UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn

Danh hiệu Di sản Thế giới đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Vịnh Hạ Long, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của khu vực.

_________________

Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội xung quanh các hoạt động của tổ chức này giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch bền vững và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội.

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn ảnh 1

Thưa bà, UNESCO đánh giá như thế nào về tiềm năng và thế mạnh của Quần thể khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà?

Bà Phạm Thị Thanh Hường: Tiềm năng và thế mạnh của Quần thể khu di sản này đã được phân tích trong hồ sơ khoa học, được trình bày, tranh luận và ghi nhận tại ba lần đề cử và ghi danh những năm 1994, 2000 và 2023. Với đặc điểm về giá trị nổi bật toàn cầu là những khu vực quan trọng nhất trên địa cầu tiêu biểu cho kiến tạo địa chất và cảnh quan về phong tùng (fengcong) và phong linh (fenglin), di sản này tiếp tục là niềm mơ ước được đặt chân tới và trải nghiệm của người dân Việt Nam cũng như trên thế giới.

Việc quần thể này được tái ghi danh lần thứ ba trong Danh sách Di sản Thế giới UNESCO có thể góp phần nâng cao hơn về danh tiếng cũng như mang lại nhiều cơ hội lớn cho cả khu vực Đông Bắc của Việt Nam, trải rộng từ tỉnh Quảng Ninh tới Thành phố Hải Phòng. Tư liệu và ghi nhận của hồ sơ các khu di sản thế giới cho thấy thường thì sự ghi nhận ở mức độ cao nhất với đòi hỏi khắt khe về hồ sơ khoa học và các yêu cầu về bảo tồn, quản lý khiến cho các khu di sản ngày càng trở nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, các nhà đầu tư và du khách.

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn ảnh 2

Cũng chính sự nổi trội về giá trị nổi bật toàn cầu và tính hấp dẫn đặc biệt của khu di sản khi chứng minh được bằng các hồ sơ khoa học như vậy đang đặt ra những kỳ vọng cao hơn của tất cả các bên liên quan, cũng như cộng đồng địa phương, đối tác trong nước và quốc tế. Chúng tôi mong đợi và hi vọng rằng các nhà hoạch định chính sách và quản lý tại vùng di sản này sẽ kịp thời có các định hướng phát triển đi đôi với việc tăng cường thực thi các quy định và kế hoạch quản lý, phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan để đảm bảo sự phân bổ nguồn lực thỏa đáng và tăng cường nghiên cứu sẽ góp phần đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Song song với sự phát triển không ngừng về du lịch, đã có nhiều phản ánh về những xung đột và thách thức giữa phát huy và bảo tồn di sản tại Vịnh Hạ Long. Theo đánh giá của UNESCO, các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đã làm tốt ở những điểm nào và cần lưu ý những gì để khu di sản này phát triển bền vững?

- Quả thực, vấn đề quản lý chính là điểm mấu chốt đã có nhiều thảo luận nhất khi hồ sơ tái đề cử di sản với ranh giới mở rộng từ Vịnh Hạ Long tới Quần đảo Cát Bà tại kỳ họp Ủy ban Di sản Thế giới năm 2023. Trong đó, các vấn đề áp lực phát triển, thách thức quản lý bao gồm cả một số trường hợp cụ thể trong khu vực di sản được đề cử đã được nêu rất chi tiết. Quyết định tái ghi danh với phần di sản mở rộng đi kèm với 6 khuyến nghị rõ ràng về quản lý.

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn ảnh 3

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng cần rà soát và cập nhật bản đồ khu di sản; rà soát các dự án phát triển để đảm bảo rằng tất cả các dự án đó phù hợp với Quy định của Công ước bảo vệ di sản, đặc biệt là Điều 172 của Hướng dẫn thực hiện công ước này, thực hiện Đánh giá tác động di sản đối với các dự án triển khai trong vùng đệm và vùng tiếp giáp với khu di sản. Khuyến nghị cũng yêu cầu việc thực hiện đánh giá sức chịu tải cho các phần mở rộng của khu di sản, kiểm soát hoạt động du lịch để đảm bảo không phương hại tới các giá trị nổi bật toàn cầu đã được công nhận. Quyết định ghi danh cũng yêu cầu cập nhật và hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản, bao gồm việc mô tả rõ các nguy cơ, bao gồm nguy cơ từ du lịch đại trà, cũng như các biện pháp kiểm soát hệ quả đó, bên cạnh việc kiểm soát đánh bắt trái phép, khai thác tài nguyên rừng biển, và kiểm soát ô nhiễm bao gồm nguy cơ từ các sự cố tràn dầu, rác thải, nước thải. Việc cân nhắc xây dựng kế hoạch giám sát cũng được nhấn mạnh.

