Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng- Bài 3: Phát triển truyện tranh Việt Nam

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng- Bài 3: Phát triển truyện tranh Việt Nam

Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam khởi thảo Bản đề cương văn hóa vào năm 1943, Tổng bí thư Trường Chinh đã trở thành nhà thiết kế đường lối văn hóa, văn nghệ cách mạng vĩ đại của dân tộc. Với ba nguyên tắc cơ bản: dân tộc, khoa học và đại chúng, Đề cương về văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn tiếp tục khẳng định giá trị và dẫn lối cho văn hóa nước nhà phát triển.

*****

Lồng ghép yếu tố văn hóa tín ngưỡng và lịch sử dân tộc vào những phương thức biểu đạt gần gũi với độ tuổi thanh thiếu niên - như hoạt hình, truyện tranh - là một hướng đi không mới trên thế giới, nhưng còn khá nhiều thử thách tại Việt Nam.

Trong Thư gửi các họa sĩ nhân Triển lãm hội họa (đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5 tháng 1 năm 1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hẳn nhiên, họa sĩ truyện tranh cũng không nằm ngoài lời nhắn nhủ ấy. Điều quan trọng là hiểu về sức mạnh của ngòi bút trong việc truyền tải những thông điệp văn hóa đến với đại chúng, và đặc biệt là độ tuổi thanh thiếu niên, những độc giả mục tiêu của nhóm họa sĩ này. Dù truyện tranh Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng còn khá nhiều dư địa cho những họa sĩ, biên kịch trẻ phát triển trong địa hạt này.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng- Bài 3: Phát triển truyện tranh Việt Nam ảnh 1

Tháng 2/2016, bộ truyện tranh “Long Thần Tướng” của bộ đôi Thành Phong và Khánh Dương - từng được đăng nhiều kì trên tạp chí Truyện Tranh Trẻ của NXB Trẻ, xuất bản lần đầu vào tháng 11/2014 dưới hình thức gây quỹ cộng đồng – đã vinh dự được Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao giải Bạc cuộc thi Giải thưởng Truyện tranh Quốc tế lần thứ 9. Đây là một trong những giải thưởng truyện tranh uy tín nhất trên thế giới.

Bộ truyện lấy bối cảnh thời gian từ năm 1279-1285, trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên Mông của triều đại nhà Trần. Nhà báo, nhà phê bình truyện tranh Paul Gravett đã nhận xét: “Long Thần Tướng là một cuốn tiểu thuyết hình ảnh tuyệt vời của Việt Nam, được vẽ rất thuyết phục và vẽ một cách tuyệt vời. Sự pha trộn giữa yếu tố thực tế, và hư cấu của tác phẩm được đối chiếu với các câu chuyện trong quá khứ và hiện tại của đất nước. Đây là một tác phẩm truyện tranh đẳng cấp cần được thưởng thức và ca ngợi trên toàn thế giới”. Đáng chú ý, Paul Gravett đã hoạt động trong lĩnh vực xuất bản truyện tranh từ năm 1981, là tác giả của “MANGASIA: Cẩm nang nhập môn truyện tranh Châu Á” (2017).

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng- Bài 3: Phát triển truyện tranh Việt Nam ảnh 2

Bảy năm sau, vào tháng 2/2023, bộ truyện tranh Việt Nam đầu tiên sử dụng chất liệu Văn hóa Thờ Mẫu (tín ngưỡng Đạo Mẫu) và có những nhân vật được lấy cảm hứng từ các anh hùng, hào kiệt trong Sử Việt đã chính thức được Tri Thức Trẻ Books phát hành. Bộ truyện mang tên “Tứ Phủ Xét Giả” do Rover Studio thực hiện, thuộc tủ sách “Một dòng lịch sử” của Tri Thức Trẻ Books.

Lê Văn Hiếu, người chắp bút lên kịch bản cho “Tứ Phủ Xét Giả” nhấn mạnh: “Bộ truyện giới thiệu những lát cắt về văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, khơi dậy sự tò mò của độc giả trẻ đến di sản lâu đời của dân tộc”. Thần Trụ trời, Nghê Thần, Tam Toà Tứ Phủ Thánh Mẫu, Hắc Bạch Vô Thường hay Hưng Đạo Đại Vương đều được xây dựng tính cách, tạo hình và sáng tạo bối cảnh một cách công phu, dựa trên những kiến thức gom nhặt được của Lê Hiếu cùng cộng sự.

Ở cuối mỗi chương truyện, nhóm tác giả đều đặt những trang thông tin để độc giả có “manh mối” sơ bộ, từ đó tìm hiểu hơn về chất liệu văn hóa được sử dụng xuyên suốt mạch tác phẩm. “Lợi thế lớn nhất của việc ra mắt ‘Tứ Phủ Xét Giả’ chính là ‘lợi thế sân nhà’. Việt Nam có những nét văn hoá rất đặc trưng mà không nơi nào có, điển hình là Tứ Phủ (một khái niệm trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Việt Nam). Đây là những nội dung vô cùng mới mẻ và hứa hẹn có thể cạnh tranh được với những nội dung đến từ nước ngoài”.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng- Bài 3: Phát triển truyện tranh Việt Nam ảnh 3

Dù đều xuất phát từ họa sĩ truyện tranh nhưng khi lên ý tưởng cho “Tứ Phủ Xét Giả”, đội ngũ Rover Studio đã tư duy theo hướng đi của điện ảnh. Khi viết kịch bản, biên kịch đã tham khảo, học hỏi từ rất nhiều kịch bản từ nhiều tác phẩm kinh điển trong nước cũng như quốc tế, đồng thời thêm vào nhiều “hồn của văn hóa Việt”, “chất liệu Việt” để có thể góp phần chứng minh vị thế của truyện tranh Việt Nam.

