Một nhà báo có tiếng - thậm chí là trình độ hàng đầu và được anh em đồng nghiệp nhất trí như vậy - vẫn thường bị cảnh sát giao thông giữ lại. Anh ấy ra đường hay ngơ ngẩn đi sai, và chả bao giờ có giấy tờ tùy thân. Nhưng chưa bao giờ anh nói mình là nhà báo để được bỏ qua.
- Giấy tờ của tôi hiện không kèm với người (anh bạn tìm một lối diễn đạt thay cho câu "Tôi mất giấy tờ lâu rồi", để đỡ bị truy vấn thêm), anh cho tôi nộp phạt. Thường thì viên CSGT sẽ hơi ngạc nhiên trước thái độ ấy, và thường họ cũng sẽ ghi biên lai phạt, vì tự ái là chính.
Cũng có lần người CSGT nhận ra anh bạn tôi là nhà báo, mới hỏi vì sao anh không nói ra. Vì “Chỗ anh em, thông cảm được mà…”.
Bạn tôi chỉ cười cảm ơn lần “thông cảm” đó, không giải thích. Đơn giản, với anh việc sử dụng danh hiệu nhà báo cho những việc như thế là vụ lợi. Dù chỉ là thứ vụ lợi rất nhỏ nhặt, kiểu như không phải xếp hàng, miễn phí một số loại vé, được đi vào đường ưu tiên, hay thi thoảng phạm luật mà chỉ bị nhắc nhở…
Có thể nhiều người sẽ cho rằng anh bạn nhà báo của tôi gàn dở, hoặc quá cực đoan. Xã hội của chúng ta tồn tại dựa trên những cái vỗ vai nhẹ nhẹ, những cái gãi vào gan bàn tay khi đưa tay ra bắt. Từ xa xưa cha ông đã có câu “thợ may ăn kẻ, thợ vẽ ăn hồ” để nói chuyện rằng trong quyền hạn thường nảy sinh chút quyền lợi, xem đó là đương nhiên.
Hôm qua, một người bạn vong niên khả kính đăng lên Facebook một thông điệp ngắn, hỏi rằng có ai mua được khẩu trang thì giúp với, anh ấy đi bao nhiêu cửa hàng không mua nổi hộp nào. Chỉ trong một buổi tối, bạn bè khắp nơi nhắn anh không cần phải mua, họ tặng. Có bác sĩ nhắn, “Để em chuyển anh 1 hộp, anh đừng đi xếp hàng mua đấy nhé”. Nghĩa là gì? Việc xếp hàng mua khẩu trang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lây nhiễm virus, và với quan hệ cá nhân, người trong ngành muốn bạn của mình được an toàn.
Những chiếc khẩu trang y tế “hàng chuẩn” (bây giờ người ta gọi thế, sau khi xuất hiện rất nhiều loại khẩu trang kém phẩm chất trên thị trường), được dồn cho các cơ sở khám chữa bệnh – nơi mà nguy cơ lây nhiễm mới là thực sự, và cao. Rất khó mua được khẩu trang y tế ở các hiệu thuốc. Còn ở trên mạng, mức giá phổ biến là 200-300 nghìn đồng/ hộp 50 chiếc.
Tôi không nói rằng những bác sĩ vụ lợi khẩu trang. Dẫu vậy, rõ ràng họ có cơ hội tiếp cận nguồn khẩu trang thuận lợi hơn những người khác. Họ sẽ không tận dụng cơ hội ấy để mua bán kiếm lời, đương nhiên, nhưng 1 đôi hộp khẩu trang cho quan hệ thân thiết thì sao?
Cũng trên cơ sở cơ hội tiếp cận và tự phân phối, ở Cà Mau vừa xảy ra một sự việc đáng buồn. Thày N.V.T. giáo viên một trường THCS huyện Đầm Dơi, ngày 2/2, khi đưa con đi học ở thành phố Cà Mau về, thầy T. ghé dọc đường mua 2 hộp khẩu trang y tế, với giá 130.000 đồng/hộp (50 cái).
Trong hai ngày sau đó, tổng cộng thầy T. đem về bán cho học sinh 20 cái khẩu trang với giá 3.000 đồng/cái.
Giá 1 cái khẩu trang thày T. mua là 2.600 đồng, thày bán lẻ cho học sinh giá 3.000 đồng, tức là “lãi” 400 đồng/ cái. 20 cái khẩu trang đã bán ra, thày “lãi” 8.000 đồng.
Nhưng thế là đủ để người ta tố cáo thày “bán khẩu trang giá cao trục lợi”. Trường báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh. Thày T. phải làm kiểm điểm nhận lỗi, giấy trắng mực đen.
Biên bản làm việc của quản lý thị trường về việc thầy T. bán khẩu trang y tế cho học sinh giá 3.000 đồng/cái. |
- Lãnh đạo bảo mình sai thì sai thôi. Tình ngay lý gian, mình sai mình phải nhận biết làm sao được - Thầy T. thở dài.
Chuyện lên báo, rình rang suốt sáng nay. Không biết có phải vì thế mà cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Minh Luân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết cho biết, ông đã chỉ đạo "không có việc kiểm điểm hay kỷ luật gì cả. Mà chỉ góp ý để thầy T. rút kinh nghiệm, "tránh dư luận hiểu lầm giáo viên đầu cơ khẩu trang bán ra bên ngoài trong thời gian dịch bệnh".
Thôi thế cũng may cho thầy T. Và chắc cũng là bài học đắt giá cho cuộc đời theo đuổi nghề giáo của thày. Thày nghĩ quá đơn giản, là chia sẻ quyền lợi tiếp cận những chiếc khẩu trang quý hiếm đến với những học trò nhỏ (và chắc là nghèo) của mình. Nhưng chính thày cũng đâu có biết, cái giá 130.000 đồng/ hộp khẩu trang mà thày mua, cũng đã đắt gấp mấy lần so với trước…
Chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism) một trường phái triết học ra đời từ thế kỷ 18 ở Châu Âu, cho rằng hành động tốt nhất là hành động đạt được một cách cao nhất những gì được cho là hữu ích, lợi ích. Nếu lợi ích đạt được nhiều hơn cái giá phải trả, thì sẽ được coi là một động thái hợp với luân thường đạo lý, còn không thì sẽ đi ngược lại với đạo lý.
Nếu hiểu theo nghĩa ấy, thầy giáo T. ở Cà Mau đã vô tình thực hiện thuyết vị lợi theo cách đặt quyền lợi của học sinh lên cao hơn thanh danh của mình, cũng như đặt những tính toán cẩn trọng với đồng tiền xuống thấp hơn quy trình của hệ thống.
Virus Corona không phân biệt đối tượng tấn công. Nhưng cơ hội để phòng tránh nó khác nhau, thì là do con người tạo ra đó chứ.