Nổi tiếng là Tiến sĩ Khoa học đầu tiên của Việt Nam, nhưng thay vì chọn “chiếc ghế” Bộ trưởng, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại lại chọn đi dạy lớp Một. Sau 70 năm làm giáo dục, ông vẫn khẳng định đó là quyết định sáng suốt. Điều ông mong mỏi nhất là mang hạnh phúc đến trẻ thơ; và đổi mới giáo dục, suy cho cùng phải đi từ hạnh phúc của học sinh...
_______________
Ở tuổi 88, Giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn vô cùng minh mẫn và dí dỏm. Suốt một đời kiên trì theo đuổi Công nghệ giáo dục với biết bao thăng trầm, thử thách, cả “búa rìu” dư luận, ông vẫn ngồi điềm tĩnh, cười nói sang sảng, chia sẻ với PV Ngày Nay về những khát vọng hạnh phúc của mình.
PV: Thưa Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cách đây 50 năm, khi người ta chỉ nghĩ đến con chữ thì ông lại là người tiên phong nghĩ đến hạnh phúc của học sinh. Điều gì khiến ông đặt hạnh phúc lên hàng đầu, vào thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Một dân tộc đứng lên đấu tranh cũng vì hạnh phúc của con người. Giáo dục muốn thành công cũng phải mang đến hạnh phúc cho học sinh.
Tôi là người suốt một đời đi dạy học. Tôi hiểu sâu sắc nghề dạy, hạnh phúc vì nó, cũng đau khổ vì nó. Tôi từng dạy trẻ con ở Nga chừng 7 năm. Tôi cảm nhận được hạnh phúc của trẻ em Nga mỗi ngày đến trường. Mình là giáo viên, mình uốn được trẻ, chúng lắng nghe theo mình, cách dạy – cách làm của giáo dục Nga là tôn trọng tự do và sự khác biệt.
Được đi học ở Nga là một trong những may mắn nhất cuộc đời tôi. “Chất Nga” nó tự do lắm, dẫu cuộc sống có những áp lực nhưng vẫn tự do, môi trường giáo dục của họ đề cao sự nhân văn và tôn trọng tự do cá nhân.
Một trong những giác ngộ lớn nhất của tôi là tôi rất hiểu trẻ em, tôi học cả Tâm lý học. Đó là điều thôi thúc tôi đặt hạnh phúc lên hàng đầu khi muốn giáo dục trẻ em Việt Nam.
PV: Như vậy là môi trường giáo dục Liên Xô đã nhen nhóm trong Giáo sư Hồ Ngọc Đại khao khát mang hạnh phúc đến cho trẻ em Việt Nam?
GS Hồ Ngọc Đại: Không đâu, khao khát mang hạnh phúc đến cho trẻ em của tôi nhen nhóm từ bé. Tôi có cái may là ở quê Quảng Trị, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có nhất vùng. Trẻ con xung quanh tôi sống nghèo khổ, tôi thương lắm. Hồi ấy, cả làng chỉ có một mình tôi được đi học, còn lại đều nghèo quá không thể đi, tôi xót lắm.
Ngay từ bé, tôi đã nhận thấy trẻ con là đối tượng mà ai cũng có thể đánh, mắng được nên tôi có lòng trắc ẩn từ bé. Tôi nghĩ bụng, mai sau làm gì nhất định tôi sẽ bênh trẻ con! Tôi phải làm gì đó để trẻ em Việt Nam được hạnh phúc hơn, sống tốt đẹp hơn…
Quãng thời gian học tập và nghiên cứu ở Liên Xô là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời, giúp tôi có thể tìm hiểu, làm rõ hơn những phương pháp đổi mới giáo dục cho đất nước.
PV: Tại sao với giáo sư, khao khát đó phải thực hiện bằng việc đi dạy học, thay vì chọn “ghế” Bộ trưởng?
GS Hồ Ngọc Đại: Nhiều người không hiểu một đời người là duy nhất, không có giờ phút nào nên bỏ phí ở hiện tại. Và phải làm sao trong cuộc sống, từ khi ra đời, từng ngày phải thật hạnh phúc. Mơ tưởng về hạnh phúc của tôi lớn lắm.
Thời gian là thứ duy nhất trên đời không bao giờ có thể lấy lại được, mọi khoảnh khắc trôi qua với lũ trẻ, tôi đều không muốn lãng phí. Tôi muốn làm sao để lũ trẻ hạnh phúc, được cảm nhận cuộc sống theo mọi cách… Giáo dục hiểu đến cùng là vì con người, vì đất nước. Giáo dục vì hiện tại và vì tương lai của đất nước. Phải vì hiện tại và tương lai, không thể cứ hứa hẹn vào tương lai mà “tàn bạo” với trẻ em hiện tại.
