở một địa điểm không có trận đánh nào mà sao lại dám bảo là đào ở đấy lên bao nhiêu hài cốt liệt sĩ? Thế mà có những kẻ vẫn bịa ra như thế. Hay là ở Bình Phước chẳng hạn. Rõ ràng là ở cả một cái lô cao su mới trồng lại, mà họ đào lên hàng chục cái họ gọi là hài cốt liệt sĩ ở vị trí rất nông.

Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (VNC&ƯDTNCN) có rất nhiều nhà khoa học bằng cấp cao, lúc đó thì nhiều vấn đề lắm. Chẳng hạn như hồi đó nghiên cứu khả năng ngoại cảm của Vũ Thị Hòa, rồi “tấn phong” lên đây là một nhà ngoại cảm của Viện. Thế là đã tổ chức lễ cấp giấy chứng nhận, rồi thì đi Gia Lai, tổ chức đào bới rất là hoành tráng rồi viết bài khẳng định với công chúng là Vũ Thị Hòa “mắt sáng lòng trong”, khen ngợi tận mây xanh. Bên chỗ VNC&ƯDTNCN nói rằng là chúng tôi thử rồi, đêm trước cô Hòa nói ngày mai sẽ đào được hài cốt liệt sĩ, mà trong lòng đất sẽ có lọ peneciline có in số dưới đáy, với cái đèn pin cong cong… ; sáng sau đào ra đúng thế - cô tài quá, cô có tài thấu thị tuyệt vời! Các nhà khoa học ấy thậm chí không còn để dành chỗ cho một chút logic đơn giản rằng, còn ai hơn chính những kẻ chồn đồ vật xuống đất biết rõ về chúng nữa!

‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’ ảnh 2

PV: (Cười) Trong phần nói chuyện vừa rồi ấy, cái năng lượng chị tỏa ra rất là mạnh, chị có ý thức được không? Chị đã không kiềm chế được vẻ giận dữ ấy…

Nhà báo Thu Uyên: (cười) Mấy năm rồi, nhưng nhắc lại tôi vẫn thấy tức giận, nhưng không phải với đám đó, những kẻ nhân danh “ngoại cảm”. Anh phải hiểu là như thế này, những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối, và chắc chắn họ chính là những người không tin vào tâm linh. Nếu họ tin vào tâm linh thì họ phải sợ chết khiếp tất cả những nhân quả từ việc lừa đảo của họ chứ. Hồi xưa tôi ngây thơ nghĩ, trời ơi, tâm linh là cái lĩnh vực cao quý, ai người ta dám dùng để lừa đảo. Nhưng mà thực tế có những sự báng bổ khủng khiếp như vậy. Bây giờ tôi có thể chứng minh với anh là các nghĩa trang liệt sĩ bây giờ, ở Miền Bắc không kể, mà ở Miền Nam, có rất nhiều mộ giả. Các nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, có trên 1/5 là mộ giả.

PV: Thế cơ ạ? Giả theo nghĩa nào ạ?

Nhà báo Thu Uyên:  Ví dụ như sau chiến tranh ở Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 có chủ trương cứ đưa hài cốt liệt sĩ về là được thù lao, nên người ta đưa rất nhiều người không phải liệt sĩ về, và thậm chí một bộ hài cốt liệt sĩ được chia ra làm 2-3 phần. Có cả một khu vực ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, là sau khi xét xử vụ án làm giả hài cốt liệt sĩ vào năm 1993 (có án tử hình) là người ta phải khóa hết cả hồ sơ. Về sau chúng tôi xin lên xin xuống tiếp cận hồ sơ để tiếp tục thực chứng cho các ngôi mộ khuyết thông tin ở khu vực bát giác ấy, có công văn của Sở LĐTBXH Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, và Cục Người có công Bộ LĐTBXH gửi lên Bộ Công an đề nghị cho TVTKU tiếp cận hồ sơ, nhưng chưa kịp thực hiện. Các ngôi mộ giả vẫn ở tại đó. Vụ án “cậu Thủy” cũng để lại 9 ngôi mộ, ghi “Liệt sĩ chưa biết tên” nhưng trong lòng chứa tang vật của vụ án, tức là xương cốt động vật và đất đá. Cho đến lúc này, 9 mộ này vẫn vẫn nằm nguyên ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, cùng khu với các ngôi mộ liệt sĩ thật. Chúng tôi đề nghị rất nhiều lần, được Cục Người có công làm công văn gửi Bộ, rồi làm thư ngỏ, nhưng không ai xử lý vụ việc này. Và bây giờ các cháu học sinh ngày 27/7 có đi đặt hoa thì cũng làm hành động tôn vinh cho cả những tang vật bang bổ đó nữa. Ở những nghĩa trang khác, những ngôi mộ do “ngoại cảm” đặt tên cũng dầy đặc.

