Hàng ngày, cả ngàn tấn rác không thể xử lý được dồn lại chất đống phía sau nhà máy như một bãi chôn lấp không đảm bảo tiêu chuẩn xử lý rác gây tàn phá môi trường nghiêm trọng hoặc chuyển sang một đơn vị khác xử lý với giá rẻ hơn. Hai “đại gia” rác không làm gì cũng hưởng lợi từ ngân sách thành phố còn các đơn vị quản lý chuyên trách giả lơ như không hề hay biết.
Cả ngàn tấn rác dôi dư hàng ngày không thể xử lý
Công suất thiết kế nhà máy xử lý phân loại rác của Công ty cổ phần Vietstar chỉ 1.400 tấn/ngày, còn công suất nhà máy đốt rác của Công ty Tâm Sinh Nghĩa là 1.000 tấn/ngày. Nhưng hiện nay, Vietstar tiếp nhận lượng rác thành phố đổ về hàng ngày là 1.800 tấn/ngày còn Tâm Sinh Nghĩa là 1.200 tấn/ngày.
Tuy nhiên, năng lực xử lý rác của hai “đại gia” rác này càng ngày càng tồi tệ do hệ thống phân loại, xử lý đốt rác quá cũ kỹ, lạc hậu được lắp đặt từ hơn 10 năm trước. Ngay cả hiện tại, hệ thống xử lý khói của nhà máy xử lý rác của Tâm Sinh Nghĩa đang tạm ngưng để bảo trì nhưng hàng ngày vẫn phải đốt rác, từng cột khói cao ngất trời tuôn trào vào không khí mang theo nhiều độc chất trong đó có cả chất độc dioxin chưa qua xử lý thải vào môi trường.
Không thể xử lý hết lượng rác tiếp nhận hàng ngày nên rác dôi dư cộng với lượng rác trơ được dồn chất thành đống cao như núi rác. Một cán bộ giám sát chuyên môn ở hai nhà máy này tiết lộ hàng ngày bình quân lượng rác dôi dư không thể xử lý được ở mỗi nhà máy của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa từ 200-300 tấn rác.
Công ty Vietstar chứa hàng triệu tấn rác đầy kho phía sau không xử lý. |
Lượng rác này được dồn đống cứ ngày này qua ngày khác tăng dần ở “bãi chôn lấp” phía sau dưới cái tên rất mỹ miều là bãi chứa lượng rác tồn lưu. Cả hai “đại gia” rác đều không có chức năng xử lý rác theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Thế nhưng, thực tế thì lượng rác dôi dư hàng ngày ở Khu liên hợp này theo đánh giá nhiều hơn rất nhiều so với lượng dôi dư bình quân mà cán bộ giám sát tiết lộ. Lượng rác không thể xử lý được hai “đại gia” dồn nén ở bãi chôn lấp khiến nước rỉ rác, mùi hôi thối, độc chất chảy ra môi trường xung quanh, thẩm thấu vào mạch nước ngầm, không khí và nguồn nước mặt.
Một phần rác dôi dư được chuyển đến bãi chôn lấp dự phòng thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM để xử lý.
Tiền chênh lệch xử lý rác chạy vào túi ai?
Như Ngày Nay đã đề cập, hàng ngày lượng rác dôi dư không thể xử lý ở hai nhà máy này được hai “đại gia” đem ra phía sau dồn như một bãi chôn lấp thực thụ, nhưng không tốn chi phí đầu tư và vận hành như một bãi chôn lấp đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Nên có thể nói rằng, hai “đại gia” rác này không làm gì với rác hoặc chỉ làm chút chút xử lý rác cũng được thành phố trả tiền ngân sách cho một khối lượng rác khổng lồ đổ về đó để xử lý rác.
Điều đáng nói hơn, bức xúc hơn, phi lý hơn mà cả người dân và ngân sách thành phố đều chịu thiệt mà theo thông tin điều tra riêng của Ngày Nay, hiện nay mỗi ngày Vietstar tiếp nhận 1.800 tấn rác với chi phí xử lý rác thành phố trả là 20,4 USD/tấn, tổng cộng 36.720 USD (tương đương số tiền 844.560.000 đồng).
Tuy nhiên, Vietstar chỉ xử lý hết công suất được 1.400 tấn/ngày và vận chuyển 400 tấn rác còn lại qua bãi chôn lấp Phước Hiệp của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM xử lý với giá rẻ hơn là 360.000 đồng/tấn (tương đương 15,6 USD/tấn). Phần chênh lệch xử lý rác hưởng từ số lượng rác dôi dư 400 tấn chuyển qua bãi chôn lấp Phước Hiệp mỗi ngày là 1.920 USD (tương đương 44.160.000 đồng).
Mặt trước cổng vào nhà máy Tâm Sinh Nghĩa sạch sẽ để tiếp khách, phía sau là bãi chứa hàng triệu tấn rác lộ thiên không được xử lí. |
Đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, hiện mỗi ngày công ty này tiếp nhận khoảng 1.200 tấn rác với chi phí xử lý rác thành phố trả là 20,38 USD/tấn, tổng cộng là 24.456USD (tương đương 562.488.000 đồng).
Tuy nhiên, theo thông tin điều tra riêng của Ngày Nay, mỗi ngày Tâm Sinh Nghĩa chỉ xử lý được khoảng 900 tấn, phần còn lại khoảng 300 tấn chuyển qua bãi chôn lấp Phước Hiệp của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM xử lý với giá 360.000 đồng/tấn (tương đương 15,6 USD/tấn), phần chênh lệch hưởng từ số lượng 300 tấn rác dôi dư chuyển qua bãi Phước Hiệp mỗi ngày là 1.434 USD (tương đương 32.982.000 đồng).
Như vậy, mỗi tháng ngân sách thành phố chi cho xử lý rác, trong đó có đến một lượng tiền chênh lệch dôi ra là hơn 2,3 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến số tiền khổng lồ hàng ngày ngân sách thành phố trả cho hai “đại gia” này xử lý rác nhưng lại tạo ra những núi rác ô nhiễm phía sau nhà máy tàn phá môi trường.
Số tiền chênh lệch dôi ra mà Ngày Nay đề cập chỉ là con số lẻ nhưng lại là một điều nhức nhối vì nó không phải để xử lý rác mà thực chất nó chạy lòng vòng không biết rơi vào túi những ai, “rác” đang nuôi ai mỗi ngày?!