Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 13h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão ở khoảng 9,2 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 7,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 13 giờ ngày 22/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 120km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách đảo Côn Đảo khoảng 80km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Vùng biển khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5,0-7,0m, theo VOV.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định càng tiến gần vào đất liền, bão số 14 càng có xu hướng đi chếch xuống phía dưới. Điều này xảy ra do bộ phận không khí lạnh ở trên dồn xuống, khiến cơn bão càng ngày càng đi xuống phía nam.
Dù vậy, cơn bão này có diễn biến phức tạp khi thay đổi đường đi liên tục. Sau khi đạt cường độ cực đại là cấp 9, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới cũng do tác động của không khí lạnh.
"Theo dõi ảnh vệ tinh, chúng tôi nhận thấy toàn bộ vùng mây gây mưa và gió mạnh nằm ở phía tây bắc của tâm bão. Vì vậy, trọng tâm gió mạnh sẽ nằm ở vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận", ông Lâm nhận định.
Theo đó, vị chuyên gia cho biết ở thời điểm bão chỉ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 8, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có thể đã xuất hiện gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 do có không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão.
Về mức độ ảnh hưởng đến đất liền, ông Lâm nhận định hoàn lưu bão sẽ gây một đợt mưa cho các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, sau đó mở rộng sang Bình Thuận - Cà Mau và toàn khu vực Nam Bộ. Lượng mưa không quá lớn, dao động 50-150 mm/đợt.
"Điều nguy hiểm nhất ở cơn bão này là khả năng gây ra gió mạnh trên các vùng biển", ông Lâm nói.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông nằm từ vĩ tuyến 7,5 đến 12 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 110 đến 117 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.