Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo

Sau khi trở thành Thành phố Sáng tạo năm 2019, Thủ đô Hà Nội đã và đang đẩy mạnh quá trình hiện thực hóa các sáng kiến đã cam kết với UNESCO, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực sáng tạo. Trong đó, Giáo dục sáng tạo là một trong ba nhóm chính sách nền tảng được tập trung thực hiện, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục.

_____________________

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo ảnh 1

Còn nhớ những ngày cuối năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã mở cuộc hội thảo “Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo”, đặt ra vấn đề phát triển những môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn giúp Hà Nội xây dựng và giữ vững thương hiệu Thành phố Sáng tạo. Một trong những giải pháp tối ưu được thành phố đặt ra là xây dựng một nền giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu.

Giải pháp này không phải đến giờ mới dò đường tìm lối. Trên thực tế, nhiều trường học ở Hà Nội đã triển khai mô hình giáo dục sáng tạo để từng bước hướng đến một nền giáo dục hội nhập quốc tế.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo ảnh 2

Trong những bài giảng của thầy trò trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5, có một mô hình giáo dục sáng tạo đặc biệt được triển khai rộng khắp, nhằm tạo dựng những không gian mở giúp kích thích não bộ và sự quan sát của con trẻ trong quá trình tiếp thu kiến thức. Đó là hình thức tổ chức “Lớp học không bàn ghế,” vượt qua giới hạn của bốn bức tường. Lớp học Toán đo đạc ngoài trời, tạo các hoạt động không ngừng nghỉ, người học tự khám phá ra kiến thức, giáo viên là người hỗ trợ và định hướng. Lớp học Tiếng Anh - Khoa học bằng chuyến đi tham quan dã ngoại thực tế ngoài vườn trường, hoặc trải nghiệm một ngày giao tiếp với du khách nước ngoài…

Theo bà Trần Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, các giáo viên trong trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 có thể lên ý tưởng phù hợp với chủ đề của tuần học, sau đó lựa chọn không gian lớp học. Mục tiêu chính là thay đổi trạng thái và cảm xúc học tập cho học sinh, học sinh được giải phóng mình sau bốn bức tường quen thuộc, được học - trải nghiệm - đúc kết kinh nghiệm, từ đó người dạy có thể phân hóa học sinh dựa trên các kỹ năng học tập mà học sinh thể hiện ở “Lớp học không bàn ghế”.

Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã hình thành và có những nhân tố giáo dục sáng tạo, như giáo dục STEM (ngành học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán), giáo dục trải nghiệm sáng tạo ở các không gian văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo ảnh 3

Xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa lâu nhưng khái niệm giáo dục STEM đang trở thành một xu thế được xã hội quan tâm, lựa chọn. Trong chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đưa vào giảng dạy mô hình giáo dục STEM.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 về cơ bản vẫn xây dựng theo cách truyền thống thông qua các môn học, tuy nhiên, trong các môn học như khoa học (lớp 4, 5, 6, 7, 8 và 9), môn Công nghệ, môn Toán, môn Tin học, Ban soạn thảo luôn khuyến khích giáo viên sáng tạo, tích hợp một số chủ đề của các môn hay gắn kết cuộc sống với các môn học STEM, bằng nhiều cách đưa học sinh ra khỏi bốn bức tường, đến với những “lớp học không bàn ghế”.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo ảnh 4

Từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã ra Công văn 3089 hướng dẫn các trường tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường thông qua ba hình thức như trong môn học, trong hoạt động câu lạc bộ và trong hoạt động trải nghiệm. Cộng đồng xã hội đã ghi nhận nhiều sáng kiến của học sinh phổ thông Hà Nội, từ cải tiến phương pháp học tập (vẽ lại bản hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, phần mềm nhắc nhở thời gian biểu học tập...) đến cải thiện công cụ lao động (robot đưa đồ, hệ thống tưới tự động trong trồng rau...), hay nghiên cứu môi trường (đo nồng độ ô nhiễm nước ở Hồ Tây, đo lượng nước mưa…). Nhiều trường đại học đã thành lập các nhóm nghiên cứu STEM, lựa chọn, đầu tư đào tạo ngành nghề STEM.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo ảnh 5

TS Nguyễn Trọng Hùng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, giáo dục sáng tạo là hoạt động giúp người học nuôi dưỡng tinh thần, ý tưởng và năng lực sáng tạo, là con đường chính tạo ra con người sáng tạo, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đưa xã hội trở thành xã hội sáng tạo.

Việc phát triển giáo dục sáng tạo không đơn giản chỉ ươm mầm, nuôi dưỡng những công dân sáng tạo, công dân toàn cầu, mà rộng hơn, nó góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… đảm bảo cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo ảnh 6

Nói thêm về chủ đề này, TS Nguyễn Minh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đưa quan điểm, xây dựng trường học thông minh sẽ giúp đào tạo được những người lao động có đầy đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đưa giáo dục thành phố đáp ứng yêu cầu mới. Xây dựng trường học thông minh đòi hỏi có sự đổi mới mang tính cách mạng về xây dựng mục tiêu giáo dục, phương thức tổ chức giáo dục, về các nhân vật trong nhà trường, quá trình dạy học - giáo dục cũng như quá trình quản lý giáo dục.

Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam với tiềm năng to lớn về nghệ thuật, sáng tạo và văn hóa, đang trong thời điểm chín muồi để phát triển các mô hình giáo dục sáng tạo mang tính tích hợp, sẽ là công cụ cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, sáng tạo và các ngành công nghiệp khác của đất nước. Bên cạnh giáo dục sáng tạo trong trường học, các nhà quản lý ở các cấp có thể sử dụng đặc điểm để tạo điều kiện lồng ghép các khía cạnh liên quan đến văn hóa, sáng tạo vào giáo dục thông qua các hoạt động ngoài nhà trường.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 4: Hiện thực hóa sáng kiến cam kết với UNESCO bằng giáo dục sáng tạo ảnh 7

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta đều nhìn thấy sự thay đổi rất nhanh và mạnh của các thành tựu khoa học công nghệ. Lợi ích của giáo dục sáng tạo chính là việc trang bị cho học sinh những năng lực cần thiết đón đầu cuộc cách mạng 4.0 với rất nhiều sự thay đổi về tư duy làm việc, phương tiện làm việc… “Chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số, về cách mạng công nghiệp, và một trong những con đường để chạm đến đích nhanh nhất chính là đào tạo con người, nâng cao chất lượng giáo dục để thế hệ tương lai thực sự chủ động đón nhận những thay đổi của thời cuộc”, đại diện Văn phòng UNESCO khẳng định.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: ”Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế"... "Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh“.

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.