Với nhiều thanh niên dân tộc thiểu số, có những hạnh phúc chỉ đơn giản như nhà đầy ngô để ăn, chiếc áo đủ ấm để cả ngày lặn lội đi nương giữa mùa đông giá lạnh. Nhưng hạnh phúc hơn, là được đi học...
_________________
Giấc mơ số hóa của Thào A Phử
Sinh ra ở huyện khó khăn nhất tỉnh Yên Bái, 18 tuổi, chàng trai dân tộc Mông Thào A Phử (huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Phử gác lại ước mơ được đến trường khi chi phí đi học của 6 anh em Phử trở thành gánh nặng quá lớn đè lên đôi vai bố mẹ.
Có nhiều hôm, ngồi giữa núi rừng mênh mông, Thào A Phử thấy mình bơ vơ mắc kẹt giữa thực tế nghèo khó và giấc mơ được xuống núi đi học. “Em muốn thay đổi. Nhìn những anh chị được đi học nghề ở thành phố, em khao khát muốn thử sức xem bản thân mình có làm được không? Em luôn băn khoăn mình có thể vượt lên số phận để kiếm một cái nghề thu nhập cao hơn làm nương không?”, Phử nói.
Ngày mới nghỉ học THPT, Phử đã theo chân một người anh họ xuống Thủ đô với hi vọng sẽ kiếm được một nghề thật chỉn chu để thay đổi cuộc sống. Anh họ Phử học nấu ăn ở một trung tâm dạy nghề giữa lòng Hà Nội, nhưng lúc đó, Phử không có tiền để trụ lại mảnh đất đắt đỏ ấy. Phử buộc phải về quê, lặng lẽ cất đi giấc mơ học tập của mình để bươn chải đủ thứ, loay hoay kiếm tiền trong hai năm mong có chút vốn liếng để bỏ núi xuống thành phố học nghề.
![]() |
Thào A Phử (ngồi giữa) đang hướng dẫn các bạn chỉnh sửa video. |
Rồi cuối cùng, sau bao khó khăn, thử thách, Phử đã làm được. Thào A Phử may mắn được người thân giới thiệu, mách cho Phử đăng kí một khóa đào tạo ngắn hạn về công nghệ ở thành phố. Những thanh niên dân tộc thiểu số như Phử không chỉ được miễn phí tiền học, mà còn được thầy cô giáo dạy cả kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử, cách làm việc nhóm…
Phử kể, “ngày còn ở quê, em chỉ học qua loa excel, word, lập bảng tính… Máy tính vẫn là cái gì đó rất xa lạ. Nhưng em muốn thử...”.
Ở quê, những thanh niên sinh năm 2000 như Phử thường dựng vợ gả chồng rất sớm, cuộc đời quanh quẩn với nuôi lợn, nuôi gà, lên rừng bẻ măng, chặt củi... Người ta học nghề cũng thường chỉ chọn nghề sửa chữa xe máy, học nấu ăn, giúp việc cho các cửa hàng ăn trên phố… chứ chẳng ai băng núi, vượt suối xuống thành phố học về máy tính, công nghệ như Phử.
Nhưng Phử vẫn muốn đi học. Phử thích được tìm hiểu máy tính, di chuyển con chuột, được khám phá thế giới bất tận trong chiếc máy tính có kết nối internet… Hành trình chinh phục giấc mơ số hóa của Thào A Phử bắt đầu từ đam mê đó. Ngày khóa học chính thức khởi động tại Hà Nội, Phử vẫn chôn chân ở Mù Căng Chài, Yên Bái vì cơn bão số 3 ập đến. Làng quê nghèo chìm trong bão lũ, nước lũ tràn khắp núi đồi, sông suối. Sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão không làm chàng trai Mông nhụt chí. Sau khi các bạn đã nhập học được nửa tháng, Phử rời quê, vượt hơn 300 km về Hà Nội nhập học.
![]() |
Thào A Phử (thứ hai từ trái sang) cùng mẹ, chị gái và các cháu. |
Khóa học chuyên dạy các học viên về thiết kế đồ họa 2D, thiết kế đồ họa 3D và Digital Marketing. Một chân trời mới về công nghệ số mở ra trước mắt Thào A Phử. “Em hiểu được các quy trình lập kế hoạch trong kinh doanh, thế nào là Digital Marketing, biết cách dùng một số ứng dụng để làm video quảng cáo, sản xuất video thu hút khách hàng…”.
Sau một năm, từ chỗ lóng ngóng dùng máy tính, không có nghề, giờ Phử đã biết dùng máy tính thành thạo, biết tự mày mò bán hàng và làm video về sản phẩm… Sau khóa học, Phử tự tin ứng tuyển vào nhiều công ty công nghệ, rồi khi đã đủ vững, chàng trai Mông mạnh dạn đứng riêng kinh doanh, sử dụng những kiến thức đã học để bán hàng cho gia đình, đó là bán các loại dược liệu xung quanh nhà mà bố mẹ Phử ươm trồng, hái lượm trên rừng.
“Em muốn thử nghiệm hết các cơ hội ở thành phố, rồi quay về quê hương, hỗ trợ các bạn trẻ đi theo con đường em đã chọn. Con đường bước ra khỏi làng, nắm lấy cơ hội đi học. Chỉ cần được đi học là có thể viết nên câu chuyện tương lai tốt đẹp hơn bên ngoài nương rẫy”, Phử chia sẻ.
