Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng

Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam khởi thảo Bản đề cương văn hóa vào năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trở thành nhà thiết kế đường lối văn hóa, văn nghệ cách mạng vĩ đại của dân tộc. Với ba nguyên tắc cơ bản: dân tộc, khoa học và đại chúng, Đề cương về văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn tiếp tục khẳng định giá trị và dẫn lối cho văn hóa nước nhà phát triển.

*****

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng. Đề cương chỉ khoảng 1.500 chữ nhưng thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa.

Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn chưa ra đời, Đề cương Văn hoá Việt Nam đã được Đảng thông qua và áp dụng vào thực tế cách mạng. Tầm quan trọng của văn hoá đã được thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng sớm nhìn thấy và đặc biệt coi trọng trong đường lối cách mạng.

Suốt 8 thập kỷ qua, có những nội dung và khái niệm đã thay đổi theo thời gian nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng ảnh 1

Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút ra đời giữa những ngày bão táp của cuộc chiến đấu chống lại ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhân dân ta khi ấy, trong đó có cả lớp văn nghệ sĩ, trí thức đã bị dồn vào tình thế khốn cùng. Thực dân Pháp và phát xít Nhật không chỉ đàn áp các nhà văn hóa cách mạng, mua chuộc tài năng văn hóa, kiểm duyệt tài liệu văn hóa ngặt nghèo mà còn tổ chức tuyên truyền những luận thuyết nhằm phô trương quyền năng và sức mạnh của thực dân, phát xít, thực hiện chính sách ngu dân...

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, những năm đó nếu chưa có sự xuất hiện của đề cương văn hóa thì sẽ có nhiều thách thức và khó khăn khi vận động quần chúng nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít, thực dân và phong kiến tay sai để giành chính quyền về tay nhân dân.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng ảnh 2

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 trở thành tài liệu đầu tiên, quan trọng và duy nhất, có tác dụng tập hợp lực lượng rất lớn những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận Văn hóa cứu quốc. Nó ra đời trước hết và trên hết là vì yêu cầu của cách mạng. Điều này đã được nêu rõ trong đề cương, “mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận gồm chính trị - kinh tế - văn hóa”. Ba nguyên tắc đề cương định danh cho nền văn hóa mới Việt Nam rất rõ ràng: Đó là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng ảnh 3

Theo các chuyên gia văn hóa, Bản đề cương ra đời như một luồng gió mới với những người làm văn hóa lúc bấy giờ. Trên mọi lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, những vần thơ, câu hát, đoạn kịch ngắn… đều như có lửa sôi sục, như được “khoác” áo giáp, trở thành vũ khí đấu tranh giành độc lập. Khắp cả nước, xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ba miền đã hăng hái tham gia công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hành trình xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Các tác phẩm nghệ thuật đều ẩn chứa đậm đặc vẻ đẹp, bản sắc văn hóa Việt Nam, khơi lên lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Văn hóa đã khẳng định được ý nghĩa soi đường cho quốc dân đi, tạo thế giới quan, nhân sinh quan mới, hướng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đến với cách mạng và trở thành những người tiên phong xây dựng nền văn hóa mới.

Luận điểm “văn hóa là một mặt trận” được coi là tuyên ngôn của Đảng về sứ mệnh và vị thế của văn hóa, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn và cách tiếp cận tổng thể của Đảng ta đối với việc giải quyết các yêu cầu và mục tiêu lớn của đất nước.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng ảnh 4
Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng ảnh 5

Ba năm sau ngày Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc vào ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm, Đề cương Văn hoá 1943 đã luôn được kế thừa và phát triển, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn. Từ Đề cương văn hóa Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã phát triển, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách lớn về văn hóa như Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), lần thứ hai (1948), lần thứ ba (2021); Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI) được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…

Từ sau bản “Đề cương văn hoá Việt Nam”, tư duy lý luận của Đảng về văn hoá ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2011) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Khẳng định văn hoá thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tất cả là kết quả của tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng ảnh 6

Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước. Hội nghị còn đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ…; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến 2045 dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đúc rút giá trị vượt thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam: Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau… Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ...

Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng của mình và tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hóa.

Sức sống 80 năm bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng - Bài 1: 80 năm đi cùng năm tháng ảnh 7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ quan điểm: “Trong suốt tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vai trò của văn hóa như một nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển toàn diện của kinh tế - xã hội đất nước từng bước được hiện thực hóa. Văn hóa có đóng góp như một lĩnh vực độc lập và như một thành tố nằm xuyên suốt trong các lĩnh vực khác”.

Phát triển văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững

Việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào tháng 3/2022, gắn du lịch với văn hóa, với tiến bộ khoa học công nghệ và phát triển vùng, địa phương cũng cho thấy sự bứt phá của Việt Nam với vai trò là một trong những quốc gia tiên phong triển khai các chương trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 vì mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp sau đó, hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn cũng được tổ chức, thu hút đông đảo sự tham gia của người dân trong nước và du khách quốc tế cũng đã góp phần tạo ra giá trị về kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).