Thị trường lao động châu Á bùng nổ ‘thế hệ làm thêm’ gen Z

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trên 500 triệu người thế hệ Z (gen Z) – những người trong độ tuổi từ 18 đến 26 - đã sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sôi động nhưng cũng đầy thách thức ở châu Á.
Thị trường lao động châu Á bùng nổ ‘thế hệ làm thêm’ gen Z

Chịu tác động mạnh mẽ bởi hệ quả của lạm phát, với những lựa chọn công việc hạn hẹp hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thế hệ Z đã trở thành thế hệ “những người làm thêm”. Những người trẻ thuộc thế hệ này đang có xu hướng làm nhiều công việc cùng lúc, tự tạo cơ hội để học hỏi những kỹ năng mới, kiếm thêm thu nhập và cảm nhận tự do kinh tế. Và các công việc như sáng tạo nội dung, kinh doanh thương mại điện tử, bán đồ ăn nhanh, khai thác công nghệ…đã trở thành lựa chọn hàng đầu của họ.

Đối với các thành viên của thế hệ Z, không có lựa chọn “công việc hay cuộc sống”. Họ đang phải đối mặt với hàng loạt cảnh báo hàng ngày về hệ quả của xã hội đang già đi nhanh chóng. Trong khi đó, các quỹ phúc lợi và hỗ trợ rủi ro đang giảm dần trong cuộc cách mạng việc làm đầy hứa hẹn của kỷ nguyên AI.

Trong khi nhu cầu tài chính là động lực lớn nhất đối với hầu hết mọi người - đặc biệt là khi lạm phát đẩy giá thực phẩm, viễn thông và nhà ở tăng cao – tiền không phải là động lực duy nhất khiến thế hệ Z tìm đến các việc làm thêm.

Chiến lược gia nghề nghiệp Singapore Adrian Choo cho biết: “Rất nhiều bạn trẻ gen Z giờ đây coi công việc làm thêm gần như là một phần trong con đường sự nghiệp thực tế của mình”.

Một cuộc khảo sát gần đây do công ty kiểm toán Deloitte thực hiện cho thấy 46% người trẻ thuộc thế hệ Z cho biết họ có công việc thứ hai ngoài công việc toàn thời gian. Điều đó một phần là do họ bị cuốn vào một thị trường việc làm đầy biến động trong thời kỳ đại dịch.

Ông Santor Nishizaki, chuyên gia lãnh đạo tổ chức có trụ sở tại Los Angeles nhận định: “Tôi nghĩ rằng thế hệ Z đang tốt nghiệp đại học trong thời điểm rất khó khăn, vì lạm phát và chi phí sinh hoạt vô lý. Nhiều người trong số họ đã bắt đầu làm thêm trong thời kỳ đại dịch chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt.”

Trong số gần 15.000 bạn trẻ thế hệ Z tham gia khảo sát của Deloitte trên khắp 44 quốc gia, 35% bày tỏ họ lo lắng nhất về chi phí sinh hoạt, 51% số người được hỏi nói rằng họ sống không dư giả.

Dù việc toàn thời gian của Meg Rutherford là luật sư thương mại, nhưng cứ đến cuối tuần, cô lại đảm nhiệm công việc làm nhà tạo mẫu cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi tại “các bữa tiệc nuông chiều”.

Cô gái 26 tuổi này đã làm luật sư được hai năm rưỡi và làm việc tại một công ty luật cỡ vừa ở Christchurch, New Zealand được 1 năm. Nhưng sau khi cùng chồng mua nhà vào năm ngoái, cô cảm thấy gánh nặng tài chính bắt đầu đè nặng.

“Mọi thứ bây giờ đắt đỏ hơn bao giờ hết, và chắc chắn việc mua một ngôi nhà làm tăng chi phí của chúng tôi, ngay cả khi cuộc sống đã tốt hơn. Ý nghĩ kiếm thêm thu nhập được thúc đẩy bởi thực tế là chúng tôi đang rơi vào thời kỳ suy thoái và mọi thứ rất không chắc chắn vào lúc này”, cô chia sẻ.

