Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng sinh năm 1981, hiện đang công tác tại khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai là một nhân vật rất nổi tiếng trên mạng xã hội. Tài khoản facebook Hùng Ngô của anh có gần 150.000 người theo dõi.
Trái với sự kín tiếng thường thấy ở những người làm ngành y, Hùng Ngô không ngại chia sẻ kiến thức chuyên môn, thể hiện quan điểm cá nhân trên trang facebook cá nhân. Anh viết nhiều, chuyển tải các kiến thức y học tới bạn đọc của mình một cách rất hài hước, gần gũi nhưng cũng rất thiết thực.
Bác sĩ Hùng cũng không ngại “đôi công” trực tiếp với các “thánh thực dưỡng” hoặc “đốp chát” với các quan điểm, thông tin sai trái trên mạng xã hội. Mỗi bài viết của Hùng Ngô có lượng tiếp cận, tương tác rất lớn của cộng đồng mạng.
Hùng Ngô là tác giả của 3 cuốn sách Để yên cho bác sĩ hiền, 3 phút sơ cứu và Nhật ký Covid. Nhật ký Covid vừa ra mắt, đúng thời điểm làn sóng Covid -19 thứ tư ở Việt Nam đang bùng lên.
Ngày Nay đã có buổi trò chuyện với bác sĩ Ngô Đức Hùng về cuốn sách mới của anh, đồng thời lắng nghe chia sẻ của bác sĩ về “cuộc chiến” với các thánh thực dưỡng trên facebook.
Phóng viên (PV): Với việc liên tiếp nhiều cuốn sách trong khoảng thời gian ngắn, đầu tiên là “Để yên cho bác sĩ hiền”, tiếp đó là “3 phút sơ cứu”, và bây giờ là “Nhật ký Covid”. Có vẻ như anh rất hào hứng, rất yêu công việc viết lách. Anh chỉ định dạo chơi hay định hướng sẽ để trở thành một người viết chuyên nghiệp lâu dài?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Tôi vẫn tự cho mình là 1 người viết tay ngang, bởi những câu chuyện tôi viết thường là những thứ nhỏ nhặt mà tôi “bắt được” khi quan sát cuộc sống. Mỗi khi rảnh rỗi tôi lại viết như một cách xả stress, bởi đặc thù công việc là dân hồi sức cấp cứu thường xuyên phải tiếp xúc với các mặt bệnh nặng cũng như gặp phải nhiều áp lực. Mỗi người có cách giải tỏa áp lực khác nhau, và tôi lựa chọn viết.
Việc ra 3 cuốn sách trong thời gian ngắn khiến mọi người nghĩ rằng tôi viết nhanh và...nhiều. Thực ra không phải vậy. Cuốn “Để yên cho bác sĩ hiền” gói gọn nội dung tôi viết trong gần 8 năm kể từ khi là bác sĩ nội trú cho đến tốt nghiệp đi làm. Cuốn “3 phút sơ cứu” được ấp ủ trong 3 năm nhưng lúc ấy kiến thức chưa thu thập đủ để viết. Và lần này, “Nhật ký Covid” cũng mất 2 năm để hoàn thành.
Như tôi từng tâm sự trong “Để yên cho bác sĩ hiền”, nghề y là cái nghiệp mà tôi đi theo nên tôi luôn luôn cố gắng hết mình vì nó. Đến một tuổi nào đó thì cuộc sống và bản thân không cho phép mình mơ mộng nhiều nữa.
Vậy nên lúc này, như tôi đã nói ở trên, cầm bút vẫn luôn là nghề tay ngang. Nó trở thành công việc chính khi tôi ngồi viết bài giảng và sách giáo khoa giảng dạy.
PV: Trong hơn 2 năm dịch bệnh, những tin tức, sản phẩm truyền thông liên quan đến Covid rất nhiều, thậm chí độc giả đang “bội thực”. Vậy trong cuốn “Nhật ký Covid” anh đã kể những câu chuyện khác biệt như thế nào, để hấp dẫn người đọc?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Điều tôi nhận thấy trong suốt thời gian dịch bệnh, có 2 thứ mà chúng ta “bội thực” đó là tin giả và tin khoa học. Tin giả thì giật gân và câu like, tin khoa học thì khô cứng và nhạt nhẽo. Nhật ký Covid không nhằm mục đích tuyên truyền hay phát ngôn về điều gì, đơn giản nó chỉ là những mẩu chuyện vụn vặt mà tôi quan sát được trong suốt thời gian làm người trong cuộc.
Cuốn Nhật ký Covid của tôi được cấu trúc, sắp xếp theo các mốc thời gian của mùa dịch: Năm Covid-19 thứ nhất, khoảng thời gian bình yên, năm Covid-19 thứ hai, làn sóng thứ ba… Trong những mốc thời gian ấy, tôi có “thế mạnh” là được trực tiếp làm việc, lắng nghe, quan sát ở ngay trong tâm dịch, nên những chuyện tôi ghi lại được và kể ra có lẽ gần gũi hơn những quan sát từ phía ngoài.
