Củng cố tin cậy chiến lược, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Campuchia

(Ngày Nay) - Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam dành ưu tiên cao cho quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Với gần 30 hoạt động, chuyến thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP 12), Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã thành công tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.

Thành công của chuyến công tác tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta dành ưu tiên cao cho mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia; góp phần củng cố tin cậy chiến lược, làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước.

Phát huy vai trò cơ quan lập pháp trong thúc đẩy quan hệ song phương

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Norodom Sihamoni và có các cuộc hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của Campuchia, gồm hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Samdech Hun Manet; hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary.

Tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghị sỹ hữu nghị Campuchia-Việt Nam Samdech Men Sam An; gặp nguyên Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin.

Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc diễn ra trong không khí hữu nghị, thân tình và tin cậy. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, quan hệ gắn bó, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước là tất yếu khách quan, quy luật sống còn, nhân tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh, phát triển của mỗi nước.

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam-Campuchia, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo Campuchia đều đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhấn mạnh, chuyến thăm là minh chứng cho quyết tâm của hai bên trong phát triển quan hệ láng giềng tốt, bạn bè tốt, cùng nhau xây dựng phát triển đất nước; tiếp tục khẳng định sự gắn bó lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia trong các vấn đề quan trọng, từ bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực đến việc tăng cường hợp tác kinh tế-xã hội...

Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định, Campuchia không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Việt Nam trong giai đoạn trước đây cũng như hiện nay.

Trước những thách thức chung của khu vực và toàn cầu, hai nước càng phải gắn bó, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh...; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có và duy trì các cơ chế hợp tác chiến lược; tiếp tục củng cố, gìn giữ, phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam với những biện pháp, cách thức phù hợp, linh hoạt, hiệu quả hơn.

Trên nền tảng vững chắc của truyền thống lịch sử đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện, Quốc hội Campuchia đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary nhất trí phối hợp chặt chẽ, tiếp tục phát huy, thúc đẩy kết quả hợp tác thời gian tới.

Hai bên tiếp tục phát huy vai trò cơ quan lập pháp trong thúc đẩy quan hệ song phương; giám sát, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tích cực triển khai hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động của Quốc hội một cách hiệu quả.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao tặng Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia cho Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Một sự kiện đặc biệt trong chương trình chuyến thăm là lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia, biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị vững bền Việt Nam-Campuchia.

Ông Sok Eysan, người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia, đánh giá các cuộc gặp giữa lãnh đạo Campuchia với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hết sức thân tình. Hai bên chúc mừng những thành quả mà hai nước đã đạt được thời gian qua và tin tưởng mối quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được trao tặng Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự đã khẳng định mối quan hệ giữa Campuchia-Việt Nam luôn được củng cố, tăng cường và mở rộng không ngừng.

Hiện thực hóa mục tiêu chung vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển

Trong chuyến công tác tại Campuchia từ ngày 21-24/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu tại hai hội nghị quốc tế quan trọng, qua đó gửi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Việt Nam trong tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực và thế giới.

Tại ICAPP 12 với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải," Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; ủng hộ những nỗ lực của ICAPP trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Chìa khóa để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột hiện nay là thông qua đối thoại và hợp tác đa phương trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Chia sẻ với lãnh đạo nghị viện, nghị sỹ các nước tham dự IPTP 11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, để xây dựng nền hòa bình, trước hết cần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt giữa các quốc gia, dân tộc; chung tay thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo, bất bình đẳng cũng là cách tạo cơ sở bền vững cho một thế giới hòa bình, bao dung; tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, là phương cách văn minh nhất để ngăn ngừa chiến tranh, xung đột.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết bạn bè quốc tế đánh giá rất cao bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội. Là dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hơn ai hết, Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình và luôn phấn đấu vì nền hòa bình bền vững cho nhân loại, trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết là thành viên của ICAPP, Việt Nam đã tham gia tất cả các kỳ hội nghị của diễn đàn này. Khẳng định việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự ICAPP 12 một mặt thể hiện sự coi trọng vai trò của nước chủ nhà Campuchia, mặt khác cũng thể hiện vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực để có thể phát huy vai trò và đóng góp của mình cho những vấn đề toàn cầu và khu vực, vì một thế giới hòa bình và vì hạnh phúc của nhân loại."

Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu tại IPTP 11 với tư cách khách mời của nước chủ nhà đã thể hiện sự ủng hộ đối với Campuchia, góp phần tăng cường củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước nói chung.

Với nhiều ý nghĩa quan trọng, kết quả chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau; nâng cao hiệu quả, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối giữa hai nước trong thời gian tới; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Campuchia.

Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
Tạo dấu ấn từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Ngày Nay) -  Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
(Ngày Nay) - Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường các giải pháp để chống thi thay, thi hộ như bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
(Ngày Nay) - Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự "đảo chiều" trong quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ
(Ngày Nay) - Quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ đang trải qua một sự đảo chiều mạnh mẽ, chuyển từ hợp tác quân sự sang tập trung vào thương mại dầu mỏ và hàng hóa. Với kim ngạch thương mại tăng đột biến lên 65 tỷ USD vào năm 2023, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga.