Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm

Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam khởi thảo Bản đề cương văn hóa vào năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trở thành nhà thiết kế đường lối văn hóa, văn nghệ cách mạng vĩ đại của dân tộc. Với ba nguyên tắc cơ bản: dân tộc, khoa học và đại chúng, Đề cương về văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn tiếp tục khẳng định giá trị và dẫn lối cho văn hóa nước nhà phát triển.

*****

Những không gian văn hóa tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn không chỉ thu hẹp khoảng cách, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân mà phần nào cho thấy nguyên tắc “đại chúng hóa” của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm ảnh 1

Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ trong những năm gần đây đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của người dân Thủ đô vào mỗi cuối tuần. Với 7 điểm biểu diễn cố định cùng nhiều sân khấu lưu động, cộng đồng được thụ hưởng những hoạt động văn hóa văn nghệ sôi động từ trình diễn âm nhạc hiện đại đến diễn xướng chầu văn, ca trù, xẩm, chèo, tuồng...

Những không gian văn hóa dành cho đại chúng mới xuất hiện không chỉ tập trung vào việc cải tạo không gian tại các công trình kiến trúc, di tích lịch sử. Việc tổ chức không gian mở ngoài trời tương tự như Không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Khu ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xá, hay Phố đi bộ Trần Nhân Tông, giúp các không gian vốn đông đúc thường ngày trút bỏ lớp áo xô bồ, mang đến người dân những trải nghiệm mới.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm ảnh 2

Trong dòng người hào hứng theo dõi các tiết mục xiếc độc đáo vào ngày cuối tuần trên Phố đi bộ Trần Nhân Tông, Khánh Linh, sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cho biết: “Sự xuất hiện của phố đi bộ và việc công viên Thống Nhất gỡ bỏ rào chắn đã tác động đến xúc cảm của mọi người. Có thể nói, không gian rộng mở, không bị gò bó là yếu tố truyền cảm hứng cho người trẻ cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc nỗ lực tham gia, sáng tạo để thành phố ngày càng thêm tươi đẹp và giàu tính nghệ thuật hơn”.

Cũng tại các không gian sáng tạo của Thủ đô, người dân được tiếp cận và hiểu biết hơn về văn hóa của các quốc gia trên thế giới thông qua các sự kiện văn hóa quốc tế. Hoạt động thụ hưởng văn hóa tại các không gian sáng tạo của đại chúng cũng thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về trình độ, điều kiện thụ hưởng, sự chênh lệch văn hóa giữa các tầng lớp, bộ phận dân cư…

Theo thống kê từ thành phố Hà Nội, với nhiều hoạt động thu hút, đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, phát huy phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lượng người đến vui chơi, giải trí trong ngày cuối tuần tại các phố đi bộ nói trên đạt đến con số hàng vạn người. Đặc biệt, với những khu vực trung tâm thành phố, vào các buổi tối có sự kiện lớn, số lượng khách bộ hành trong một thời điểm có thể lên tới vài vạn người.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm ảnh 3

Bên cạnh các không gian mở, những địa điểm văn hóa khác trong thành phố cũng tích cực diễn ra các hoạt động sáng tạo sôi nổi. Có thể kể tới Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, trên nền cũ là rạp hát Sán Nhân Đài, công trình đã được cải tạo chỉnh trang trong diện mạo mới, đương đại nhưng vẫn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ kính. Nơi đây đã trở thành tâm điểm cho nhiều hoạt động về biểu diễn, giao lưu nghệ thuật âm nhạc truyền thống, tọa đàm, triển lãm định kỳ, tổ chức không gian đọc sách của Hà Nội trong suốt những năm qua.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm cũng là một địa chỉ văn hóa tương tự khi từng tổ chức với tần suất lớn các hoạt động phục vụ lợi ích của cộng đồng, mang đến công chúng những triển lãm thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng như “Phiêu diêu”, “Không gian ký ức 22 Hàng Buồm”, “Hồn nhiên như cô tiên”...