Ý chí ham học của chàng trai nghèo Trương Minh Phức
Đi học - đó cũng là khát khao cháy bỏng của chàng trai dân tộc Thổ Trương Minh Phức. Nhà ở vùng sâu vùng xa tỉnh Nghệ An, hoàn cảnh gia đình Phức đặc biệt hơn khi chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ Phức là người đàn bà thuần nông, lại là một người khiếm thính, bà không thành thạo ngôn ngữ kí hiệu nên luôn cần người hỗ trợ khi giao tiếp.
Mơ ước lớn nhất của Trương Minh Phức là có phép màu nào đó giúp mẹ nghe được âm thanh cuộc sống. Mơ ước nhỏ hơn, xếp ngay sau đó, là được đi học.
Trương Minh Phức chia sẻ, “em rất thích vẽ, từ nhỏ em đã muốn làm kiến trúc sư, được vẽ những ngôi nhà thật đẹp, đi thật nhiều nơi ngắm kiến trúc các tòa nhà chọc trời sừng sững...”. Nhưng thực tế, Phức phải giúp mẹ làm nương, hỗ trợ mẹ trong mọi việc vì mẹ khiếm thính.
![]() |
Giấc mơ được đi học của Trương Minh Phức đã thành hiện thực. |
Phức từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ được đi học giữa bộn bề nghèo khó bủa vây. Nhưng như một giấc mơ có thật, Phức được người thân giới thiệu khóa học đào tạo miễn phí của một trung tâm ở Hà Nội. Mẹ động viên Phức đi học, dằn lưng cho con trai một số tiền ít ỏi để lên đường kiếm một cái nghề.
Thành phố Hà Nội đón Phức với vô vàn lạ lẫm, khó khăn. Hành trình đi học của Phức có nhiều ngày nhớ mẹ đến chảy nước mắt, Phức thường xuyên gọi điện về cho mẹ, kể cho mẹ nghe những điều hay đã học… Từ một cậu bé rụt rè, tự ti, Phức dần hòa nhập với cuộc sống thị thành. Sau bao ngày mày mò thâu đêm để luyện vẽ 2D, Trương Minh Phức đã có thể vỡ òa cảm xúc khi thông báo với mẹ: “Con được nhận công ty NPN rồi, mẹ ơi!”.
Bà Lê Trần Thái Hòa, Trưởng phòng nhân sự công ty TNHH Imaging NPN nhớ rất rõ những bước đi vững vàng của Phức. Mỗi bức ảnh mà Phức chỉnh sửa không chỉ đẹp hơn mà còn là dấu mốc trưởng thành của em trong hành trình chinh phục giấc mơ số hóa giữa cuộc cách mạng 4.0. Bà đánh giá rất cao những bạn học viên biết lắng nghe, chăm chỉ làm việc như Phức. Một trong những yếu tố khiến công ty NPN muốn giữ chân các bạn học viên đó là ham học hỏi.
Truyền cảm hứng học tập suốt đời
Sau bao ngày tự hỏi hạnh phúc là gì, làm sao để hạnh phúc hơn, giờ Trương Minh Phức đã cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Hạnh phúc với Phức chính là được đi học, có nghề ổn định nuôi sống bản thân và chăm sóc mẹ tốt hơn.
Trương Minh Phức và Thào A Phử đều là những thanh niên may mắn được tham gia Dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam” do Tập đoàn Lenovo tài trợ, được triển khai bởi Tổ chức Plan International tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục nghề nghiệp (REACH).
Sau một năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: 207 thanh niên độ tuổi từ 18 - 25 tuổi (trong đó 42% là nữ) được tham gia các khóa đào tạo nghề từ 3 - 6 tháng trong lĩnh vực kỹ thuật số. 85% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Dự án tập trung vào các khóa học ngắn hạn thiết kế đồ họa 2D, thiết kế đồ họa 3D và Digital Marketing, cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều công ty công nghệ trong các lĩnh vực như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phát triển web, phân tích dữ liệu... trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Khóa học là nền tảng giúp các bạn trẻ tự động hơn trong việc xây dựng doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Điều phối viên dự án, Quản lý giám sát tại REACH chia sẻ về dự án. |
Dự án đã giúp đỡ rất nhiều thanh niên vùng cao, dân tộc thiểu số có cơ hội được đi học, trong đó, tỷ lệ thanh niên khuyết tật trong dự án này là 6%. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Quản lý Giám sát Viện Reach, điều phối viên Dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số Việt Nam”: Với sự tài trợ của Lenovo, và sự đồng hành của Plan, Viện REACH đã triển khai thành công dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số tại Việt Nam”. Kết quả của dự án không chỉ thể hiện qua các con số, mà còn thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng.
Mỗi người trẻ là một câu chuyện truyền cảm hứng, tất cả đều ham học hỏi và có ý chí kiên cường trong học tập. Không chỉ trong dự án của REACH, cũng không chỉ có Thào A Phử, Trương Minh Phức… mà rất nhiều dự án ý nghĩa nữa đang triển khai, mở cửa đón nhiều bạn trẻ vùng cao khác đi học. Những dự án đều có sự tham gia của nhiều bạn dân tộc thiểu số, nhiều bạn nữ…, góp phần xóa nhòa khoảng cách vùng miền, xóa bỏ định kiến và thúc đẩy bình đẳng giới. Thành công của các bạn trẻ đã và đang trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ về hành trình học tập suốt đời, nỗ lực vươn lên làm chủ tri thức, làm chủ công nghệ, hướng tới tương lai bền vững.