Hiểu được công chúng có thể e ngại về “độ nặng” và “vấn đề nhạy cảm” của tác phẩm, Lê Hiếu khẳng định, bộ truyện không nặng tính thông tin, lịch sử hình thành hay khai thác sâu vào văn hóa cúng bái, thờ tự. Nói một cách đơn giản, bộ truyện có sử dụng chất liệu văn hóa Đạo Mẫu và những nhân vật phóng tác từ lịch sử, được lồng ghép vào hành trình đấu tranh thiện – ác của Hồ Ngọc Long, cậu bé học sinh cấp 3 còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, “Tứ Phủ Xét Giá” cũng đưa vào những vấn đề hết sức hiện đại và thời sự như bạo lực học đường, bất hòa gia đình, hay thậm chí cả lực lượng cảnh sát đấu tranh bảo vệ nhân dân.

Lê Hiếu cũng hé lộ rằng, trong những cuốn tiếp theo, nhóm tác giả sẽ tiếp tục đưa vào những nhân vật phóng tác trên hình tượng của những nhân vật anh hùng, những vị vua, vị thần trong lịch sử, truyền thuyết của dân tộc Việt Nam.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng- Bài 3: Phát triển truyện tranh Việt Nam ảnh 4

Rất nhiều khó khăn hiện hữu với các họa sĩ, mà dễ thấy nhất chính là việc phải cạnh tranh với truyện tranh nước ngoài ngay trên “sân nhà”.

Hiện nay, truyện tranh ở Việt Nam gần như phụ thuộc vào nước ngoài với đa dạng thể loại và nội dung, hàng trăm đầu truyện với một lượng người đọc trung thành sẵn sàng xếp hàng từ sáng sớm để có thể đón được những ấn bản đầu tiên, “cực kỳ khó để những bộ truyện tranh Việt non trẻ có thể ngoi lên được”, Lê Văn Hiếu tâm sự.

Bài tham luận “Văn hóa và sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên kỹ thuật số” của GS.TS. Phạm Tất Dong tại Hội thảo 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943-2023 có nêu rõ: “Nền văn hóa với tính dân tộc, khoa học, đại chúng có giá trị hết sức cơ bản cho sự phát triển của xã hội. Nền văn hóa đó đã nói lên rằng, nó là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta, của đất nước ta, là động lực phát triển đưa quốc gia của chúng ta đi vào hiện đại.”

Rất cần có một đội ngũ chuyên nghiệp về mặt sản xuất và truyền thông để nêu bật lên được giá trị và sứ mệnh văn hóa của những bộ truyện, đánh trúng vào tâm lý tính dân tộc, niềm yêu thích văn hóa của giới trẻ. Trên thực tế, vấn đề khai thác văn hóa, di sản, lịch sử ở mỗi nước khác nhau. Nếu ở các quốc gia Âu - Mỹ nói chung có nhiều dân nhập cư, di sản trong xã hội còn đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như chống phân biệt chủng tộc, hoà nhập cộng đồng, toàn cầu hoá,… Thì trong khi đó, người trẻ ở Việt Nam quan tâm đến văn hóa, lịch sử, di sản cùng với tình cảm yêu mến, niềm tự hào dân tộc đơn thuần. “Nếu có điều kiện thì Rover Studio cũng rất muốn đóng góp phong cách thể hiện của mình vào việc giáo dục giới trẻ”, Lê Văn Hiếu trải lòng. “Tuy nhiên, để có được điều này là cả một chặng đường dài, người Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều người có ‘định kiến’ về phong cách manga (truyện tranh Nhật Bản) và những loại hình tương tự”.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng- Bài 3: Phát triển truyện tranh Việt Nam ảnh 5

Rõ ràng, khi có được chiến lược truyền thông đánh trúng được tâm lý tự hào dân tộc, tháo gỡ và xóa bỏ định kiến, thì những tác giả trẻ, những cây bút tiềm năng Việt Nam mới có thể yên tâm đứng trên một bệ phóng và cống hiến tài năng của mình vào sứ mệnh văn hóa – lịch sử. Bài toán này hiện nay chỉ có một cách giải duy nhất là có được “nguồn đầu tư” ổn định. “Sự trông chờ này đã ăn mòn tất cả những ai muốn làm về truyện tranh nói riêng và văn hoá nói chung”, Hiếu bày tỏ.

Theo dự kiến của Rover Studio, bộ truyện “Tứ Phủ Xét Giả” sẽ mất thời gian khoảng 6 năm để đi đến hồi kết (dự định trọn bộ 18 quyển). Lê Văn Hiếu cho biết, đó là khoảng thời gian trung bình đối với truyện tranh mà nhóm ước lượng. Trên thế giới, có rất nhiều bộ truyện mất gần hai mươi năm mới đến điểm cuối, và cũng không tránh được những trường hợp buộc phải dừng nửa chừng. Trong dài hạn, Rover Studio còn có tham vọng phát triển những sản phẩm đi kèm khác như phim hoạt hình, phim điện ảnh, trò chơi điện tử và cao nhất đó chính là sân khấu ca kịch truyền thống của nước nhà.

***

Tựu trung lại, thứ những tác giả, họa sĩ truyện tranh hiện nay đang có sẵn chính là niềm đam mê, kỹ năng, cùng với đó là niềm cảm hứng bất tận từ kho tàng di sản văn hóa Việt với bề dày trăm năm. Còn thứ họ thiếu, có lẽ là kinh phí và một cơ chế - một môi trường đủ “màu mỡ” để từ đó những tác phẩm kết trái, đơm hoa.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).