Mập mờ trong khái niệm
Nói về khái niệm “xâm hại tình dục”, TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Khái niệm xâm hại tình dục được hiểu rất rộng chứ không chỉ có hành vi quan hệ tình dục như nhiều người vẫn nghĩ. Xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất kích dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm), nói chuyện về vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục (khẩu dâm), nghe, động chạm, ôm đều có thể được xem là xâm hại tình dục”.
Một trong những nguyên chính khiến cho những vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng đó chính là sự thờ ơ, im lặng của người lớn, thậm chí là của chính nạn nhân.
Từ trước đến nay, nước ta hay dùng từ “lạm dụng tình dục”. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghĩa của từ “lạm dụng” không sát nghĩa với khái niệm của quốc tế sử dụng cho nên sau này đã thay đổi thành “xâm phạm tình dục”. Trong quá trình sử dụng, cụm từ này tiếp tục không phù hợp nên sau khi Quốc hội quyết định thay đổi thì cụm từ “xâm hại tình dục” đã được sử dụng từ năm 2010 đến nay.
Chính vì sự “mập mờ” của phụ huynh về hành vi xâm hại đã dẫn tới việc họ chưa nhận biết được nguy cơ cao con mình sẽ bị xâm hại và xảy ra thực trạng 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình.
Còn im lặng, còn thêm nhiều tội ác
Các chuyên gia cho rằng, số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong những năm qua thực tế chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. TS Trần Thành Nam khẳng định: “Tội phạm xâm hại tình dục có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi, ở cả những vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Tội phạm bây giờ không phải chỉ xâm hại trực tiếp mà còn xâm hại gián tiếp như dẫn dụ nạn nhân, làm quen qua mạng, tặng quà rồi yêu cầu gặp mặt… Không chỉ xâm hại một người mà nhiều người cùng một lúc. Do vậy, con số hơn một nghìn vụ mỗi năm thực chất chỉ là những vụ việc được báo cáo. Rất nhiều vụ bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hay vì lý do khác nhau mà không báo cáo”.
“Xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần”, TS Nam nói.
Đừng để nỗi đau trở nên vô nghĩa
Trước tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục liên tục gia tăng với mức độ ngày càng phức tạp, TS Nam cho rằng, hiện nay, có rất nhiều lỗ hổng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Lỗ hổng đầu tiên phải kể đến đó chính là kiến thức của cha mẹ và của chính những đứa trẻ. Bản thân cha mẹ không nhận thức được các trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Trong khi đó, bản thân các em không được nhà trường và cha mẹ trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình.
Lỗ hổng thứ hai, đó chính là các quy định trong hệ thống luật pháp chưa đưa ra và xử lý các hành vi nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em. Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Do vậy, nhiều người đang bao biện cho hành vi xâm hại tình dục trẻ em bằng những khái niệm khác là trêu ghẹo hay tán tỉnh…
Để khẳng định sự ảnh hưởng của xâm hại tình dục với trẻ em sẽ còn kéo dài, thậm chí cả khi trưởng thành và lập gia đình, TS Trần Thành Nam đã kể hai câu chuyện của hai nạn nhân mà TS Nam trực tiếp là người tư vấn tâm lý.
Câu chuyện đầu tiên là một cô gái 21 tuổi đã từng bị ông ngoại lạm dụng tình dục từ năm 9-12 tuổi. Đến năm 12 tuổi, khi không thể chịu đựng nổi bị lạm dụng và luôn bị ám ảnh về việc này, nạn nhân đã nói với bố mẹ về việc mình bị chính ông ngoại lạm dụng.
Lúc này, bố mẹ nạn nhân đã ly hôn. Khi sự việc được kể ra thì chỉ có bố cô gái tin việc đó, còn mẹ thì không. Bố nữ sinh này đã đứng ra tố cáo. Chuyện này đã gây chấn động trong gia đình em cũng như hàng xóm láng giềng. Ông ngoại em vì xấu hổ đã sinh bệnh. Một thời gian không lâu sau khi bị con rể tố cáo và bị kết tội, ông mất. Từ đây mọi lời nói cay độc, mọi cái nhìn oán giận của họ hàng, dòng tộc đều đổ dồn lên cô gái này. Họ căm giận em, cho rằng chính em đã dựng chuyện bôi nhọ danh dự ông ngoại, làm chia rẽ, tan nát cả gia đình.
Nhưng bi kịch cuộc đời của em vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi bước vào tuổi yêu, nữ nạn nhân này bị ám ảnh bởi chuyện trong quá khứ, luôn phải chịu sự tổn thương về tinh thần nên thường xuyên hành hạ thể xác như tự cứa vào tay để quên đi nỗi đau tinh thần. Cuối cùng, cô tiếp tục trở thành “con mồi” bị người ta lợi dụng để quan hệ đồng giới.
Một câu chuyện khác, một bạn gái là gái bán dâm bị cha dượng xâm hại từ năm 11-12 tuổi. Do bị cha dượng lạm dụng tình dục đã khiến cô gái có cảm giác nhân phẩm của mình bị xúc phạm, rẻ rúng. Sau này, cô gái đã bỏ nhà đi và trở thành gái bán dâm. “Cô ấy nói rằng, dù sao gái bán dâm cũng còn sướng hơn là ở nhà bị cha dượng lạm dụng”, TS Nam chia sẻ.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị lạm dụng tình dục và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành nhân cách sau này. Dù thủ phạm tấn công có bị xử lý trước pháp luật nhưng những sang chấn trong sâu thẳm tâm hồn các em vẫn khó có thể chữa lành.
Do vậy, để giảm thiểu những vụ xâm hại tình dục ở trẻ em đang ở mức báo động như hiện nay, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta cũng cần phải quan tâm, chú trọng đến vấn đề giáo dục giới tính, giáo dục phòng chống xâm hại.