Cô Rutherford đã ra mắt một trang Instagram để quảng bá hoạt động kinh doanh “tiệc nuông chiều” hồi tháng 3 - cung cấp dịch vụ chăm sóc móng tay, móng chân, tạo kiểu tóc tại nhà và các dịch vụ khác cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi.

Cô gái 26 tuổi nói rằng mạng xã hội là phương tiện cho bất kỳ ai bắt đầu kinh doanh mới, và là một công cụ quan trọng để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.

Anh Rizky, 25 tuổi, giáo viên dạy kịch tại một trường cấp hai ở thành phố Bandung của Indonesia, cho biết niềm đam mê thực sự của anh là sáng tạo và sử dụng tấm bằng nghệ thuật thị giác của mình.

Nhất định không từ bỏ ước mơ, Rizky bắt đầu nhận các công việc thiết kế đồ họa tự do trên các trang web như Fiverr và Upwork, được trả từ 10 đến 30 USD để thiết kế tờ rơi, logo và hình ảnh minh họa.

Rizky kiếm được 200 USD/tháng từ công việc giảng dạy ở trường. Mặc dù các công việc làm thêm không liên tục, nhưng Rizky nói rằng có thêm một khoản tiền hàng tháng cũng đủ giúp ích rất nhiều.

“Gần đây, chi phí của mọi thứ dường như ngày càng tăng,” anh nói. Trong thời gian nghỉ học, Rizky đảm nhận công việc tự do và cũng tham gia vào công việc kinh doanh chụp ảnh cưới cùng bạn.

Dù công việc thiết kế đồ họa toàn thời gian vẫn còn khó nắm bắt, Rizky đã không từ bỏ. Anh chia sẻ: “Tôi rất vui vì nó vẫn là một phần cuộc sống của tôi theo một cách nào đó”.

Còn với Joshua Bartholomew, chàng trai 22 tuổi người Malaysia luôn mơ ước trở thành ca sĩ, công việc chính của anh là làm đại diện bán hàng tại một cửa hàng âm nhạc ở Kota Kinabalu, thủ phủ của bang Sabah ở Borneo, Malaysia. Nhưng hiện tại, anh cũng làm ca sĩ tự do tại các lễ hội nhỏ, quán rượu và đôi khi là đám cưới.

Đối với Bartholomew, có thể theo đuổi âm nhạc như một công việc phụ vừa thú vị vừa là phần thưởng tài chính cho bản thân ở một mức độ nào đó.

“Đam mê là một phần, công việc này cũng giúp tôi kiếm thêm tiền tiêu vặt” anh nói. Tuy nhiên, Bartholomew thừa nhận rằng việc gấp rút chuẩn bị cho các hợp đồng biểu diễn sau giờ làm việc khiến anh rất mệt mỏi, đặc biệt là khi anh phải tự mình xử lý mọi thứ, từ quảng bá đến kiểm tra âm thanh. Song Bartholomew vẫn cảm thấy rất xứng đáng nếu điều đó có thể giúp đưa âm nhạc của anh ấy đến với nhiều khán giả hơn.

Các nhà phân tích cho biết bên cạnh nhiều cơ hội, văn hoá làm thêm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, khi làm việc quá sức, căng thẳng, với năng lực và cam kết khác nhau có thể dẫn đến tình trạng “làm nhiều nghề nhưng lại không thực sự giỏi một nghề nào”. Hơn nữa, luật pháp cũng không phải lúc nào cũng đứng về phía những người làm thêm.

Bà Wendy Wong, luật sư việc làm tại Simmons & Simmons ở Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Việc người sử dụng lao động đưa vào hợp đồng lao động rằng nhân viên không được tham gia vào các doanh nghiệp khác là điều khá phổ biến. Vì vậy, tôi nghĩ đối với những người trẻ tuổi đó, điều khá quan trọng là họ phải tra hợp đồng kỹ càng để đảm bảo rằng họ tuân thủ và không vi phạm bất cứ điều gì trong hợp đồng”.

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.