Vừa qua, nơi đây được lựa chọn là một trong các địa điểm chính phục vụ chuỗi sự kiện Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022. Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tương tác trong không gian của Trung tâm đến từ hơn 40 nghệ sĩ đương đại, 8 cuộc tọa đàm hội thảo chuyên đề cũng được tổ chức nhằm chia sẻ những thực hành của các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới di sản và sáng tạo nghệ thuật.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm ảnh 4

Bên cạnh đó, hàng loạt các không gian văn hóa tại các di tích, bảo tàng như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam,... cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động trưng bày triển lãm văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, trình diễn các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực các vùng miền, mang đến cho người dân hiểu biết rõ nét nhất về những phong tục truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

Ví dụ không gian văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng tổ chức triển lãm với 30 tác phẩm thiết kế sáng tạo được trưng bày lấy cảm hứng từ những di sản văn hóa truyền thống. Có sản phẩm chất liệu tái tạo từ gốm vụn của làng nghề Bát Tràng được ghép khối, lấy các biểu tượng nổi bật trong kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hoa sen, bia rùa để tạo thành. Tựu trung, phần lớn tác phẩm của các tác giả đã khai thác dựa trên nền tảng di sản văn hóa của dân tộc.

Qua đó có thể thấy, các không gian văn hóa sáng tạo không chỉ là không gian vui chơi, thư giãn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, mà còn là những không gian sáng tạo của cộng đồng. Tại các không gian văn hóa sáng tạo này, vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa của công chúng được hình thành và phát huy, góp phần phát triển văn hóa Việt Nam.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm ảnh 5

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các không gian văn hóa ở Thủ đô không chỉ có dấu ấn tham gia của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề, vùng sản xuất; sự hỗ trợ từ phía các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, chuyên gia mà quan trọng hơn là sự tiếp sức, khích lệ từ phía cộng đồng. Có thể nói, nhân dân là nhân tố cốt lõi mọi công tác từ việc bảo tồn, nhận diện các giá trị văn hóa và phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 4: Sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm ảnh 6

Những buổi trình diễn nghệ thuật ca trù, diễn xướng chầu văn, xẩm, tuồng, chèo, nhạc cụ dân tộc tại Không gian phố đi bộ Hồ Gươm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... không chỉ dừng lại là những địa điểm vui chơi, thưởng lãm cuối tuần mà đã mang hình hài rõ nét của các điểm hẹn văn hóa, nơi cộng đồng giao lưu, tìm hiểu, thêm yêu và cùng chung tay gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc, từ đó có trách nhiệm cao hơn về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đất nước.

Phúc lợi văn hóa là một nguyên tắc vận hành có sẵn trong nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lĩnh vực, địa bàn văn hóa nào cũng phải quán triệt triết lý, đạo lý của dân tộc ta về văn hóa và phúc lợi văn hóa, đó là: lấy việc phụng sự nhân dân, góp phần làm cho người dân được thụ hưởng tốt nhất các giá trị văn hóa làm nguyên tắc chủ đạo.

Kết nối những góc nhìn trên với ba nguyên tắc vận hành dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa của Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn bản chủ trương thiết kế đường lối văn hóa, văn nghệ, phục vụ cho công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân từ sau Cách mạng Tháng Tám - có thể nhận thấy nguyên tắc “đại chúng hóa” cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Sự phát triển các không gian văn hóa sáng tạo tại Thành phố Hà Nội là phục vụ lợi ích và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phát huy vai trò sáng tạo và làm chủ văn hóa của nhân dân, thể hiện sự kế thừa, vận dụng và bổ sung tính đại chúng trong phát triển văn hóa của Thủ đô.

Do đó, trong thời gian tới, để huy động nguồn lực phát triển các không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô phục vụ lợi ích cộng đồng góp phần phát triển nền văn hóa mang tính đại chúng cần sự chung tay của các cấp, các ngành, từ xây dựng thể chế, chính sách đến các hoạt động cụ thể.

TIN LIÊN QUAN
Thủ đô Hà Nội mưa to đến rất to, gió giật cấp 9-11
Thủ đô Hà Nội mưa to đến rất to, gió giật cấp 9-11
(Ngày Nay) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 7/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10; khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 7, giật cấp 8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024
(Ngày Nay) - Sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024 để thảo luận, cho ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Công ty Cổ phần VNG phát đi thông báo liên quan đến thông tin lực lượng công an đến trụ sở ngày 6/9.
VNG bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc giữa “giông bão”
(Ngày Nay) - Đêm qua (6/9/2024), Công ty Cổ phần VNG phát đi thông báo liên quan thông tin lực lượng công an đến trụ sở vào sáng cùng ngày. Sự kiện xảy ra chỉ vài ngày trước sinh nhật lần thứ 20 của doanh nghiệp này.