Nói thôi chưa đủ, tôi phải làm bằng hành động. Đó là lý do tôi muốn mở trường Thực nghiệm, bắt tay vào hành trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Ngày tôi từ Liên Xô trở về, là Tiến sĩ Tâm lý học, ông Lê Đức Thọ đề nghị tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tôi từ chối. Tôi từ chối cả lời thuyết phục của ông Tố Hữu và ba vợ tôi là ông Lê Duẩn. Hồi đó, khi gặp tôi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng hỏi: “Nguyện vọng của anh muốn làm gì?” – Tôi lễ phép xin cho đi dạy lớp Một, mở trường Thực nghiệm. Ông nhắc lại: “Tôi hỏi nghiêm chỉnh”. Tôi trả lời rằng, tôi cũng trả lời nghiêm chỉnh!
Nhiều người nghĩ, Thứ trưởng, Bộ trưởng là cao nhất. Nhưng tôi nghĩ, Bộ trưởng thì cũng chỉ chịu trách nhiệm với nền giáo dục này, với đất nước này 1 đến 2 nhiệm kỳ. Tôi muốn giúp ích đất nước này lâu hơn thế. Một ông Tiến sĩ Khoa học đầu tiên của đất nước về dạy lớp Một là chuyện lạ, khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ rằng: Mình biết rõ mà mình không làm là mình có lỗi với dân tộc. Một dân tộc muốn đi lên thì cần có nền tảng. Nền tảng đó chính là giáo dục. Sự phát triển của một dân tộc bắt đầu từ những đứa trẻ lớp Một. Đổi mới giáo dục phải làm cho trẻ hạnh phúc ngay từ lớp Một.
PV: Tinh thần của Công nghệ giáo dục thể hiện tư duy khác biệt khi trường học truyền thống chỉ nghĩ đến điểm số, thành tích, còn giáo sư lại muốn khai phóng học sinh, trao quyền cho trẻ tự học... Tại sao giáo sư kiên quyết cho rằng, Công nghệ giáo dục chính là lời giải cho đổi mới giáo dục?
GS Hồ Ngọc Đại: Ở trường Thực nghiệm, tôi chỉ treo duy nhất một khẩu hiệu, cũng là kim chỉ nam của trường Thực nghiệm: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”. Cố nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường còn nói đùa với tôi: “Nhà văn chúng tôi lãng mạn nổi tiếng rồi nhưng không thể lãng mạn bằng ông được, đã vui lại còn “náo nức” một ngày vui”.
Tư tưởng của tôi xoay quanh hạnh phúc, đi học phải hạnh phúc, rồi sống hạnh phúc. Ngày mới mở trường, tôi thường đến trường rất sớm, gặp phụ huynh lúc nào tôi cũng hỏi: “Trẻ con có thích đi học không?”. Phụ huynh bảo: “Vừa ngủ dậy con đã giục bố mẹ đi học”. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi. Hạnh phúc nhất là được các phụ huynh gửi gắm con em họ cho mình, và không ai phàn nàn về con mình…
Làm sao đổi mới cách dạy, cách học để trẻ em thích đến trường, đến lớp, đó chính là đổi mới toàn diện. Trẻ con rất thật, hạnh phúc cũng rất thật, nhìn nụ cười của chúng là biết chúng hạnh phúc hay không, thích đi học hay không. Có đợt tôi đi công tác ở Đồng Tháp, lụt mênh mông, ngôi trường nhỏ chìm trong nước, chỉ còn khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” treo cao. Cán bộ trường chỉ tay: “Thầy ơi, còn mỗi khẩu hiệu của thầy là đứng vững”. Tôi xúc động lắm.
PV: Lịch sử đã dần nhìn nhận giáo sư Hồ Ngọc Đại là người mang tư tưởng cách tân, đổi mới, tư duy đi trước thời đại. Điều gì đã giúp một người có thể kiên trì theo đuổi triết lý riêng biệt trong suốt 46 năm qua?
GS Hồ Ngọc Đại: Tôi luôn nghĩ làm gì cũng phải thật bụng, muốn làm gì cũng phải nghĩ đến trẻ em. Tôi say nghề thực sự và tôi tìm hiểu về giáo dục cả một đời. Hạnh phúc của trẻ rất quan trọng, người lớn tạo áp lực với trẻ thơ không có ích lợi gì...
Thời gian sẽ kiểm chứng mọi điều. Ngày tôi ấp ủ mô hình giáo dục thực nghiệm, dù bị dư luận phản đối, ba vợ tôi vẫn luôn khuyến khích tôi kiên trì theo đuổi. Tôi vẫn nhớ, ông đã nói: “Thằng Đại đúng đấy! Nhưng phải vài chục năm nữa người ta mới nhận ra”. Thời đó còn trẻ, nghe đến “mấy chục năm” thấy kinh khủng lắm, nhưng giờ thì tôi hiểu, có khi không phải “mấy chục năm”, mà nhiều lần “mấy chục năm” nữa mới thành công. Nhưng tôi vẫn kiên trì, sẽ có người tiếp tục thay tôi để kiên trì giấc mơ đó.
Tôi luôn mong muốn, thế hệ sau sẽ tạo ra những đứa trẻ lương thiện và hạnh phúc, được sống trong môi trường giáo dục thân thiện, được tự do trở thành người mà chúng muốn. Môi trường giáo dục hạnh phúc tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc…