Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch cấp thị thực mới cho người dân đến quốc gia này để học Muay Thái và giới thiệu môn võ này trong một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia gần đây.
Vào cuối tháng 3, Thái Lan đã tổ chức một chuyến tham quan Muay Thái kéo dài một ngày cho các phóng viên, nhà ngoại giao nước ngoài.
Với việc doanh thu du lịch chiếm gần 20% tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan, việc thu hút du khách nước ngoài tới học Muay Thái và tham gia hoạt động văn hóa là điều tất yếu để kịp thời tái thiết nền kinh tế thời hậu COVID-19.
Chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin ủng hộ chiến lược quốc gia nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, bao gồm ẩm thực và âm nhạc. Chính quyền Srettha đã định vị Muay Thái là một trong những cốt lõi của chiến lược và đưa ra nhiều biện pháp để quảng bá môn võ này.
Đặc biệt, Thái Lan sẽ cấp một loại thị thực mới cho du khách nước ngoài muốn học Muay Thái. Theo thị thực du lịch thông thường, du khách được phép ở lại Thái Lan tối đa 60 ngày. Trong khi đó, "visa Muay Thái" kéo dài thời hạn lên 90 ngày với điều kiện du khách tham gia khóa đào tạo tại phòng tập thể dục do chính phủ chỉ định.
Tại cuộc tập trận Hổ mang Vàng năm nay, Muay Thái đã được đưa vào chương trình huấn luyện cơ bản.
Với việc binh sĩ Thái Lan trình diễn các tư thế cơ bản của Muay Thái trước mặt hơn 100 lính Mỹ, môn võ này đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của cả giới truyền thông trong và ngoài nước.
Với việc coi Muay Thái là môn thể thao quốc gia, chính phủ nước này đang muốn khẳng định "chủ quyền" đối với môn võ nổi tiếng trong văn hóa đại chúng.
Nhưng nước láng giềng Campuchia phản đối tuyên bố này. Môn võ Kun Khmer của Campuchia có quy tắc gần giống với Muay Thái và nhiều năm qua, chính quyền Phnom Penh tuyên bố Campuchia là nguồn gốc thực sự của Muay Thái.
Tại kỳ SEA Games vừa qua, chính phủ Campuchia đã đổi tên môn võ từ Muay Thái thành Kun Khmer. Thái Lan phản ứng mạnh mẽ trước việc này và từ chối cử đội tuyển quốc gia tham dự nội dung này.
Campuchia không phải là quốc gia đầu tiên đổi tên Muay Thái tại SEA Games. Khi Lào đăng cai sự kiện này vào năm 2009, nước này cũng đã đăng ký nội dung Muay Lào.
Các môn võ thuật tương tự như Muay Thái dường như đã phát triển thành hệ thống chiến đấu trên khắp Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 10. Ngoài Thái Lan, Campuchia và Lào, Myanmar còn có phiên bản riêng.
“Người Thái và Campuchia nên tôn trọng văn hóa của mình và của nhau”, Cheat, một võ sĩ Kun Khmer, cho biết.
Phản ứng gay gắt của Thái Lan trước quyết định của Campuchia phần nào phản ánh lịch sử quan hệ giữa hai nước. Thái Lan từng nằm dưới sự kiểm soát của Đế quốc Khmer, đế quốc phát triển mạnh mẽ ở phần lớn lãnh thổ Campuchia ngày nay và chịu ảnh hưởng lớn về mặt chính trị và văn hóa của đế chế cổ đại này.
Sau khi giành được độc lập, Thái Lan đã tái cơ cấu nền văn hóa mà nước này thừa hưởng từ đế chế Khmer và thuật ngữ "Muay Thái" đã được tạo ra trong quá trình này.
"Việc quan niệm Muay Thái là môn võ có nguồn gốc từ Thái Lan, trong bối cảnh khó xác định được nguồn gốc của nó, đã được sử dụng để nâng cao lòng yêu nước của người Thái", theo chuyên gia về Muay Thái Sho Fukutomi từ Đại học Ngoại ngữ Kanda ở Nhật Bản.
Cuộc tranh cãi về nguồn gốc Muay Thái giữa hai nước đã làm tăng thêm động lực quảng bá môn võ này ở Thái Lan.
Bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo Đảng Pheu Thai, đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền và cũng là người phụ trách chính sách văn hóa của đất nước, khẳng định: "Muay Thái là Muay Thái. Họ nên tranh luận theo cách cách khác".