Tất nhiên cũng không có gì quá ghê gớm, bí mật trong cuốn nhật ký đâu. Bên cạnh các bài viết thể hiện sự quan sát về dịch bệnh thì trong sách còn nhiều những câu chuyện hết sức cá nhân của chúng tôi, các bác sĩ sống, làm việc trong bệnh viên dã chiến. Ví dụ như việc khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, giống như trang phục của người nuôi ong cũng là một trải nghiệm rất đáng nhớ để kể cho bạn đọc của tôi…
Đối với tôi, cuộc sống giống trò chơi rubik nhiều màu. Ở mỗi một góc nhìn lại ra một màu sắc khác nhau. Vậy nên mình thử kể những câu chuyện với con mắt là kẻ trong cuộc xem sao. Các câu chuyện ấy có hấp dẫn hay không hãy nên để cho độc giả quyết định.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng tại bệnh viện dã chiến Hải Dương trong làn sóng Covid -19 lần 3 |
PV: Anh đã từng “đánh” các thánh thực dưỡng, “cuộc chiến” rất dai dẳng và đến nay cũng chưa hẳn đã kết thúc. Qua “cuộc chiến” này anh nhận thấy đâu là những vùng tối, vùng mù mờ mà ánh sáng y học chưa soi rọi được? Ngành y nói riêng và cả hệ thống truyền thông chính thống cần làm gì để thay đổi khoảng tối này?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Xã hội phát triển dựa trên sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Bên cạnh khoa học duy lý luôn tồn tại những góc tối đầy cảm tính, đó là những vùng xám mà khoa học chưa soi rọi vào đó được. Có nhiều kẻ lợi dụng điều đó bơm thổi thành những điều kỳ diệu qua sự thật nhằm mục đích trục lợi.
Việc tôi lên tiếng với những kiến thức sai trái giống như ...trò chơi rèn luyện trí não. Qua các cuộc tranh luận, đôi khi mạt sát nhau ấy, người theo dõi sẽ tự nhận ra đâu là đúng đâu là sai. Tôi không thuyết phục theo kiểu ép buộc kiểu “bạn phải tin tôi” mà bạn hãy đọc, tin hay không hãy để tư duy của mình quyết định.
Tôi cũng đã nhiều lần chia sẻ về chuyện này, thực tế thì những thông tin như thực dưỡng chữa ung thư, detox thanh lọc cơ thể phản khoa học hay việc bài trừ vắcxin (antin-vaccine) trở thành trào lưu hết sức nguy hiểm. Nếu không một ai lên tiếng phản bác lại cứ để trào lưu đó nhân lên thì hậu quả không biết đâu mà lường. Mang tiếng ghê gớm cũng được, cần phải có ai đó nói lên tiếng nói khoa học chân chính. Phải lên tiếng vì những điều tử tế và đúng đắn trước đã. Không thể để cho những thông tin sai lệch về sức khỏe tràn lan trên mạng
Hệ thống truyền thông cần làm gì có lẽ nó hơi quá sức với tầm của tôi nên xin không có ý kiến gì. Tôi chỉ mong muốn trước khi đưa một chủ đề nào đó, chúng ta hãy tìm hiểu nó trước xem liệu rằng thông tin mình đưa ra đúng đắn được bao nhiêu phần, có gây hại cho người khác hay không.
PV: Hiện nay nhiều bác sĩ cũng đã sử dụng trang mạng xã hội của mình như một công cụ truyền thông hữu hiệu. Các anh đương nhiên đang gánh thêm một sứ mệnh mới, đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng và chữa bệnh. Đổi lại anh nhận được gì từ cuộc chơi này? Danh tiếng, tiền bạc hay chỉ đơn giản là giúp ích cho cộng đồng?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Mỗi người dùng mạng xã hội với mục đích khác nhau. Ngồi sau bàn phím, họ dễ dàng tô vẽ cho mình những bộ mặt khác nhau. Đối với tôi, mạng xã hội giống như một cuộc dạo chơi. Độ tin cậy của thông tin trong đó không phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng của tài khoản facebook. Bởi thông tin đi kèm theo cảm xúc luôn là thứ khiến chúng ta dễ nhầm lẫn nhất.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là 1 kênh để kiến thức đến gần với mọi người hơn cả. Nếu chúng ta làm được điều đó kịp thời, đó là điều may mắn cho tất cả.
Đối với tôi, danh tiếng là thứ phù phiếm và mỗi ngày nó nên dừng lại ngoài cửa. Nhưng hơn hết, những điều tôi đang làm xuất phát từ sự tử tế, đó là những điều bình thường nhỏ bé ở mỗi người trong chúng ta mà thôi.
Mạng xã hội luôn dễ cuốn con người chìm đắm vào cuộc sống ảo. Tôi rất rạch ròi trong chuyện này và không bao giờ để những câu chuyện trong cuộc sống ảo ảnh hưởng đến mình. Đóng internet lại, tôi lại trở thành tôi của thường ngày, một bác sĩ làm chuyên môn trong bệnh viện. Cuộc sống ảo giống cuộc dạo chơi và nó chỉ nên tồn tại trong chiếc máy tính, phía sau cái bàn phím mà thôi.
PV: Xin trân trọng cám ơn anh!