Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường

Thầy giáo Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, ngôi trường THPT đầu tiên tại Thủ đô hoạt động theo mô hình công lập tự chủ cho rằng, giáo viên là linh hồn, là nhựa sống của ngôi trường. Một ngôi trường hạnh phúc phải giữ chân được giáo viên ở lại với nghề.

___________________

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường ảnh 1

Tám giờ tối, tại một căn trọ khép kín rộng chừng 15m2, Hồng Anh đang cắm cúi trước màn hình laptop. Cũng tầm giờ này trước mùa hè, cô gái 26 tuổi tốt nghiệp sư phạm văn này đang hì hụi ngồi soạn giáo án cho buổi lên lớp hôm sau. Còn hiện tại, Hồng Anh lại phải ngồi canh màn hình để “chốt” đơn hàng và theo dõi hiệu suất quảng cáo. Công việc thời vụ chạy quảng cáo cho một fanpage mạng xã hội vào dịp hè giờ đã trở thành nghề kiếm sống của cô.

“Chỉ mới vài tháng trước, tôi còn lên lớp dạy mỗi ngày. Giờ tôi nghỉ hẳn ở nhà để chạy quảng cáo”, Hồng Anh bộc bạch.

Tốt nghiệp đại học ngay thời điểm dịch bệnh vẫn còn bùng phát, Hồng Anh không thể xin đi dạy học ngay mà phải tìm nhiều công việc thời vụ để bám trụ tại Hà Nội. Hai buổi dạy gia sư mỗi tuần là cơ hội duy nhất để cô tiếp xúc với nghề giáo trong thời gian đầu tốt nghiệp.

Hơn một năm sau khi ra trường, Hồng Anh được nhận đi dạy tại một trường tiểu học tư thục tại Hà Nội. Ngay buổi đầu tiên, cô được phân vào lớp có một học sinh tăng động. Cậu bé liên tục la hét, đập phá bàn ghế khiến cô giáo trẻ lúng túng và phải chạy đi cầu cứu đồng nghiệp.

Sau khi mọi chuyện được xử lý ổn thỏa, Hồng Anh chạy vào nhà vệ sinh rồi… bật khóc. Không chịu được áp lực quay trở lại lớp học đó, Hồng Anh viết đơn xin nghỉ việc, sau một đêm thức trắng nâng lên đặt xuống quyết định này.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường ảnh 2

Vài tháng sau, cô ký hợp đồng thời vụ với một trường liên cấp trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Vẫn là giáo viên dạy văn nhưng năm học đầu Hồng Anh dạy theo số tiết được ban giám hiệu phân công. Giống như nhiều giáo viên ký hợp đồng thời vụ, thu nhập của Hồng Anh phụ thuộc hoàn toàn vào số tiết được giao. Nhiều hay ít còn phụ thuộc không ít yếu tố ngoài chuyên môn.

Trung bình mỗi tháng, Hồng Anh nhận về 4,5 - 5 triệu đồng. Trừ đi tiền nhà và sinh hoạt phí, cô chỉ bỏ túi hơn 1 triệu đồng nếu tháng đó chi tiêu dè sẻn. Không ít lần, Hồng Anh phải vay bạn cùng phòng để đóng tiền trọ đúng hạn.

Trước ngày 1/7/2024, thu nhập bình quân của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác chỉ rơi vào khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, đã bao gồm lương và phụ cấp. Trong khi những giáo viên mới được tuyển vào biên chế, thu nhập chỉ khoảng 3,5 triệu đồng.

Sau khi Nghị quyết 27 chính thức đi vào đời sống, cả nước đã thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, tiền lương trung bình của giáo viên (tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng) sau khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường ảnh 3

Cách thành phố Hà Nội hơn 80 cây số, tại trường THPT Sáng Sơn (Sông Lô, Vĩnh Phúc), cô giáo Nguyễn Thị Nhàn cho biết bản thân đã có 12 năm giảng dạy môn Lịch sử. Sau đợt tăng lương, thu nhập của một số đồng nghiệp của cô Nhàn đã tăng từ 3,6 triệu lên khoảng 5 triệu đồng. Con số vẫn hết sức khiêm tốn so với mức sống hiện nay của một hộ gia đình 4 người ở vùng nông thôn.

Thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm học 2023-2024, cả nước có hơn 1,2 triệu giáo viên. So với năm học trước, số lượng giáo viên các cấp tăng thêm trên 17.200 giáo viên.

Tuy nhiên, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo.

Đồng thời, tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng…

“Lương cơ bản tăng thì vật giá tăng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày thì lương nghề giáo chưa đủ để nuôi sống chúng tôi”, cô Nhàn thừa nhận.

Đặc biệt, đồng lương giáo viên vẫn còn chênh lệch so với thu nhập của lao động phổ thông tại các khu công nghiệp. Để nuôi hai con nhỏ ăn học, cô Nhàn và chồng phải quản lý chi tiêu hết sức chặt chẽ.

“So với tốc độ phát triển của nền kinh tế thì đồng lương của giáo viên tăng rất chậm. Nếu một cặp vợ chồng làm giáo viên thì khó có thể đảm bảo kinh tế để nuôi con. Bản thân giáo viên do đó sẽ phải tự bươn chải, nếu không dạy thêm hoặc làm công việc khác thì không thể trang trải cuộc sống”, cô Nhàn nói.

Thừa nhận nghề nào cũng có áp lực nhưng theo chia sẻ của cả hai giáo viên, áp lực đặt lên vai người thầy trong xã hội hiện đại ngày càng nặng. Ngoài công việc giảng dạy trên lớp thì giáo viên phải hoàn thành chỉ tiêu hàng năm và công việc sổ sách cho nhà trường.