Bên cạnh những cảnh báo và những yêu cầu kiểm soát nguy cơ, thách thức trong công tác quản lý, các cơ quan chuyên môn cũng như UNESCO đã ghi nhận nỗ lực bảo tồn và sự đầu tư nguồn lực của Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, điều phối giữa các cơ quan liên ngành và đối thoại với cộng đồng. Điều này một phần được thể hiện trong khuyến nghị Việt Nam cân nhắc tái đề cử khu di sản dưới tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học; đồng thời ghi nhận nỗ lực và khuyến nghị tiếp tục các tham vấn với cộng đồng địa phương và các giải pháp đảm bảo lợi ích thỏa đáng cho cộng đồng địa phương chịu ảnh hưởng bởi việc di dời và quy định bảo tồn.

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn ảnh 4

Trong bức tranh chung về phát triển bền vững của Vịnh Hạ Long, công nghiệp văn hóa đóng vai trò như thế nào thưa bà?

- Có lẽ du lịch di sản là phương diện nổi bật dễ nhận diện nhất của quần thể khu di sản này trong bức tranh chung về phát triển công nghiệp văn hóa của vùng di sản. Tuy nhiên, các lĩnh vực cũng như tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa còn rất rộng lớn, không chỉ bao gồm lĩnh vực du lịch văn hóa.

Danh tiếng và các giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu của quần thể di sản này từ các biểu tượng có tính quốc tế về mặt cảnh quan, giá trị của các loài động thực vật đặc hữu và không gian di sản có thể có những tác động to lớn trên các phương diện về điện ảnh, thiết kế sáng tạo, phát triển thương hiệu của sản phẩm và dịch vụ địa phương, cũng như điểm đến cho các sự kiện văn hóa tầm vóc khu vực và thế giới; truyền cảm hứng cho các sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, văn học nghệ thuật…

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn ảnh 5

Sự phát triển đó chủ yếu phụ thuộc vào chính sách và quyết định của địa phương, cụ thể là các tỉnh và các thành phố nơi có di sản. Về phía UNESCO, bên cạnh việc giới thiệu và kết nối các mô hình, bài học kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực đổi mới quản lý di sản, chúng tôi cũng kỳ vọng rằng các thành phố đồng thời cân nhắc tham gia hoặc trao đổi kinh nghiệm với các thành phố khác trên thế giới trong Mạng lưới các Đô thị Di sản thế giới, và Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO.

Các cơ chế trao đổi ở nhiều cấp, đặc biệt là cấp độ thành phố sẽ góp phần thúc đẩy những sáng kiến và hoạt động cụ thể trong nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thu hút tài năng sáng tạo trẻ, khuyến khích các dự án và sáng kiến mang lại sự hưởng lợi cho cộng đồng và doanh nghiệp địa phương. Tôi tin rằng việc tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo dựa trên vốn văn hóa và di sản đó sẽ góp phần phát huy hiệu quả, quảng bá các giá trị tự nhiên của di sản, cũng như tôn trọng kiến thức bản địa truyền thống và đóng góp vào phát triển bền vững.

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn ảnh 6

UNESCO có gợi ý hoặc đề xuất gì đối với các cơ quan quản lý để tạo dựng môi trường chính sách và pháp lý thúc đẩy văn hóa sáng tạo hướng đến phát triển xanh và bền vững tại các khu di sản?

- Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam về DSVH nói chung, DSTG nói riêng từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là Nghị định số 109/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành theo hướng ngày càng tiệm cận với Công ước, Hướng dẫn thực hiện Công ước và mục tiêu PTBV của UNESCO, cho thấy đây không chỉ là cơ sở nhận thức và quan điểm, mà còn tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các DSTG ở Việt Nam.

Quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế sẽ từng bước hình thành khung chính sách có khả năng chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú như: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, lễ hội mới và sự kiện, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, các danh nhân văn hóa, các cơ sở vật chất và không gian văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua sự tích hợp công tác bảo tồn, phát huy di sản gắn với phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa cùng hoạt động văn hóa đối ngoại, xúc tiến thương mại văn hóa, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, gắn với truyền thông quảng bá tại khu di sản.

