Cô giáo N.L (giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội) dù cho rằng các cuộc thi vẫn cần thiết vì mục đích khích lệ, tạo động lực cố gắng cho các giáo viên.
Nhưng không ít cuộc thi giáo viên giỏi hiện nay thì "quá hình thức", thậm chí " ai diễn tròn vai người đó trở thành giáo viên dạy giỏi”.
Cô Nguyễn Mai (một giáo viên ở Bình Dương): “Mình nghĩ giáo viên giỏi không chỉ dạy giỏi mà còn là 1 nhà giáo dục giỏi và không phải “diễn” 1 vài tiết tốt thì được coi là giáo viên giỏi”.
Theo cô Mai, giáo viên giỏi phải được chính các học sinh, phụ huynh thừa nhận chứ không chỉ từ vài tiết dự giờ của ban giám hiệu.
Thầy Vũ Hoàng Sơn (giáo viên một trường tiểu học tại TP HCM) cho rằng việc tổ chức các cuộc thi để các giáo viên nỗ lực nâng cao chuyên môn cho cá nhân là cần thiết. Nhưng vô hình trung, hoạt động này đã bị "biến tướng" bằng nhiều cách khác nhau như "gà trước bài" hay lựa chọn học mạnh dạn, có khả năng tương tác tốt với giáo viên,...
Khi tham dự các cuộc thi này, các giáo viên gánh không ít áp lực từ ban giám hiệu, đồng nghiệp và bản thân vì sự hỗ trợ của các thành viên trong trường. Nếu không đạt thành tích sẽ như "phụ lòng" tất cả mọi người, thậm chí còn bị những "ánh mắt dò xét" của những người xung quanh”.
Theo thầy Sơn, thực tế việc dự giờ chỉ vỏn vẹn 1 tiết không thể đánh giá được một giáo viên nào đó giỏi hay không, mà cần xem xét cả một quá trình và nhiều khía cạnh khác nhau.
“Với 1 tiết dạy đã được giáo viên chuẩn bị chu đáo và được tập dượt nhiều lần thì việc đánh giá qua 40-45 phút sẽ không thể chính xác”.
Bản thân từng nhiều lần là giám khảo cuộc thi giáo viên dạy giỏi, TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay phần lớn bài thi đều là diễn, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít. Hiện tượng giáo viên chọn một nhóm học sinh giỏi để cô dự thi giáo viên dạy giỏi hết sức phổ biến.
“Tôi đã chứng kiến cảnh sau tiết học, khi ban giám khảo đứng lên ra về thì học sinh từ nơi khác kéo vào lớp và học sinh từ trong lớp chạy ra lớp khác. Như vậy rõ ràng là có sự lựa chọn học sinh tham gia các cuộc thi này. Cũng có trường hợp các cháu gọi nhầm tên cô giáo hoặc mỗi bạn có 1 biển tên trước ngực”.
Bà Hương còn gặp không ít tình huống dở khóc dở cười khác. “Tôi tham gia chấm thi giáo viên dạy học sinh lớp 1, trẻ phần lớn đều chưa đọc thông, viết thạo. Có lần cô giáo chưa kịp đọc câu hỏi của trò chơi học tập là giải câu đố, học sinh đã đứng lên đọc đáp án. Trường hợp khác, cô giáo vừa bật hình từ máy chiếu, học sinh đã đọc vanh vách kiến thức”.
Theo bà Hương, việc diễn ở bậc tiểu học thường bị "lộ bài" bởi chính sự hồn nhiên, ngây thơ của các học sinh. Lên cấp THCS, THPT, tình trạng chọn học sinh để cô giáo đi thi dạy giỏi vẫn có nhưng ít hơn.
Cũng theo TS Vũ Thu Hương, thực chất giáo viên thi dạy giỏi đều biết đề bài và có sự chuẩn bị từ trước. Ví dụ, cấp tiểu học sẽ có lịch tuần học của cả nước giống nhau và khi có lịch của cán bộ đi chấm thi, thầy cô sẽ biết phải chuẩn bị những gì. Cùng vì thế, từng có thời điểm một tuần bà Hương đi chấm 5 đến 7 trường nhưng trường nào cũng dạy duy nhất một bài. Điều này khiến ban giám khảo cũng cảm thấy chán nản.
Theo bà Hương dù biết thi giáo viên dạy giỏi là diễn nhưng thầy cô vẫn tham gia nhiều bởi thành tích ảnh hưởng trực tiếp việc xếp hạng, quyền lợi cá nhân và nhà trường.