Điều khiến tôi vẫn còn thấy giận đến bây giờ là xã hội chúng ta, đã thiếu một cái tư duy lành mạnh, để có một chút phản biện từ đầu, để hiểu là logic ra thì không thể như thế được (cau mày). Tức là không thể có chuyện một cái ông đồng bà cốt nào đó ngồi ở nhà, xong rồi gọi điện chỉ đường cho thân nhân tìm ra mộ liệt sĩ…

‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’ ảnh 3

PV: Thực ra tôi cũng đã được tham gia vào một trong những cái buổi như thế, và tôi đã thấy họ thể hiện như thế nào. Tôi không hề tin bởi người tìm kiếm hôm đó đã chọn một cách tiếp cận vấn đề khá tồi, biểu diễn vài trò ảo thuật vớ vẩn để loè bịp. Rất may thân nhân đi tìm hôm đấy cũng kiểu 50/50, tức là ông ấy không phủ nhận rằng nấm mộ này có thể là bố mình, nhưng ông ấy cũng không đào lên để mang về quê. Và sau đó ông ấy vẫn tiếp tục cái việc tìm kiếm…

Nhà báo Thu Uyên: (cười) Những cái xảo thuật mà thường gặp nhất mà tất cả các nhà ngoại cảm đều áp dụng là con bướm vàng, cái gốc cây, quả trứng... Tóm lại là tôi tức giận bởi cái sự nông nổi của một bộ phận xã hội (không phải là thân nhân liệt sĩ, vì họ có quyền được tin dù vô căn cứ vì họ quá tha thiết mang được người ruột thịt trở lại). Chứ tôi không tức giận những kẻ báng bổ tâm linh mà đội lốt tâm linh, trục lợi trên sự hy sinh. Ai đi tức giận một con diều hâu?

PV: Có trường hợp ngoại lệ nào đến chứng minh được với chị cái gì về năng lực ngoại cảm chưa?

Nhà báo Thu Uyên: Chưa một ai cả, chưa ai có thể chứng minh cho tôi phục. Hồi trước tôi có đến nhà một nhà khoa học cây đa cây đề của Viện ƯDTNCN. Vị này còn tuyên bố có thể… xuất khẩu được ngoại cảm cơ (cười lớn).

Tôi đến nhà ông ấy giữa lúc làn sóng công kích tôi đang rất là căng thẳng. Đầu tiên ông ý sững lại rồi sau cũng nói chuyện với tôi rất thoải mái. Đó là một người liêm khiết nhưng xin lỗi, tôi cố lắm cũng không thấy được logic trong cách ông phạt “đứa này” khen “đứa kia”, đều là các “nhà ngoại cảm” được chứng nhận. Lúc đó tôi thấy có mấy cô lạ mặt ngồi trong nhà, rồi nhà khoa học bảo: “Sắp tới chú sẽ xuất khẩu những cô ngoại cảm này sang Ba Lan”. (cười).

PV: Chúng ta hãy nói về những thứ gọi là ngẫu nhiên nhé. Trong những cuộc tìm kiếm của chị thì có khi nào mà những người đã khuất chẳng hạn họ tìm cách tác động đến để những cuộc tìm kiếm của chị được thành công không, liệu có những yếu tố đó không?

Nhà báo Thu Uyên: Nói thật với anh, hầu như các gia đình tìm tới chương trình NCHCCCL là trước đó đều đã nhờ đến các thầy bói rồi. Ai cũng đi thầy bói và được chỉ rất là nhiều thứ. Nào là người thân vẫn sống, hoặc người ấy chết rồi, chết từ lâu rồi, thậm chí khẳng định người ấy đi nước ngoài rồi. Nhưng mà bọn họ bói sai hết sạch, bởi khi mà chúng tôi tìm ra thì không phải vậy. Thế nên đừng nói với tôi cái chuyện người chết có thể nói gì trong việc đi tìm với người sống thông qua thầy bói.

‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’ ảnh 4

PV: Tôi thấy những việc chị làm sẽ giúp người ta lấy lại được thân phận của mình, dù họ còn sống hay đã chết. Đó không chỉ là chuyện tìm người thân mà còn là tìm lại chính mình.

Nhà báo Thu Uyên: Đúng rồi, tôi cũng nghĩ quan trọng là cái người được tìm kiếm ấy, chứ không phải vấn đề nằm ở người thân. Quan trọng là cái người côi cút ấy. Họ cần được biết được họ là ai, họ từ đâu ra, vì sao họ lại rơi vào cái cảnh này và nguồn cội của họ là thế nào.

Tôi rất ấn tượng với câu chuyện có một ông chồng hằng ngày vẫn đi ra khỏi nhà xong đùng một cái biến mất, không thấy về. Xong rồi người vợ đi tìm và cuối cùng phát hiện ra ông ấy là một bệnh nhân vô danh đang nằm trong một bệnh viện. Kinh khủng. Tôi nghĩ những người thất lạc tìm về được đến nhà là bởi vì có một sợi dây vô hình liên kết đến với họ. Đấy không phải tâm linh nhé, đấy là cái lòng yêu thương. Khi đi tìm kiếm thì bao giờ tôi cũng nghĩ như vậy. Đầu tiên là chúng tôi thương cái người bị lạc khỏi chỗ của mình. Còn các thành viên còn lại trong gia đình thì vẫn còn nhau, còn quê hương, còn họ hàng, còn biết mình từ đâu. Chỉ những người thất lạc kia họ không còn biết mình ở đâu nữa, người ta có cái gì, tại sao người ta sinh ra, tại sao thất lạc, điều gì sẽ đến tiếp theo...

