Hầu hết trẻ em khi học ở trường, chúng luôn quan tâm đến thời gian. Chắc hẳn bạn cũng giống như vậy, luôn để ý liếc đồng hồ mỗi khi học tập hay làm việc.
Nhưng tới khi về nhà và thư giãn, bạn thường xuyên xem đồng hồ như lúc ở trường học hay công ty hay không? Bạn có để ý đếm từng phút cho đến giờ đi ngủ không?
Thời gian trôi nhanh hơn khi ta vui vẻ, thư giãn.
Hầu hết chúng ta đều quan tâm tới thời gian khi ở trường hoặc ở cơ quan nhiều hơn là khi thư giãn ở nhà. Nhưng tại sao lại như vậy?
Tại sao thời gian có vẻ như trôi nhanh hơn khi bạn làm những việc mình yêu thích và thời gian luôn như “rùa bò” mỗi khi bạn buồn chán?
Các nhà tâm lí học nghiên cứu hiện tượng này khẳng định rằng trạng thái tinh thần và những hoạt động mà chúng ta đang tham gia có ảnh hưởng tới việc chúng ta cảm nhận về thời gian.
Khi bạn buồn chán hoặc làm việc mà bạn không muốn làm, đầu óc bạn không tập trung và dẫn tới nghĩ lung tung. Khi không tập trung, bạn thường nhìn về phía đồng hồ và nghĩ tới việc mình sẽ phải ở trong tình trạng này bao lâu nữa, như vậy sẽ làm thời gian dường như càng kéo dài hơn.
Trái lại, khi bạn hứng thú với công việc yêu thích, đầu óc bạn tập trung hoàn toàn vào niềm vui đó. Bạn không bận tâm đến thời gian trôi qua, vì bạn đang tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ này.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu về khả năng nhận thức thời gian của con người và phát hiện ra những điều thú vị. Chẳng hạn, không phải tất cả những khoảng thời gian thú vị đều trôi qua với tốc độ như nhau. Họ cũng phát hiện ra rằng nếu chỉ đơn giản là đang vui vẻ thì chưa đủ để khiến thời gian trôi nhanh hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn đang tham gia vào một hoạt động hoặc một thú vui nào đó mà buộc phải đạt được một mục đích, kết quả cụ thể thì thời gian thực sự trôi qua nhanh hơn nếu bạn cảm thấy vui vẻ. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự phấn khích trong những hoạt động này là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua nhanh chóng.
Một phát hiện thú vị khác là việc cảm nhận thời gian trong trí nhớ, ký ức và cảm nhận thời gian trong thực tế lại hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, nếu có một kì nghỉ thú vị thì rõ ràng những ngày đó có vẻ như trôi qua nhanh chóng, ngược lại nếu đi học, những ngày này trôi qua rất chậm chạp. Nhưng khi nhớ lại những sự kiện này, cảm nhận của bạn thường ngược lại. Những ngày buồn chán trong kí ức trôi qua rất nhanh, còn kì nghỉ của bạn dường như sẽ kéo dài hơn trong tâm trí.
Từ đó, các nhà nghiên cứu chỉ ra cách trí nhớ con người hoạt động. Khi nghĩ lại một việc, bạn phải khôi phục lại những sự việc trong trí nhớ, sắp xếp lại chúng và cố đánh giá khoảng thời gian mà sự kiện đó diễn ra.
Trong kì nghỉ, bạn có rất nhiều kỷ niệm và sự việc cần phải nhớ và sắp xếp lại. Chính vì trong trí nhớ có nhiều sự việc xảy ra trong kỳ nghỉ nên bạn cảm thấy kỳ nghỉ đó dài hơn thực tế. Ngược lại, khi bạn nhớ lại một tuần lễ bình thường với chỉ vài điều đáng nhớ xảy ra, trong trí nhớ bạn sẽ thấy tuần lễ đó thật ngắn ngủi.
Hoàng Trang