Vụ việc bé Nguyễn Bảo V. (4 tuổi), trường mẫu giáo Hoa Ly (xã DliêYa, huyện Krông Năng, Đăk Lăk) bị các bạn trong lớp đánh hội đồng, cào rách khuôn mặt, đá vào vùng bụng và đập đầu bé vào tường vì tè dầm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo trao đổi của gia đình bé V., vụ việc được phát hiện vào chiều ngày 28/12/2015 khi anh Nguyễn Hữu Hải - bố cháu đến trường đón sau giờ tan học. Sau khi yêu cầu nhà trường làm rõ, gia đình đươc biết, cháu V. vì tè dầm trong lớp nên bị 3 bé khác trong lớp đánh hội đồng. Cụ thể, bé V. đã bị 1 bạn nữ là quản lớp, cùng 2 bạn nam đánh. Lúc V. vừa tè dầm, bạn quản lớp lập tức xông vào đánh, 2 bạn còn lại đạp vào bụng rồi cấu mặt, cào vào tai đến rớt bông tai và đập đầu vào tường. Lúc này, cô giáo chủ nhiệm bỏ lớp học để lên văn phòng nộp hồ sơ nên không có mặt để can ngăn.
Sau khi bị đánh hội đồng, bé Vy vẫn trong tình trạng hoảng loạn và không dám tới lớp.
Khuôn mặt cháu V. với nhiều vết cào. Ảnh: Dân trí
Vụ việc khiến nhiều phụ huynh giật mình và nhận ra rằng trẻ đang thiếu và cần được trang bị kỹ năng ứng phó khi bị bạn bắt nạt?
Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu hoc, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dạy trẻ ứng phó với bắt nạt là điều vô cùng quan trọng cần làm. Các phụ huynh cần dạy trẻ cách giữ bình tĩnh, cách xử lý khi bị bắt nạt bằng các tình huống giả định. Khi ấy trẻ nhỏ sẽ biết hành xử sao cho phù hợp mỗi khi bị bạn tấn công.
"Các cha mẹ cần lưu ý trước việc này. Những hậu quả về cơ thể và tâm lý có thể sẽ lớn nếu như chúng ta bỏ qua nội dung giáo dục này. Các cha mẹ có thể đặt ra các tình huống và hỏi con cách xử trí. Khi các bé đã được chuẩn bị trước một số phương án thì việc thoát ra khỏi rắc rối cũng đơn giản thôi", bà Hương gợi ý.
Cũng theo bà Hương, qua sự việc này, điều đáng lo ngại nhất không phải là hạn chế trong giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mầm non mà ở quan niệm sống của phụ huynh và giáo viên. Người lớn áp đặt trẻ nhỏ không biết gì nên việc gì cũng làm hộ trẻ hết. Trẻ không được dạy làm bất kể cái gì thì thường sẽ rất thiếu tự lập, dễ gây ra những sự rắc rối ảnh hưởng trực tiếp đến chúng.
"Theo tôi, đã đến lúc khối mầm non cần xem xét lại chương trình giáo dục trẻ, các cháu cần học cách tự chăm sóc bản thân, tự làm mọi thứ việc. Bọn trẻ cũng cần được giao nhiều việc hơn để tránh khỏi những giờ phút rảnh rỗi không đáng có", bà Hương nói.
Về trường hợp cụ thể của bé V., bà Hương cho rằng, sự vắng mặt của giáo viên trong lớp học khi sự việc xảy ra làm bà có chút ngạc nhiên.
"Theo tôi được biết, trong trường mầm non, mỗi lớp bao giờ cũng có từ 1 đến 2 cô giáo. Ở nước ngoài, việc các cô giáo bận rộn có bỏ đi đâu đó một lát cũng là bình thường. Nhưng lí do rời đi thường là bất khả kháng, ví dụ: một bạn nào đó cần chăm sóc đặc biệt. Ở đây, tôi thấy lớp lại chỉ có 1 cô giáo và cô giáo bỏ đi với lý do không được hợp lý cho lắm", bà Hương giải thích.
Bên cạnh đó, sự việc xảy ra một phần là do cô giáo không dạy các cháu các hoạt động khi không có người lớn ở bên cạnh khiến các cháu cảm thấy quá rảnh rỗi và gây sự với bạn khi thấy có cái mới nảy sinh.
"Tầm tuổi lên 4 thường đã được dạy về việc này để các cháu quen dần với việc sống độc lập. Nhưng thông thường, với tâm lý bao bọc, kể cả phụ huynh lẫn giáo viên mầm non thường làm thay các bé tất cả mọi việc. Vì thế, các bé quá rảnh rỗi, không có việc gì làm, khi không có giáo viên sẽ rất phá phách", bà Hương nói thêm.
Hà An