UNESCO: Tiềm năng các ngành công nghiệp văn hóa của Vịnh Hạ Long rất rộng lớn ảnh 7

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp văn hóa với Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019, Hà Nội đã tận dụng các cơ hội mà mạng lưới mang lại để kết nối các nguồn lực hiện có ở cấp địa phương và mở rộng hợp tác, trao đổi quốc tế với các thành phố sáng tạo khác trong khu vực và trên thế giới. Duy trì chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với trọng tâm là sáng kiến thành phố sáng tạo, chính quyền thành phố đã có thể phát triển các chương trình kết nối phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, tập trung vào các giá trị kinh tế của sự sáng tạo văn hóa và nghệ thuật, đồng thời chú ý đến sự đa dạng trong sáng tạo của cá nhân, nhóm và cộng đồng.

Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục tích hợp văn hóa vào quản trị như xây dựng và thực hiện các chương trình và chính sách phát triển.

Thứ hai, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn để các ngành văn hóa và sáng tạo phát triển thành các tiểu ngành kinh tế mạnh mẽ tạo ra việc làm, phát triển địa phương và tinh thần kinh doanh đồng thời tính đến việc bảo vệ các tài sản văn hóa và di sản mong manh là cần thiết.

Thứ ba, tính bền vững của môi trường sẽ trở thành trọng tâm mới khi sự hiểu biết về môi trường bền vững được tích hợp nhất quán hơn vào các hoạt động văn hóa và sáng tạo.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cộng đồng địa phương cần giữ vị trí trung tâm trong các ngành văn hóa để xây dựng các mô hình phát triển thông qua đối thoại liên văn hóa và chuyển giao kiến thức nhằm gắn kết và trao quyền cho xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ và các nhóm dễ bị tổn thương.

Bên cạnh Mạng lưới các Đô thị Di sản văn hóa vốn dành cho các đô thị là nơi có Di sản Thế giới đã được ghi danh, Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố đã xác định sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững.

Tính đến năm nay 2024, đã có 350 thành phố trên khắp thế giới tham gia vào mạng lưới này. Với các cuộc gặp gỡ và trao đổi thường xuyên, các thành phố đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết để hướng tới một mục tiêu chung: đặt sự sáng tạo và các ngành văn hóa làm trọng tâm trong kế hoạch phát triển của họ ở cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế. Hiện nay, Hà Nội, Hội An và Đà Lạt đã chính thức trở thành thành viên mới của UCCN lần lượt ở lĩnh vực Thiết kế, Thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật dân gian và Âm nhạc.

TIN LIÊN QUAN
Cơ hội để Việt Nam dẫn dắt và đóng góp vào các cuộc đối thoại toàn cầu về tương lai thế giới
Cơ hội để Việt Nam dẫn dắt và đóng góp vào các cuộc đối thoại toàn cầu về tương lai thế giới
(Ngày Nay) - Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, từ ngày 21 - 27/9/2024, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ.
Boeing ứng phó với đình công
Boeing ứng phó với đình công
(Ngày Nay) - Ngày 18/9, tập đoàn Boeing thông báo sẽ tạm thời cho hàng chục nghìn nhân viên nghỉ việc, sau khi cuộc đình công của khoảng 30.000 thợ máy vào tuần trước gây đình trệ hoạt động sản xuất 737 MAX và các mẫu máy bay khác.
Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam trao Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân của quận. Ảnh: Đình Hiệp
Đề xuất cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố sẽ được thưởng 1,5 lần mức lương cơ sở
(Ngày Nay) - Sở Nội vụ thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 3049/SNV-BTD về việc đề nghị đăng tải xin ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của HĐND thành phố về quy định một số nội dung mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố lĩnh vực thi đua, khen thưởng.
Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc
Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc
(Ngày Nay) - Tối ngày 18/9 (tức ngày 16 tháng Tám năm Giáp Thìn) tại Đền Kiếp Bạc thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh đã diễn ra Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc.
Lạm phát hạ nhiệt, Fed mạnh tay giảm lãi suất
Lạm phát hạ nhiệt, Fed mạnh tay giảm lãi suất
(Ngày Nay) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt một cách ổn định và lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của thị trường lao động.
Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3
Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3
(Ngày Nay) - Tại cuộc họp ngày 18/9 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để có chương trình hỗ trợ phù hợp.