Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam khởi thảo Bản đề cương văn hóa vào năm 1943, Tổng bí thư Trường Chinh đã trở thành nhà thiết kế đường lối văn hóa, văn nghệ cách mạng vĩ đại của dân tộc. Với ba nguyên tắc cơ bản: dân tộc, khoa học và đại chúng, Đề cương về văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn tiếp tục khẳng định giá trị và dẫn lối cho văn hóa nước nhà phát triển.
*****
“Cơn bão” cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những cuộc chuyển dịch to lớn giữa các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới.
Khi rào cản giữa các nước trên thế giới dần được xóa bỏ, thì sự giao lưu, hòa nhập văn hóa... sẽ diễn ra mạnh mẽ. Trong cuộc hội thảo cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời tổ chức cuối tháng 2/2023 tại Hà Nội, GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã bày tỏ nỗi lo trước tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chóng vánh của thời cuộc.
Sự xâm lấn không gian văn hóa - nơi tồn tại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang hiện hữu. Hàng loạt di tích lịch sử văn hóa bị xóa bỏ hoặc thu hẹp về không gian, biến thái về thực hành di sản, nhường chỗ cho phát triển doanh nghiệp và dịch vụ kinh tế. Thực trạng đó cũng đồng thời tác động xấu đến quá trình bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vốn đã được sáng tạo, bảo vệ và trao truyền từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
GS.TS. Bùi Quang Thanh cho biết thêm, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ với những phương tiện khoa học truyền thông hiện đại đã giúp thế hệ trẻ tại hầu khắp các làng quê đã và đang có cơ hội tiếp nhận tri thức khoa học tiên tiến, nâng cao trình độ, ứng dụng vào thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng vật chất, tinh thần của cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của thực trạng xã hội này là một bộ phận giới trẻ có tâm lý xa rời nguồn di sản quý báu của ông cha, lãnh đạm hoặc không quan tâm đến kho tàng di sản văn hóa của chính quê hương mình. Nhiều dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc biến mất của di tích tín ngưỡng, nhà truyền thống, tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Sự biến đổi văn hóa trong đó có sự xâm lấn và đồng hóa về mặt văn hóa đang diễn ra một cách sâu rộng.
Về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) cũng chỉ ra, không gian mạng đã phát triển mạnh mẽ dưới sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xã hội thông minh hình thành khi không gian mạng mở rộng. Toàn bộ những hoạt động xã hội từ lao động sản xuất, thương mại, dịch vụ, giao thông, logistics, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí sẽ được thực hiện trong không gian mạng. Dòng chảy toàn cầu hóa mang theo rất nhiều giá trị khác nhau từ quốc gia này tới quốc gia khác, tạo nên một thế giới dần dần có độ phẳng hơn trước.
Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong dòng chảy thời đại, văn hóa dân tộc luôn có một chỗ đứng đặc biệt. Đề cương về văn hóa Việt Nam luôn đặt ra yêu cầu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Các khái niệm như “dân tộc, khoa học, đại chúng” từng là ba phương châm lớn của Đề cương, sau 80 năm đã mang thêm nội hàm mới, ý nghĩa mới, giá trị mới. Các vỏ khái niệm quen thuộc giờ sẽ thâu thái thêm những luồng chân khí mới từ thế giới hội nhập, từ thời đại 4.0, công nghiệp hóa, hiện đại hóa... để tạo nên sức sống mới và đà phát triển mới.
Theo tinh thần đó, việc vận dụng, gắn kết, lồng ghép, quán triệt các tư tưởng của Đề cương với một nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta đang tiến hành hiện nay được đặt ra như một yêu cầu khách quan.
“Văn hóa không thể chỉ tồn tại ở những tuyên ngôn, triết lý về đạo đức, lối sống... mà quan trọng nhất là được hiện thực hóa ở những hoạt động, hành động, thể chế, thiết chế hướng tới phát triển những giá trị tốt đẹp trong đời sống hiện thực”, PGS.TS Trần Quốc Toản khẳng định.
Công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một quá trình lâu dài (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định đến năm 2030 mới cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa; còn đến năm 2045 mới xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, tiên tiến), không chỉ là phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, mà còn là phát triển toàn bộ đời sống xã hội theo hướng hiện đại, văn minh, trong đó con người là nòng cốt. Cho nên, một cách khách quan, cần đặt ra vấn đề xây dựng các giá trị tổng quát về giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng yêu cầu cho cả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong cuộc cách mạng 4.0, một số giá trị cơ bản cần phải xây dựng như: Một là giá trị sáng tạo (tri thức khoa học - công nghệ kết nối với các giá trị), quyền con người, quyền công dân, tự chủ, trách nhiệm xã hội, tự do sáng tạo...). Hai là giá trị liên kết - chia sẻ. Ba là, giá trị pháp quyền, nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền gắn hữu cơ giữa thượng tôn pháp luật với dân chủ, với trách nhiệm xã hội đối với mọi chủ thể trong xã hội. Bốn là, giá trị về lòng tự hào - tự tôn dân tộc - đồng thuận dân tộc.
Ngoài ra có thể kể đến các giá trị quan trọng sau như liêm chính, kiên quyết chống tham nhũng và tiêu cực xã hội; tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản chính đáng; lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại; coi trọng hiệu quả; dân chủ, công khai, minh bạch; trung thực, dũng cảm bảo vệ công lý, lẽ phải; công bằng và bình đẳng xã hội...
Đó đều là những giá trị quan trọng trong việc xây dựng con người, văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn mới. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được Đảng đưa ra tại Đại hội lần thứ VI (1986), xét về phương diện văn hóa, thì vấn đề đầu tiên và cũng là cốt lõi nhất chính là xác định lại hệ giá trị phát triển, trong đó cơ bản nhất là giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị lợi ích, giá trị pháp lý, giá trị đạo đức... của tất cả các chủ thể trong xã hội, phù hợp với đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong giai đoạn mới.
Việc hình thành hệ giá trị mới thực sự là một quá trình đấu tranh cam go cả về nhận thức lý luận và thực hiện trong thực tiễn, “cởi bỏ” các giá trị không phù hợp và xác lập các giá trị mới phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển, để từng bước nhận thức và chế định đúng đắn hơn trong quá trình phát triển.