Cái kinh khủng nhất là người ta sẽ luôn dằn vặt với câu hỏi: Ba mẹ có thương con không, ba mẹ có nhớ đến con không? Theo tôi thì điều đó nó kinh khủng lắm, cái từ côi cút nó rất ám ảnh đối với tôi.

‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’ ảnh 5

PV: Nào, bây giờ chúng ta sẽ gạch đầu dòng ra những ưu điểm thay đổi mà chị gọi“bước ra cuộc sống”. Những ưu điểm đó là gì, ngoài nguồn kinh phí ra?

Nhà báo Thu Uyên: Khi đảm bảo được sự ổn định kinh phí là mình bắt đầu có hướng phát triển. Còn một khi mình chỉ biết trông vào nguồn tài trợ, nghĩa là mình chỉ sản xuất để chờ những quyền lợi đến từ nhà tài trợ, tìm kiếm chỉ ở trong mức số tiền tài trợ mình có. Để trả quyền lợi tài trợ thì nó không phải cao. Với những nhà tài trợ đầu tiên thì tôi cam kết là một tháng chúng tôi sẽ chỉ có một cuộc đoàn tụ thôi. Còn đến giờ thì mỗi chương trình phát song đã có ít nhất là 3 cuộc, thực tìm ra còn nhiều hơn. Việc sản xuất đáp ứng một chương trình truyền hình không còn khó nữa.

Cái cơ bản là khi mình có nhiều tiền hơn thì mình sẽ tìm được nhiều trường hợp hơn, huấn luyện được nhiều người tìm kiếm hơn, nhiều người xử lý thông tin hơn, đoàn tụ cho nhiều gia đình hơn, mình kể được câu chuyện hay hơn, kể chuyện được trên nhiều nền tảng hơn... Thì đó là cái tôi mong muốn.

Đã có lúc tôi không rõ lắm là người ta yêu quý chương trình này vì cái gì nhất. Thế nên cũng không ngờ là khi mình “kêu cứu” thì mọi người lại một lòng ủng hộ như thế. Công chúng nhìn thấy những giá trị mà mình tự hào ngầm thôi, không nghĩ là người ta cũng để ý. Có người nói, chẳng đâu mà học được nhiều lịch sử như học qua chương trình NCHCCCL. Hay có người còn nói là họ thuộc lòng những bài hát của NCHCCCL, để rồi khi họ hát lên có cảm giác như mình đang đứng trên sân khấu và chứng kiến những cuộc đoàn tụ. Tôi cảm thấy rất tự hào về những nhận xét đó.

PV: Cảm giác là mình không mang nợ xã hội?

Nhà báo Thu Uyên: Đúng rồi. Kiểu như nếu xã hội không cần thì mình sẽ tiếc. Mình hiểu là nếu như mình tiếp tục góp tay vào thực hiện cái này thì thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về lịch sử nước nhà. Họ sẽ yêu gia đình hơn, yêu quê hương đất nước hơn,  yêu văn hóa lịch sử truyền thống hơn, họ biết được nhiều câu chuyện ở nhiều chiều. 

Tôi bất ngờ ở việc mọi người hầu hết là không cho chúng tôi dừng. Nếu đã đến thời điểm cộng đồng thấy chương trình NCHCCCL là của họ thì chúng tôi mừng quá còn gì. Chúng tôi chỉ là người thực hiện thôi.


PV: Tôi nghĩ nhiều người rất hay nghi ngờ về tính động cơ khi mà bất kì ai làm một cái việc gì đấy tử tế, kiểu "Tôi không nghĩ là trên đời lại có người tốt như thế"...

Nhà báo Thu Uyên: Chính là như thế. Tóm lại là có một bộ phận trong xã hội rất là hảo những cái thuộc về cái xấu của con người, nên là bất chấp logic luôn. Thế nên khuyến khích nói về những điều tử tế là tốt. Con người ai cũng có phần tử tế nhưng xã hội bây giờ phần đó nó bị lấn át cũng nhiều…

‘Những kẻ đi lừa đảo nhân danh tâm linh, thì họ biết rõ nhất họ là kẻ lừa dối’ ảnh 6

Bài: Phạm Gia Hiền - Trần Hữu Việt Khôi

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch nước Lương Cường trao Quyết định phong hàm Đại sứ
Chủ tịch nước Lương Cường trao Quyết định phong hàm Đại sứ
(Ngày Nay) - Sáng 2/1, trong không khí vui tươi của ngày đầu năm mới, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã trao Quyết định phong hàm Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho các đồng chí cán bộ, công chức của Bộ Ngoại giao được phong hàm Đại sứ năm 2024.
100% cơ sở khám, chữa bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng Sổ sức khỏe điện tử ​
100% cơ sở khám, chữa bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng Sổ sức khỏe điện tử ​
(Ngày Nay) - Sau 55 ngày đêm phát động Chiến dịch “Triển khai hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID”, đến ngày 31/12/2024, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử.