Sáng 29/8, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, thời gian qua, các cơ quan đã tập trung triển khai các nhiệm vụ do Thủ tướng giao trong hai lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với nhau nói trên.
“Chưa bao giờ chúng ta làm bài bản như hiện nay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết, VPCP đã cơ quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo như Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử…
Ngày 22/3, đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và trong tháng 6 đã khai trương hệ thống E-Cabinet hướng tới Chính phủ phi giấy tờ. Ở địa phương, những ví dụ tốt được nhắc tới là Bắc Giang sử dụng chữ ký số trong 100% văn bản gửi VPCP, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng đạt gần 100%.
Theo ông Ngô Hải Phan, thành viên Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP, việc triển khai Chính phủ đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Các địa phương đã bắt đầu triển khai nền tảng chính quyền điện tử. Như Hải Phòng đã bố trí mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, Bắc Giang mỗi năm bố trí khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện các hệ thống cốt lõi xây dựng chính quyền điện tử…
Đã hoàn thành việc kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của VPCP để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử. Từ ngày 12/3 đến 20/8, đã có hơn 86.000 văn bản gửi và hơn 263.000 văn bản nhận qua trục liên thông.
Đáng chú ý, hầu hết trong số 353 thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai cung cấp trực tuyến theo quyết định của Thủ tướng, 91 thủ tục đang được các địa phương triển khai… Một số địa phương có số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khá cao.
Công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính của các địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện qua việc cải thiện thứ bậc của các chỉ số, như chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Hà Nội đứng thứ hai, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí tốp 5…
Tuy nhiên, vẫn còn những nhiệm vụ chậm triển khai và chưa đáp ứng yêu cầu, như Phú Thọ mới đang trình Chủ tịch UBND tỉnh kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong khi thời hạn là 31/3. Nhiều địa phương chưa hoàn thành việc thành lập, kiện toàn bộ phận một cửa, dù thời hạn là quý IV/2018, như Hải Phòng chưa thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Thái Nguyên mới phê duyệt đề án thành lập trung tâm này. Bắc Giang vẫn chưa xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung, duy nhất…
Ông Phan cũng nhắc tới ví dụ như Hải Dương, tuy báo cáo đã cung cấp 1.706 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 118 dịch vụ mức độ 4, nhưng qua đánh giá các dịch vụ này trên cổng dịch vụ công của tỉnh không đáp ứng yêu cầu triển khai như hồ sơ vẫn yêu cầu bản sao có chứng thực.
Nhìn chung, số hồ sơ trực tuyến, nhất là cấp độ 4, phát sinh còn rất thấp, thậm chí không có hồ sơ phát sinh như tại Bắc Ninh.
Nhiều lĩnh vực đã có văn bản của trung ương quy định thủ tục mới và đã được bộ, ngành công bố, nhưng ở cấp tỉnh việc công bố lại chưa kịp thời. “Ví dụ, năm 2018, các Bộ công bố việc cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh nhưng rất tiếc nhiều địa phương lại không cập nhật, người dân và doanh nghiệp không được hưởng kết quả từ cải cách”, ông Ngô Hải Phan phát biểu.
Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy một số những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Chẳng hạn như việc chậm ban hành một số Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức… Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…
Hiệu quả cải cách phải tính ra tiền, thời gian
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Lắng nghe ý kiến từ các địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải có đội ngũ cán bộ, công chức giỏi, chuyên nghiệp, có tâm huyết. “Xây dựng Chính quyền điện tử phải tiếp cận trên cơ sở cải cách hành chính, công nghệ phục vụ cải cách. Phải có đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ thông tin, đồng thời cũng phải có đội ngũ cán bộ giỏi cải cách, giỏi thủ tục, giỏi quản trị”, Bộ trưởng nói.
Nhìn nhận thực trạng hạ tầng công nghệ không đồng bộ giữa các địa phương, “các phần mềm không ai giống ai, thậm chí ngay các sở ngành tại một địa phương cũng không kết nối được với nhau”, tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng vẫn có cách xử lý thực trạng này.
“Có nơi kêu là xây dựng hạ tầng công nghệ vướng Luật đầu tư công, nhưng VPCP không đầu tư mà theo hướng các doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê lại, không cần đầu tư, không cần biên chế”, Bộ trưởng cho biết và lưu ý các địa phương cũng cần cân nhắc việc sử dụng các phần mềm như Zalo trong cung cấp dịch vụ công, nhất là về vấn đề an ninh, an toàn thông tin.
Tổ trưởng Tổ công tác khá gay gắt với tỉnh Vĩnh Phúc khi số liệu thể hiện trong báo cáo tổng hợp cho thấy địa phương này chưa có thủ tục nào triển khai dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, 4. “Quan trọng là phát sinh bao nhiêu hồ sơ làm thủ tục trực tuyến, chứ chỉ công bố thủ tục thì không có ý nghĩa gì”, ông phát biểu. Trong khi đó, Hải Phòng là một điển hình tốt khi phát sinh tới hơn 9.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 4, hơn 21.000 hồ sơ mức độ 3.
Ông Nguyễn Tiến Hạnh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận tỉnh “chưa làm đến nơi đến chốn” nhiệm vụ này. Mặt khác, trong 8 địa phương được kiểm tra, Vĩnh Phúc cũng là nơi có tỷ lệ văn bản ký số gửi đến VPCP thấp nhất, chỉ gần 18%.
“Hiệu quả cải cách phải tính ra bằng tiền, bằng thời gian”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và khẳng định, kết quả cải cách phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, sự quyết liệt của lãnh đạo địa phương phụ trách lĩnh vực này.
“Khó khăn, vướng mắc là rất nhiều theo phản ánh của các địa phương và chúng tôi thấy cũng hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, cùng trong môi trường như thế nhưng nhiều địa phương làm rất tốt, có nơi lại làm chưa tốt, nên phải suy nghĩ xem cách làm thế nào”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý các địa phương không thể vì các lý do như bảo mật, an ninh, an toàn để không cải cách. Hoặc ngay tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nêu một lý do chưa đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện tỉnh này chưa phát sinh bất kỳ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 4 nào, là do tỉnh có diện tích nhỏ, người dân, doanh nghiệp đi tới các sở chỉ mất 30 phút. “Không chỉ người dân, doanh nghiệp ở Bắc Ninh mà còn cả ở nơi khác nữa, không nên suy nghĩ như vậy, không nên lấy lý do như vậy”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc nên đặt trung tâm hành chính công của các địa phương trực thuộc cơ quan nào, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết có những địa phương đã thí điểm đặt tại UBND tỉnh và cho kết quả rất tốt.
Do đó, sắp tới, khi xây dựng quy định mới về các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, VPCP sẽ bảo vệ phương án đặt trung tâm trên trực thuộc UBND, thay vì trực thuộc Văn phòng UBND. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, trung tâm này cũng trực thuộc UBND, mà phải đáp ứng một số tiêu chí, ví dụ như ở cấp tỉnh phải có 60% số hồ sơ thủ tục hành chính được làm trực tuyến ở cấp độ 3, 4, ở cấp huyện là 80%.
Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là cần tiếp tục cải cách thực chất hơn, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết các ý kiến tại cuộc làm việc sẽ được tiếp thu, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp tới.