Nhiều bài học, nội dung "sạn" đã được thay thế
Sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung một số ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều, Nhà xuất bản (NXB) ĐH Sư phạm TPHCM đã công bố Dự thảo tài liệu điều chỉnh và bổ sung để xin ý kiến giáo viên và xã hội. Thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 20/11. Hội đồng thẩm định dự kiến làm việc vào ngày 21/11 để thẩm định lần cuối sau khi có ý kiến góp ý về Dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung. Trước ngày 30/11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu cho học sinh. Tài liệu gồm 2 phần, trong đó phần 1 giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp. Phần 2 hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.
Theo quan sát, các bài đọc được cho là dùng ngữ liệu chưa phù hợp đã được thay thế các bài đọc khác như: Ve và gà (trang 67) được thay thế bài Bờ Hồ; Ve và Gà (trang 69) được thay thế bằng bài Chăm bà; Quạ và Chó (trang 99) được thay thế bằng bài Phố Thợ Nhuộm; Cua, cò và đàn cá (trang 115) được thay thế bằng bài Kết bạn; Cua, cò và đàn cá (trang 117) được thay thế bằng bài Hồ sen; Hai con ngựa (trang 157) được thay thế bằng bài Mẹ thật ấm; Hai con ngựa (trang 159) được thay thế bằng bài Sáng sớm trên biển; Lừa, thỏ và cọp (trang 163) được thay thế bằng bài Bạn của Hà; bài "Lừa, thỏ và cọp" (phần 1) được bổ sung bài "Bạn của Hà", còn phần 2 thì được bổ sung bài "Ông bà em"...
Dự thảo tài liệu một số bài học đã được bổ sung, thay thế trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều. Ảnh: TL |
Sau khi Dự thảo tài liệu điều chỉnh nói trên được công bố lấy ý kiến, nhiều chuyên gia, giáo viên tiểu học cho rằng, những điều chỉnh đã khắc phục được những lỗi "sạn" mà dư luận đã chỉ ra, các bài học được thay thế cũng dễ học, dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, vẫn bộc lộ vài điểm cần lưu ý và tiếp tục điều chỉnh lại cho phù hợp. Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, tài liệu điều chỉnh xong sẽ được sử dụng như thế nào, nếu đính kèm vào sách cũ thì rất khó sử dụng và mất thẩm mỹ sách, nếu dùng ngoài lại gây bất tiện, học sinh dễ làm hỏng, thất lạc…
Chia sẻ quan điểm về điều chỉnh sách Tiếng Việt lớp 1, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Trong cho rằng: "Khi chờ đợi các tác giả chỉnh sửa lại SGK Tiếng Việt 1, giáo viên lớp 1 cần trách nhiệm, nỗ lực, chủ động để dạy những bài học sắp tới chưa được hướng dẫn. Trong quá trình sửa, Bộ GD&ĐT yêu cầu trưng cầu ý kiến rộng rãi, nhưng theo tôi thì lấy phản hồi của giáo viên lớp 1 sẽ nhanh hơn vì họ đang dạy trên lớp. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định nên rà soát luôn sách các môn khác của nhóm Cánh Diều, tôi đã đọc những cuốn sách này và thấy có vấn đề, nếu nội dung nào không phù hợp thì phải chỉnh sửa".
Giáo viên có vai trò quan trọng trong thẩm định sách
Bên cạnh việc rà soát, bổ sung, chỉnh sửa sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu phải rà soát các SGK, trên cơ sở ý kiến của giáo viên trong quá trình dạy học và từ các nhà xuất bản. Việc rà soát phải thường xuyên, liên tục, thực hiện một cách nghiêm túc, không phải đợi xã hội có ý kiến mới rà soát. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiếp tục công tác thẩm định các bộ sách lớp 2 và lớp 6 (dự kiến sử dụng trong năm học 2021 - 2022).
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT của các tỉnh, thành về triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông vừa diễn ra, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, với các bộ SGK lớp 2, lớp 6 đang trong quá trình thẩm định, Bộ chỉ đạo chú trọng khâu lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đặc biệt từ giáo viên. Giáo viên tham gia góp ý cũng là dịp tiếp cận sớm với sách giáo khoa mới. Bộ cũng sẽ chỉ đạo, cùng các sở GD&ĐT để nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực nghiệm SGK.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, Chương trình Giáo dục phổ thông được thiết kế theo hướng mở. Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện. Đề nghị lãnh đạo các Sở GD&ĐT chỉ các nhà trường, giáo viên trong quá trình tổ chức giảng dạy phát hiện những vấn đề chưa thật phù hợp để Bộ GD&ĐT có căn cứ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Với tài liệu giáo dục địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo hết sức nghiệm túc để bảo đảm chất lượng, từ việc chọn tác giả, hội đồng thẩm định đến các khâu góp ý… Nếu không đạt yêu cầu, Bộ trưởng sẽ không phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng nhóm chuyên gia để có thể hỗ trợ địa phương trong thẩm định, giám sát tài liệu giáo dục địa phương. Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đang dự kiến hình thức góp ý bản thảo các bộ SGK Chương trình Giáo dục phổ thông để áp dụng trong lựa chọn các bộ sách tiếp theo.
Bộ GD&ĐT đang dự kiến hình thức góp ý bản thảo các bộ SGK Chương trình Giáo dục phổ thông mới theo 3 vòng. Vòng 1, chọn mỗi sở GD&ĐT 10 giáo viên có kinh nghiệm/môn/bộ SGK góp ý qua mạng (sử dụng tài khoản đăng nhập). Vòng 2, chọn một số giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình tập trung góp ý trực tiếp. Vòng 3, lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình lựa chọn/tập huấn sử dụng SGK (kết hợp đăng tải bằng PDF lên mạng cho đông đảo nhân dân góp ý).