Câu chuyện tựu trường trước rồi mới khai giảng được không ít người ví như ăn tiệc no say rồi mới dùng món khai vị.
Hãy trả lại ý nghĩa ngày khai trường cho các em (Ảnh: Báo An ninh thủ đô) |
Có người còn ví một cách trần trụi như việc trai gái ăn ở với nhau có con rồi mới làm đám cưới.
Chuyện nực cười như thế ai cũng biết, cũng khó chịu nhưng sao vẫn cứ phải làm? Sao năm nào vẫn cứ xảy ra dù dư luận kịch liệt phản đối?
Bên cạnh những người không tán thành kiểu làm này thì vẫn có không ít vị lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, không ít thầy cô giáo lại hưởng lợi từ việc làm “sai quy luật tự nhiên” như thế.
Phải chăng, đây chính là nguyên do mà bao năm tình trạng học rồi mới khai giảng tiếp tục diễn ra và tồn tại?
Không ít trường học hưởng lợi
Bậc tiểu học một năm có 35 tuần thực học, bậc trung học có 37 tuần thực học.
Với thời gian thực học như thế (cùng 2 tuần dự bị được phân đều cho 2 học kỳ) thì học sinh khai giảng vào ngày 5/9 và vào học ngày 6/9, năm học sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 theo quy định.
Nay, có trường tổ chức học từ 1/8, chương trình sẽ kết thúc vào gần cuối tháng 4.
Có trường lại học giữa tháng 8 hoặc cuối tháng tám, chương trình sẽ hết sớm hơn dự định khoảng 1-3 tuần.
Học sớm, chương trình hết sớm nhưng không trường học nào dám cho học sinh nghỉ học để chờ ngày tổng kết vì như thế sẽ vi phạm quy định.
Thế là, thời gian còn dư, nhiều trường đã tổ chức ôn tập theo hình thức dạy thêm có thu tiền.
Tuy nhiên việc dạy thêm cũng chỉ tập trung vào một số môn học để phục vụ cho việc thi cử.
Thế là, giáo viên vừa ăn lương theo quy định vừa được hưởng tiền dạy thêm trong các giờ chính khóa.
Ban giám hiệu nhà trường cũng được chia một khoản tiền hoa hồng từ việc dạy thêm ấy dù chính họ không phải dạy một tiết nào.
Bên cạnh đó, có những trường không tổ chức dạy thêm vì thời gian dư chỉ hơn 1 tuần.
Thế là, học sinh lại phải lên trường để chơi hết ngày này sang ngày khác để đợi ngày tổng kết.
Chơi mãi cũng chán nên hết chơi chuyển sang nghịch ngợm, phá phách. Không chỉ thầy cô khổ, trò cũng khổ vì mệt mỏi.
Hãy trả lại ý nghĩa đích thực của ngày khai trường
Có lẽ vì điều này mà chính những đứa trẻ cũng có thể cảm nhận được điều không nên khi học trước rồi mới khai giảng.
Vì thế, khi nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi:
“Các con muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như thế này?”.
Cậu bé lớp 1 ở tỉnh Thanh Hóa đã không giấu nỗi niềm mong ước:
“Con muốn khai giảng rồi mới đi học” đã đủ cho những người lớn thấy được, ngành giáo dục hiện đang đi ngược với niềm vui, niềm mong ước thật nhỏ nhoi của những đứa trẻ.
Nếu vì học sinh, nếu tất cả vì các em như chúng ta thường hay nói, hay kêu gọi thì việc làm cần thiết nhất hiện nay phải chấm dứt cái kiểu học chán chê rồi mới khai giảng.
Ngay cả việc dễ như trở bàn tay thế này mà ngành giáo dục vẫn không thể làm được thì những việc lớn hơn có đáng để tin cậy hay không?