Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm

Mô hình “trường học hạnh phúc” đã có tiêu chí rõ ràng nhưng theo nhiều chuyên gia, đó không hẳn là một khái niệm mà là cách thức vận hành một trường học để làm sao mỗi học sinh cảm thấy hạnh phúc nhất khi bước chân vào trường.

______________________

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 1

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong cuộc trò chuyện với phóng viên đã kể lại, trước đây, khi GS.TS Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông đã đề ra mô hình “trường học thân thiện” tương tự với mô hình “trường học hạnh phúc”. Suy cho cùng, mấu chốt của giáo dục thành công là đào tạo được những công dân hạnh phúc. Trẻ hạnh phúc sẽ tự khắc muốn đến trường mỗi ngày. Đó là lý do thôi thúc các ngôi trường hạnh phúc ra đời như một nhu cầu tất yếu của xã hội, sau rất nhiều những câu chuyện bất cập trong ngành giáo dục được rút ra.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra, một môi trường giáo dục lý tưởng là ở đó thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, đảm bảo đủ ba tiêu chí “An toàn - Yêu thương - Tôn trọng”. Việc trẻ hạnh phúc và thoải mái khi đến trường sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến kết quả học tập. Do vậy, xây dựng một môi trường mà cả giáo viên và học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, thúc đẩy một tương lai trường học thân thiện là điều Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải đẩy mạnh, làm nhanh và làm có hiệu quả.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 2

Theo đó, để trường học gây được ấn tượng thú vị, học sinh phải cảm thấy hạnh phúc đầu tiên khi bước chân vào cổng trường. Học sinh thấy yêu mến trường lớp, yêu thầy cô bạn bè, thích được đến trường hàng ngày, đó chính là đích đến của giáo dục. Chỉ khi được học trong một ngôi trường thú vị, được sống một cuộc sống hạnh phúc bắt đầu từ nhà đến trường, các em học sinh mới có thể tiếp thu bài vở tốt, sau đó là làm những việc có ích cho quê hương, đất nước và xã hội.

Theo ông Thuyết, hạnh phúc của học trò không phải tìm kiếm đâu xa, nó được xây dựng từ chính bàn tay của đội ngũ giáo viên trong trường. Các thầy cô giáo cần phải có kiến thức có kinh nghiệm trong ứng xử với học trò, xây dựng môi trường giảng dạy thân thiện, không có khoảng cách quá xa so với học trò.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 3

Trong câu chuyện của mình, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định những điểm tích cực trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục, áp dụng phương pháp giảng dạy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, trẻ em được tạo điều kiện học tập tốt nhất, rèn luyện chú trọng vào kỹ năng sống... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục chưa thật sự hiểu về chương trình giáo dục mới nên quá trình học tập của các em vẫn chưa được giảm nhẹ ở tất cả các khâu. Bên cạnh đó, xã hội vẫn còn quá nhiều áp lực phải cạnh tranh nên tình trạng học thêm, dạy thêm khó có thể giảm bớt được. Thất bại của nền giáo dục là để dạy thêm tràn lan, “cướp” đi tuổi thơ của trẻ em, đánh mất hạnh phúc của học trò.

Hành trình “dệt” nên cảm xúc hạnh phúc cho học sinh, khơi nguồn sự thân thiện trong đội ngũ giáo viên không phải việc một sớm một chiều, mà là quá trình tác động lâu dài và cần có lộ trình như xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... Việc tạo ra một ngôi trường hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần có sự hưởng ứng của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 4

Trong một buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nền giáo dục của chúng ta đáng lẽ phải theo hướng dạy học để phát triển năng lực, thì trên thực tế vẫn đang tập trung vào nội dung. Mà một khi vẫn duy trì phương pháp truyền thống, người học không tránh khỏi cảm giác quá tải bởi khối lượng kiến thức tiếp nhận vượt quá mức kiểm soát. Học sinh ngày nay chịu nhiều áp lực ngay từ khi chập chững bước chân vào trường học.

Ngay từ khi bước vào lớp mầm non và lớp 1, nhiều học sinh và phụ huynh đã cảm thấy quá tải và thực sự mệt mỏi. Trải qua chục năm triển khai đổi mới chương trình giáo dục, áp lực thi cử với học sinh vẫn mỗi năm một gia tăng, học sinh phải “chen vai so tài” thi vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 với những kỳ thi căng thẳng đầy áp lực.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 5

Tiến sĩ Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục​​ cho rằng, áp lực thi cử và học tập ở mức độ vừa phải là điều cần thiết để học sinh trưởng thành và phát triển. Cùng với sự quan tâm, phối hợp của gia đình, mỗi giáo viên cần tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, sáng tạo trong việc áp dụng phương pháp dạy học mới, nghiên cứu bài học kĩ trước khi lên lớp, đặc biệt là phải cập nhật kiến thức từ các nguồn khác nhau để thực hiện trọn vẹn một tiết trên lớp.

Sức hấp dẫn của bài giảng không nằm ở kỹ năng kiểm tra máy móc theo cách học cũ mà nên để thầy - trò tung hứng, chủ động trong việc thực hiện nội dung dạy học. “Từ đó giáo viên có thể phát hiện và bồi dưỡng những điểm yếu của học sinh và học sinh cũng có thể tự khám phá ra được những môn học mình yêu thích, chứ không phải chạy theo hình thức tập trung cùng một motip với số đông. Bởi theo chương trình mới, mục đích chính là muốn tạo ra được cái gọi là cá biệt hóa, tức là học sinh sẽ được phát huy năng lực cá nhân của mình”, TS Hoàng Trung Học khẳng định.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 6

Đây cũng là quan điểm của TS Tâm lý Giang Thiên Vũ - Giảng viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trên cương vị vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là giảng viên sư phạm, TS Giang Thiên Vũ đưa quan điểm, trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, từ gia đình, nhà trường, hay rộng hơn là toàn bộ ngành giáo dục đều phải chung tay trong những hoạt động xã hội để rèn luyện giúp trẻ vượt qua thử thách và có khả năng thích ứng với những sự thay đổi trong cuộc sống. Do đó, chương trình giáo dục muốn tạo ra hạnh phúc cho đứa trẻ cần giảm tải áp lực học tập và bổ sung các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ quan tâm đến tình nguyện, nghệ thuật, thể thao…

Theo TS Giang Thiên Vũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các thông tư hoặc văn bản chỉ đạo cụ thể để yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Nội dung văn bản cần tập trung vào các giải pháp thiết thực, dễ dàng triển khai và phù hợp với thực tế tại các nhà trường. Tránh tình trạng “làm theo hình thức đối phó” như nhiều trường hiện nay đang thực hiện. Quan trọng hơn, mỗi giáo viên cũng cần trở thành một nhà giáo dục tâm lý, biết vận dụng kiến thức về sức khỏe tinh thần và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trong từng bài dạy hoặc giao tiếp thường ngày. Khi giáo viên đủ lực và cân bằng về tinh thần, họ sẽ làm tốt công tác chăm lo cho tinh thần học sinh để giảm bớt áp lực thi cử nói riêng, các vấn đề tâm lý ở học sinh nói chung.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 7

Tại Hội nghị tổng kết đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Ngoài kết quả đổi mới, cần lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh một điều: Chúng ta hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là hướng đến ngành hạnh phúc. Ngành chúng ta cũng cần hạnh phúc”.

TIN LIÊN QUAN
Quang cảnh buổi hội thảo.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.