Cũng theo Hồng Anh, làm giáo viên không hề nhàn hạ như gia đình cô vẫn nghĩ. Kết thúc một ngày làm việc, mỗi tối Hồng Anh lại phải soạn giáo án. Chưa kể nhiều khi phải ở lại trường làm những việc không tên, có khi về tới nhà đã 9-10 giờ tối. Công việc gần như ngốn toàn bộ quỹ thời gian của Hồng Anh.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường ảnh 4

Bù lại, Hồng Anh đã hiện thực hóa mơ ước từ nhỏ: Được làm cô giáo mặc áo dài trên bục giảng. Cô chưa dám nghĩ sâu xa về cơ hội thăng tiến cho đến khi cuối năm học được thông báo sẽ được chọn làm chủ nhiệm vào năm sau.

Làm giáo viên thời vụ đồng nghĩa với việc không được hưởng lương ba tháng hè. Hồng Anh nháo nhào kiếm việc phụ. Lại một lần nữa, công việc chạy quảng cáo trên mạng xã hội lại giúp cô bám trụ ở Hà Nội mùa hè này. Công việc quảng cáo không quá áp lực nhưng thu nhập gấp 3-4 lần so với lương giáo viên. Dù vậy, Hồng Anh vẫn nóng lòng chờ mùa tựu trường để được quay trở lại bục giảng.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường ảnh 5

Chủ trương “trường học hạnh phúc” đề cập rất nhiều tới mục tiêu tạo môi trường tích cực cho học sinh phát triển, nhưng bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ, trao niềm tin cho giáo viên, để họ yên tâm theo nghề phải được quan tâm hơn nữa.

Theo thầy giáo Hà Xuân Nhâm, “Giáo dục là ngành nghề yêu cầu người ta phải biết hi sinh, cống hiến vì sự nghiệp trồng người, chứ không phải đặt lợi ích của bản thân lên trước để đòi hỏi quyền lợi. Vậy nên, ngoài tiêu chí trình độ, các trường nên coi trọng cả tiêu chí thái độ khi tuyển chọn và đào tạo giáo viên. Bởi một đội ngũ giáo viên có tinh thần hi sinh, cống hiến thay vì đòi hỏi sẽ là tài sản vô giá với bất kỳ trường học nào. Để duy trì được tinh thần ấy, các nhà trường cũng nên tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo, tuyên dương, khen thưởng kịp thời cho những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực…”.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường ảnh 6

Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầu tháng 6/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.

“Chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo; nhưng chất lượng của nhà giáo không thể vượt quá chất lượng của các chính sách, môi trường làm việc và các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Dù vậy, trên cả nước vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên, nhiều nhà giáo thiếu động lực giảng dạy, chưa yên tâm công tác và cống hiến. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo.

Nhận xét về hiện tượng giáo viên trẻ bỏ nghề hoặc làm nhiều nghề tay trái, chuyên gia nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho biết ở vùng nông thôn Việt Nam, những gia đình không có điều kiện khá giả thường có “ước mơ nghìn đời” đó là con cái họ tốt nghiệp đại học và trở thành công chức, viên chức. “Tại sao nhiều người phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực, công sức, thời gian để trở thành giáo viên, để rồi họ phải bỏ nghề? Ở các xã hội hiện đại, việc chuyển từ nghề này sang nghề khác đã không còn xa lạ, thế nhưng với một ngành đặc thù như giáo dục, thực trạng ngày càng nhiều giáo viên bỏ dạy là điều đáng phải lưu tâm”, ông Vương nói.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 3: Giáo viên là “nhựa sống” của nhà trường ảnh 7

Theo vị chuyên gia này, bên cạnh nguyên nhân chính là thu nhập không hấp dẫn, thì còn có các lý do khác khiến ngày càng nhiều người “nguội lạnh” với nghề giáo. Trước hết là môi trường làm việc và vấn đề cải cách hành chính trong giáo dục. Một nguyên nhân khác đó là hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Có không ít câu chuyện được đưa lên mặt báo về các giáo viên đấu tranh tiêu cực với hiệu trưởng và cơ quan chủ quản, những khuất tất trong việc thu chi và đối xử bất công với học sinh. Chuyên gia Nguyễn Quốc Vương cho rằng, nếu đấu tranh với tiêu cực đồng nghĩa với việc bị chính các đồng nghiệp cô lập thì những giáo viên ngay thẳng sẽ cảm thấy chán nản và mất niềm tin với nghề. Giữa việc phải lựa chọn im lặng hoặc làm sai, thì những người có lương tâm nếu không thể xóa bỏ tiêu cực, thường chọn cách bỏ nghề.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, tinh thần nhất quán trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo (Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV - PV) là kiến tạo cơ sở, môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.

Các nội dung mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Nhà giáo là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, nơi nhà giáo được bảo vệ và được đảm bảo về các điều kiện vật chất, tinh thần, đảm bảo điều kiện an sinh xã hội.

Từ đó, các nhà giáo an tâm công tác, tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục; được ghi nhận xứng đáng đối với những thành tích, đóng góp đạt được để duy trì động lực phấn đấu, tận tụy với nghề, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có cơ hội công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp; được xã hội tôn vinh tương xứng với vị thế nghề nghiệp trong xã hội, vun đắp thêm niềm tự hào, vinh dự với “nghề” nhà giáo.

Bộ GDĐT dự kiến quy định 5 nội dung mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Thứ nhất, công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh/thành phố khác nhau và được thực hiện giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thứ ba, tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp.
Thứ tư, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục.
Thứ năm,
chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.