Tiffany - những "cơn bão" sắc màu

Tiffany - những "cơn bão" sắc màu

Đối với nhiều người, cái tên Tiffany gắn liền với những chiếc đèn kính màu tinh xảo và rực rỡ, một trong những ý tưởng nghệ thuật làm nên thành công to lớn của Louis Comfort Tiffany.

_____________________

Công ty của Louis Comfort Tiffany, Tiffany Studios ra đời vào những năm 1890, ban đầu là để tận dụng những mảnh kính thừa từ các xưởng khảm tranh và chế tác cửa sổ kính màu. Có thể nhiều người sẽ cho rằng thật hoang đường khi nói chiếc đèn Tiffany trứ danh đầu tiên trên thế giới lại được ghép lại với nhau từ vô số mẩu vụn thừa vương vãi trên sàn xưởng.

Tiffany - những "cơn bão" sắc màu ảnh 1

Những chiếc đèn kính màu của Tiffany Studios nằm trong số những đồ vật trang trí lộng lẫy nhất từng được tạo ra và đại diện cho một thời khắc lịch sử đáng kinh ngạc khi nghệ thuật Hoa Kỳ bước ra sân khấu thế giới. Trong khi nhiều quốc gia tràn ngập những bức tranh, tác phẩm điêu khắc và kiến trúc tuyệt đẹp, thì kính màu của nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 hầu như không có đối thủ.

Qua nhiều năm, Tiffany Studios đã sản xuất hàng trăm mẫu thiết kế chao đèn và đế đèn, tạo ra vô số cây đèn tuyệt đẹp có thể sử dụng với nến, dầu hay bóng đèn điện. Những năm 1890 và đầu thế kỷ 20 là quãng thời gian tuyệt vời trong sự nghiệp của Tiffany, khi danh tiếng của ông bùng nổ toàn cầu, được đánh giá cao trong mảng phong cách Tân nghệ thuật (Art Nouveau), gặt hái nhiều danh hiệu quốc tế và đạt được thành công lớn về mặt thương mại. Danh sách những khách hàng quyền lực và nổi tiếng của Tiffany những năm 1880 phải kể đến Nhà Trắng, gia đình Havemeyer và nhà văn Mark Twain, Tiffany đã tạo ra những nội thất tuyệt đẹp làm hài lòng mọi vị khách.

Trong phần lớn cuộc đời mình, Louis Comfort Tiffany đã cống hiến cho việc nghiên cứu thủy tinh, từ chất liệu, màu sắc và kết cấu, đến sự vận hành của ánh sáng chiếu rọi lên và xuyên qua bề mặt của các loại thủy tinh trong suốt cũng như mờ đục. Thủy tinh đối với ông cần có độ hoàn thiện cao về cả vẻ đẹp lẫn chất lượng, chúng phải trông thật lộng lẫy và được tinh luyện thật tốt, “nếu không thì chúng không xứng đáng tồn tại”, như tác giả William Warmus có viết trong cuốn “The Essential - Louis Comfort Tiffany” (tạm dịch: Những điều cần biết về Louis Comfort Tiffany). Tiffany được kể là đã đập vỡ mọi ô cửa sổ kính màu đang trong giai đoạn chế tác trong xưởng của mình, nếu ông cảm thấy màu sắc không đúng.

Tiffany - những "cơn bão" sắc màu ảnh 2

Là một họa sĩ, một kỹ nghệ gia nổi tiếng trong lĩnh vực chế tác kính màu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Louis Comfort Tiffany đã phát minh khoảng 300 loại kính màu, khác nhau về tông màu, về sự chuyển hoá màu sắc, về độ trong hoặc đục, độ khúc xạ ánh sáng, về sự khác nhau trên bề mặt (nhẵn, hay sần, hay lượn sóng). Ông cũng là một trong những người được coi là có nhiều bằng phát minh sáng chế nhất Hoa Kỳ đầu thế kỷ 20.

Tiffany đã thuê một số nghệ nhân giỏi nhất Hoa Kỳ để hiện thực hóa tầm nhìn thẩm mỹ của mình liên quan đến những tuyệt tác thủy tinh kết hợp với đồng. Việc chế tạo chao đèn là một quá trình tốn nhiều công sức, với từng phần kính nhỏ được lựa chọn cẩn thận từ hàng nghìn tấm có sẵn. Các chuyên gia của Sàn đấu giá danh tiếng Christie’s cho biết: “Các chao đèn tốt nhất thể hiện sự hài hòa tuyệt vời của các màu sắc đa dạng, với những tông màu tinh tế trong một đồ án hoa văn phức tạp.”

Tiffany - những "cơn bão" sắc màu ảnh 3

Cuốn “Tiffany” của Norman Potter và Douglas Jackson có đề cập, Louis Comfort Tiffany từng sử dụng đèn chạy bằng khí đốt trong các dự án trang trí nội thất xa hoa của Nhà trắng (1882/3) và trong dinh thự một số triệu phú, nhưng chính sự ra đời của đèn điện đã thúc đẩy ông sản xuất đèn kính màu Tiffany với số lượng lớn.

Cuộc Cách mạng chiếu sáng diễn ra vào năm 1879, Thomas Edison, một trong những nhà phát minh nổi tiếng nhất của mọi thời đại đã chế tạo bóng đèn điện sợi đốt đầu tiên tại phòng thí nghiệm của mình ở Menlo Park (New Jersey). Tiffany đã nhanh chóng nhận ra những tiềm năng của hình thức chiếu sáng mới này, không chỉ ở tính ứng dụng mà còn ở cấp độ nghệ thuật. Ông đã rất vui mừng khi được hợp tác cùng Edison trong dự án của nhà hát Lyceum ở Broadway vào năm 1884/5, và kết quả đã được đánh giá rất cao. Tờ New York Morning Journal đưa tin, mọi thứ rất khác biệt so với các hình thức trang trí sân khấu trước đó, ánh sáng điện từ quả cầu chùm khuếch tán vô cùng dễ chịu, trong khi những ngọn đèn nhỏ trang trí dọc theo mặt tiền của nhà hát thì lấp lánh tựa như ánh lửa bên trong những viên lục bảo.

Tiffany - những "cơn bão" sắc màu ảnh 4

Những cây đèn Tiffany kính màu có thể điều chỉnh, làm dịu bớt ánh điện có phần chói chang của Thomas Edison, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật huy hoàng được bán với giá hàng triệu đô la Mỹ trong những cuộc đấu giá ngày nay. Một nét đặc trưng được công nhận của những cây đèn kính màu Tiffany chính là vẻ ngoài tựa như đá quý, những bông hoa màu đỏ tựa ruby (hồng ngọc), những phiến lá mang màu emerald (ngọc lục bảo) và sapphire, đá quý làm nên sắc xanh của bầu trời. Màu sắc từ những chiếc kính màu của Tiffany không bị lóa, không vẩn đục, mà luôn rõ ràng, sắc nét và toát lên vẻ tươi sáng. Những cơn bão màu sắc trên những cây đèn tạo ra cảm giác chuyển động, giúp những tác phẩm của Tiffany sống mãi cả 100 năm và còn lâu hơn nữa.

Tiffany - những "cơn bão" sắc màu ảnh 5

Louis Comfort Tiffany có một tình yêu lâu dài với thiên nhiên, đặc biệt là hoa. Những bông hoa luôn xuất hiện trong những bức tranh, những bản thiết kế của Tiffany Studios.

Tiffany đưa nhiều khía cạnh của thế giới tự nhiên vào tác phẩm của mình. Cửa sổ kính màu của ông chứa những hình ảnh sống động của núi sông, cây cối và cảnh hoàng hôn, tựa như mở ra một cánh cổng dẫn đến thế giới khác cho người nhìn.

Những chiếc đèn này là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giống như một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc. Và, chúng không sinh ra để được trang trí cho căn phòng, mà là để trở thành tiêu điểm của căn phòng.

Một câu nói của Tiffany đã trở nên nổi tiếng là: “Thiên nhiên luôn luôn đúng. Thiên nhiên luôn đẹp”, và điều đó hiển hiện trong vô số tác phẩm trứ danh của Tiffany Studios.

Hoa mộc lan, hoa tử đằng, hoa mẫu đơn, hoa sen và rất nhiều hình ảnh thiên nhiên luôn xuất hiện trên những chiếc đèn kính màu và tất nhiên cả cửa sổ kính màu của Tiffany Studios. Theo bà Arlie Sulka, chuyên gia về các tác phẩm của Tiffany, quản lý phòng trưng bày nổi tiếng Lillian Nassau LLC (New York), những cây đèn mang tính biểu tượng của Louis Comfort Tiffany gồm các thiết kế Đèn Lily, Đèn Wisteria (Hoa Tử đằng) và Đèn Dragonfly (Chuồn chuồn). Trong số đó, mẫu thiết kế Dragonfly là do Clara Driscoll, một trong những nữ thiết kế tài ba dưới trướng Louis Comfort Tiffany thực hiện, và đã giành được giải thưởng tại Triển lãm quốc tế Paris năm 1900.

Tiffany - những "cơn bão" sắc màu ảnh 6

Khi những chiếc đèn được Tiffany Studios chào bán lần đầu, các chao đèn không được định giá dựa trên màu kính. Chao đèn có hoa văn chuồn chuồn màu vàng và chuồn chuồn xanh có cùng kích thước sẽ có giá bằng nhau, cho dù tấm kính của chao đèn màu xanh nhìn rực rỡ hơn. Tuy nhiên, ngày nay, loại thủy tinh, màu sắc của thủy tinh và hình dáng của đế đèn sẽ ảnh hưởng đến giá của cây đèn đối với những người sưu tập. Ví dụ như, cùng một mẫu chao đèn, một màu rất nhạt và một màu rất rực rỡ hoàn toàn có thể được định giá trị khác nhau. Chao đèn có màu kính mang vẻ rực rỡ có thể đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba giá của chao đèn mang màu kính nhạt

***

Có thể khẳng định, những cây đèn Tiffany là món nội thất cực kỳ thời thượng trong xã hội New York vào thời điểm chúng được tạo ra, sau nhiều thăng trầm thay đổi của thị hiếu và nghệ thuật, chúng vẫn được các nhà sưu tập săn lùng ráo riết ngày nay. Chúng phù hợp trong tất cả các loại môi trường, không gian, chứ không chỉ trong những căn phòng đầy đồ cổ. Những chiếc đèn này là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giống như một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc. Và, chúng không sinh ra để được trang trí cho căn phòng, mà là để trở thành tiêu điểm của căn phòng.

TIN LIÊN QUAN
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.