Bóng đen sau cánh cổng trường
Những ngày cuối cùng của năm 2018, dư luận bàng hoàng và phẫn nộ khi có tới hai vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra liên quan đến ngành giáo dục.
Hiệu trưởng Nguyễn Bằng My của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị tố xâm hại hàng chục học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 14 trong nhiều năm. Sự việc càng gây chấn động dư luận cả nước hơn nữa khi đối tượng bị xâm hại đều là học sinh nam. Càng đau lòng hơn khi những vụ việc này diễn ran gay trong trường học, tại phòng làm việc của Hiệu trưởng, với sự tiếp tay của chính các giáo viên trong nhà trường.
Theo lời các em học sinh, ông My thường nhờ các thầy cô giáo gọi học sinh lên phòng để phục vụ nhu cầu bản năng của mình.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My. Tuy nhiên, những hình phạt cũng không thể xóa đi nỗi đau cả về thể xác và tinh thần với các em học sinh.
Trong khi sự việc ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn vẫn còn đang gây rúng động xã hội thì ngày 19/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) cho biết đã bắt tạm giam thầy giáo Hồ Trọng Đăng (35 tuổi, trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai), là Tổng phụ trách Đoàn Đội, Trường Trung học Cơ sở Phan Bội Châu, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai) để điều tra, xác minh về hành vi xâm hại trẻ em. Theo lời khai của Đăng, khi đi qua nhà em L., một học sinh lớp 8, thấy L. đang ngồi chơi trước nhà, Đăng đã vờ nhờ L. chỉ đường đến bệnh viện, sau đó chở em ra phía sau Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ và khống chế để hiếp dâm. Sự việc một lần nữa khiến dư luận không khỏi lo ngại về đạo đức nhà giáo, nhất là sau khi hàng loạt vụ giáo viên bạo hành dã man học sinh bị phanh phui.Bài học xương máu về giáo dục giới tính.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 315 Trường Phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trên 109.000 học sinh nội trú. Vụ việc xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn khiến cho rất nhiều phụ huynh học sinh, đặc biệt là ở các trường nội trú, hoang mang.
Trước vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ phối hợp với các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm minh, đồng thời chỉ đạo quán triệt trong toàn ngành việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo, về phòng chống bạo lực học đường. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tao Phùng Xuân Nhạ khẳng định vụ việc cần được xử lý nghiêm, dứt điểm, đưa ra khỏi ngành. “Một hiệu trưởng như vậy đã gây ra bao lo lắng cho phụ huynh khi có con học tại trường nội trú nói riêng và trường học nói chung. Trường hợp này cần phải lên án, phải có thái độ rõ ràng,” ông Nhạ nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây cũng là bài học xương máu cho việc giáo dục giới tính với học sinh để các em biết cách tự vệ, có kỹ năng phòng chống xâm hại, đối phó khi xảy ra hình huống nào đó với mình. Ông Nhạ cho rằng giáo dục giới tính chính là cái gốc để chống xâm hại tình dục trẻ em.
Vị lãnh đạo ngành giáo dục cũng thừa nhận vụ việc còn cho thấy một mặt trái khác của giáo dục trong các nhà trường, đó là môi trường giáo dục thiếu sự dân chủ, khi học sinh quá sợ hãi mà chấp nhận làm những việc mình không muốn và bị lợi dụng, dùng quyền lực để xâm hại.
“Chúng tôi sẽ có hành động cụ thể để có một môi trường giáo dục trong sạch,” Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
60% trẻ em bị xâm hại bởi người quen
Vụ việc tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn tiếp tục là hồi chuông cảnh báo khẩn thiết về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, đã xử lý hình sự 538 vụ với 579 đối tượng. Tính chất vụ việc, bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, do Ủy ban Quốc gia về Trẻ em tổ chức tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức và xã hội.
Trước những con số thống kê đau lòng về việc trẻ em bị xâm hại, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các cấp ở địa phương cơ sở phải nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm đầy đủ các quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, các ban, ngành cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội; bố trí nguồn lực vật chất và con người cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện.
Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cách dạy con để tránh xâm hại tình dục
1. Quy tắc đồ lót
Tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh NSPCC đã xây dựng một bộ quy tắc được gọi là “Talking PANTS” (Quy tắc Đồ Lót). PANTS là tên viết tắt của năm điều luật dạy con sau:
P – Privates are Private (chỗ kín là riêng tư): Đồ lót là vật giúp con che lại vùng kín của mình, và không ai được phép nhìn hoặc đụng vào những nơi con mặc đồ lót. Trong trường hợp đặc biệt khi bác sĩ, y tá hoặc thành viên gia đình bắt buộc phải làm vậy, họ phải giải thích với con và được con đồng ý trước.
A – Always remember your body belong to you (Hãy nhớ cơ thể của con là của riêng con): Cơ thể của con thuộc về con. Không ai được phép làm bất kì điều gì khiến con không thoải mái hoặc xấu hổ. Nếu có ai tỏ ý muốn đụng chạm và nhìn vào những nơi con mặc đồ lót (vùng kín), hãy lập tức nói “không” và báo ngay với người con tin cậy hoặc bố mẹ con.
N – No means No(Không là không): Không nghĩa là không và con luôn có quyền từ chối người lớn, dù đó là một thành viên trong gia đình hay một người con yêu quý. Con là người kiểm soát cơ thể của con và cảm giác của con là quan trọng nhất. Nếu con không thoải mái và không thích, hãy mạnh dạn nói “không”, vì đó là lựa chọn của con
T – Talk about secrets that upset you (Kể về những bí mật làm con khó chịu): Có những bí mật xấu và bí mật tốt. Bí mật tốt là những thứ làm con vui như món quà bí mật ông già Noel sắp tặng. Còn bí mật xấu sẽ làm con lo sợ và buồn bã. Hãy luôn luôn tâm sự với những người lớn con tin tưởng khi con có bí mật xấu.
S – Speak up, someone can help (Hãy lên tiếng, sẽ có người có thể giúp đỡ): Hãy nói ra những điều làm con lo lắng và sợ hãi. Khi con cảm thấy bồn chồn, lo sợ, hãy tâm sự ngay với một người lớn con tin tưởng, có thể là bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, hoặc một người thân của gia đình.
2. Quy tắc “vùng đồ bơi”.
Theo chuyên gia giáo dục Hoàng Thị Kim Huệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phụ huynh và giáo viên có thể dạy trẻ nguyên tắc “vùng đồ bơi” với một trong các dấu hiệu cảnh báo sự bất thường là người khác nhìn hoặc nói, sờ, ôm vào vùng đồ bơi của con hoặc yêu cầu con nhìn, nói, sờ, ôm vùng đồ bơi của họ.
Cụ thể như sau:
Dấu hiệu 1: Cảnh báo nhìn: Có ai đó nhìn vào “vùng đồ bơi” hoặc họ yêu cầu các con nhìn vào “vùng đồ bơi” của họ.
Dấu hiệu 2: Cảnh báo nghe: Có ai đó nói về “vùng đồ bơi” của họ hoặc của các con.
Dấu hiệu 3: Cảnh báo sờ: Có ai đó sờ vào “vùng đồ bơi” của con hoặc yêu cầu con sờ vào “vùng đồ bơi” của họ.
3. Quy tắc 5 ngón tay
Theo quy tắc này, trẻ có thể chia 5 nhóm đối tượng với 5 cấp độ tương ứng với 5 ngón tay trên bàn tay.
Ngón cái: Có thể ôm, hôn, dành cho người thân ruột thịt trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ, anh chị em ruột.
Ngón trỏ: Có thể nắm tay, dành cho bạn bè, thầy cô, họ hàng.
Ngón giữa: Có thể bắt tay, dành cho người quen.
Ngón áp út: Vẫy tay, nếu đó là người lạ.
Ngón út: Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy với những người xa lạ hoặc người quen nhưng làm trẻ cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.