“Giáo viên lại phải sử dụng mọi cách để đạt thành tích trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi bởi cuộc thi là một mốc đánh giá năng lực của bản thân và nhà trường. Bản thân nếu là giáo viên giỏi sẽ được đánh giá cao trong các cuộc bình bầu thi đua và trong những lời giới thiệu của trường. Theo quy định biên chế, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua liên tiếp sẽ được tăng lương trước hạn. Các tiêu chí để đạt chiến sĩ thi đua có thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm,...”.
Tuy nhiên, giáo viên tham gia các cuộc thi hầu hết là do chỉ định của ban giám hiệu thay vì theo nguyện vọng bản thân.
“Một giáo viên tiểu học đã nhiều lần chia sẻ với tôi thật sự không muốn nhưng vì trường bắt ép nên buộc phải tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi và đạt giải. Câu chuyện này có lẽ không nhiều nhưng việc được lựa chọn đi thi gần như chắc chắn từ ban giám hiệu”.
Theo bà Hương, ngay như một trong những tiêu chí để chọn trường chuẩn quốc gia cũng có số lượng các giáo viên đạt giải giáo viên dạy giỏi.
“Hậu quả của những tiết học này với học sinh không chỉ hoàn toàn vô giá trị mà điều đáng lo ngại hơn là các em sẽ học theo việc trình diễn đối phó, manh nha tính cách dối trá, thiếu trung thực, nặng hình thức và thành tích trong học tập”, bà Hương nói.
Đã đến lúc thay đổi cách đánh giá giáo viên giỏi
Thầy Vũ Hoàng Sơn cho rằng cần thay đổi cách đánh giá giáo viên giỏi theo hướng tổng thể và bao quát hơn.
“Ví dụ giáo viên có thể thực hiện một dự án trong đó có sự phối hợp của học sinh, phụ huynh hoặc có thể liên trường mang tính chất cộng đồng. Hoặc thực hiện các bài giảng e-learning đòi hỏi có cả video, âm thanh, nội dung bài học,... Tất cả đều đòi hỏi sự sáng tạo của giáo viên, hơn nữa sẽ không thể có sự "gà bài" trước cho học sinh mà giáo viên phải cùng thực hiện, phải hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm dự thi”, thầy Sơn chia sẻ.
Đồng quan điểm, một cô giáo ở TP.HCM, cho rằng vẫn cần có những cuộc thi giáo viên giỏi nhưng cần thay đổi hình thức và nội dung thi cũng như đánh giá. Theo cô giáo này, giờ đây vai trò của giáo viên đã không còn như xưa chỉ trên lớp học mà cần có sự đánh giá khác biệt, phù hợp với giáo dục hiện đại. Do vậy, phải trả lại ý nghĩa của cuộc thi là giáo viên giỏi chứ không phải giáo viên dạy trên lớp giỏi nữa.
"Cách thi giáo viên giỏi thông qua những giờ giảng dạy trên lớp đã quá lỗi thời. Cách đánh giá nặng về thành tích sẽ là áp lực cho giáo viên chứ không đem lại giá trị cho giáo viên. Diễn đàn giáo viên giỏi cần trở thành nơi để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp giảng dạy hiện đại, tiên tiến"- cô đề xuất.
Bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Quận 5, TP.HCM, cho hay bà từng rất trăn trở với cuộc thi này. Sự việc xảy ra ở Hải Phòng mới đây không phải điển hình mà cuộc thi giáo viên giỏi ở tất cả các địa phương hiện nay đều như vậy, chỉ là chưa lộ ra.
Theo bà Thu, xét về ý nghĩa, cuộc thi giáo viên giỏi có một động cơ rất tốt là để giáo viên cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng, thay đổi cách dạy nhưng do chạy theo thành tích, cuộc thi đã trở nên hình thức bởi 2 lý do: Thứ nhất, nếu lớp học nào có giáo viên đi thi giáo viên giỏi thì học sinh ở lớp đó sẽ rất thiệt thòi vì giáo viên phải bỏ lớp để ôn tập, đi thi. Thứ hai, để thi giáo viên dạy giỏi giáo viên phải nhào tới, nhào lui ôn thi nhiều vòng như lý thuyết, sáng kiến kinh nghiệm, dạy học rồi các vòng thi từ cấp trường, cấp quận/huyện tới cấp tỉnh/thành phố.
"Không thi thì không có phong trào mà thi lại chạy theo điều ảo, vì vậy nên thay đổi cuộc thi này bằng cách xem kết quả học sinh và lắng nghe ý kiến của phụ huynh. Không cần thiết phải tổ chức cuộc thi, nên để giáo viên dạy bằng trách nhiệm của họ và kết quả được thể hiện qua học sinh và ý kiến của phụ huynh"- bà Thu kiến nghị.